Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Nam Dao - Vong bản đến từ đâu?


Một bài phỏng vấn Nhà văn Nam Dao (tức giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng), đọc thấy chạnh lòng. Post lại để cho mình đọc. Nguồn: http://amvc.free.fr/Damvc/Nam%20Dao/TapVan/VongBanDenTuDau.htm
 

Chuyện xưa, Trăng Nguyên Sơ
Trăng Nguyên Xưa là một tiểu thuyết in năm 2008 ( NXB Lao Động) vừa ra chào đời thì thì bị bóp cổ ngay [i] . Chuyện xưa, nhưng xin trích  đoạn  một cuộc nói chuyện với Da Màu có đề cập đến vấn đề ông Hà Sĩ Phu đặt ra gần đây. Vấn đề quả thật bức thiết, vì, theo GS  Nguyễn Huệ Chi, tình trạng thoái hóa đạo lý từ vài năm nay đã vượt ngưỡng.
(…)
Phùng Nguyễn (Da Màu):
Tôi có cái hân hạnh được anh cho phép đọc Trăng Nguyên Sơ trong dạng bản thảo trước đây. “Khủng hoảng đạo đức” của xã hội VN là chủ đề/quan tâm lớn nhất của Trăng Nguyên Sơ. Anh có thể chia sẻ cùng độc giả Da Màu cách tiếp cận vấn đề này trong Trăng Nguyên Sơ hay không?  Cũng xin anh nói qua về cái nhu cầu truy tầm vật Bảo Quốc Hộ Dân.
Nam Dao:
Thế Nước có chông chênh, mới phải Bảo Quốc. Dân đen có lầm than cơ cực, mới phải Hộ Dân. Đi tìm, là vì chưa (không) có. Hoặc mất. Đúng như anh cảm nhận, cái mất đó anh gọi là ‘’ khủng hoảng đạo đức’’. Và có tìm lại được, thì mới giữ được Nước, mới đỡ được Dân.
Cuộc khủng hoảng nói trên – hiện tượng ‘’ đạo lý rễu rã’’- đã tác động đến gia đình, đơn vị cơ sở trong nhiều xã hội loài người. Ở đây, tôi xin trích lại báo động Vượt Ngưỡng của GS Nguyễn Huệ Chi cách đây không lâu trong chuyên mục khủng hoảng đạo đức trên Talawas Blog :
Tình trạng vượt ngưỡng: ‘’Sự khủng hoảng đạo đức trong xã hội chúng ta đã vượt khỏi cái ngưỡng mà như một quy ước vô ngôn, mọi xã hội văn minh không bao giờ cho phép vượt. Hãy cứ nhìn vào nhiều ngõ ngách của đời sống, bất cứ vùng miền nào cũng diễn ra như cơm bữa những chuyện nhức nhối mà lý trí thông thường không thể giải thích, đôi khi có cả những chuyện tưởng chừng đã chạm đến bản năng sinh tồn nó phân biệt con vật với con người (mẹ ném con xuống sông, bố giết con, ông giết cháu, con giết bố giết mẹ…)[2] . Phải coi đây là một sự băng hoại không thể xem thường, một cảnh báo về nguy cơ tồn vong của cộng đồng dân tộc.’’
GS Chi đánh giá con vật quá thấp. Thú dữ như beo cọp cũng không giết con ăn thịt, vì tồn sinh của nòi giống là thiên luân. Thế mà…nghe GS kể ở trên….thì chẳng lẽ xã hội Việt Nam mất cả thiên luân, nghĩa là đang trên đà xuống thấp hơn cả loài thú ư? Tôi không nghi ngờ gì lời vị GS khả kính này : muốn kiểm chứng, chúng ta lên mạng tìm báo (như báo Công An ND chẳng hạn) mà xem tin tức đời sống xã hội ở Việt Nam thì rõ.
Hẹp nhất, và gần gũi cho mọi người là gia đình, hình thái sơ đẳng từ những ngày nhân loại biết đứng trên hai chân. Xa hơn, rộng hơn, là bộ lạc hợp thành làng xã, hình thức tổ chức xã hội đến từ nhu cầu cộng sinh hầu có thể tồn tại trước những đe dọa mà tổ chức gia đình không đối phó nổi. Vì chung sống với nhau, phải có ‘’ luật chơi’’. Cá nhân này buộc chấp nhận cá nhân kia, rồi nâng cấp từ cá nhân lên làng xã, quận huyện, vv… Những luật chơi này là ước lệ cộng sinh của những tập hợp đồng thuận. Nếu ‘’luật’’ có thể thành văn, bất biến và không tùy tiện thì ‘’lệ’’, được hiểu ngầm, thường là truyền thống văn hoá trong ứng xử, cũng rất quan yếu. Con người thành hình một thứ đạo lý xã hội giữa những con người với nhau, tôi xin tạm gọi là xã luân. Vì là xã hội con người, nên sự tôn trọng thành tố con người hẳn tất nhiên: gốc rễ của xã luân ắt lấy cơ sở là nhân luân, đạo làm người. Đạo làm người bắt đầu đến từ nhu cầu chung sống, nhưng qua gạn lọc của thời gian, Đạo đó là một tập hợp minh triết tồn tại trong một xã hội.
Hiện nay, những hiện tượng vượt ngưỡng cảnh báo ở trên có, và nguy cơ con người Việt Nam mất ngay cả đến thiên luân đã ló dạng. Đúng là đạo lý đang rễu rã và chúng ta không thể bàng quan đứng ngó rồi lặng thinh im miệng được! Cảnh báo về nguy cơ tồn vong cuả cộng đồng dân tộc phải được xếp hàng đầu trong những lưu tâm về thời cuộc.
Phùng Nguyễn:
Thưa anh, đạo lý rễu rã ra sao, những gì, trong xã hội ‘’hậu chiến’’ hiện nay ? Và tại sao đạo lý rễu rã? Hoàn cảnh tâm lý, lịch sử, và vấn đề văn hóa?
Nam Dao:
Đạo lý rễu rã ra sao? Nhiều lắm, mọi mặt, và trong mọi tầng lớp xã hội. Nhưng xin đơn cử lại cảnh báo của GS Chi : hạt nhân gia đình đang vỡ mảnh, và đã có hiện tượng ông giết cháu, bố mẹ giết con, tức con người mất đến cả thiên luân mà Trời phú cho mọi sinh vật : thiên luân là cách định danh cho cái bản năng bảo tồn nòi giống. Mà không còn thiên luân, thì đánh mất nhân luân-một sản phẩm văn hoá- dễ như chơi, có khó gì. Nhất là một khi xã hội ‘’ lơ ‘’ đi, như ở miền Bắc, chuyện một bé gái làm ô-sin bị nhà chủ hành hạ đến gây thương tật đã hàng chục năm mà tổ dân phố và lân bang hàng xóm làm ngơ cho đến khi báo chí ở Hà Nội phanh phui. Ở miền Nam, phong trào bán con đi làm dâu Đài Loan, Đại Hàn… không gặp phản ứng gì gay gắt. Nhớ thuở xưa, thời 20-40 ở miền Bắc, lấy Tây thì bị gọi là Me Tây. Thời 60-70, trong miền Nam, lấy Mỹ thì bị gọi là Me Mỹ. Thương cho các nàng dâu xứ người thời nay. Họ cũng tủi nhục có kém gì xưa, nhưng có chút an ủi, họ không bị gọi là Me. Xã hội tâng họ lên bà, và các bà về xây cơ ngơi cho cha mẹ, mua đất dựng nhà Từ Đường, đủ làm khao khát bao nhiêu người muốn nhưng chẳng được như vậy. Trong điều kiện tồn tại ngày ngày đủ no đã quá khó, đắm đuối vật dục thật tự nhiên. Phẩm giá tiết hạnh đều là sản phẩm khi bụng không đói, và nhìn về phía trước thấy chút ánh sáng tương lai.
Cách hành xử của mỗi cá nhân dựa trên cơ sở anh (chị) ta kế thừa gì từ giáo dục gia đình, học đường, và những điều mắt thấy tai nghe trong xã hội. Tôi xin phép đưa ra vài nhận xét về vấn đề giáo dục thời ‘’ hậu bao cấp’’, trước khi bàn đến phạm trù xã hội.
Hết bao cấp, miệng lưỡi uốn éo phù thủy thì kêu ‘’xã hội hóa’’ khâu y tế và giáo dục, nhưng thực tế Nhà Nước (XHCN?) duỗi ra, đẩy những khâu vào tay người ‘’ tiêu thụ’’, bắt họ chi trả như mọi món hàng mua qua bán lại trên thị trường. Phải nói, ngay ở những nước Âu-Mỹ tư bản thứ thiệt, y tế và giáo dục vẫn luôn là một loại mặt hàng công tư lẫn lộn, loại hàng có tính xã hội, không thể chỉ mua bán trao đổi như ‘’vật tư ’’. Ở nông thôn, nơi tập trung 80% dân số với thu nhập rất thấp, trẻ em thất học, mù chữ, ngày một đông. Lớn lên, ít học hành, các em đi lên thành thị làm phu phen không cần tay nghề, lương rẻ mạt, không có chế độ an sinh, thậm chí không giấy tờ cư trú, bị bóc lột đến xương tủy trong những doanh nghiệp ngoại quốc đến ‘’ làm ăn’’. Ở thành thị, các em may mắn đi học trường ‘’công’’ cấp trung và tiểu học cũng phải đóng đủ loại phí, thầy cô lại ‘’ khuyến khích’’ học thêm ngoài giờ thì thi mới đậu, cuối năm mới lên lớp…, lấy thêm chút thu nhập đập vào đồng lương chết đói của nhà giáo. Hiện tượng học sinh bị hạ nhục, thậm chí đánh đập nay nhiều, và ngược lại hiện tượng học sinh đánh trả thầy cô cũng không hiếm. Học đường bát nháo, cái học thì hời hợt, học thuộc rồi trả bài, không khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo. Lên cấp đại học, ôi thôi, tình trạng còn thảm hơn. Thi mướn, bán đầu đề thi, và oái oăm thay, không biết đào tạo thế nào mà chỉ vài cái chớp mắt là thạc sĩ tiến sĩ chạy rông đầy đường, danh thiếp nào chìa ra ( với nhau!) cũng ghi bằng cấp, học vị, chân giả lẫn lộn khó lường. Cái học thật, học để hành, không thấy đâu, chỉ vung vít danh thiếp, o e chữ nghĩa rổng tuếch. Tóm lại, học đường nay không phải chỗ nào cũng là nơi khai mở kiến thức, trau luyện con người. Khá phổ biến, học đường nhiều nơi phá phách đến triệt tiêu nhân cách, thui chột đạo lý. Vả lại, nếu khâu Giáo Dục hiện nay không là thất bại nặng nề nhất của Nhà Nước đương quyền thì phải hiểu ra rằng ngu dân là quốc sách ư? Ờ, mà có lẽ thế thật.
Anh sẽ hỏi, thế còn giáo dục gia đình? Ở nông thôn, thu nhập thấp, kiếm cho đủ ăn vẫn là vấn đề sinh tồn hàng ngày cho nhiều gia đình. Làn sóng ‘’hiện đại’’ du nhập những sinh hoạt ‘’ văn minh thị thành’’ vào một môi trường mà thực chất là, như mọi nông thôn trong những nước kém phát triển, khá lạc hậu. Độ vênh này khiến qua TV, phim ảnh…nông dân mơ ước đổi đời, thèm khát những chân trời hứa hẹn, có dịp là bỏ lên Thành Phố, tạo một luồng di dân đáng kể. Con cái lớn lên đi tìm công ăn việc làm ở những khu Công Nghiệp. Luồng di dân về thành thị tạo ra không biết cơ man nào là vấn đề. Sự hình thành những ghetto, đèo vào là tệ nạn của một xã hội khốn cùng tràn lan. Gia đình mất tính ổn định, và những giá trị truyền thống như tình nghĩa, tương trợ xưa là chất keo gắn một tập thể cũng dần dần biến mất.
Ở thành phố, trong cuộc sống xô bồ thị dân, phấn đấu kiếm tiền chiếm hết thời gian. Cha mẹ ít điều kiện dạy dỗ con em, đàn ông tìm ‘’ thư giãn’’ sau công việc, đàn bà thì ‘’ ông ăn chả bà cũng ăn nem’’. Trong nhiều trường hợp, ngoài những nhu cầu ăn, mặc…con em bị bỏ bê, lạc lõng, lông bông, kéo bè kéo đảng, lớn lên với nhau như cây cỏ. Gia đình không chuyển tải được những nội dung đạo đức cơ bản, thậm chí ngược lại, phô bầy cái xấu, cái vô lương, sự phản trắc vô tình bạc nghĩa…Trẻ em cần những mẫu hình đạo đức để úng xử, phân biệt phải trái, hay dở, để hiểu và cảm nhận thế nào là nghĩa, là tình. Giáo dục gia đình trong lớp thị dân hiện nay không đáp ứng được đòi hỏi này. Dỉ nhiên không phải gia đình nào cũng xấu, và không phải môi trường học đường nào cũng rễu rã. Có những gia đình và học đường vẫn cố ngoi lên khỏi cái vũng bùn thời thế. Nhưng hiện tượng khủng hoảng đạo đức có đấy, và dường như ngày một phổ quát nên buộc phải nói, dẫu cần cường điệu. Xin ghi nhớ cho, đạo đức di truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia. Sự băng hoại đạo đức vì thế có khả năng kéo dài, và muốn khôi phục lại, sẽ cần rất nhiều thời gian. Và nước mắt.
Câu hỏi anh đặt, ‘’tại sao đạo lý rễu rã : hoàn cảnh tâm lý, lịch sử và vấn đề văn hóa ?’’, không đơn giản. Nếu muốn trả lời nghiêm túc thì cần một công trình tập hợp những kiến thức về lịch sử cận đại, về dân tộc học, xã hội và tâm lý học. Một người, hai người làm không xuể, chúng ta cần một đội ngũ những nhà văn hoá và khoa học, tốt nhất là cộng tác giữa trong và ngoài nước để khách quan, tránh những thiên lệch cảm tính. Ở đây, tôi chỉ góp chút gợi ý, mong đánh động những ai còn thiết tha với đất nước và cộng đồng dân tộc.
Anh cho phép tôi đề cập ngay hiện trạng một xã hội ‘’hậu chiến ‘’ như anh gọi. Mầm mống khủng hoảng đạo đức có ngay từ thời Việt Nam du nhập đấu tranh giai cấp, bắt đầu với Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc. Con cháu đấu bố, mẹ, ông bà…Đấu ngay ở đỉnh làng, dàn dựng cho dân làng tham gia, căm thù trở thành thuộc tính cuả giai cấp vô sản vùng lên. ‘’ Đạo đức Cách Mạng’’ (ĐĐCM) đào lỗ chôn đạo đức cổ truyền (ĐĐCT) [3], nèn đất, bóp cổ bịt miệng những ai phản kháng, và răn đe chẳng chỉ một đời mà tới ba đời. Hậu quả của khủng bố đỏ: gia đình và làng xã thành xác không hồn, và dưới cái gọi là nền chuyên chính vô sản, gia đình còn đấy nhưng co cụm, lời ăn tiếng nói dè sẻn ngay cả với nhau. Làng xã cũng còn, nhưng lớp cường hào mới có đảng tịch xuất hiện. Chúng bắt đầu quản, rồi phân, nắm cái chia chác trong một xã hội xin-cho, kẻ cho là những kẻ nắm quyền lực chính trị, người xin thì phải …ngoan ngoãn, lớn miệng hô khẩu hiệu… không thì rất có thể mất hộ khẩu, bị bỏ đói. Ức ép đến cùng cực, dân phản đối, ông Hồ ra lệnh ‘’ sửa sai’’, tướng Giáp xin lỗi đồng bào và nạn nhân, nhưng tất cả chỉ ngoài cửa miệng. Cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tiếp tục, ma mãnh hơn, với cuộc Cãi Tạo Công Thương nghiệp. Đồng thời, quyền lực răn đe trí thức qua vụ đàn áp Văn Nghệ Sĩ trong Nhân Văn- Giai Phẩm. Cái sợ bao trùm lên thành phố, lên nông thôn, mọi nơi, mọi chốn, trên mọi tầng lớp xã hội. Muốn yên thân, kẻ khôn ngoan hãy ngậm miệng ăn tiền. Hoặc nói mà ‘’như không nói gì’. Hoặc nói dối, trí trá, nói bóng, kiểu ẩn dụ như con kỳ nhông thay mầu nào vào cũng ‘’ tốt thôi’’. Nếu bực bội quá, thi thoảng xả xú báp bằng cách tiếu lâm, nhưng coi chừng, có ai mà bá cáo…thì cũng phiền. Văn hóa trí trá lên ngôi, và đám có ăn học - tạm gọi là trí thức - thành nha lại gần hết. Nha lại, ắt phải phò chính thống, cúc cung cong lưng trước quyển lực, tức Đảng lãnh đạo. Thời còn chiến tranh, cũng khó mà làm khác đi được trong một Xã hội Trại Lính xếp đặt kiểu hàng dọc mọi quan hệ giữa người với người. Trí thức nha lại ra đời, nhà văn – nhà thơ nha lại ra đời, kẻ thích có quyền thì tiến thân vào phòng Tổ Chức, người thực dụng nhắm ăn cắp thì cố cái chức Thủ Kho để quản, để phân ( gì cũng quản, gì cũng phân, đến phân cũng quản) trong cơ chế bao cấp.
Sau 1975, chính quyền lại rêu rao ĐĐCM hệt như miền Bắc sau hiệp định Genève : Cải Tạo Tư Sản được lập lại, hai ‘’ trận đổi tiền ‘’ là đánh cướp giữa ban ngày, và trầm trọng nhất, chính sách Học Tập Cải Tạo nói một đàng làm một nẻo khiến người miền Nam dí dỏm kêu ‘’ nói dzậy mà không phải dzậy’’. Theo chân người Bắc vào định cư, cách hành xử bị cái sợ o ép nên thành trí trá lan ra như bệnh truyền nhiễm trong miền Nam mới được ‘’ giải phóng’’ . Cái xấu xí ngự trị, sự tốt đẹp biến dần. Nhưng sau thời chiến, hết viện trợ các nước ‘’anh em’’, nay phải tay làm hàm nhai. Nhưng khi đó tầng lớp lãnh đạo mới để lộ ra những yếu kém của thứ tư duy rập khuôn (ôi, rập khuôn thất bại của Liên Xô mới não lòng) và giáo điều hoang tưởng kiểu ‘’ một người cho mọi người và mọi người cho mỗi người’’. Phải phá rào. Phải phân định lại những thành phần kinh tế, chấp nhận kinh tế tư nhân, và khoán sản phẩm. Trong khi khối Xô Viết bước vào khủng hoảng và Đặng Tiểu Bình hô hoán chuyện ‘’mèo trắng mèo đen, mèo cứ bắt được chuột là tốt’’, Việt Nam rón rén đi vào thời Đổi Mới với chính sách ‘’ ba lợi ích’’. Đến năm 90, khi bức tường Bá Linh sụp đổ, cái thượng tầng kiến trúc của ĐCSVN một chân thò ra ngo ngoe chực rơi xuống vực thẳm, chân kia loay hoay móc vào cái rễ cây phong kiến nghìn đời nay thành phương tiện cứu nguy. Thế là người ta mang ‘’ Tư Tưởng Bác Hồ’’ ra làm phao nổi, và bơi qua sông, nhưng bờ bên kia là gì? Là phong kiến đội lốt XHCN. Chiếm được quyền lực rồi, nay phải giữ quyền lực, giữ rịt, giữ như con ngươi của mắt mình, mặc dù mắt có mù loà, và nhìn gà thường là hóa quốc. Tuy không phải là không có người nhìn ra vấn đề, nhưng chỉ chạm đến từ Đa Nguyên là ông Trần Xuân Bách, Bí Thư Ban Thư Ký, người đứng thứ 3 (4?) trong Bộ Chính Trị, phải về vườn. Đa nguyên thôi đã thế, chưa nói đến hai chữ Dân Chủ, hai chữ lập tức được đèo thêm tính từ Tư Sản, con ngáo ộp đã ăn vào tiềm thức sau gần 40 năm ‘’ tẩy não’’. Không thấy củ cà-rốt trước mắt mà roi đã vung lên cao, trí thức-nha lại tức thì rụt cổ, so vai, như thường lệ. Một số nhỏ những trí thức chân chính, với tiếng nói đơn lẻ, đành bó tay ngậm miệng!
Giữa thập niên 90, chính sách Đổi mới và Mở cửa cho phép hình thành một giai tầng trung lưu thành thị. Những doanh nhân muốn thông lọt phải qua hệ giấy tờ hành chính khá nhiêu khê, và thế là buộc phải đút lót quà cáp để, như cá vượt Vũ môn, qua cửa quyền. Cán bộ cấp trung ăn theo, làm giầu, và tạo ra thứ ‘’văn hóa tham nhũng’’, coi chuyện ‘’ đầu tiên’’ (nói ngược) là tự nhiên và tất yếu. Ăn chặn (chứ không phải lao động) là vinh quang, và tiền bất chính thì tuồn vào đầu cơ nhà đất, tạo ra những nghịch lý kiểu đất ở phố Tràng Tiền – Hà Nội ( thủ đô một nước chậm phát triển, sản xuất thô lậu) còn đắt hơn cả đất trong trung tâm Tokyo hay NewYork (là những nơi nổi tiếng mắc mỏ ở những nước tiền tiến).
Nhưng đám Tư Sản đỏ mới ghê. Dĩ nhiên, đất có giá thì dùng quyền lực để chiếm đoạt dưới những chiêu bài rất kêu như xây dựng khu công nghiệp, khu du lịch với sự hợp doanh của Tư bản nước ngoài. Và trong một đất nước mở ra vẫy gọi đầu tư quốc tế, thì chỗ thâm thụt lớn nhất là những công trình tầm cỡ quốc gia ( tỉ như vụ PMU 18, và mới đây là vụ bô-xít Tây Nguyên), vừa gọi đầu tư trực tiếp, vừa đi vay, đi xin viện trợ, cần thì ‘’ bán’’ luôn cũng được! Ai thâm thụt ở tầm cỡ này? Chắc họ phải ở những cấp điều hành cao nhất mà thôi! Chúng ta nhắc lời dân dã : nhà dột từ nóc dột xuống. Đấy là dột. Nhưng tình trạng thật là nhà không nóc, dẫu tôi nào có muốn cường điệu hóa một thảm kịch vốn đã quá tang thương. Thực trạng là, nay trên đất nước của chúng ta, ăn cướp, ăn cắp, ăn chặn vừa hàng dọc từ trên xuống dưới và ở mọi địa phương, vừa hàng ngang với đủ mọi ban ngành, tất cả thành một mạng chân rết chui rúc gậm nhấm đời sống tinh thần và vật chất toàn dân.
Tóm gọn, căn cơ của khủng hoảng đạo đức hiện nay là sự áp đặt cái ``Đạo Đức Cách Mạng`` biện minh và hỗ trợ cho cuộc đấu ‘’một mất một còn’’ của giai cấp vô sản với gia cấp tý sản. Hiểu Marx một cách hời hợt, nhýng biết phýõng pháp tổ chức Lênin, nhất là thấm nhuần cái sắt máu Xtalin-Mao, những ngýời nắm quyền lực ở Việt Nam từ thế hệ cụ Hồ ðến nay ðã đưa xã hội chúng ta vào tình trạng đạo lý rễu rã.
Sáu mươi năm qua, cái nhân danh tập thể đã bóp cá nhân teo tóp. Để tồn tại, cá nhân muốn sống sót phải biết sợ mà tùng phục, phải trí trá với quyền lực và cả với nhau, kẹt thì cố mà ‘’phá rào’’ chui ra. Chui là trên bốn chân, và cứ thế, chẳng chỉ vong thân tha hóa mà còn có cơ nguy ‘’ cầm thú’’ hóa, thậm chí mất cả thiên luân để xuống cấp thành ma quỉ. Trẻ em cần khuôn mẫu. Nhưng hiện nay không thiếu cảnh gia đình tan nát, học đường ung ruỗng, làng xã thành trường giác đấu giữa đám cường hào mới và những người dân đã lầm than từ muôn đời. Trẻ em nhìn, và chúng lấy chi làm mẫu mực cho những hành xử có tính người để xây dựng một xã hội giữa người với người? Khôn chết, dại cũng chết, chỉ biết mới sống. Trong xã hội ‘’ phong kiến mới’’, biết là biết gì? Biết ton hót, dối trá, lừa lọc, biết đội trên đạp dưới. Đạo lý là chuyện trở thành thực dụng thừa cơ nắm quyền, làm giầu, đổi màu như kỳ nhông, và phát thanh những kỷ cương rao giảng mà mặt trái là loại hiện thực nhếch nhác nhiều lúc khó mà tưởng tượng nổi.
Nếp văn hiến cha ông để lại bây giờ còn sót lại được bao nhiêu? Nguy cơ mất văn hoá ngày càng rõ, và so với mất đất mất biển, tai họa này còn có thể hung hiểm hơn nhiều. Vì biển và đất vẫn đấy, sau này còn có thể đòi lại. Nhưng mất văn hoá, là mất mình, thì chỉ còn khả năng bắc thang lên hỏi ông Trời. Đấy là lạc quan. Thực tế có lẽ tệ hơn, nghĩa là rồi cứ thế, ngu ngơ, đến hỏi cũng chẳng biết hỏi gì!
Phùng Nguyễn:
Giải pháp Trăng Nguyên Sơ đề ra để cứu vãn một nền đạo lý rễu rã là gì? Có phải là quay lại cái gốc và sự minh triết của những văn minh cổ (xã hội Mường chẳng hạn)?
Nam Dao:
Tôi viết trong ‘’Vài lời… cho một số phận’’ đã hiển thị trên damau.org:
``…giữa cái môi trường đạo lý rễu rã ( báo chí Việt Nam hàng ngày nói ra rả ), hy vọng tái tạo một xã hội làm người với nhau vẫn còn. Vật bảo quốc hộ dân trong Trăng Nguyên Sơ là ý thức thôi đừng chiếm của người làm tư hữu, tỉ như chiếm nhà, cướp đất, lấn sông, bán biển… thậm chí chiếm hữu cả tình yêu là phạm vi phi vật thể…Quí vị nào đó đọc đúng cung cách lề bên phải ( tức hữu khuynh trong một nền tư bản rừng rú chỉ còn ăn cướp ăn cắp) hẳn phải nhắm một mắt, thấy một chiều, và là chiều dẫn xuống đáy vực. …``
Từ ngày quyết định cầm bút, tôi đã chú trọng vào vấn đề quyền lực, thể hiện phần lớn qua bộ tiểu thuyết lịch sử Đất Trời-Gió Lửa-Bể Dâu. Tương quan giữa quyền lực tập thể (hoặc lạm danh tập thể) và cá nhân con người Việt Nam là một vấn nạn. Cá nhân yếu, nên mới có hiện tượng ‘’đánh hội đồng’’, kéo bè kết đảng trù dập nhau, qui chụp bất kể tình-lý, dối trá, reo rắc hận thù, triệt tiêu cá nhân nhau bằng đủ thứ thủ đoạn… Quyền lực, chủ yếu là quyền lực kinh tài kết cấu vớí chính trị, hiện nay từ Đông sang Tây, thể hiện thế nào? Bằng sự chiếm hữu. Quyền ra tiền, và tiền thì chui vào tay áo các đại gia, nếu không là, thì cũng sát nách, những người nắm quyền lực chính trị. Trong thế giới mất định hướng, nghĩa là bế tắc (cả thế gian này bế tắc, như công văn của Cục Xuất Bản do ông Nguyện Kiểm ký đã ghi nhận), thì nhân danh (và thường là mạo danh) tập thể xã hội, quyền lực bó những con người cá thể vào trạng thái bất lực và rời rạc (vô tổ chức), hô những khẩu hiệu mị lừa, tha hồ khuynh đảo chẳng hiện tại mà còn cả tương lai những thế hệ kế thừa (mắc nợ như ở Việt Nam). Nhưng theo tôi, trên con đường đi tìm vật dục và quyền lực, nhân loại sẽ (hay đang) đi vào những bế tắc không khắc phục nổi.
Sinh ra, cứu cánh của con người là hạnh phúc. Làm sao đạt được đây? Trăng Nguyên Sơ đề nghị gạt đi lòng tham (một trong ba điều Tham-Sân-Si trong đạo Phật), thôi chiếm hữu, quay về trạng thái hồn nhiên thuở trời đất trinh nguyên (rất gần với J.J.Rousseau phương Tây[4], nhưng cách nhìn này đã khởi phát từ nguồn Lão-Trang phương Đông [5]). Nếu mỗi người đều làm như thế, nghĩa là xã hội chấp nhận một văn hóa mới trong đó vật dục không còn là cứu cánh, và đạo lý giữ vai trò trụ cột, thì cuộc truy lùng hạnh phúc mới có cơ thành hiện thực.
Thật ra, cách nhìn này, có thể nói là cách nhìn phản-tư lợi hẹp hòi [6] không mới mẻ gì cho cam, Đức Phật đã giậy từ 4000 năm trước. Gắn vào câu chuyện chủ thể ‘’ tôi ‘’ đi tìm nhân vật truy lùng vật Bảo Quốc Hộ Dân trong vùng người Mường cư trú (Hoà Bình) là cách tôi dựng tiểu thuyết mà thôi, và điều Trăng Nguyên Sơ đề nghị nói trên có thể chẳng liên quan gì đến sự minh triết của văn minh Mường, ngoài cái ý có lẽ chứng ta đừng quên chúng ta từng có một truyền thống Việt-Mường từ bao nhiêu ngàn năm nay. Cái phương sách cơ bản để phục hồi đạo lý, theo thiển ý, là biến cõi nhân gian này thành Cõi Tình, tên chương cuối của TNS. Cái Tình giữa người với người, cái Tình khả đắc vì vượt được bản năng chiếm hữu. Và tôi sẽ in Cõi Tình, bản TNS ở hải ngoại, có thêm vào bản đã in trong nước những điều tôi tạm giữ bí mật.
Tôi không đề nghị chúng ta quay về cách hành xử truyền thống. Nhưng tôi kêu gọi quay về với những giá trị truyền thống như cách Bảo Quốc Hộ Dân. Xin gạch dưới hai chữ giá trị. Vì nếu chỉ quay về truyền thống không thôi, ta quay về lấy quá khứ làm mẫu mực. Thế có nghĩa là từng bước ta ‘’tiến lên’’ xã hội thuộc địa, rồi phong kiến, rồi bộ lạc, rồi….ăn lông ở lỗ sao? Không phải thế, dĩ nhiên. Giá trị là chuyện gạn đục khơi trong, không cứ hô uống nước đầu nguồn là đủ. Về vấn đề đạo lý rễu rã, một nhà thơ đã từng lo lắng về nguy cơ này trên 20 năm trước mới viết cho tôi : ‘’ …bây giờ là ung thư toàn thân, từ đầu đến chân, từ con người đến thiên nhiên, chỗ nào cũng nhiễm độc! ‘’. Như những người sống, dẫu cổ có bật máu, chúng ta tiếp tục gào lên : ‘’ Phải làm gì? ‘’. Nay, cái ngôi nhà thờ tổ không nóc, nước mưa và nước mắt khiến bàn thờ cha ông có cơ mục nát, cột kèo rã rời, sợ chỉ một cơn gió bấc phương Bắc cũng đủ làm sụp đổ. Đợi cho đổ rồi xây lại? Tôi sợ như vậy quá muộn. Có lẽ ta làm sao lợp tạm lại mái, xem cột kèo cái chi còn giữ được thì giữ, cái gì sâu mọt đã ăn rỗng ruột thì quẳng ra ngoài sân rồi châm một bó lửa ném vào. Nhưng chớ quăng bàn thờ tổ. Sau trên dưới 2 ngàn năm, bàn thờ làm bằng gỗ gụ không chỉ vì một trận mưa 60 năm mà tan ra thành hư không được. Rồi, với thời gian, chúng ta từng bước dựng lại cột, chống lại kèo, và khởi công xây mái, xây nhà. Và, chúng ta xây theo tiêu chí những giá trị con người, không hy sinh cá nhân cho tập thể, nhưng cũng không để cá nhân dùng quyền lực tư riêng lũng đoạn cộng đồng xã hội. Vì không là, và không bao giờ muốn, ‘’làm chính trị’’, tôi chỉ xin nói, với tư cách một nhà văn, rằng công việc xây lại ngôi nhà thờ tổ đã cấp thiết lắm rồi. Người nào khuyên tôi hãy kiên nhẫn chờ, tôi sẽ đáp, rất thành thật, tôi không thích chờ chết. Chờ như thế, kinh hoàng lắm! Thà chết ngay còn hơn.
(...)
Hương hoa nhài
...là Chuyện nay, mới xẩy ra, và đang làm rung động những quyền lực già cỗi không sinh khí. Ngày 17 tháng 12 năm 2010 tôi nhận được điện thư  một cậu học trò người Tunisie:
‘’ Cher Prof ( Thưa thầy), em đang sống một cuộc đổi đời cho tất cả đồng bào của em, có cái tên là cách mạng hoa nhài. Nếu không nghe lời khuyên của Thầy mười năm trước, em mà không  về nước  em thì em đã chẳng thể  săn tay xây dựng được một xã hội mới đầy triển vọng. Nó đang nở ra, như những bông hoa của những con người tự do. RB’’.
RB là Rebei Nooman, một sinh viên tôi hướng dẫn làm luận án Thạc Sỉ cách đây 15 năm ( Modèle de Croissance Économique avec Fertilité Endogène, Université Laval, 1996). Sau tôi  giới thiệu RB đi học Tiến Sĩ, và khi anh ra trường, anh hỏi tôi  một lời khuyên. Tôi cân nhắc, rồi bảo ‘’ chớ sống tha phương suốt  đời như tôi, đó là một  cuộc lưu đầy thừa áo cơm nhưng thiếu chút linh hồn đấy!’’.  Khoảng  đầu những  năm 2000, tôi nhận được tin anh hân hoan báo anh nay dạy ở Đại học Tunis, và sau,  cứ vào Tết dương lịch anh  gửi cho tôi những lời chúc tụng. Điện thư của RB cuôí năm 2010  khiến tôi hơi ngỡ ngàng. Anh là người vốn dễ chấp nhận truyền thống, ít khi bày tỏ những bức xúc về xã hội, và ở vị trí một GS  Đại Học - tức thuộc giới tinh hoa – khó mà anh có thể hồ hởi vỗ tay cho những  đổi đời mà tương lai chắc có nhiều bấp bênh. Thật lạ, anh nói đến một xã hội mới với những  con người tự do, và dùng từ cách mạng  thật tự nhiên, như một quá trình tất yếu.
Đáp thư anh, tôi viết : ‘’ Hãy cẩn thận trong những bước tới, chúc các bạn bình an và may mắn’’. Tuần đầu tháng 1 năm 2011, tôi lại nhận tin anh :
`` Cher prof, người Tunisie đã thành công, Ben Ali nay đi tị nạn ở  Arabie Saoudite hôm qua, sau 23 năm độc trị. Chưa bao giờ em tự hào như bây giờ, được làm người có nhân phẩm như một người tự do. Cầu chúc thầy ngửi thấy hương hoa nhài bờ biển bên kia Đại Tây dương. Kính``
Vâng, tôi đã ngửi thấy mùi hương của nhân phẩm và tự do.
Cuộc cách mạng hoa nhài đang lây lan : Moubarak ở Ai Cập ‘’ về hưu’’ sau gần 30 năm trị vì tháng 2 này. Dân hàng chục, hàng trăm ngàn người xuống đường  ở Yemen, ở Jordanie, ở Barhein, ở Iran, ở Algerie, ở Maroc  mà những chế độ độc tài độc trị kéo từ 10 đến 20 năm. Đại tá Khadafi, kẻ nắm vận mạng Lybie trên 40 năm, đang  dùng trực thăng và máy bay quân sự bắn vào người  đi biểu tình, dọa máu sẽ chẩy ở quảng trường Kahir còn nhiều hơn là Thiên An môn hơn 20 năm trước, và tìm cách gây nội chiến để thẳng tay dùng vũ lực mà bất chấp dư luận thế giới. Ở toàn bộ vùng Trung Đông, hiện chỉ chưa có phản kháng ‘’ đông người ‘’ ở lẻ tẻ dăm nước như Arabie Saoudite, Emirats Arabes Unis, Oman, Qatar, Irak, Syrie.
Trong hương hoa nhài hẳn có thoảng mùi bom hơi cay, mùi thuốc súng. Nhưng thoảng thôi. Tiếng ồn ào dọa nạt kiểu Kadhafi sẽ ồn lên, rồi chỉ một chặp, không thể lâu mãi thế được. Nhân loại đang trút bỏ thân phận làm nô lệ mà chủ nhân ông chính là đồng bào cốt nhục  của mình. Cầu chúc cho các bạn ở Trung Đông thật ít tổn thất. Tồn thất ắt có, vì làm sao thay đổi được gì khi chúng ta chỉ biết ăn nhậu, coi bóng đá, xem thi hoa hậu và dự những lễ hội 100 năm cái nọ 1000 năm cái kia. Tôi gửi bức điện thư này cho RB, khi chính phủ đương nhiệm Tunisie đòi Arabie Saoudite trao trả Ben Ali:
‘’ Cher RB. Tout commence bien finira  bien. Và bây giờ chúng ta có thể nói đến tương lai. Vì nếu hiện tại không đổi, thì có gì gọi được là tương lai, phải không bạn’’



[2] Trích Nguyễn Huệ Chi, Tình trạng vượt ngưỡng: Sự khủng hoảng đạo đức trong xã hội chúng ta đã vượt khỏi cái ngưỡng mà như một quy ước vô ngôn, mọi xã hội văn minh không bao giờ cho phép vượt. Hãy cứ nhìn vào nhiều ngõ ngách của đời sống, bất cứ vùng miền nào cũng diễn ra như cơm bữa những chuyện nhức nhối mà lý trí thông thường không thể giải thích, đôi khi có cả những chuyện tưởng chừng đã chạm đến bản năng sinh tồn nó phân biệt con vật với con người (mẹ ném con xuống sông, bố giết con, ông giết cháu, con giết bố giết mẹ…)[1] . Phải coi đây là một sự băng hoại không thể xem thường, một cảnh báo về nguy cơ tồn vong của cộng đồng dân tộc.
[3] Xin tham khảo 1 bài viết tâm huyết của Thiện Ý, ‘’Vì sao đạo đức băng hoại’’ trong Talawas blogs, ngày 21/03/2009.
[4] Trong ‘’Les rêveries d’un promeneur solitaire’’, tham khảo http://fr.wikipedia.org/wiki/rousseau
[5] Lão Tử từng khuyên ta : “Ăn ở giản dị, tự nhiên, ít riêng tư, ít tham dục
[6] Thuyết duy lợi ( utilitarisme) do J. Bentham và J.S Mill khởi xướng cách đây 2 thế kỷ ( tham khảo http://fr.wikipedia.org/wiki/utilitarisme ) nay bị phái Tân-Tự Do ( neo-liberalism) cưỡng chế vào khuôn khổ thuần cá nhân, phủ định tính cộng đồng xã hội, sinh hạ cái quái thai tôi gọi là tư lợi-hẹp hòi trong triết lý chính trị-kinh tế. Từ thời hậu chiến tranh lạnh, với Reagan bên Mỹ và Thatcher bên Anh, tư lợi-hẹp hòi từng bước thành hiện thực. Quyền lực tài chánh không còn giám sát của xã hội đã đưa đến tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay ( xem Tại sao TNS bị cấm? trong đợt bài về kiểm duyệt của damau.org).

“Gia trung hữu bảo…”


Khi Tổ chức New7worlders tổ chức bình chọn những kỳ quan thế giới mới, các nhà quản lý văn hóa và những chủ nhân của di sản Vịnh Hạ Long cũng ra sức tuyên truyền để tham gia cuộc bình chọn này. Kết quả và ý nghĩa của cuộc tham gia này đến đâu xin không bàn luận, mà ở đây, chúng tôi chỉ xin khẳng định lại, từ lâu, không chỉ tổ tiên, cha ông chúng ta mà cả khách nước ngoài cũng đã khẳng định Hạ Long là một kỳ quan rồi.
Từ những ngày Vịnh Hạ Long còn hoang sơ, cổ tích, tổ tiên của chúng ta cũng như­ khách n­ước ngoài, đều đã nhận và cảm Cái Đẹp vô song của một vùng biển đảo, vị trí, ý nghĩa chiến l­ược của vùng Vịnh với muôn hòn đảo trập trùng trên sóng nước mang tên Hạ Long.
Chúng ta bắt đầu từ Nguyễn Trãi, đỉnh cao của văn học Việt Nam Trung đại cũng như lịch sử văn học Việt Nam các thời kỳ.
Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà thơ lớn, anh hùng cứu quốc, danh nhân văn hóa của thế giới. Chẳng biết cuộc đời của ông bôn ba, chìm nổi thế nào mà ông lại đ­ược đến phụ trách ở vùng biển đảo này trong quãng đời phục vụ triều Lê của ông, từ đó, một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp vùng đảo kỳ thú xuất hiện:
Lộ nhập Vân Đồn san phục san/ Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan/ Nhất bàn lam bích trừng minh kính/ Vạn hộc nha thanh đóa thuý hoàn/ Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc/ Phong ba bất động thiết tâm can/ Vọng trung ngạn thảo thê thê lục/ Đào thị Phiên nhân trú bạc loan.”
Dịch là: “Đ­ường đến Vân Đồn lắm núi sao/ Kì quan đất dựng giữa trời cao/ Một vùng biếc sẫm g­ương lồng bóng/ Muôn hộc xanh om tóc m­ượt màu/ Non biển gạn trong tay vũ trụ/ Tim gan chẳng núng sức ba đào/ Trông bờ cây cỏ rờn rờn lục/ Nghe đấy ng­ời Phiên vụng đỗ tàu.” (Theo Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB KHXH, H.1976, trang 312, 322).
Xin hãy đọc tiếp nhận định d­ưới đây: “…Hình như­ Nguyễn Trãi là nhà thơ đầu tiên viết về phong cảnh nên thơ của Vân Đồn, nhà thơ đầu tiên nói về ‘kỳ quan” Hạ Long, và trước ông cũng ch­ưa có nhà thơ nào viết về 1 hải cảng quốc tế của ta…” (Địa chí Quảng Ninh, tập 3, trang 248).
Có lẽ, giá trị nhất và cái quý nhất ở đây chính là chữ Kỳ quan. Nguyễn Trãi đi nhiều và viết nhiều, như­ng khộng phải danh thắng nào ông cũng gọi là Kỳ quan. Vùng Vân Đồn phải là hấp dẫn lắm, thú vị lắm…  hay có gì ấn t­ượng lắm tới mức để cho thi nhân phải thốt lên như­ thế… thì quả là trác tuyệt, đẹp lắm rồi. Năm 1914, một ng­ười Pháp là Leon Haute Feuille đến Hạ Long cũng viết “Tôi sẽ rất hài lòng nếu nh­ư ngư­ời ta nhận ra từ điều tôi thẩm định đơn giản là: Vịnh Hạ Long xếp vào thứ bậc của những kỳ quan thế giới”. Cho nên, câu thơ trên của thi hào Nguyễn Trãi như­ có tính dự báo. Chẳng phải thế mà sau đó mấy trăm năm, cũng cái vùng ‘đất dựng giữa trời cao” đ­ược công nhận là Di sản thiên nhiên của thế giới? Hạ Long đ­ược du khách coi là kỳ quan thứ 8 của nhân loại đó sao?
Năm 1924, trên tạp chí Nam Phong, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến có bài “Chơi Vịnh Hạ Long” đã miêu tả khá t­ường tận cảnh đẹp của vùng một vùng đá n­ước kết duyên này. Đặc biệt, lần đầu tiên, chúng ta thấy cảnh đẹp hang Đầu Gỗ đã đ­ược tả chi tiết qua cái nhìn của một nhà Nho – thi nhân, nhà nghiên cứu. Bằng lối viết văn rất Tây, rất hiện đại của những năm đầu thế kỷ 20, ngôn ngữ tác giả Nguyễn Hữu Tiến, đã đạt đến mức hoàn hảo, trong sáng và cô đọng.
“Ngày 20 tháng 4 năm 1924, tôi (tức Nguyễn Hữu Tiến) cùng với mấy ông bạn là: ông Ngô Vi Liễn, Ngô Vi Lan, Đỗ Đình Đắc, cùng ra chơi Vịnh Hạ Long. (…) Trong khi đêm khuya, bóng trăng khi mờ khi tỏ, mấy anh em bảo nhau đem r­ượu ra để thư­ởng ngoạn cái cảnh đêm ở trên mặt bể, trông ra d­ưới bóng trăng suông thấy các ngọn núi đá chập chồng vòng quanh, n­ước thủy trào (triều) khi lên khi xuống, không biết rằng thuyền đã đi đ­ược bao nhiêu đ­ường đất, mà ta đã v­ượt qua đ­ược mấy vạn trùng non nước rồi! Chỉ thấy tên lái đò trỏ bảo rằng: Kia là đò Lá, cống M­ương, kia là bãi cát Trư­ơng Mò, kia là Hòn Một, kia là Bẩy Giếng, về phía trư­ớc kia là cặp Bìm Bìm, ông Lã Vọng. Lại quá ra nữa là ông Thầy Tiêu, bà Thanh Lảnh. Đó đều là những tên kênh, tên núi, mà ngư­ời mình trông thấy cái hình trạng nó như­ thế nào thì đặt ngay tên nôm nó như­ thế, kể ra thiên hình vạn trạng sao cho xiết đ­ược… (…) Chừng hồi 7h sáng, ngày 21 tàu đến hang Đầu Gỗ. Tới nới mới biết đây chính là Cửa Lục.(…) Đỗng (động) này cũng rộng, khả dung đến nghìn ngư­ời, tạo tác tự nhiên, trạm trổ như­ vẽ, nh­ưng vị tất đã phải là đỗng này. Đỗng này cũng rộng, vào có từng ngăn, đá mọc trông như­ có cột trụ, chạm trổ nhấp nhoáng, có vô số nhũ đá rủ xuống hình như­ miếng khánh, lại có từng bậc đá ở trên trông như­ hình sàn gác, cũng là một cái đỗng thiên tạo tự nhiên tuyệt xảo. Tự d­ưới chân núi b­ước lên non một trăm bậc, rồi mới vào cửa hang, rộng hơn đỗng chùa H­ương nhiều…”
Đặc biệt, nếu chúng ta đọc lại bài viết của tác giả trứ danh cùng thời với Phạm Quỳnh là Nguyễn Văn Vĩnh trong bài ‘Động H­ương Tích” thì thấy cái nhìn của ngư­ời xư­a cũng thật tinh t­ường, khách quan và thẳng thắn. Bởi, có lẽ, vào cái thời gian những năm đầu thế kỷ 20, có ai dám nói Nam thiên đệ nhất động (động đẹp nhất trời Nam) không phải là Động Hư­ơng Tích mà danh hiệu đó dành cho hang động ở Cửa Lục (Hạ Long), thì xin thư­a, ng­ười đó chính là Nguyễn Văn Vĩnh.
Đây là đoạn ông viết cảm nhận của mình tr­ước nét đẹp của động Hư­ơng Tích (Hà Tây): “…Sau cổng có một mảng đá phẳng, đẽo vào s­ườn hang, trên có khắc năm chữ ‘Nam thiên đệ nhất động” của đức Minh Mệnh đề (…). Ý hẳn khi ấy, Ngài ch­ưa ngự các núi Cửa Lục bao giờ, cho nên H­ương Sơn Ngài đã cho làm đệ nhất thắng cảnh” (Việt văn độc bản, lớp 11, Bộ Giáo dục Trung tâm học liệu, Xuân Thiều, Trần Trọng San, 1971. Trang 191).
Trong đoạn này, tr­ước hết, tạm thừa nhận việc tác giả Nguyễn Văn Vĩnh ghi dòng chữ ‘Nam Thiên đệ nhất động” là của đức Minh Mệnh là vì thời đó, ngư­ời ta ch­ưa chứng minh chính xác đ­ược tác giả là ai, nên mới tạm ghi là Minh Mệnh. Bây giờ, các nhà sử học đã chứng minh, đó không phải của Ngài, mà là của Trịnh Sâm, cho khắc năm Canh Dần (1770). Hơn nữa, việc ghi nhận định so sánh của Nguyễn Văn Vĩnh ra đây, không phải để đánh giá, so sánh nơi nào đẹp hơn nơi nào, không phải coi Hạ Long đẹp hơn Hư­ơng Sơn hay ngư­ợc lại, mà nhấn mạnh rằng, vùng Hạ Long – Cửa Lục với những giá trị cảnh quan, vẻ đẹp của hang động, đã đ­ược Nguyễn Văn Vĩnh  cho rằng đây mới là Nam thiên đệ nhất động.
Cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tìm và giới thiệu với  độc giả 5 bài thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương [Xem sách Thiên tình sử Hồ Xuân H­ương. NXB Văn học. Hà Nội, 2002 (tái bản).]
Tuy nhiên, trư­ớc khi đến với thơ của nữ sĩ Xuân Hư­ơng, chúng ta cùng đọc những trang văn mềm mại, uyển chuyển của ông: “… Đặc biệt là huyện Hoa Phong, gồm các đảo trên Vịnh Hạ Long  ngày nay (…) có vô số núi lèn dựng trên mặt n­ước, bờ dựng đứng lên cao, chân bị sóng xoi mòn mà sâu hoắm, thành những hành lang kín mái nấp chung quanh núi. Đỉnh núi đá ghồ ghề, nhấp nhô, bày ra đủ mọi hình dáng: nào lâu đài, nào thầy tăng, nào dũng sĩ, nào con cóc, nào con mèo, nào con thuyền, nào chiếc đũa. Nhiều núi mang hang, động đ­ường hầm, vũng nư­ớc. Đảo tuy riêng rẽ, như­ng số rất lớn đến đồi trông xa t­ưởng liền thành rặng núi chắn ngang. Nếu trời mư­a phùn, hay hơi mù, thì đảo càng xa, trông càng mờ, khiến các đảo lại trở thành riêng rẽ ra thành nhiều từng lớp. Nếu lại thêm bóng xế mặt trời chiều xuống, thì cảnh t­ượng lại càng tuyệt mục. Ban ngày, khi trời nắng sắc nước rất xanh, trông xa lẫn với sắc trời. Ban tối, d­ưới bóng trăng bạc thì sắc trời, ánh nước mờ nhạt sau bóng đá đen. D­ới mái chèo vẫy nư­ớc, thì lại hiện ra cảnh tư­ợng lân tinh n­ước tóe ra nh­ư sao băng…” (sách Thiên tình sử… Trang 181-182).
Cũng qua tập sách này, tác giả đưa ra một số lời đánh giá, ca ngợi Vịnh Hạ Long của 2 ng­ười n­ước ngoài cũng thật thú vị và như­ có ma lực lôi cuốn.
Đây là cảm nhận của một ngư­ời Trung Quốc: “Mùa đông năm Khang Hy thứ 27 (1688) tôi ngẫu nhiên có việc ở Cao Lư­ơng thuộc Quảng Đông. Tôi lấy thuyền đi tắt cho chóng. Không dè bị dạt gió vào ở mép nước An Nam gọi là châu Vạn Ninh (…) Hoa Phong là những hòn đảo. Nhìn tứ phía đều là núi, nhỏn nhon chập chồng. Trăm vạn hình dáng từ đáy bể chỗi vọt lên. Tuyệt nhiên không cát đất, lùm cây, đám cỏ. Chỉ có cây tùng lạ, cây bách cỗi, hình dáng li kì mọc xen kẽ đá bày gân lộ cốt mới v­ợt lên đư­ợc. Ngắm thấy hình hoặc như­ trăm thú vật, như­ dũng sĩ mang áo giáp mũ trụ đang ngồi hoặc như­ đám mây hè, đỉnh mang lửa, đang vụt chỗi lên. Hoặc khi xa thì thấy vậy mà khi lại gần mà không thấy vậy. Hoặc khi khi nhìn thẳng tr­ước thì như­ vậy mà khi nhìn bên nghiêng thì khác vậy. Trong chớp mắt, gió mây biến đổi ảo trạng không chừng…” (Trích Tiểu phư­ơng Hồ trai D­ư địa Tùng sao, tập 3, trang 1159) [sách Thiên tình sử.. Trang 182-183.]
Và đây nữa, cái nhìn của một ng­ười phư­ơng Tây viết Vịnh Hạ Long vào lúc hoàng hôn, cảnh vật trở nên tĩnh lặng, yên ả, gợi chút lo âu như­ ng­ời lính bị lạc trận: “Lúc mặt trời gần lặn thì nh­ư có một hỏa hoạn bùng lên và cảnh trí hỗn độn vĩ đại kia trở thành một khung cảnh tuồng khổng lồ giàn ở tiên giới, vào lúc cực thịnh tr­ước khi đóng màn. Những cảnh sắc để ấn t­ượng sâu hơn là khi ngắm cảnh d­ưới bóng trăng trong, lúc những chim, sinh vật độc nhất ở đây đã ngủ. Cảnh t­ượng trở nên ma thần mộng ảo khi con thuyền len lỏi vào giữa những kiến trúc thất thực của các đảo: lâu đài phòng ngự xây trên cồn đá lem nhem (phải chăng là đảo Ngọc Vừng có đồn Tĩnh Hải được xây dựng từ thời Nguyễn Công Trứ, hiện vẫn còn dấu tích trên đảo?- TG chú) đại từ đường khổng lồ, cột bia ngạo nghễ nghiêng thân sắp đổ đè mình”(J. Auvray, theo Guide Madrolle – Indochine du Nord 1939, trang 54. Trích nguyên văn trang 184, sách Thiên tình sử… của Hoàng Xuân Hãn).
Trở lại với 5 bài thơ chữ Hán về Vịnh Hạ Long của nữ  sĩ Xuân H­ương, riêng bài “Qua vũng Hoa Phong” đã đ­ược giới thiệu nhiều, xin không nhắc lại. Chúng tôi xin trích dẫn  những dòng thơ viết về phong cảnh Vịnh Hạ Long. Ở bài “Trỗi tiếng ca chèo”, biển trời, non n­ước Hạ Long như­ một bức tranh thủy mặc. Đừng tư­ởng Hồ Xuân Hương chỉ có nổi tiếng bởi thơ Nôm, thơ bà chỉ thiên về tình cảm, tình yêu, phê phán xã hội, chọc ngoáy xã hội vì những sự bất công, tệ bạc đối với phụ nữ của xã hội chuyên chế Phương Đông. Bên cạnh đó, còn có  một Hồ Xuân Hương với những vần thơ về non sông đất nư­ớc. Điều này thể hiện qua vần thơ chữ Hán sau của Bà:
Long lanh bốn phía rủ màn mây/ N­ước phẳng lô nhô măng mọc dày/ Mới biết nguồn Đào ngăn cửa đá/ Nào ngờ Bến Cá có đồn xây/ Mặc cho họ Tạ xem đâu hết/ Dẫu có chàng Lâm vẽ chẳng tày/ Xa ngóng chân trời non lẫn nư­ớc/ Bỗng nghe chèo hát trỗi đâu đây” (Chú thích: Tạ Linh Liên thích đi chơi xem non n­ước. Ngọc Vân thích vẽ cảnh non n­ước) (Hoàng Xuân Hãn dịch). Nhìn những ngọn núi nhấp nhô trên mặt biển mà gọi là “măng”, nữ sĩ đã đ­ưa cả cái hình ảnh đồng quê Việt Nam, cái hình ảnh gần gũi thân thuộc, đáng yêu thay cho núi đá rắn rỏi quả thực, hình ảnh đã đư­ợc “mềm hóa” đi mà vẫn giữ đ­ược vẻ đẹp vốn có…
Bài thơ “Phỏng diễn ra trận văn” lại không tả cảnh, mà là một cái nhìn có tầm quân sự chiến l­ược đối với vùng biển đảo như­ lũy giăng để chặn quân thù. “Giữa duềnh thủng thẳng phẩy chèo lan,/ Sát núi càng hay, cảnh lặng nhàn./ Mây cuốn bày ra lèn cứng cỏi,/ Núi cao ngửng ngóng đỉnh toan ngoan./ Bằng Di chống cột  e trời đổ,/ Long Nữ thêm nêu sợ bể tràn./ Dấu ngựa Thủy Hoàng ch­ưa đến đó/ Trời dành để giữ đất ng­ời Nam.” (Hoàng Xuân Hãn dịch).
Tr­ước cảnh núi non, biển trời hùng vĩ, t­ươi đẹp, không chỉ có thi hứng, cảm nhận về cái đẹp, cái hùng vĩ, mà nữ sĩ lại liên t­ưởng, nghĩ đến t­ương lai, vận mệnh đất nước, bảo vệ bờ cõi linh thiêng của dân tộc. Hai câu cuối “Dấu ngựa Thủy Hoàng ch­ưa đến đó/ Trời dành để giữ đất ng­ười Nam” học giả Hoàng Xuân Hãn có một phát hiện quý giá, câu thơ có ý gần giống với ý trong bài “Núi Chiếc đũa” của Hoàng đế Lê Thánh Tông: “Trời còn dành để An Nam m­ượn/ Vạch chước bình Ngô mãi mới vừa.” Những tư­ tư­ởng lớn thường gặp nhau ở chỗ đó. Đứng trư­ớc núi non, biển trời Hạ Long hùng vĩ này, mà nghĩ rằng, đó là đ­ược trời cho để bảo vệ độc lập dân tộc vẹn toàn lãnh thổ, vì sự bình yên cho muôn dân thì Lê Thánh Tông – vị Hoàng đế anh minh thời Lê, thế kỷ 15 khôn ngoan, sắc sảo đã gặp  Hồ Xuân Hư­ơng – một nữ sĩ tài sắc và cũng ngang ngạnh… sinh sống tận thế kỷ 19. Kỳ diệu thay! Thế kỉ 20, trước những biến động và tình hình đầy phức tạp về biển đảo như hiện nay, đọc lại những câu thơ trên thật xúc động và cũng thấy… “cảm hoài”.
Đến đây, bỗng nhớ lại bài “Cư trần lạc đạo” của Trúc Lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc san (xôn?) hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Tạm được dịch nghĩa là:
Ở đời vui với hãy tuỳ duyên
Đói cứ ăn, mệt cứ nghỉ
Trong nhà có vật báu, không phải đi tìm kiếm
Trước cảnh (mà) vô tâm, thì đừng nói chuyện thiền./.

Hà Nội, ngày đầu năm 2010
© 2010 Nguyễn Học
© 2010 talawas

Không thể đưa Tiểu thuyết Lầm than của Lan Khai vào Sách “địa chí Quảng Ninh”


Xin được “rào đón” trước rằng, Địa chí Quảng Ninh (ĐCQN)  là bộ sách lớn, có giá trị, được biên soạn trong nhiều năm, với nhiều tác giả tham gia. Bộ sách giúp ích nhiều cho ban đọc, giới nghiên cứu  trên những bước đường nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất Quảng Ninh yêu mến. Chúng tôi không có ý định săm soi hay “đào bới” bộ sách này, mà quả thực, chỉ xin trình bày những băn khoăn, trăn trở của chúng tôi về tác phẩm Lầm than được đưa vào ĐCQN. Vì, đã hơn 1 năm nay, khi bộ sách này xuất bản, lưu hành, chưa thấy có ý kiến nào nghi vấn về vấn đề sự hiện hiện của Lầm than được đưa vào  trong sách  ĐCQN, từ đó, chúng tôi mạnh dạn mà quyết định viết bài báo này,  hy vọng được trao đổi, học tập từ để từ đó, làm rõ hơn những “nghi vấn” của mình.
 Tiểu thuyết Lầm than của Lan Khai, được đưa vào giới thiệu trong tập 3, chương 3 (Văn học), phần mục III, văn học hiện đại Quảng Ninh với 24 dòng, từ trang 271 đến trang 272. Điều đầu tiên, chúng tôi thấy, những nội dung của 24 dòng trên giống và cơ bản giống với những gì mà Từ điển Văn học Việt Nam đã viết. Không biết tác giả biên soạn bài này đã tham khảo, nghiên cứu và đọc cuốn “Từ điển văn học” (Đỗ Đức Hiểu chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1983, từ trang 376 đến trang 377) kĩ càng như thế nào, nhưng qua đối chiếu, chúng tôi thấy, gần như, ĐCQN đã “kế thừa” có tính gần như nguyên vẹn sách Từ điển văn học, mục “Lầm than” do phó giáo sư Nguyễn Hoành Khung viết…? Nếu không tin, xin mời đọc giả hãy mở cuốn Từ điển Văn học mà đối chiếu với ĐCQN thì thấy rõ điều đó
Và có lẽ, sự việc bắt đầu từ bài viết trong Từ điển văn học này.
Trước hết cần thừa nhận rằng, Lầm than (ban đầu lấy tên là Địa ngục), công bố năm 1938,  tác phẩm được hình thành trong thời gian nhà văn vừa dạy học vừa viết văn ở tỉnh lị Tuyên Quang, từ 1929 đến 1933 là một tác phẩm chủ yếu viết về đời sống của công nhân thợ mỏ. “Lầm than có thể xem là một trong những bản án đanh thép tố cáo chế độ thực dân xâm lược Pháp trên đất nước ta thế kỉ XX. Và như vậy, Lầm than tự nó trở thành  một tượng đài kỉ niệm về cuộc đời thợ mỏ trong thời kì lịch sử “khổ nhục nhưng vĩ đại” của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam (Trần Mạnh Tiến. “Nhìn lại Lầm Than của Lan Khai” Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2004, trang 94). Nếu như nói “Lầm than là tác phẩm văn học phản ánh rõ nét đời sống của công nhân thợ mỏ Việt Nam đầu những năm đầu thế kỉ 20, “tác giả của Lầm than đã hướng tầm nhìn của mình tới thế giới người thợ (đặc biệt là thợ mỏ) trên toàn đất nước.
Do đó, điển hình của Lầm than không chỉ bó hẹp ở một vùng rừng núi phía bắc” (Trần Mạnh Tiến, Lầm than, sđd, trang 26),  thì hoàn toàn chính xác. Nhưng khi đặt nó vào một bộ sách mang rõ tính địa chí của một tỉnh cụ thể là Quảng Ninh thì hình như có vấn đề để bàn. Hơn nữa, viết một câu văn nghe tưởng như cụ thể nhưng lại rất mơ hồ, thiếu chứng cứ như “Thuật, thợ mỏ Hòn Gai”  trong ĐCQN thì hoàn toàn không có cơ sở. Sách Từ điển văn học viết cụ thể hơn “Thuật là thợ mỏ Hòn Gai…’
Có lẽ, sai lầm bắt đầu từ Từ điển văn học. Đọc lại tiểu thuyết Lầm than, chúng tôi thấy, không có chữ nào, câu văn nào, đoạn văn nào nói Thuật là thợ mỏ Hòn Gai (hoặc Thuật đã từng làm thợ mỏ ở Hòn Gai, rộng hơn, Thuật có quê ở Hòn Gai). Và cũng khó tìm thấy một “chỗ dựa” nào để xác minh cho sự khẳng định này.
Xin hãy đọc kĩ lại tiểu thuyết  Lầm than. Gần đây nhất, tiến sĩ Trần Mạnh Tiến công tác ở khoa Ngữ Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu, và cho xuất bản, tái bản nhiều bài nghiên cứu có giá trị và nhiều tác phẩm của Lan Khai, trong đó, có tái bản cuốn Lầm than (- chuyên khảo và tác phẩm. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Hà Nội 2004).  Bạn đọc có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận tác phẩm.
Rõ ràng, theo tiểu thuyết Lầm than, Lan Khai chỉ giới thiệu quê hương bản quán của Thuật: "Là một anh con trai nhà quê mới mười chín, hai mươi (...) Trước kia, Thuật vẫn ở quê tận vùng Nam Định để trông coi mấy sào ruộng cho bố” (Lầm than sđd, trang 73, ).
Và cái mỏ nơi Thuật làm việc cũng chẳng phải Hòn Gai, Hồng Gai nào cả…  Hơn nữa, người viết chương văn học,  đưa ra cái địa danh Hòn Gai này, phần nào đã “bắt vít” cái tên Thuật vào cạnh cai tên Hòn Gai như trên phải chăng như muốn chứng minh rằng, cái không gian trong tiểu thuyết Lầm than là ở Quảng Ninh?.
Phải chăng đã có sự nhầm lẫn?
Trong tiểu thuyết Lầm than, có một số tên địa danh ở Quảng Ninh đôi lúc xuất hiện, song tất cả các địa danh đó hiện dường như chỉ là những cái tên được mô tả trong sự hồi cố, về một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và cũng không liên quan nhiều đến tuyến nhân vật chính là Thuật, Tép... 
Tuy nhiên, cũng thừa nhận, những cái tên về các mỏ than trùng với tên thuộc vùng đất Quảng Ninh lúc đó hiện ra trong tâm tưởng của cả chủ mỏ và thợ mỏ đều là trong những nỗi ‘rùng mình”, ghê sợ, chất chứa đầy sự bóc lột và lưu manh, đểu cáng... 
Đây là một ví dụ: “Lão Cu Tị lại hút thuốc phiện. Tứ kể lể mãi cho ông già nghe cái lai lịch và mánh khóe làm tiền của hắn khi hắn còn làm ở các mỏ khác như Phấn Mễ, Uông Bí, hoặc Vàng Danh” (Lầm than, sđd trang 81). Và dưới đây là đoạn đối thoại giữa Thuật và Dương, cái tên Vàng Danh là một nỗi kinh hoàng đối với Dương: “Dương làm mặt thông thạo (nói với Thuật):
-         Có thế mà đã sợ! Chả bù với tôi khi bắt đầu đi làm, vớ ngay phải mỏ Vàng Danh, có những của lò sâu hàng mười thước tây một ấy! Ghê quá đến bây giờ mà nghĩ lại hãy còn hốt...” (Lầm than, sđd, trang105 ).
 Những cái tên Uông Bí, Vàng Danh trong hai tình huống trên thì không thể dựa vào đó để mà kết luận có liên quan đến Hòn Gai. Dẫu chúng ta có thắp đuốc cũng không tìm thấy chỗ nào tác giả Lan Khai viết cái không gian Thuật làm việc, hoặc quê quán Thuật, hoặc Thuật đã có thời gian làm việc ở Hòn Gai.
Có vẻ như, để cố tình nhận tiểu thuyết Lầm than về với Quảng Ninh, mà tác giả viết chương văn học hiện đại này đưa ra câu chốt “Thuật, thợ mỏ Hòn Gai” chăng?. Hay là vì quá tin vào Từ điển văn học Việt Nam nêu trên mà người ta đã không tra cứu lại, không nghi ngờ gì về tính xác thực của nó? Câu trả lời xin dành cho chính tác giả đưa Lầm than vào ĐCQN.
Vậy tiểu thuyết Lầm than mô tả cảnh sinh hoạt của thợ mỏ trong không gian nào, vùng nào?
Đọc phần Phụ lục trong sách “Lầm than” đã dẫn ở trên, ở cuối sách có đoạn hồi kí của bà Hà Thị Minh Kim (1909 – 1999, quả phụ của nhà văn Lan Khai) với tựa đề  “Truyện “Lầm than” của chúng tôi” đã một phần làm sáng tỏ bối cảnh, thời gian sáng tác tiểu thuyết Lầm than của nhà văn Lan Khai.
Qua hồi kí, bà Hà Thị Minh Kim đã kể lại những chặng đường gia đình nhà văn Lan Khai đã sống trong thời kì “Lầm than’, sự ra đời của tiểu thuyết Lầm than, hơn nữa, cũng là những kỉ niệm với nhà văn Lan Khai và các bạn bè của ông...
 Bà Hà Thị Minh Kim viết “...Tại Tuyên Quang, gia đình tôi sống trong căn nhà lá năm gian hai trái, xóm Gốc Nhội, gần đình Xuân Lôi, tại khu phố Xuân Hòa cùng với nhiều gia đình thợ thuyền và phu mỏ họ từ nhiều tỉnh miền trung và miền xuôi tới đây kiếm sống. Lan Khai từng ở đây từ năm lên 8 tuổi và theo học tiểu học. Lúc rỗi rãi anh hay la cà vào chơi trong khu mỏ. Đây là khu phố thấp bên bờ sông Lô năm nào cũng ngập lụt, kề với mỏ than kéo dài từ chân núi Cố đến gần bến Tân Hà, phía bên kia sông là mỏ kẽm Tràng Đà. Khi đã có gia đình, sau giờ đọc sách, dạy học hay vẽ tranh, Lan Khai vẫn thường lui tới khu mỏ xem phu đào than trong các hầm lò, giáp mặt với các ông cai, ông kí người Việt, tiếp xúc với cả ông chủ nhất, chủ nhì và đốc công Tây vì anh thành thạo tiếng Tây... Lan Khai từng chứng kiến những nạn sập lò, cảnh cai thầu, chủ mỏ đánh đập những phu than như súc vật, cả những chuyện bọn quan Tây cưỡng ép người mình. (...)  Nhiều đêm, anh thức trắng bên ngọn đèn dầu, ghi ghi chép chép những cảnh éo le, những kiếp đói nghèo, cả những chuyện hỗn độn trong khu phố có các gia đình phu mỏ. Ngày ấy, cả tỉnh Tuyên Quang mới chỉ có một nhà thương nhỏ, chỉ có vài thứ thuốc đau bụng và sốt rét với dăm thầy thuốc. Ai đau nặng thì phải xuôi thuyền xuống Phủ Đoan chạy chữa. Tuần nào cũng có phu than chết vì bệnh nạn. Từ hiện thực cuộc sống đó, từ những nỗi đau của người dân nô lệ, người dân mất nước, sống trong cảnh “lầm than” đó, đã “ đưa Lan Khai tới sự thai nghén chân dung cuộc sống Lầm than trong nghệ thuật ngay từ năm 1929 đến đầu những năm 30” (Lầm than phần Chuyên khảo,  Trần Mạnh Tiến sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu.  Sách đã dẫn, trang 22).
 Chúng ta lưu ý rằng, thời kì thuộc Pháp đó, trên đất nước ta không chỉ có vùng Đông Bắc  có than, có phu mỏ mà ở vùng Tuyên Quang (quê nhà văn Lan Khai) cũng diễn ra sự khai thác mỏ, bóc lột công nhân nghèo rất mạnh mẽ của thực dân Pháp.
 Dựa vào nguồn tài liệu "Lịch sử Đảng bộ Thị xã Tuyên Quang", tập I, Thị ủy Tuyên Quang xuất bản, trang 9- 14)/’ tiến sĩ Trần Mạnh Tiến cho biết thêm “Năm 1905 thực dân Pháp cho tiến hành khai thác mỏ than Tuyên Quang,  “mỗi năm thu hàng chục tấn than... Riêng năm 1939, theo Báo cáo của Maron chuyên gia kế toán: Ngày 30/6/1930 đã sản xuất được 26.271 tấn than với số lãi 610.803 fơrăng” (Lầm than, Sđd 22).
Vẫn theo dòng hồi kí của bà quả phụ Hà Thị Minh Kim, chúng ta biết thêm về những nguyên mẫu thực trong đời sống thực được nhà văn đưa vào tác phẩm nghệ thuật. Họ cũng chính là những người công nhân mỏ khổ cực, sống trong giai đoạn cả dân tộc bị lầm than, cuộc sống và cuộc đời của họ chính là chất liệu hôi hổi cho nhà văn trong việc đưa hiện thực đời sống vào tác phẩm.
 Bà Kim viết: “Những người trong truyện như ông già Tị, anh Thuật, chị Tép, bác Dương, chú Lộc, chú Thông, cụ Mẫn, anh Nhỡ kể cả mấy người trong Hội kín đi tuyên truyền giác ngộ phu than, đều là những người quen thuộc hay lui tới gia đình nhờ thầy mẹ tôi trị bệnh. Riêng cô Tép tên thực là chị Tiên, sinh ở Kim Xuyên nhưng gốc mạn Hải Dương, anh Thuật tên là Thật, người vùng Nam Định, chú Lộc, chú Thanh là người xứ Thanh... Anh Thật  sau vướng bệnh lao mất sớm, chị Tiên mãi tới năm 1965 còn thăm hỏi tôi”.
Như vậy, chí ít là những nhân vật chính nguyên mẫu của nhà văn Lan Khai là công nhân mỏ quê không ở Quảng Ninh, làm việc ở mỏ không thuộc Quảng Ninh, mà họ có quê quán tận những Nam Định, Hải Dương, vì cuộc sống, họ phải tụ tập về cái đất Tuyên Quang, để “vào chỗ chết để giành lấy sự sống”.
Qua hồi kí trên chúng ta thấy, những nhân vật anh Thuật, cô Tép, chú Thông... đều là những nguyên mẫu có thật, có quan hệ với tác giả Lan Khai, chứ không phải nhân vật 100% do Lan Khai hư cấu. Đặc biệt, quê hương bản quán của họ không ở Quảng Ninh, cũng không sống và làm việc ở Quảng Ninh (trừ nhân vật Dương, có một thời kì làm ở mỏ Vàng Danh).
Từ lúc thai nghén, hình thành bản thảo, đến lúc Lầm than ra đời, có thể nói, Lan Khai lấy vùng mỏ Tuyên Quang, con người công nhân mỏ lầm than ở Tuyên Quang quê hương ông để làm nguyên mẫu, làm hình tượng nghệ thật, “diễn tả cho đúng hệt con người” cộng với sức tưởng tượng, có ý thức giữ gìn sự trong sáng tiếng nói của dân tộc, Lan Khai đã sản sinh ra tác phẩm Lầm than. Theo như sự mô tả của Hải Triều, đây là “Một tác phẩm đã đem lại cho tôi vài ý nghĩ về văn chương giữa một bầu không khí phảng phất mùi thuốc súng”. Mặc dù, trong tiểu thuyết Lầm Than, Lan Khai không tường tận cho chúng ta biết  cái không gian cụ thể trong tác phẩm là ở tỉnh nào, địa phương nào, nhưng rõ ràng, dựa trên những tư liệu hiện còn, trên sự hồi cố của quả phụ nhà văn thì, Lầm than không thể viết ở Quảng Ninh và cũng không thể viết về con người Quảng Ninh, đời sống người công nhân mỏ ở Quảng Ninh vào những năm đầu thế kỉ 20 được.
Cái không gian tiểu thuyết, con người, nhân vật trong tác phẩm Lầm Than thuộc về cả dân tộc, thuộc về những người thợ mỏ lầm than, cơ cực thuở trước... “Họ sống lầm than và chết cũng lầm than. Đồng lương họ làm ra vô cùng rẻ mạt, lại bị bớt xén bằng nhiều thủ đoạn. Con người lao động dường như chỉ còn lại cái bản năng sinh vật. Đó là sự thực trong trong nhiều hầm mỏ  thời thuộc Pháp mà mỏ than Tuyên Quang là một minh chứng sống” (Trần Mạnh Tiến, Lầm than, Sđ dẫn trang 29).
Cái nguyên mẫu và cái không gian hiện thực để từ đó hình thành nên tiểu thuyết Lầm than là tỉnh Tuyên Quang chứ không phải tỉnh Quảng Ninh.
Đặt tiểu thuyết Lầm Than vào một bộ sách có tính chất địa chí như ĐCQN, bên cạnh những tác phẩm văn chương đích thực của người Quảng Ninh, về Quảng Ninh như Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Vùng Mỏ của Võ Huy Tâm, một số truyện ngắn của nhà văn Nguyến Công Hoan... thì liệu các nhà soạn ĐCQN có “ bước nhầm chân vào vườn rau nhà khác” hay không?.  Bởi vì, đọc kĩ Lầm than, nếu cứ cố tình để tìm chi tiết nào có liên quan đến Quảng Ninh thì thật mong manh và mơ hồ lắm. Nên chăng, chúng ta cần bàn bạc và suy nghĩ kĩ về tác phẩm này. Dù sao đây cũng chỉ là một nghi vấn văn học, với kiến văn, nguồn tài liệu và thời gian nghiên cứu còn hạn chế, song chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra đây, rất mong nhận được ý kiến của độc giả, ý kiến của tác giả viết phần văn học hiện đại Quảng Ninh trong bộ ĐCQN, tập 3.
Theo Báo Hạ Long (Cơ quan của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh), ngày 20/11/2004

Xin được “rào đón” trước rằng, Địa chí Quảng Ninh (ĐCQN)  là bộ sách lớn, có giá trị, được biên soạn trong nhiều năm, với nhiều tác giả tham gia. Bộ sách giúp ích nhiều cho ban đọc, giới nghiên cứu  trên những bước đường nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất Quảng Ninh yêu mến. Chúng tôi không có ý định săm soi hay “đào bới” bộ sách này, mà quả thực, chỉ xin trình bày những băn khoăn, trăn trở của chúng tôi về tác phẩm Lầm than được đưa vào ĐCQN. Vì, đã hơn 1 năm nay, khi bộ sách này xuất bản, lưu hành, chưa thấy có ý kiến nào nghi vấn về vấn đề sự hiện hiện của Lầm than được đưa vào  trong sách  ĐCQN, từ đó, chúng tôi mạnh dạn mà quyết định viết bài báo này,  hy vọng được trao đổi, học tập từ để từ đó, làm rõ hơn những “nghi vấn” của mình.
 Tiểu thuyết Lầm than của Lan Khai, được đưa vào giới thiệu trong tập 3, chương 3 (Văn học), phần mục III, văn học hiện đại Quảng Ninh với 24 dòng, từ trang 271 đến trang 272. Điều đầu tiên, chúng tôi thấy, những nội dung của 24 dòng trên giống và cơ bản giống với những gì mà Từ điển Văn học Việt Nam đã viết. Không biết tác giả biên soạn bài này đã tham khảo, nghiên cứu và đọc cuốn “Từ điển văn học” (Đỗ Đức Hiểu chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1983, từ trang 376 đến trang 377) kĩ càng như thế nào, nhưng qua đối chiếu, chúng tôi thấy, gần như, ĐCQN đã “kế thừa” có tính gần như nguyên vẹn sách Từ điển văn học, mục “Lầm than” do phó giáo sư Nguyễn Hoành Khung viết…? Nếu không tin, xin mời đọc giả hãy mở cuốn Từ điển Văn học mà đối chiếu với ĐCQN thì thấy rõ điều đó
Và có lẽ, sự việc bắt đầu từ bài viết trong Từ điển văn học này.
Trước hết cần thừa nhận rằng, Lầm than (ban đầu lấy tên là Địa ngục), công bố năm 1938,  tác phẩm được hình thành trong thời gian nhà văn vừa dạy học vừa viết văn ở tỉnh lị Tuyên Quang, từ 1929 đến 1933 là một tác phẩm chủ yếu viết về đời sống của công nhân thợ mỏ. “Lầm than có thể xem là một trong những bản án đanh thép tố cáo chế độ thực dân xâm lược Pháp trên đất nước ta thế kỉ XX. Và như vậy, Lầm than tự nó trở thành  một tượng đài kỉ niệm về cuộc đời thợ mỏ trong thời kì lịch sử “khổ nhục nhưng vĩ đại” của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam (Trần Mạnh Tiến. “Nhìn lại Lầm Than của Lan Khai” Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2004, trang 94). Nếu như nói “Lầm than là tác phẩm văn học phản ánh rõ nét đời sống của công nhân thợ mỏ Việt Nam đầu những năm đầu thế kỉ 20, “tác giả của Lầm than đã hướng tầm nhìn của mình tới thế giới người thợ (đặc biệt là thợ mỏ) trên toàn đất nước.
Do đó, điển hình của Lầm than không chỉ bó hẹp ở một vùng rừng núi phía bắc” (Trần Mạnh Tiến, Lầm than, sđd, trang 26),  thì hoàn toàn chính xác. Nhưng khi đặt nó vào một bộ sách mang rõ tính địa chí của một tỉnh cụ thể là Quảng Ninh thì hình như có vấn đề để bàn. Hơn nữa, viết một câu văn nghe tưởng như cụ thể nhưng lại rất mơ hồ, thiếu chứng cứ như “Thuật, thợ mỏ Hòn Gai”  trong ĐCQN thì hoàn toàn không có cơ sở. Sách Từ điển văn học viết cụ thể hơn “Thuật là thợ mỏ Hòn Gai…’
Có lẽ, sai lầm bắt đầu từ Từ điển văn học. Đọc lại tiểu thuyết Lầm than, chúng tôi thấy, không có chữ nào, câu văn nào, đoạn văn nào nói Thuật là thợ mỏ Hòn Gai (hoặc Thuật đã từng làm thợ mỏ ở Hòn Gai, rộng hơn, Thuật có quê ở Hòn Gai). Và cũng khó tìm thấy một “chỗ dựa” nào để xác minh cho sự khẳng định này.
Xin hãy đọc kĩ lại tiểu thuyết  Lầm than. Gần đây nhất, tiến sĩ Trần Mạnh Tiến công tác ở khoa Ngữ Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu, và cho xuất bản, tái bản nhiều bài nghiên cứu có giá trị và nhiều tác phẩm của Lan Khai, trong đó, có tái bản cuốn Lầm than (- chuyên khảo và tác phẩm. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Hà Nội 2004).  Bạn đọc có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận tác phẩm.
Rõ ràng, theo tiểu thuyết Lầm than, Lan Khai chỉ giới thiệu quê hương bản quán của Thuật: "Là một anh con trai nhà quê mới mười chín, hai mươi (...) Trước kia, Thuật vẫn ở quê tận vùng Nam Định để trông coi mấy sào ruộng cho bố” (Lầm than sđd, trang 73, ).
Và cái mỏ nơi Thuật làm việc cũng chẳng phải Hòn Gai, Hồng Gai nào cả…  Hơn nữa, người viết chương văn học,  đưa ra cái địa danh Hòn Gai này, phần nào đã “bắt vít” cái tên Thuật vào cạnh cai tên Hòn Gai như trên phải chăng như muốn chứng minh rằng, cái không gian trong tiểu thuyết Lầm than là ở Quảng Ninh?.
Phải chăng đã có sự nhầm lẫn?
Trong tiểu thuyết Lầm than, có một số tên địa danh ở Quảng Ninh đôi lúc xuất hiện, song tất cả các địa danh đó hiện dường như chỉ là những cái tên được mô tả trong sự hồi cố, về một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và cũng không liên quan nhiều đến tuyến nhân vật chính là Thuật, Tép... 
Tuy nhiên, cũng thừa nhận, những cái tên về các mỏ than trùng với tên thuộc vùng đất Quảng Ninh lúc đó hiện ra trong tâm tưởng của cả chủ mỏ và thợ mỏ đều là trong những nỗi ‘rùng mình”, ghê sợ, chất chứa đầy sự bóc lột và lưu manh, đểu cáng... 
Đây là một ví dụ: “Lão Cu Tị lại hút thuốc phiện. Tứ kể lể mãi cho ông già nghe cái lai lịch và mánh khóe làm tiền của hắn khi hắn còn làm ở các mỏ khác như Phấn Mễ, Uông Bí, hoặc Vàng Danh” (Lầm than, sđd trang 81). Và dưới đây là đoạn đối thoại giữa Thuật và Dương, cái tên Vàng Danh là một nỗi kinh hoàng đối với Dương: “Dương làm mặt thông thạo (nói với Thuật):
-         Có thế mà đã sợ! Chả bù với tôi khi bắt đầu đi làm, vớ ngay phải mỏ Vàng Danh, có những của lò sâu hàng mười thước tây một ấy! Ghê quá đến bây giờ mà nghĩ lại hãy còn hốt...” (Lầm than, sđd, trang105 ).
 Những cái tên Uông Bí, Vàng Danh trong hai tình huống trên thì không thể dựa vào đó để mà kết luận có liên quan đến Hòn Gai. Dẫu chúng ta có thắp đuốc cũng không tìm thấy chỗ nào tác giả Lan Khai viết cái không gian Thuật làm việc, hoặc quê quán Thuật, hoặc Thuật đã có thời gian làm việc ở Hòn Gai.
Có vẻ như, để cố tình nhận tiểu thuyết Lầm than về với Quảng Ninh, mà tác giả viết chương văn học hiện đại này đưa ra câu chốt “Thuật, thợ mỏ Hòn Gai” chăng?. Hay là vì quá tin vào Từ điển văn học Việt Nam nêu trên mà người ta đã không tra cứu lại, không nghi ngờ gì về tính xác thực của nó? Câu trả lời xin dành cho chính tác giả đưa Lầm than vào ĐCQN.
Vậy tiểu thuyết Lầm than mô tả cảnh sinh hoạt của thợ mỏ trong không gian nào, vùng nào?
Đọc phần Phụ lục trong sách “Lầm than” đã dẫn ở trên, ở cuối sách có đoạn hồi kí của bà Hà Thị Minh Kim (1909 – 1999, quả phụ của nhà văn Lan Khai) với tựa đề  “Truyện “Lầm than” của chúng tôi” đã một phần làm sáng tỏ bối cảnh, thời gian sáng tác tiểu thuyết Lầm than của nhà văn Lan Khai.
Qua hồi kí, bà Hà Thị Minh Kim đã kể lại những chặng đường gia đình nhà văn Lan Khai đã sống trong thời kì “Lầm than’, sự ra đời của tiểu thuyết Lầm than, hơn nữa, cũng là những kỉ niệm với nhà văn Lan Khai và các bạn bè của ông...
 Bà Hà Thị Minh Kim viết “...Tại Tuyên Quang, gia đình tôi sống trong căn nhà lá năm gian hai trái, xóm Gốc Nhội, gần đình Xuân Lôi, tại khu phố Xuân Hòa cùng với nhiều gia đình thợ thuyền và phu mỏ họ từ nhiều tỉnh miền trung và miền xuôi tới đây kiếm sống. Lan Khai từng ở đây từ năm lên 8 tuổi và theo học tiểu học. Lúc rỗi rãi anh hay la cà vào chơi trong khu mỏ. Đây là khu phố thấp bên bờ sông Lô năm nào cũng ngập lụt, kề với mỏ than kéo dài từ chân núi Cố đến gần bến Tân Hà, phía bên kia sông là mỏ kẽm Tràng Đà. Khi đã có gia đình, sau giờ đọc sách, dạy học hay vẽ tranh, Lan Khai vẫn thường lui tới khu mỏ xem phu đào than trong các hầm lò, giáp mặt với các ông cai, ông kí người Việt, tiếp xúc với cả ông chủ nhất, chủ nhì và đốc công Tây vì anh thành thạo tiếng Tây... Lan Khai từng chứng kiến những nạn sập lò, cảnh cai thầu, chủ mỏ đánh đập những phu than như súc vật, cả những chuyện bọn quan Tây cưỡng ép người mình. (...)  Nhiều đêm, anh thức trắng bên ngọn đèn dầu, ghi ghi chép chép những cảnh éo le, những kiếp đói nghèo, cả những chuyện hỗn độn trong khu phố có các gia đình phu mỏ. Ngày ấy, cả tỉnh Tuyên Quang mới chỉ có một nhà thương nhỏ, chỉ có vài thứ thuốc đau bụng và sốt rét với dăm thầy thuốc. Ai đau nặng thì phải xuôi thuyền xuống Phủ Đoan chạy chữa. Tuần nào cũng có phu than chết vì bệnh nạn. Từ hiện thực cuộc sống đó, từ những nỗi đau của người dân nô lệ, người dân mất nước, sống trong cảnh “lầm than” đó, đã “ đưa Lan Khai tới sự thai nghén chân dung cuộc sống Lầm than trong nghệ thuật ngay từ năm 1929 đến đầu những năm 30” (Lầm than phần Chuyên khảo,  Trần Mạnh Tiến sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu.  Sách đã dẫn, trang 22).
 Chúng ta lưu ý rằng, thời kì thuộc Pháp đó, trên đất nước ta không chỉ có vùng Đông Bắc  có than, có phu mỏ mà ở vùng Tuyên Quang (quê nhà văn Lan Khai) cũng diễn ra sự khai thác mỏ, bóc lột công nhân nghèo rất mạnh mẽ của thực dân Pháp.
 Dựa vào nguồn tài liệu "Lịch sử Đảng bộ Thị xã Tuyên Quang", tập I, Thị ủy Tuyên Quang xuất bản, trang 9- 14)/’ tiến sĩ Trần Mạnh Tiến cho biết thêm “Năm 1905 thực dân Pháp cho tiến hành khai thác mỏ than Tuyên Quang,  “mỗi năm thu hàng chục tấn than... Riêng năm 1939, theo Báo cáo của Maron chuyên gia kế toán: Ngày 30/6/1930 đã sản xuất được 26.271 tấn than với số lãi 610.803 fơrăng” (Lầm than, Sđd 22).
Vẫn theo dòng hồi kí của bà quả phụ Hà Thị Minh Kim, chúng ta biết thêm về những nguyên mẫu thực trong đời sống thực được nhà văn đưa vào tác phẩm nghệ thuật. Họ cũng chính là những người công nhân mỏ khổ cực, sống trong giai đoạn cả dân tộc bị lầm than, cuộc sống và cuộc đời của họ chính là chất liệu hôi hổi cho nhà văn trong việc đưa hiện thực đời sống vào tác phẩm.
 Bà Kim viết: “Những người trong truyện như ông già Tị, anh Thuật, chị Tép, bác Dương, chú Lộc, chú Thông, cụ Mẫn, anh Nhỡ kể cả mấy người trong Hội kín đi tuyên truyền giác ngộ phu than, đều là những người quen thuộc hay lui tới gia đình nhờ thầy mẹ tôi trị bệnh. Riêng cô Tép tên thực là chị Tiên, sinh ở Kim Xuyên nhưng gốc mạn Hải Dương, anh Thuật tên là Thật, người vùng Nam Định, chú Lộc, chú Thanh là người xứ Thanh... Anh Thật  sau vướng bệnh lao mất sớm, chị Tiên mãi tới năm 1965 còn thăm hỏi tôi”.
Như vậy, chí ít là những nhân vật chính nguyên mẫu của nhà văn Lan Khai là công nhân mỏ quê không ở Quảng Ninh, làm việc ở mỏ không thuộc Quảng Ninh, mà họ có quê quán tận những Nam Định, Hải Dương, vì cuộc sống, họ phải tụ tập về cái đất Tuyên Quang, để “vào chỗ chết để giành lấy sự sống”.
Qua hồi kí trên chúng ta thấy, những nhân vật anh Thuật, cô Tép, chú Thông... đều là những nguyên mẫu có thật, có quan hệ với tác giả Lan Khai, chứ không phải nhân vật 100% do Lan Khai hư cấu. Đặc biệt, quê hương bản quán của họ không ở Quảng Ninh, cũng không sống và làm việc ở Quảng Ninh (trừ nhân vật Dương, có một thời kì làm ở mỏ Vàng Danh).
Từ lúc thai nghén, hình thành bản thảo, đến lúc Lầm than ra đời, có thể nói, Lan Khai lấy vùng mỏ Tuyên Quang, con người công nhân mỏ lầm than ở Tuyên Quang quê hương ông để làm nguyên mẫu, làm hình tượng nghệ thật, “diễn tả cho đúng hệt con người” cộng với sức tưởng tượng, có ý thức giữ gìn sự trong sáng tiếng nói của dân tộc, Lan Khai đã sản sinh ra tác phẩm Lầm than. Theo như sự mô tả của Hải Triều, đây là “Một tác phẩm đã đem lại cho tôi vài ý nghĩ về văn chương giữa một bầu không khí phảng phất mùi thuốc súng”. Mặc dù, trong tiểu thuyết Lầm Than, Lan Khai không tường tận cho chúng ta biết  cái không gian cụ thể trong tác phẩm là ở tỉnh nào, địa phương nào, nhưng rõ ràng, dựa trên những tư liệu hiện còn, trên sự hồi cố của quả phụ nhà văn thì, Lầm than không thể viết ở Quảng Ninh và cũng không thể viết về con người Quảng Ninh, đời sống người công nhân mỏ ở Quảng Ninh vào những năm đầu thế kỉ 20 được.
Cái không gian tiểu thuyết, con người, nhân vật trong tác phẩm Lầm Than thuộc về cả dân tộc, thuộc về những người thợ mỏ lầm than, cơ cực thuở trước... “Họ sống lầm than và chết cũng lầm than. Đồng lương họ làm ra vô cùng rẻ mạt, lại bị bớt xén bằng nhiều thủ đoạn. Con người lao động dường như chỉ còn lại cái bản năng sinh vật. Đó là sự thực trong trong nhiều hầm mỏ  thời thuộc Pháp mà mỏ than Tuyên Quang là một minh chứng sống” (Trần Mạnh Tiến, Lầm than, Sđ dẫn trang 29).
Cái nguyên mẫu và cái không gian hiện thực để từ đó hình thành nên tiểu thuyết Lầm than là tỉnh Tuyên Quang chứ không phải tỉnh Quảng Ninh.
Đặt tiểu thuyết Lầm Than vào một bộ sách có tính chất địa chí như ĐCQN, bên cạnh những tác phẩm văn chương đích thực của người Quảng Ninh, về Quảng Ninh như Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Vùng Mỏ của Võ Huy Tâm, một số truyện ngắn của nhà văn Nguyến Công Hoan... thì liệu các nhà soạn ĐCQN có “ bước nhầm chân vào vườn rau nhà khác” hay không?.  Bởi vì, đọc kĩ Lầm than, nếu cứ cố tình để tìm chi tiết nào có liên quan đến Quảng Ninh thì thật mong manh và mơ hồ lắm. Nên chăng, chúng ta cần bàn bạc và suy nghĩ kĩ về tác phẩm này. Dù sao đây cũng chỉ là một nghi vấn văn học, với kiến văn, nguồn tài liệu và thời gian nghiên cứu còn hạn chế, song chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra đây, rất mong nhận được ý kiến của độc giả, ý kiến của tác giả viết phần văn học hiện đại Quảng Ninh trong bộ ĐCQN, tập 3. 

Nguyễn Học
Theo Báo Hạ Long (Cơ quan của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh), ngày 20/11/2004

Nhân đọc một bức thư

Chẳng biết lí do tại sao mà dạo này mình hay đọc blog thế không biết, dù biết rằng, một công dân sống ở xứ Thiên đường của ta là phải đọc những tờ "chính thống" như Tạp chí Cộng sản, báo Nhân dân, báo Đảng cộng sản điện tử, báo Quân đội Nhân dân, báo Hà Nội mới, báo Người đại biểu nhân dân, xem Truyền hinnhf Việt Nam, nghe đại Tiếng nói Việt Nam v.v....

Hôm nay, trên trang blog Lacai.org (Lá cải chứ không phải Lào Cai) các bác ý đưa một cái tin và một lời bình: Trích nguyên văn: 

"Vietnamnet - Thư gửi Bin Laden của nữ sinh Việt

Thân gửi ông bin Laden! Người ta gọi ông là trùm khủng bố, nhưng liệu ông có biết rằng ở nước chúng tôi tụi nhà báo lá cải nó còn khủng bố hơn ông gấp chán vạn lần hay không? Đây bức thư đã ba năm, nhân dịp ông bị súng bắn lủng sọ, chúng nó lại lôi ra đăng lên tự sướng cùng nhau, làm độc giả chúng tôi hãi quá ông ạ. Ông chết có thiêng thì đêm nay về lạy bái chúng nó làm sư phò ông nhé!"

Lần theo link của bài viết trên VNN, tôi mới chú tâm đọc bức thư của 1 em học sinh Trung học
Bức thư tương đối chau chuốt, gọt dũa (chắc có nhiều cô/chú/anh/chị là dân Tuyên giáo, dân văn Tổng hợp, dân Học viện NguyễnÁi Quốc tham gia chỉnh sửa, biên tập) mới được như vậy, chứ cái ngữ học sinh mà viết  hay như thế, em xin tôn làm sư phụ. Mình cũng là dân từng trong đội tuyển, mũi nhọn, mũi tẹt văn mà chẳng bao giờ viết nổi và nghĩ rằng 1 học sinh viết  1 bức thư "sặc mùi giáo điều" thế này.
 Nguyên văn bức thư thế này:

Việt Nam, ngày 31 tháng 12 năm 2007
Gửi ông Osama bin Laden!
 
Tôi không chắc là ông sẽ đọc bức thư này, nhưng nếu những dòng chữ tôi đang viết hiện diện trong mắt ông thì tôi hy vọng ông sẽ kiên nhẫn để đọc hết nó. 
Hẳn ông sẽ cười nhạo khi biết rằng tôi - một nữ sinh trung học bình thường ở một đất nước nhỏ bé - lại dám cả gan viết thư cho một trùm khủng bố khét tiếng? Một trong những lý do khiến tôi cầm bút là muốn giúp ông tin thấy sự thanh thản và lối thoát cho riêng mình. Đừng vội khinh thường lời nói của một cô gái 15 tuổi, tôi có đủ đức tin để hy vọng ông sẽ phải thay đổi suy nghĩ. 
Đất nước của ông và đất nước của tôi ở cách nhau quá xa để chúng ta có thể quen biết nhau, mặc dù sự kiện 11-9-2001 đã đưa “tiếng tăm”’ của ông ra toàn thế giới. Có lẽ điều đó làm ông hãnh diện? Ông mâu thuẫn với Chính phủ Mỹ nhưng không có nghĩa là ông có quyền kéo bao người dân thường vô tội vào cuộc chơi bạo lực của mình. Ông có biết bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu doanh nhân giỏi, bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu người dân thường vô tội đã phải chết một cách oan uổng dưới chân tháp đôi kia không? Tôi đã nhận ra là trong cuộc sống, con người luôn luôn chọn lựa và đôi khi đó là chọn một thái độ. Vậy tại sao ông lại chọn sự tức giận và trả thù mà không phải là khoan dung? 
Trên ghế nhà trường, chúng tôi được giáo dục rằng: Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, thử thách, đôi khi có cả thất vọng và nỗi buồn. Hãy dũng cảm vượt qua để luôn là chính mình và đừng mất niềm tin, hy vọng, ước mơ. Ông lớn tuổi hơn tôi nhưng không biết ông có học được điều ấy không? Cuộc sống luôn công bằng. Trở ngại và bất hạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào chẳng hề báo trước, nhưng đổi lại, ta sẽ tìm thấy sự kì diệu và vẻ đẹp lớn lao của lòng dũng cảm, của tình yêu thương. Trước những khó khăn thử thách ấy, mỗi người sẽ tự chọn cho mình một cách đón nhận, đối đầu để có một hướng đi riêng. Hẳn ông biết tự đáy lòng mỗi con người đều tồn tại một khát vọng mãnh liệt - đó là khát vọng sống. Tôi nghĩ ông cũng không nằm ngoài số đó. 
Ông muốn Chính phủ Mỹ trả giá nhưng không phải chỉ có họ mà biết bao sinh linh vô tội khác cũng phải lìa đời khi tòa tháp đôi đổ xuống. Đó là mục đích của ông sao? Có lẽ ông mừng vì điều đó làm cho Nhà Trắng phải lao đao, khốn đốn nhưng có chắc ông sẽ sung sướng khi nhìn thấy nỗi đau mất mát của biết bao gia đình? Ông đã chọn hận thù và bạo lực. Nếu những người dân thường vô tội kia họ cũng chọn cách làm như ông thì thế giới này sẽ ra sao? Giá như ông sáng suốt hơn để khoan dung thì có lẽ biết bao những giọt nước mắt oan ức sẽ không rơi xuống. Một trong những điều khó nhất và cũng quý nhất đối với con người là sự an ủi. 
Đã sáu năm trôi qua, ông nghĩ điều gì sẽ xoa dịu nỗi đau của những gia đình nạn nhân của vụ l l-9-2001? Tôi tin đó là sự khoan dung. Không chỉ tôi mà tất cả mọi người có lương tâm trên thế giới này đều hiểu rằng cái gì đã mất là không thể lấy lại. Chúng tôi nuối tiếc, chúng tôi tổn thương nhưng không có nghĩa là chúng tôi cũng sẽ trả thù giống như ông. Chúng tôi sẵn sàng tha thứ nếu ông nhận ra sai lầm để thay đổi. Nhưng liệu ông có thể khoan dung cho chính mình không? Với tôi, phương thuốc chữa khỏi mọi bệnh tật, lỗi lầm, nỗi bận tâm, ưu phiền và tội lỗi của con người, tất cả đều nằm ở một từ “yêu”. Mà bản chất của yêu thương là sự khoan dung. Nó là sức mạnh tuyệt vời để sản sinh và tái tạo cuộc sống xã hội. Ông không tin ư? 
Tôi xin kể ông nghe câu chuyện xảy ra vào năm 1969 khi mà nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ chưa được cải thiện. Một cậu bé người Mỹ gốc Phi là học sinh da màu duy nhất trong một lớp học nọ. Cậu đã kết thân với một cô bé da trắng. Rồi họ chuyển đến ngồi cùng bàn. Vì lo lắng, mẹ của cô bé da trắng đã tới gặp cô giáo chủ nhiệm. Nhưng chứng kiến tình yêu thương của người mẹ da màu, bà mẹ ấy đã lưỡng lự. Cô ấy đã không nói ý định muốn xin chuyển chỗ ngồi cho con mình nhưng vẫn tìm cách ngăn cản tình bạn ấy của hai đứa trẻ. Và món quà sinh nhật giản dị của cậu bé gốc Phi tặng người bạn da trắng chính là sợi dây yêu thương xóa nhòa định kiến về tình cảm... 
Câu chuyện đã làm cho tôi vô cùng xúc động về tình cảm con người. Nếu ông cho rằng đây là chuyện trẻ con thì tôi nghĩ ông nên nghĩ lại. Hai đứa bé ấy khác ông ở chỗ chúng tôn trọng nhau và vượt qua rào cản của chế độ phân biệt chủng tộc để đến với nhau. Câu chuyện của hai đứa trẻ là bài họcvề sự khoan dung: Nhìn nhận, đánh giá con người không ác cảm, định kiến mà đầy lòng nhân ái, vị tha. “Tôi ước ao có một ngày những đứa con của tôi sẽ được sống trên một đất nước không có ai bị phán xét bởi màu da của mình mà chỉ có thể bị phán xét bởi chính tâm hồn của họ mà thôi!”. Chắc là ông hiểu câu nói đó? 
Sóng không thể tự sinh ra mà chúng được hình thành từ những cơn gió từ trên mặt đại dương. Con người cũng thế, không ai có thể tồn tại trên đời lẻ loi một mình cả. Ngược lại, chúng ta phải sống hòa đồng trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về mọi mặt. Đó là lý do mà thế giới cần tới sự khoan dung. Sự khoan dung cần thiết cho mọi mối quan hệ mà loài người trên thế giới này đã, đang và sẽ tiến hành. Điều quan trọng đối với mỗi con người không phải là những gì ta nhận được mà chính là những gì ta biết cho đi. Và tôi nghĩ ông vẫn còn sống đến giờ này đã là một khoan dung của Thượng Đế. Ông nên cảm ơn điều đó thay vì tiếp tục tức giận và khủng bố. Sao ông không nghĩ một cách cởi mở hơn rằng Trái Đất này còn sự sống, thế giới này còn chưa bi hủy diệt là chính nhờ sự khoan dung giữa con người với con người? 
Ông nổi tiếng thế giới cùng với ba từ “trùm khủng bố”, xin hỏi có gì đáng tự hào? Elaine Maxwell đã nói “Tôi là sức mạnh, tôi có thể phá sạch mọi cản trở trước tôi, nếu không tôi sẽ mắc vào lưới. Chọn lựa của tôi, trách nhiệm của tôi, chiến thắng hay thất bại, chỉ có tôi giữ chìa khóa số mệnh của tôi”. 
Tôi đã học được rằng thất bại không có nghĩa là gục ngã, mà chỉ là tạm dừng chân một chỗ trên con đường tiến lên phía trước. 
Người ta không thể một mình làm được tất cả mọi thứ. Nhưng người ta có thể làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống này. Tôi hy vọng ông sẽ làm được một điều gì đó có ích cho xã hội này, nếu ông gỡ bỏ được hận thù, nếu ông đánh thức sự khoan dung ẩn sâu trong lòng. 
Tôi hy vọng dù điều đó thật mong manh! 
Chào ông!
 
Hồ Thị Quế Chi (Việt Nam)


 
Cũng như tác giả bức thư này suy nghĩ, bức thư này không thể đến tay Bil Laden được, vì không ai gửi đi và Bil cũng không biết tiếng Việt. Đến hôm nay khẳng định chắc hơn vì Bil đã chết
Vậy, bạn Quế Chi viết thư này cho ai đọc?
Hẳn là cho người Việt, mà trước hết là Ban giám khảo cuộc thi, sau đó đến bạn đọc khác.
Hăn là bạn Quế chi không cần ông Bil trả lời nên bạn mới đưa lí luận cuả nhà trường ở xứ thiên đường ta đã dạy bạn ấy, rồi bạn ấy lại giáo dục ông Bil:  

"Trên ghế nhà trường, chúng tôi được giáo dục rằng: Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, thử thách, đôi khi có cả thất vọng và nỗi buồn. Hãy dũng cảm vượt qua để luôn là chính mình và đừng mất niềm tin, hy vọng, ước mơ. Ông lớn tuổi hơn tôi nhưng không biết ông có học được điều ấy không? Cuộc sống luôn công bằng. Trở ngại và bất hạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào chẳng hề báo trước, nhưng đổi lại, ta sẽ tìm thấy sự kì diệu và vẻ đẹp lớn lao của lòng dũng cảm, của tình yêu thương. Trước những khó khăn thử thách ấy, mỗi người sẽ tự chọn cho mình một cách đón nhận, đối đầu để có một hướng đi riêng. Hẳn ông biết tự đáy lòng mỗi con người đều tồn tại một khát vọng mãnh liệt - đó là khát vọng sống. Tôi nghĩ ông cũng không nằm ngoài số đó. "




Nhưng bạn Quế Chi dù có lí luận, giáo điều chăng nữa, cũng còn khiêm tốn và kiệm lời hơn "chú Khoa" thần đồng thơ cách đây mấy chục năm, khi "chú Khoa" hạ bút viết: 

"Chăm ngoan học giỏi
Là bạn thiếu nhi
Ngu xuẩn nhất nhì
Là Tổng thống Mỹ"

Đọc lại cũng thấy hoảng  và kính nể bản lĩnh Thần đồng thơ của xứ thiên đường ta.