Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Không thể đưa Tiểu thuyết Lầm than của Lan Khai vào Sách “địa chí Quảng Ninh”


Xin được “rào đón” trước rằng, Địa chí Quảng Ninh (ĐCQN)  là bộ sách lớn, có giá trị, được biên soạn trong nhiều năm, với nhiều tác giả tham gia. Bộ sách giúp ích nhiều cho ban đọc, giới nghiên cứu  trên những bước đường nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất Quảng Ninh yêu mến. Chúng tôi không có ý định săm soi hay “đào bới” bộ sách này, mà quả thực, chỉ xin trình bày những băn khoăn, trăn trở của chúng tôi về tác phẩm Lầm than được đưa vào ĐCQN. Vì, đã hơn 1 năm nay, khi bộ sách này xuất bản, lưu hành, chưa thấy có ý kiến nào nghi vấn về vấn đề sự hiện hiện của Lầm than được đưa vào  trong sách  ĐCQN, từ đó, chúng tôi mạnh dạn mà quyết định viết bài báo này,  hy vọng được trao đổi, học tập từ để từ đó, làm rõ hơn những “nghi vấn” của mình.
 Tiểu thuyết Lầm than của Lan Khai, được đưa vào giới thiệu trong tập 3, chương 3 (Văn học), phần mục III, văn học hiện đại Quảng Ninh với 24 dòng, từ trang 271 đến trang 272. Điều đầu tiên, chúng tôi thấy, những nội dung của 24 dòng trên giống và cơ bản giống với những gì mà Từ điển Văn học Việt Nam đã viết. Không biết tác giả biên soạn bài này đã tham khảo, nghiên cứu và đọc cuốn “Từ điển văn học” (Đỗ Đức Hiểu chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1983, từ trang 376 đến trang 377) kĩ càng như thế nào, nhưng qua đối chiếu, chúng tôi thấy, gần như, ĐCQN đã “kế thừa” có tính gần như nguyên vẹn sách Từ điển văn học, mục “Lầm than” do phó giáo sư Nguyễn Hoành Khung viết…? Nếu không tin, xin mời đọc giả hãy mở cuốn Từ điển Văn học mà đối chiếu với ĐCQN thì thấy rõ điều đó
Và có lẽ, sự việc bắt đầu từ bài viết trong Từ điển văn học này.
Trước hết cần thừa nhận rằng, Lầm than (ban đầu lấy tên là Địa ngục), công bố năm 1938,  tác phẩm được hình thành trong thời gian nhà văn vừa dạy học vừa viết văn ở tỉnh lị Tuyên Quang, từ 1929 đến 1933 là một tác phẩm chủ yếu viết về đời sống của công nhân thợ mỏ. “Lầm than có thể xem là một trong những bản án đanh thép tố cáo chế độ thực dân xâm lược Pháp trên đất nước ta thế kỉ XX. Và như vậy, Lầm than tự nó trở thành  một tượng đài kỉ niệm về cuộc đời thợ mỏ trong thời kì lịch sử “khổ nhục nhưng vĩ đại” của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam (Trần Mạnh Tiến. “Nhìn lại Lầm Than của Lan Khai” Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2004, trang 94). Nếu như nói “Lầm than là tác phẩm văn học phản ánh rõ nét đời sống của công nhân thợ mỏ Việt Nam đầu những năm đầu thế kỉ 20, “tác giả của Lầm than đã hướng tầm nhìn của mình tới thế giới người thợ (đặc biệt là thợ mỏ) trên toàn đất nước.
Do đó, điển hình của Lầm than không chỉ bó hẹp ở một vùng rừng núi phía bắc” (Trần Mạnh Tiến, Lầm than, sđd, trang 26),  thì hoàn toàn chính xác. Nhưng khi đặt nó vào một bộ sách mang rõ tính địa chí của một tỉnh cụ thể là Quảng Ninh thì hình như có vấn đề để bàn. Hơn nữa, viết một câu văn nghe tưởng như cụ thể nhưng lại rất mơ hồ, thiếu chứng cứ như “Thuật, thợ mỏ Hòn Gai”  trong ĐCQN thì hoàn toàn không có cơ sở. Sách Từ điển văn học viết cụ thể hơn “Thuật là thợ mỏ Hòn Gai…’
Có lẽ, sai lầm bắt đầu từ Từ điển văn học. Đọc lại tiểu thuyết Lầm than, chúng tôi thấy, không có chữ nào, câu văn nào, đoạn văn nào nói Thuật là thợ mỏ Hòn Gai (hoặc Thuật đã từng làm thợ mỏ ở Hòn Gai, rộng hơn, Thuật có quê ở Hòn Gai). Và cũng khó tìm thấy một “chỗ dựa” nào để xác minh cho sự khẳng định này.
Xin hãy đọc kĩ lại tiểu thuyết  Lầm than. Gần đây nhất, tiến sĩ Trần Mạnh Tiến công tác ở khoa Ngữ Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu, và cho xuất bản, tái bản nhiều bài nghiên cứu có giá trị và nhiều tác phẩm của Lan Khai, trong đó, có tái bản cuốn Lầm than (- chuyên khảo và tác phẩm. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Hà Nội 2004).  Bạn đọc có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận tác phẩm.
Rõ ràng, theo tiểu thuyết Lầm than, Lan Khai chỉ giới thiệu quê hương bản quán của Thuật: "Là một anh con trai nhà quê mới mười chín, hai mươi (...) Trước kia, Thuật vẫn ở quê tận vùng Nam Định để trông coi mấy sào ruộng cho bố” (Lầm than sđd, trang 73, ).
Và cái mỏ nơi Thuật làm việc cũng chẳng phải Hòn Gai, Hồng Gai nào cả…  Hơn nữa, người viết chương văn học,  đưa ra cái địa danh Hòn Gai này, phần nào đã “bắt vít” cái tên Thuật vào cạnh cai tên Hòn Gai như trên phải chăng như muốn chứng minh rằng, cái không gian trong tiểu thuyết Lầm than là ở Quảng Ninh?.
Phải chăng đã có sự nhầm lẫn?
Trong tiểu thuyết Lầm than, có một số tên địa danh ở Quảng Ninh đôi lúc xuất hiện, song tất cả các địa danh đó hiện dường như chỉ là những cái tên được mô tả trong sự hồi cố, về một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và cũng không liên quan nhiều đến tuyến nhân vật chính là Thuật, Tép... 
Tuy nhiên, cũng thừa nhận, những cái tên về các mỏ than trùng với tên thuộc vùng đất Quảng Ninh lúc đó hiện ra trong tâm tưởng của cả chủ mỏ và thợ mỏ đều là trong những nỗi ‘rùng mình”, ghê sợ, chất chứa đầy sự bóc lột và lưu manh, đểu cáng... 
Đây là một ví dụ: “Lão Cu Tị lại hút thuốc phiện. Tứ kể lể mãi cho ông già nghe cái lai lịch và mánh khóe làm tiền của hắn khi hắn còn làm ở các mỏ khác như Phấn Mễ, Uông Bí, hoặc Vàng Danh” (Lầm than, sđd trang 81). Và dưới đây là đoạn đối thoại giữa Thuật và Dương, cái tên Vàng Danh là một nỗi kinh hoàng đối với Dương: “Dương làm mặt thông thạo (nói với Thuật):
-         Có thế mà đã sợ! Chả bù với tôi khi bắt đầu đi làm, vớ ngay phải mỏ Vàng Danh, có những của lò sâu hàng mười thước tây một ấy! Ghê quá đến bây giờ mà nghĩ lại hãy còn hốt...” (Lầm than, sđd, trang105 ).
 Những cái tên Uông Bí, Vàng Danh trong hai tình huống trên thì không thể dựa vào đó để mà kết luận có liên quan đến Hòn Gai. Dẫu chúng ta có thắp đuốc cũng không tìm thấy chỗ nào tác giả Lan Khai viết cái không gian Thuật làm việc, hoặc quê quán Thuật, hoặc Thuật đã có thời gian làm việc ở Hòn Gai.
Có vẻ như, để cố tình nhận tiểu thuyết Lầm than về với Quảng Ninh, mà tác giả viết chương văn học hiện đại này đưa ra câu chốt “Thuật, thợ mỏ Hòn Gai” chăng?. Hay là vì quá tin vào Từ điển văn học Việt Nam nêu trên mà người ta đã không tra cứu lại, không nghi ngờ gì về tính xác thực của nó? Câu trả lời xin dành cho chính tác giả đưa Lầm than vào ĐCQN.
Vậy tiểu thuyết Lầm than mô tả cảnh sinh hoạt của thợ mỏ trong không gian nào, vùng nào?
Đọc phần Phụ lục trong sách “Lầm than” đã dẫn ở trên, ở cuối sách có đoạn hồi kí của bà Hà Thị Minh Kim (1909 – 1999, quả phụ của nhà văn Lan Khai) với tựa đề  “Truyện “Lầm than” của chúng tôi” đã một phần làm sáng tỏ bối cảnh, thời gian sáng tác tiểu thuyết Lầm than của nhà văn Lan Khai.
Qua hồi kí, bà Hà Thị Minh Kim đã kể lại những chặng đường gia đình nhà văn Lan Khai đã sống trong thời kì “Lầm than’, sự ra đời của tiểu thuyết Lầm than, hơn nữa, cũng là những kỉ niệm với nhà văn Lan Khai và các bạn bè của ông...
 Bà Hà Thị Minh Kim viết “...Tại Tuyên Quang, gia đình tôi sống trong căn nhà lá năm gian hai trái, xóm Gốc Nhội, gần đình Xuân Lôi, tại khu phố Xuân Hòa cùng với nhiều gia đình thợ thuyền và phu mỏ họ từ nhiều tỉnh miền trung và miền xuôi tới đây kiếm sống. Lan Khai từng ở đây từ năm lên 8 tuổi và theo học tiểu học. Lúc rỗi rãi anh hay la cà vào chơi trong khu mỏ. Đây là khu phố thấp bên bờ sông Lô năm nào cũng ngập lụt, kề với mỏ than kéo dài từ chân núi Cố đến gần bến Tân Hà, phía bên kia sông là mỏ kẽm Tràng Đà. Khi đã có gia đình, sau giờ đọc sách, dạy học hay vẽ tranh, Lan Khai vẫn thường lui tới khu mỏ xem phu đào than trong các hầm lò, giáp mặt với các ông cai, ông kí người Việt, tiếp xúc với cả ông chủ nhất, chủ nhì và đốc công Tây vì anh thành thạo tiếng Tây... Lan Khai từng chứng kiến những nạn sập lò, cảnh cai thầu, chủ mỏ đánh đập những phu than như súc vật, cả những chuyện bọn quan Tây cưỡng ép người mình. (...)  Nhiều đêm, anh thức trắng bên ngọn đèn dầu, ghi ghi chép chép những cảnh éo le, những kiếp đói nghèo, cả những chuyện hỗn độn trong khu phố có các gia đình phu mỏ. Ngày ấy, cả tỉnh Tuyên Quang mới chỉ có một nhà thương nhỏ, chỉ có vài thứ thuốc đau bụng và sốt rét với dăm thầy thuốc. Ai đau nặng thì phải xuôi thuyền xuống Phủ Đoan chạy chữa. Tuần nào cũng có phu than chết vì bệnh nạn. Từ hiện thực cuộc sống đó, từ những nỗi đau của người dân nô lệ, người dân mất nước, sống trong cảnh “lầm than” đó, đã “ đưa Lan Khai tới sự thai nghén chân dung cuộc sống Lầm than trong nghệ thuật ngay từ năm 1929 đến đầu những năm 30” (Lầm than phần Chuyên khảo,  Trần Mạnh Tiến sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu.  Sách đã dẫn, trang 22).
 Chúng ta lưu ý rằng, thời kì thuộc Pháp đó, trên đất nước ta không chỉ có vùng Đông Bắc  có than, có phu mỏ mà ở vùng Tuyên Quang (quê nhà văn Lan Khai) cũng diễn ra sự khai thác mỏ, bóc lột công nhân nghèo rất mạnh mẽ của thực dân Pháp.
 Dựa vào nguồn tài liệu "Lịch sử Đảng bộ Thị xã Tuyên Quang", tập I, Thị ủy Tuyên Quang xuất bản, trang 9- 14)/’ tiến sĩ Trần Mạnh Tiến cho biết thêm “Năm 1905 thực dân Pháp cho tiến hành khai thác mỏ than Tuyên Quang,  “mỗi năm thu hàng chục tấn than... Riêng năm 1939, theo Báo cáo của Maron chuyên gia kế toán: Ngày 30/6/1930 đã sản xuất được 26.271 tấn than với số lãi 610.803 fơrăng” (Lầm than, Sđd 22).
Vẫn theo dòng hồi kí của bà quả phụ Hà Thị Minh Kim, chúng ta biết thêm về những nguyên mẫu thực trong đời sống thực được nhà văn đưa vào tác phẩm nghệ thuật. Họ cũng chính là những người công nhân mỏ khổ cực, sống trong giai đoạn cả dân tộc bị lầm than, cuộc sống và cuộc đời của họ chính là chất liệu hôi hổi cho nhà văn trong việc đưa hiện thực đời sống vào tác phẩm.
 Bà Kim viết: “Những người trong truyện như ông già Tị, anh Thuật, chị Tép, bác Dương, chú Lộc, chú Thông, cụ Mẫn, anh Nhỡ kể cả mấy người trong Hội kín đi tuyên truyền giác ngộ phu than, đều là những người quen thuộc hay lui tới gia đình nhờ thầy mẹ tôi trị bệnh. Riêng cô Tép tên thực là chị Tiên, sinh ở Kim Xuyên nhưng gốc mạn Hải Dương, anh Thuật tên là Thật, người vùng Nam Định, chú Lộc, chú Thanh là người xứ Thanh... Anh Thật  sau vướng bệnh lao mất sớm, chị Tiên mãi tới năm 1965 còn thăm hỏi tôi”.
Như vậy, chí ít là những nhân vật chính nguyên mẫu của nhà văn Lan Khai là công nhân mỏ quê không ở Quảng Ninh, làm việc ở mỏ không thuộc Quảng Ninh, mà họ có quê quán tận những Nam Định, Hải Dương, vì cuộc sống, họ phải tụ tập về cái đất Tuyên Quang, để “vào chỗ chết để giành lấy sự sống”.
Qua hồi kí trên chúng ta thấy, những nhân vật anh Thuật, cô Tép, chú Thông... đều là những nguyên mẫu có thật, có quan hệ với tác giả Lan Khai, chứ không phải nhân vật 100% do Lan Khai hư cấu. Đặc biệt, quê hương bản quán của họ không ở Quảng Ninh, cũng không sống và làm việc ở Quảng Ninh (trừ nhân vật Dương, có một thời kì làm ở mỏ Vàng Danh).
Từ lúc thai nghén, hình thành bản thảo, đến lúc Lầm than ra đời, có thể nói, Lan Khai lấy vùng mỏ Tuyên Quang, con người công nhân mỏ lầm than ở Tuyên Quang quê hương ông để làm nguyên mẫu, làm hình tượng nghệ thật, “diễn tả cho đúng hệt con người” cộng với sức tưởng tượng, có ý thức giữ gìn sự trong sáng tiếng nói của dân tộc, Lan Khai đã sản sinh ra tác phẩm Lầm than. Theo như sự mô tả của Hải Triều, đây là “Một tác phẩm đã đem lại cho tôi vài ý nghĩ về văn chương giữa một bầu không khí phảng phất mùi thuốc súng”. Mặc dù, trong tiểu thuyết Lầm Than, Lan Khai không tường tận cho chúng ta biết  cái không gian cụ thể trong tác phẩm là ở tỉnh nào, địa phương nào, nhưng rõ ràng, dựa trên những tư liệu hiện còn, trên sự hồi cố của quả phụ nhà văn thì, Lầm than không thể viết ở Quảng Ninh và cũng không thể viết về con người Quảng Ninh, đời sống người công nhân mỏ ở Quảng Ninh vào những năm đầu thế kỉ 20 được.
Cái không gian tiểu thuyết, con người, nhân vật trong tác phẩm Lầm Than thuộc về cả dân tộc, thuộc về những người thợ mỏ lầm than, cơ cực thuở trước... “Họ sống lầm than và chết cũng lầm than. Đồng lương họ làm ra vô cùng rẻ mạt, lại bị bớt xén bằng nhiều thủ đoạn. Con người lao động dường như chỉ còn lại cái bản năng sinh vật. Đó là sự thực trong trong nhiều hầm mỏ  thời thuộc Pháp mà mỏ than Tuyên Quang là một minh chứng sống” (Trần Mạnh Tiến, Lầm than, Sđ dẫn trang 29).
Cái nguyên mẫu và cái không gian hiện thực để từ đó hình thành nên tiểu thuyết Lầm than là tỉnh Tuyên Quang chứ không phải tỉnh Quảng Ninh.
Đặt tiểu thuyết Lầm Than vào một bộ sách có tính chất địa chí như ĐCQN, bên cạnh những tác phẩm văn chương đích thực của người Quảng Ninh, về Quảng Ninh như Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Vùng Mỏ của Võ Huy Tâm, một số truyện ngắn của nhà văn Nguyến Công Hoan... thì liệu các nhà soạn ĐCQN có “ bước nhầm chân vào vườn rau nhà khác” hay không?.  Bởi vì, đọc kĩ Lầm than, nếu cứ cố tình để tìm chi tiết nào có liên quan đến Quảng Ninh thì thật mong manh và mơ hồ lắm. Nên chăng, chúng ta cần bàn bạc và suy nghĩ kĩ về tác phẩm này. Dù sao đây cũng chỉ là một nghi vấn văn học, với kiến văn, nguồn tài liệu và thời gian nghiên cứu còn hạn chế, song chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra đây, rất mong nhận được ý kiến của độc giả, ý kiến của tác giả viết phần văn học hiện đại Quảng Ninh trong bộ ĐCQN, tập 3.
Theo Báo Hạ Long (Cơ quan của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh), ngày 20/11/2004

Xin được “rào đón” trước rằng, Địa chí Quảng Ninh (ĐCQN)  là bộ sách lớn, có giá trị, được biên soạn trong nhiều năm, với nhiều tác giả tham gia. Bộ sách giúp ích nhiều cho ban đọc, giới nghiên cứu  trên những bước đường nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất Quảng Ninh yêu mến. Chúng tôi không có ý định săm soi hay “đào bới” bộ sách này, mà quả thực, chỉ xin trình bày những băn khoăn, trăn trở của chúng tôi về tác phẩm Lầm than được đưa vào ĐCQN. Vì, đã hơn 1 năm nay, khi bộ sách này xuất bản, lưu hành, chưa thấy có ý kiến nào nghi vấn về vấn đề sự hiện hiện của Lầm than được đưa vào  trong sách  ĐCQN, từ đó, chúng tôi mạnh dạn mà quyết định viết bài báo này,  hy vọng được trao đổi, học tập từ để từ đó, làm rõ hơn những “nghi vấn” của mình.
 Tiểu thuyết Lầm than của Lan Khai, được đưa vào giới thiệu trong tập 3, chương 3 (Văn học), phần mục III, văn học hiện đại Quảng Ninh với 24 dòng, từ trang 271 đến trang 272. Điều đầu tiên, chúng tôi thấy, những nội dung của 24 dòng trên giống và cơ bản giống với những gì mà Từ điển Văn học Việt Nam đã viết. Không biết tác giả biên soạn bài này đã tham khảo, nghiên cứu và đọc cuốn “Từ điển văn học” (Đỗ Đức Hiểu chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1983, từ trang 376 đến trang 377) kĩ càng như thế nào, nhưng qua đối chiếu, chúng tôi thấy, gần như, ĐCQN đã “kế thừa” có tính gần như nguyên vẹn sách Từ điển văn học, mục “Lầm than” do phó giáo sư Nguyễn Hoành Khung viết…? Nếu không tin, xin mời đọc giả hãy mở cuốn Từ điển Văn học mà đối chiếu với ĐCQN thì thấy rõ điều đó
Và có lẽ, sự việc bắt đầu từ bài viết trong Từ điển văn học này.
Trước hết cần thừa nhận rằng, Lầm than (ban đầu lấy tên là Địa ngục), công bố năm 1938,  tác phẩm được hình thành trong thời gian nhà văn vừa dạy học vừa viết văn ở tỉnh lị Tuyên Quang, từ 1929 đến 1933 là một tác phẩm chủ yếu viết về đời sống của công nhân thợ mỏ. “Lầm than có thể xem là một trong những bản án đanh thép tố cáo chế độ thực dân xâm lược Pháp trên đất nước ta thế kỉ XX. Và như vậy, Lầm than tự nó trở thành  một tượng đài kỉ niệm về cuộc đời thợ mỏ trong thời kì lịch sử “khổ nhục nhưng vĩ đại” của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam (Trần Mạnh Tiến. “Nhìn lại Lầm Than của Lan Khai” Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2004, trang 94). Nếu như nói “Lầm than là tác phẩm văn học phản ánh rõ nét đời sống của công nhân thợ mỏ Việt Nam đầu những năm đầu thế kỉ 20, “tác giả của Lầm than đã hướng tầm nhìn của mình tới thế giới người thợ (đặc biệt là thợ mỏ) trên toàn đất nước.
Do đó, điển hình của Lầm than không chỉ bó hẹp ở một vùng rừng núi phía bắc” (Trần Mạnh Tiến, Lầm than, sđd, trang 26),  thì hoàn toàn chính xác. Nhưng khi đặt nó vào một bộ sách mang rõ tính địa chí của một tỉnh cụ thể là Quảng Ninh thì hình như có vấn đề để bàn. Hơn nữa, viết một câu văn nghe tưởng như cụ thể nhưng lại rất mơ hồ, thiếu chứng cứ như “Thuật, thợ mỏ Hòn Gai”  trong ĐCQN thì hoàn toàn không có cơ sở. Sách Từ điển văn học viết cụ thể hơn “Thuật là thợ mỏ Hòn Gai…’
Có lẽ, sai lầm bắt đầu từ Từ điển văn học. Đọc lại tiểu thuyết Lầm than, chúng tôi thấy, không có chữ nào, câu văn nào, đoạn văn nào nói Thuật là thợ mỏ Hòn Gai (hoặc Thuật đã từng làm thợ mỏ ở Hòn Gai, rộng hơn, Thuật có quê ở Hòn Gai). Và cũng khó tìm thấy một “chỗ dựa” nào để xác minh cho sự khẳng định này.
Xin hãy đọc kĩ lại tiểu thuyết  Lầm than. Gần đây nhất, tiến sĩ Trần Mạnh Tiến công tác ở khoa Ngữ Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu, và cho xuất bản, tái bản nhiều bài nghiên cứu có giá trị và nhiều tác phẩm của Lan Khai, trong đó, có tái bản cuốn Lầm than (- chuyên khảo và tác phẩm. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Hà Nội 2004).  Bạn đọc có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận tác phẩm.
Rõ ràng, theo tiểu thuyết Lầm than, Lan Khai chỉ giới thiệu quê hương bản quán của Thuật: "Là một anh con trai nhà quê mới mười chín, hai mươi (...) Trước kia, Thuật vẫn ở quê tận vùng Nam Định để trông coi mấy sào ruộng cho bố” (Lầm than sđd, trang 73, ).
Và cái mỏ nơi Thuật làm việc cũng chẳng phải Hòn Gai, Hồng Gai nào cả…  Hơn nữa, người viết chương văn học,  đưa ra cái địa danh Hòn Gai này, phần nào đã “bắt vít” cái tên Thuật vào cạnh cai tên Hòn Gai như trên phải chăng như muốn chứng minh rằng, cái không gian trong tiểu thuyết Lầm than là ở Quảng Ninh?.
Phải chăng đã có sự nhầm lẫn?
Trong tiểu thuyết Lầm than, có một số tên địa danh ở Quảng Ninh đôi lúc xuất hiện, song tất cả các địa danh đó hiện dường như chỉ là những cái tên được mô tả trong sự hồi cố, về một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và cũng không liên quan nhiều đến tuyến nhân vật chính là Thuật, Tép... 
Tuy nhiên, cũng thừa nhận, những cái tên về các mỏ than trùng với tên thuộc vùng đất Quảng Ninh lúc đó hiện ra trong tâm tưởng của cả chủ mỏ và thợ mỏ đều là trong những nỗi ‘rùng mình”, ghê sợ, chất chứa đầy sự bóc lột và lưu manh, đểu cáng... 
Đây là một ví dụ: “Lão Cu Tị lại hút thuốc phiện. Tứ kể lể mãi cho ông già nghe cái lai lịch và mánh khóe làm tiền của hắn khi hắn còn làm ở các mỏ khác như Phấn Mễ, Uông Bí, hoặc Vàng Danh” (Lầm than, sđd trang 81). Và dưới đây là đoạn đối thoại giữa Thuật và Dương, cái tên Vàng Danh là một nỗi kinh hoàng đối với Dương: “Dương làm mặt thông thạo (nói với Thuật):
-         Có thế mà đã sợ! Chả bù với tôi khi bắt đầu đi làm, vớ ngay phải mỏ Vàng Danh, có những của lò sâu hàng mười thước tây một ấy! Ghê quá đến bây giờ mà nghĩ lại hãy còn hốt...” (Lầm than, sđd, trang105 ).
 Những cái tên Uông Bí, Vàng Danh trong hai tình huống trên thì không thể dựa vào đó để mà kết luận có liên quan đến Hòn Gai. Dẫu chúng ta có thắp đuốc cũng không tìm thấy chỗ nào tác giả Lan Khai viết cái không gian Thuật làm việc, hoặc quê quán Thuật, hoặc Thuật đã có thời gian làm việc ở Hòn Gai.
Có vẻ như, để cố tình nhận tiểu thuyết Lầm than về với Quảng Ninh, mà tác giả viết chương văn học hiện đại này đưa ra câu chốt “Thuật, thợ mỏ Hòn Gai” chăng?. Hay là vì quá tin vào Từ điển văn học Việt Nam nêu trên mà người ta đã không tra cứu lại, không nghi ngờ gì về tính xác thực của nó? Câu trả lời xin dành cho chính tác giả đưa Lầm than vào ĐCQN.
Vậy tiểu thuyết Lầm than mô tả cảnh sinh hoạt của thợ mỏ trong không gian nào, vùng nào?
Đọc phần Phụ lục trong sách “Lầm than” đã dẫn ở trên, ở cuối sách có đoạn hồi kí của bà Hà Thị Minh Kim (1909 – 1999, quả phụ của nhà văn Lan Khai) với tựa đề  “Truyện “Lầm than” của chúng tôi” đã một phần làm sáng tỏ bối cảnh, thời gian sáng tác tiểu thuyết Lầm than của nhà văn Lan Khai.
Qua hồi kí, bà Hà Thị Minh Kim đã kể lại những chặng đường gia đình nhà văn Lan Khai đã sống trong thời kì “Lầm than’, sự ra đời của tiểu thuyết Lầm than, hơn nữa, cũng là những kỉ niệm với nhà văn Lan Khai và các bạn bè của ông...
 Bà Hà Thị Minh Kim viết “...Tại Tuyên Quang, gia đình tôi sống trong căn nhà lá năm gian hai trái, xóm Gốc Nhội, gần đình Xuân Lôi, tại khu phố Xuân Hòa cùng với nhiều gia đình thợ thuyền và phu mỏ họ từ nhiều tỉnh miền trung và miền xuôi tới đây kiếm sống. Lan Khai từng ở đây từ năm lên 8 tuổi và theo học tiểu học. Lúc rỗi rãi anh hay la cà vào chơi trong khu mỏ. Đây là khu phố thấp bên bờ sông Lô năm nào cũng ngập lụt, kề với mỏ than kéo dài từ chân núi Cố đến gần bến Tân Hà, phía bên kia sông là mỏ kẽm Tràng Đà. Khi đã có gia đình, sau giờ đọc sách, dạy học hay vẽ tranh, Lan Khai vẫn thường lui tới khu mỏ xem phu đào than trong các hầm lò, giáp mặt với các ông cai, ông kí người Việt, tiếp xúc với cả ông chủ nhất, chủ nhì và đốc công Tây vì anh thành thạo tiếng Tây... Lan Khai từng chứng kiến những nạn sập lò, cảnh cai thầu, chủ mỏ đánh đập những phu than như súc vật, cả những chuyện bọn quan Tây cưỡng ép người mình. (...)  Nhiều đêm, anh thức trắng bên ngọn đèn dầu, ghi ghi chép chép những cảnh éo le, những kiếp đói nghèo, cả những chuyện hỗn độn trong khu phố có các gia đình phu mỏ. Ngày ấy, cả tỉnh Tuyên Quang mới chỉ có một nhà thương nhỏ, chỉ có vài thứ thuốc đau bụng và sốt rét với dăm thầy thuốc. Ai đau nặng thì phải xuôi thuyền xuống Phủ Đoan chạy chữa. Tuần nào cũng có phu than chết vì bệnh nạn. Từ hiện thực cuộc sống đó, từ những nỗi đau của người dân nô lệ, người dân mất nước, sống trong cảnh “lầm than” đó, đã “ đưa Lan Khai tới sự thai nghén chân dung cuộc sống Lầm than trong nghệ thuật ngay từ năm 1929 đến đầu những năm 30” (Lầm than phần Chuyên khảo,  Trần Mạnh Tiến sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu.  Sách đã dẫn, trang 22).
 Chúng ta lưu ý rằng, thời kì thuộc Pháp đó, trên đất nước ta không chỉ có vùng Đông Bắc  có than, có phu mỏ mà ở vùng Tuyên Quang (quê nhà văn Lan Khai) cũng diễn ra sự khai thác mỏ, bóc lột công nhân nghèo rất mạnh mẽ của thực dân Pháp.
 Dựa vào nguồn tài liệu "Lịch sử Đảng bộ Thị xã Tuyên Quang", tập I, Thị ủy Tuyên Quang xuất bản, trang 9- 14)/’ tiến sĩ Trần Mạnh Tiến cho biết thêm “Năm 1905 thực dân Pháp cho tiến hành khai thác mỏ than Tuyên Quang,  “mỗi năm thu hàng chục tấn than... Riêng năm 1939, theo Báo cáo của Maron chuyên gia kế toán: Ngày 30/6/1930 đã sản xuất được 26.271 tấn than với số lãi 610.803 fơrăng” (Lầm than, Sđd 22).
Vẫn theo dòng hồi kí của bà quả phụ Hà Thị Minh Kim, chúng ta biết thêm về những nguyên mẫu thực trong đời sống thực được nhà văn đưa vào tác phẩm nghệ thuật. Họ cũng chính là những người công nhân mỏ khổ cực, sống trong giai đoạn cả dân tộc bị lầm than, cuộc sống và cuộc đời của họ chính là chất liệu hôi hổi cho nhà văn trong việc đưa hiện thực đời sống vào tác phẩm.
 Bà Kim viết: “Những người trong truyện như ông già Tị, anh Thuật, chị Tép, bác Dương, chú Lộc, chú Thông, cụ Mẫn, anh Nhỡ kể cả mấy người trong Hội kín đi tuyên truyền giác ngộ phu than, đều là những người quen thuộc hay lui tới gia đình nhờ thầy mẹ tôi trị bệnh. Riêng cô Tép tên thực là chị Tiên, sinh ở Kim Xuyên nhưng gốc mạn Hải Dương, anh Thuật tên là Thật, người vùng Nam Định, chú Lộc, chú Thanh là người xứ Thanh... Anh Thật  sau vướng bệnh lao mất sớm, chị Tiên mãi tới năm 1965 còn thăm hỏi tôi”.
Như vậy, chí ít là những nhân vật chính nguyên mẫu của nhà văn Lan Khai là công nhân mỏ quê không ở Quảng Ninh, làm việc ở mỏ không thuộc Quảng Ninh, mà họ có quê quán tận những Nam Định, Hải Dương, vì cuộc sống, họ phải tụ tập về cái đất Tuyên Quang, để “vào chỗ chết để giành lấy sự sống”.
Qua hồi kí trên chúng ta thấy, những nhân vật anh Thuật, cô Tép, chú Thông... đều là những nguyên mẫu có thật, có quan hệ với tác giả Lan Khai, chứ không phải nhân vật 100% do Lan Khai hư cấu. Đặc biệt, quê hương bản quán của họ không ở Quảng Ninh, cũng không sống và làm việc ở Quảng Ninh (trừ nhân vật Dương, có một thời kì làm ở mỏ Vàng Danh).
Từ lúc thai nghén, hình thành bản thảo, đến lúc Lầm than ra đời, có thể nói, Lan Khai lấy vùng mỏ Tuyên Quang, con người công nhân mỏ lầm than ở Tuyên Quang quê hương ông để làm nguyên mẫu, làm hình tượng nghệ thật, “diễn tả cho đúng hệt con người” cộng với sức tưởng tượng, có ý thức giữ gìn sự trong sáng tiếng nói của dân tộc, Lan Khai đã sản sinh ra tác phẩm Lầm than. Theo như sự mô tả của Hải Triều, đây là “Một tác phẩm đã đem lại cho tôi vài ý nghĩ về văn chương giữa một bầu không khí phảng phất mùi thuốc súng”. Mặc dù, trong tiểu thuyết Lầm Than, Lan Khai không tường tận cho chúng ta biết  cái không gian cụ thể trong tác phẩm là ở tỉnh nào, địa phương nào, nhưng rõ ràng, dựa trên những tư liệu hiện còn, trên sự hồi cố của quả phụ nhà văn thì, Lầm than không thể viết ở Quảng Ninh và cũng không thể viết về con người Quảng Ninh, đời sống người công nhân mỏ ở Quảng Ninh vào những năm đầu thế kỉ 20 được.
Cái không gian tiểu thuyết, con người, nhân vật trong tác phẩm Lầm Than thuộc về cả dân tộc, thuộc về những người thợ mỏ lầm than, cơ cực thuở trước... “Họ sống lầm than và chết cũng lầm than. Đồng lương họ làm ra vô cùng rẻ mạt, lại bị bớt xén bằng nhiều thủ đoạn. Con người lao động dường như chỉ còn lại cái bản năng sinh vật. Đó là sự thực trong trong nhiều hầm mỏ  thời thuộc Pháp mà mỏ than Tuyên Quang là một minh chứng sống” (Trần Mạnh Tiến, Lầm than, Sđ dẫn trang 29).
Cái nguyên mẫu và cái không gian hiện thực để từ đó hình thành nên tiểu thuyết Lầm than là tỉnh Tuyên Quang chứ không phải tỉnh Quảng Ninh.
Đặt tiểu thuyết Lầm Than vào một bộ sách có tính chất địa chí như ĐCQN, bên cạnh những tác phẩm văn chương đích thực của người Quảng Ninh, về Quảng Ninh như Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Vùng Mỏ của Võ Huy Tâm, một số truyện ngắn của nhà văn Nguyến Công Hoan... thì liệu các nhà soạn ĐCQN có “ bước nhầm chân vào vườn rau nhà khác” hay không?.  Bởi vì, đọc kĩ Lầm than, nếu cứ cố tình để tìm chi tiết nào có liên quan đến Quảng Ninh thì thật mong manh và mơ hồ lắm. Nên chăng, chúng ta cần bàn bạc và suy nghĩ kĩ về tác phẩm này. Dù sao đây cũng chỉ là một nghi vấn văn học, với kiến văn, nguồn tài liệu và thời gian nghiên cứu còn hạn chế, song chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra đây, rất mong nhận được ý kiến của độc giả, ý kiến của tác giả viết phần văn học hiện đại Quảng Ninh trong bộ ĐCQN, tập 3. 

Nguyễn Học
Theo Báo Hạ Long (Cơ quan của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh), ngày 20/11/2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét