Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

CHỬI HAY




Có lẽ những người yêu văn, đọc văn và nghiên cứu văn học giai đoạn 1954-1975 (và sau đó 1 thời gian dài nữa) không ai lạ lẫm với những cây bút NỔI TIẾNG về "đả ngụy" và bảo vệ nền văn học cách mạng, văn học Mác xít như: Trần Trọng Đăng ĐÀN, Nam Mộc, Nhị Ca, Đỗ Đức Hiểu, Phong Lê, Tố Hữu, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức..
Những tác phẩm, công trình của học đã (và có lẽ vẫn đang) là cẩm nang (không dám khẳng định cho tất cả nhưng rất nhiều) cho những sinh viên trong mái trường ĐH ngành văn học và KHXH ngày nay, nhất là những ngôi trường có thương hiệu như ĐH KHXH &NV, ĐH Sư phạm . . .
Hôm nay dọn nhà, cũng tìm lại vô số những tác phẩm, công trình của các tác gia trên, có lẽ cũng ngót trăm cuốn. Mở ngoặc thêm, ai muốn thì tôi sẵn sàng cho mượn, nhiều cuốn sẽ tặng.

Những sự đặc sắc và uyên bác của các tác gia này, có lẽ không phải bình luận thêm, vì chính họ cũng khen nhau khá nhiều rồi, không cần hậu thế góp bàn.

Chỉ có điều, những dòng sách này có mấy nét mà độc giả trẻ ngày nay dễ nhận ra là:


1. Bất kì cuốn nào, phần Tài liệu tham khảo phải bắt đầu bằng các sách "kinh điển" của các cụ: Mác, Ăng ghel, Lênin, Gorki, HCM,...


2. Nội dung thì khỏi phải bàn, nhưng có mấy nội dung chính vẫn toát ra (không như toát mồ hôi) đó là: Tính Đảng trong văn học, Văn học hiện thực XHCN, Ca ngợi, anh hùng ca, sử thi.... đời sống của nhân dân và lãnh tụ.... Cuối cùng là CHỬI bọn ngụy quân, quỵ quyền cũng như văn học miền nam cũng thời.

Ở đây, tôi xin nói một chút về khâu CHỬI



Gọi là CHỬI thì có vẻ hơi ngoa và thiếu tính thẩm mĩ của văn học, nhưng có lẽ nên và cần dùng từ này để đảm bảo tính bình dân, dễ nhớ, dễ hiểu.



Tất nhiên, cái chửi ở đây là chửi bọn ngụy quân, ngụy quyền, văn học nô dịch miền nam trước 1975 tại Sài Gòn (có thêm chửi cả Nhân văn giai phẩm).


Bây giờ, để có đủ kiên nhẫn (khác với kiên trì) để đọc lại ngót trăm cuốn này, có lẽ không thể. Nhưng, để có ví dụ chứng minh cho điều nói ở trên, chúng tôi xin dẫn lại một đoạn tương đối dài của tác giả chưa phải đại diện là NAM MỘC trong cuốn LUYỆN THÊM CHẤT THÉP CHO NGÒI BÚT, NXB văn học 1978.
Hơn nữa, trong hoàn cảnh chúng ta đang bị bọn phương Bắc đè nén, hăm dọa, lăm le xâm lược, chúng ta cũng cần đọc lại cha ông, tiếp tục "luyện thêm chất thép cho ngòi bút" để sẵn sàng "chửi" bọn chúng khi cần.
Nông dân ra phố trân trọng giới thiệu:
...............................



ĐẢNG ĐEM LẠI TỰ DO CHÂN CHÍNH CHO SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT

(...)

Sự sáng tạo của Đảng là nhân tố quyết định sâu xa nhất giành lại độc lập, tự do của dân tộc, đem lại tự do chân chính cho sáng tạo nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho văn nghệ sĩ phát triển. Do đó, giới văn nghệ sĩ yêu nước và cách mạng đã có ý thức tự nguyện tự giác noi theo sự lãnh đạo của Đảng, toàn tâm toàn ý phục vụ lợi ích của nhân dân, phục vụ sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chính vì thế mà đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai tìm đủ mọi cách để gièm pha, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của văn nghệ. Đã từ lâu, kẻ thù của giai cấp và kẻ thù của dân tộc rêu rao rằng: Đảng cộng sản áp đặt chuyên chính vô sản, bắt buộc văn nghệ phải có tính đảng, phải phục tùng sự lãnh đạo của đảng, phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng: như vậy là Đảng tước hết mọi quyền tự do của văn nghệ sĩ "can thiệp thô bạo" vào lĩnh vực sáng tác "vi phạm tính loại biệt" của nghệ thuật, "san bằng cá tính sáng tạo".

Một số anh chị em văn nghệ sĩ có ít nhiều tinh thần dân tộc, nhưng còn mơ hồ về chính trị và tư tưởng, còn chịu ảnh hưởng của thế giới quan và mỹ học tư sản, đã có lúc hoang mang dao động không nhìn rõ sự thật, thậm chí có những lúc đã vướng mắc những luận điệu phản động trên đây.


Chẳng hạn, trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có những ý kiến lệch lạc tách rời nghệ thuật với tuyên truyền, phân đôi người nghệ sĩ và người công dân, đối lập tác dụng phục vụ kịp thời với giá trị lâu dài của tác phẩm nghệ thuật. Những năm đầu cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền bắc, bọn phản động "Nhân văn giai phẩm" tung ra những luận điệu ngoắc ngoặc kiểu con buôn "Văn nghệ và chính trị vỗ vai nhau, lợi dụng lẫn nhau, hai bên đều có lợi" (Phan Khôi); hoặc hò hét điên cuồng "Trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ" (Trần Dần).


Chúng hùa nhau kích động "Văn nghệ sĩ chân chính xưa nay đều chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền", "đều có chất men bất phục tùng và phản kháng" (Trương Tửu), không phân biệt chế độ chính trị của giai cấp vô sản và nhân dân lao động với chịnh của đế quốc và phong kiến, tư sản áp bức bóc lột nhân dân lao động.

Chúng nuôi dã tâm đả kích chuyên chính vô sản và dân chủ nhân dân, ngụy trang mưu đồ phục vụ cho bọn đế quốc và các giai cấp bóc lột đang bị chính quyền cách mạng đánh đuổi và trấn áp.
Bọn đế quốc và tay sai luôn luôn tung ra những con chủ bài "tự do tuyệt đối", "tự do vô điều kiện" cho cá tính sáng tạo, cho sáng tác văn nghệ.


Chúng tuyên truyền: trong "thế giới tự do" của chúng, hiến pháp công bố mọi quyền tự do dân chủ trong đó có tự do cá nhân, tự do báo chí, tự do sáng tác, tự do xuất bản.


Chúng nêu bằng chứng "tự do" ấy là: về chính trị thì có nhiều đảng, về nghệ thuật thì có nhiều trào lưu.


Sự thật thế nào?


Khẩu hiệu "Tự do, bình đẳng, bác ái" mà cách mạng tư sản Pháp 1789 nêu cao, chỉ còn là những dòng chữ chết.


Tượng thần Tự do ở Nữu ước, từ lâu rồi nhân dân tiến bộ Mỹ và thế giới coi như đã bị bọn tư sản lũng đoạn Mỹ chọc mù cả hai mắt.
Đế quốc Mỹ, tên sen đầm quốc tế gian ác nhất, nhân danh lãnh tụ "thế giới tự do" thường xuyên đi áp bức, bóc lột, xâm lược, đe dọa nhân dân khắp nơi trên thế giới, nâng đỡ bọn phát xít, bọn bành trướng, bọn phân biệt chủng tộc ở Bơ-ra-din, I-xra-en, Tây ban nha, Nam Phi, Nam Triều Tiên...

Ở trên đất nước Hoa Kỳ, chế độ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay phiên nhau cầm quyền, chẳng qua cũng là chế độ "kẻ cắp, bà già", đại lý cho các tập đoàn tư bản lũng đoạn, thi hành quốc sách bóc lột lợi nhuận tối đa, chiến lược toàn cầu ỷ vào sức mạnh quân sự: một chế độ dân chủ trá hình, dân chủ kiểu CIA, Oa-tơ-ghết - Lốc, hít thực chất là nền chuyên chính của một thiểu số giai cấp tư sản đế quốc tàn bạo nhất với hàng trăm triệu nhân dân lao động Mỹ - và nhiều dân tộc khác, một thứ chuyên chính mà ngay cả đa số Thượng Hạ nghị viện và các tên tổng thống cũng đều là những con bài trong canh bạc bịp của các thế lực tài phiệt và các công ty đa quốc gia.

Cứ nhìn vào các thành thị miền Nam dưới chế độ thực dân mới của Mỹ mới đây cũng thấy rõ được phần nào tính bịp bợm của chiêu bài "tự do".

Đó là một lãnh địa chính cống của thế giới "tự do".


Ở đây, ngay cả những quyền tự do tư sản sơ đẳng nhất ghi trên "hiến pháp quốc gia" cũng chỉ là những bánh vẽ, và trên thực tế bị đánh tráo bằng những đọa luật rừng hoang kiểu 007 bóp chết báo chí, xuất bản, đẩy ký giả, văn nghệ sĩ vào nhà tù hoặc ăn xin, chết đói.


Chỉ có tự do cho một nhúm tay sai Mỹ, tướng tá ác ôn, tư sản mại bản tha hồ tham nhũng, bóc lột, bắn giết nhân dân.


Còn trên hai mươi triệu nhân dân miền Nam chỉ có "tự do" sống lay lắt và chết bi thảm trong các nhà tù, các chuồng cọp, các ấp chiến lược, ấp tân sinh ken đầy những lớp kẽm gai, dưới tầm mắt cú vọ của những bầy lính kín, "phượng hoàng" chìm và nổi, trong tầm mắt của những đại liên và đại bác sẵn sàng khạc đạn.."


(...)
.....................................
Trích theo: Nam Mộc - Luyện thêm chất thép cho ngòi bút. NXB Văn học 1978. Bài: Đảng đem lại tự do chân chính cho sáng tạo nghệ thuật, từ trang 84 đến trang 87.

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Suy nghĩ miên man về tên đường

Hằng ngày đi qua những con đường mang tên: Thụy Khuê, Bưởi, Trúc Bạch, Trấn Võ, ...(những con đường mang tên theo ĐỊA DANH) thì gần như chẳng ai phải phàn nàn. Đơn giản là vì con đường mang tên địa danh nó chạy qua. Dẫu cho thể chế, chế độ, xã hội thay đổi đến mấy thì điạ danh vẫn thế. Thụy Khuê vẫn cứ là Thụy Khuê mà không có ai ý kiến, ý cọp, phàn nàn gì cho mất thời gian.

Rồi cũng lại hằng ngày đi qua nhưng con đường như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Lê Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt... thì cũng như đi qua những con đường mang tên theo địa danh ở trên, sẽ chẳng có ai phàn nàn gì. Cũng đơn giản là những người được đặt tên đó, là những văn hào, danh nhân văn hóa, những vị vua, những vị tướng nổi tiếng của dân tộc, họ được tôn thờ vì những chiến công, sự hi sinh anh dũng, và những đóng góp to lớn đối với đất nước (về bảo vệ độc lập, tự do, giữ yên bờ cõi, phát triển, bảo tồn văn hóa, xây dựng đất nước tường tồn....)

Rồi bỗng nhiên hôm nay đọc tin trên báo: Hà Nội sẽ có phố Đặng Thùy Trâm.Xem ở đây: (
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/584296/Ha-Noi-se-co-pho-Dang-Thuy-Tram-tpol.html)
 
Rồi mình tự nhắc mình rằng, nếu sau này, con mình hỏi mình: Bố ơi, tại sao lại có phố Đặng Thùy Trâm thì mình trả lời thế nào? 

Có thể, mình sẽ nói: Việc đặt tên đường là do UBND thành phố đặt, có gì mà phải hỏi.

Nhưng mình không thể trả lời con mình thế được. Nó chưa đủ tuổi và chưa đủ lí luận cách mạng, chưa có lí luận Mác - Lenin để tiếp nhận câu trả lời đó.

Thế thì nói sao đây? 

À, hỏi thăm anh Gúc gồ thì ra là bác Đặng Thùy Trâm ở đây: (http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_Th%C3%B9y_Tr%C3%A2m) là liệt sĩ hi sinh trong Kháng chiến chống Mỹ và có để lại một tập Nhật kí. {xem nguyên văn tại dưới}

Trả lời thế chắc thằng con zai mình nó yên tâm và cũng đã hiểu cơ bản rồi, nhưng (trộm vía), nếu nó lại hỏi: 
 
- Nhưng, có nhiều liệt sĩ khác cũng hi sinh trong kháng chiến, cũng để lại Nhật kí sao không đặt tên đường? 

Ừ nhỉ, trộm vía chứ nếu con mình mà hỏi câu này thì mình chết ngắc, không trả lời được.

Hỏi gì mà hỏi khó thế? 

Các liệt sĩ hi sinh máu xương cống hiến cuộc đời cho độc lập tự do dân tộc, ai cũng anh hùng, ai cũng vẻ vang, chứ người sống sao có thể thiên vị người nào?

Rồi ngày mai đây, mỗi khi dạo bước qua con đường mang tên ĐẶNG THÙY TRÂM đầy nắng và gió, rợp mát bóng cây và san sát những ngôi nhà cao tầng, chắc mình không khỏi băn khoăn về câu hỏi (dự đoán) kia mà trong lòng bối rối, trăn trở, không biết thế nào.

Sự hi sinh thì giống nhau, máu xương thì giống nhau mà sao, nhìn nhận, ghi công lại khác nhau đến thế.

Thôi, hẹn con zai dịp khác bố sẽ trả lời.

HN, 22/7/2012
Nguyễn Học 





Giới thiệu của Wiki về bác sĩ Đặng Thùy Trâm


Đng Thùy Trâm (sinh ngày 26 tháng 11 ti Huế, 1942– hy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970 ti Qung Ngãi) là mt n bác sĩ, lit sĩ trong chiến tranh Vit Nam, được Nhà nước Cng hòa Xã hi Ch nghĩa Vit Nam trao tng danh hiu Anh hùng lc lượng vũ trang nhân dân năm 2006.
Tiểu sử
Đặng Thùy Trâm sinh trưởng trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Đặng Thùy Trâm là chị cả của bốn em, cả chị và 3 em gái đều mang tên giống mẹ chỉ khác nhau tên đệm, cho nên bạn bè và người thân đều gọi Thùy Trâm là "Thùy".
Chị từng là cựu học sinh của Trường Chu Văn An, Hà Nội và là danh ca xuất sắc của trường Chu Văn An và Đại học Y Hà Nội. Bằng các ca khúc Bài ca hy vọng, Cây Thùy dương, Sullico...chị đã đoạt hàng chục huy chương trong các cuộc đua tài văn nghệ quần chúng thủ đô. Bên cạnh việc say mê học tập, luôn giúp đỡ bạn bè gặp khó khăn, Thùy Trâm còn tích cực tham gia câu lạc bộ thơ văn cùng khóa của trường Chu Văn An, gồm có các thành viên sau này trở thành các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, Vương Trí Nhàn...Chị và các anh bạn cùng lớp Lê Văn Kiếm, Hoàng Ngọc Kim, Dương Đức Niệm kết thành nhóm phấn đấu vào Đảng. Nối nghiệp gia đình, Thùy Trâm thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội chuyên khoa Mắt và được nhà trường cho tốt nghiệp sớm 1 năm để đi chiến trường.
Với kết quả học tập, thi tốt nghiệp loại ưu, bác sĩ trẻ Thùy Trâm có thể, hoặc nhận lời ở lại trường làm cán bộ giảng dạy hoặc nhận công tác tại một bệnh viên hoặc cơ quan nào đó ở ngay Hà Nội vì bố mẹ đều là cán bộ có uy tín, có nhiều quan hệ trong ngành Y tế. Nhưng vì có người yêu vào chiến trường trước mấy năm nên sau khi tốt nghiệp chị xung phong vào Nam ngay. Năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá nhỏ chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Chị được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1968.
Ngày 22 tháng 6 năm 1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề [1].
Hài cốt chị được nhân dân địa phương mai táng tại nơi hy sinh và luôn hương khói. Sau giải phóng, chị được đồng đội đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, gia đình đã đưa hài cốt chị về nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội.
Chị đồng thời là tác giả hai tập nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, 2 ngày trước khi hy sinh. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4, 2005. Sau đó được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành quyển sách mang tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Vinh danh
Chú thích
  1. ^ Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Vương Trí Nhàn
  2. ^ “Chủ tịch nước dự khánh thành bệnh xá Đặng Thùy Trâm”. VietNamNet. Truy cập 2 tháng 6 năm 2009.
  3. ^ “Phim ‘Đừng đốt’ sáng tinh thần Đặng Thùy Trâm”. VnExpress. Truy cập 2 tháng 6 năm 2009.
Theo: http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_Th%C3%B9y_Tr%C3%A2m

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Trong lịch sử, người Pháp đã đánh giá người Trung Hoa như thế nào?

Lời giới thiệu: Đây là một tư liệu được trích từ cuốn “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”. Quyển 1 tập 1. NXB Đà Nẵng – 2001. Cuốn sách này, như tên gọi của nó mục đích không phải giới thiệu những tư liệu của người Pháp nói về người Trung Hoa, mà nói về cụ Phan Châu Trinh. 

 Tuy nhiên, lí do mà chúng tôi (tức Nông dân ra phố) giới thiệu là trong một tư liệu cụ thể này, đã thể hiện rất rõ cách nhìn nhận và đánh giá của một Viện sĩ người Pháp đối với người Trung Hoa trong mối quan hệ với người An Nam cũng như Đông Dương. Hơn nữa, cũng phần nào hiểu thêm về con người Hoàng Cao Khải trong những nội dung trình bày của nhân vật còn nhiều ý kiến đánh giá này.

Trong tình hình ở Biển Đông, nước Trung Quốc hiện tại đang có những hành động gây hấn, âm mưu xâm lược biển đảo, xâm phạm vùng biển tài nguyên của Việt Nam; ở trong đất liền thì những công dân Trung Quốc liên tiếp có những hoạt động và hành động có tính gian dối, thủ đoạn, lũng đoạn thị trường như buôn bán nông sản với bà con nông dân với các chiêu ghìm giá, đẩy giá rồi chạy làng; rồi tại các phòng khám đa khoa Trung Quốc tại VN cũng có liên tiếp các vụ chết người, bác sĩ người Trung Quốc bỏ chạy,… khiến chúng ta không thể không nghĩ kĩ hơn về người Trung Hoa hiện tại cũng như trong lịch sử trong mối quan hệ với Việt Nam ta. 

Từ thực tế đó, đọc lại những gì mà viện sĩ De Brieux  viết trong cuốn Thăm Ấn Độ và Đông Dương mà chúng  tôi giới thiệu dưới đây thì thấy cái BẢN CHẤT CỐ HỮU của người Trung Quốc từ 1909 đến nay vẫn có những nét không thay đổi. Hành động, động cơ, âm mưu của họ trong một số lĩnh vực dù trong 1909 hay trong 2012 vẫn có nét tương đồng về bản chất, chỉ có khác về hiện tượng. 
Điều đó cho thấy, cảnh giác với người Trung Hoa trong bảo vệ tài nguyên, lãnh thổ,(cả về văn hóa nữa) là không thừa và cần kíp khẩn trương hơn bao giờ hết. 

Tôn trọng các tư liệu lịch sử và không quên những khó khăn của đất nước trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi xin được trích lại nguyên văn đoạn trích Thăm Ấn Độ và Đông Dương của Viện sĩ De Brieux  in trong cuốn sách trên.

 Nông dân ra phố xin trân trọng giới thiệu: 



Tài liệu 26
Lưu  CAOM –A947

VIỆN SĨ DE BRIEUX VIẾT VỀ CUỘC GẶP HOÀNG CAO KHẢI

(Trích “ Thăm Ấn Độ và Đông Dương”)

…”Ông Jules Roux quan ba bộ binh đã dịch và tôi đã có được một văn kiện của ông phó vương. Ông là thành viên của Hội đồng cao cấp Đông Dương có Huy chương Bắc đẩu Bội tinh.
Ông Phó vương trước tiên đặt nguyên tắc là hiện nay các dân tộc ở vào địa vị thấp kém hơn bắt buộc phải dựa vào những nước thuân lợi hơn. Ví dụ như nước Pháp ngày xưa đã bị La Mã đô hộ 400 năm nhờ đó mà văn minh lên… Và ông nói tiếp:

“Nước chúng tôi có sai lầm là không sớm mở cửa buôn bán với các vị ngay từ thời của Louis XIV có yêu cầu. Và năm 1858 đã chống nhưng không chống nổi để mất Nam Kỳ, năm 1884 đã chống đi đến phải chịu bảo hộ.

Đất nước đã sai lầm để cho cả dân tộc phải gánh chịu. Nhưng Pháp khong đến chiếm thì chắc chắn sẽ có cường quốc khác chiếm thôi”

Sau khi kể qua quá trình thiết lập chế độ cai trị, ông kể qua những ơn nghĩa của nước Pháp:
“Nhìn chung có nhiều việc lớn và có ích: như xây dựng các thành phố Saigon, Tourance, Hải Phòng… ngày xưa chỉ là những vũng lầy và cát trắng, bây giờ thành những thành phố lớn có tàu thuyền các nước đến buôn bán. Đó là những công trình vĩ đại.

Đường sá ngày xưa rất kém, đi chủ yếu là đi bộ và chir có đường quốc lộ. Đường thủy thì trước chỉ có thuyền bè, bây giờ có đủ tàu xuồng máy đi trên sông và biển, cả tàu vượt đại dương. Lại có đường sắt, có tàu điện. Ở trên bộ, dưới nước đều có phương tiện đi lại.

Ngày xưa con cái chúng tôi khi có dịch đậu mùa thì chết hàng loạt, dân ốm đau không có nhà thương chữa trị, bây giờ có chủng đậu thường kỳ. Các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng v.v… đều có nhà thương, người bệnh không có tiền cũng được đến chữa trị không mất tiền.

Chính phủ Bảo hộ đã lập ra một trường Y cho người An nam. Trong tương lai sẽ có nhiều người An nam làm nghề chữa trị cho người An nam, sẽ giảm bớt ốm đau, tăng thêm dân số.

Ngày sưa sản vật làm ra khó tiêu thụ và phải bán rẻ.

Bây giờ đường sá thông thương, có thể bán ra cả nước ngoài như lúa gạo, Nam Kỳ xuất 732.000 tấn/năm; Bắc Kỳ xuất 114.000 tấn/năm. Và còn nhiều nông sản, sản phẩm công nghiệp khác. Ngày càng tăng tiến trong sản xuất và buôn bán.

Không cần nói, ai cũng thấy nhờ Chính phủ Bảo hộ dân được một số lợi ích…”.

“Nhưng tuy vậy, do cách cai trị chưa tốt mà cho đến nay, Chính phủ Bảo hộ không chiếm được trái tim của mọi người.

Chúng tôi thấy có 3 nguyên nhân:
  1. Thuế má quá nặng
  2. Chọn lựa quan lại Nam không đủ tiêu chuẩn bảo đảm, nhiều người không xứng đáng với chức vụ của họ.
  3. Cố gắng của chính phủ trong mở mang trường học cho dân còn kém.

Tôi thấy dân Nam cần nhìn và dựa vào nước Pháp vì: 
Trong 5 năm qua, sau khi thấy Nhật thắng Nga, người ta có tư tưởng một dân tộc nhỏ có thể thắng một cường quốc to. Từ đó mà có những hội, những đảng hoạt động trong nước, đồng thời có những hội, những đảng hoạt động ngoài nước…

Nhưng có thể khẳng định là nếu dùng bạo loạn, nước Pháp sẽ thắng, kết quả sẽ không đến đâu cả.

Vấn đề cuối cùng nóng bỏng nhất là: Chúng tôi tự hỏi, một ngày kia có thể độc lập được không?

Đã có 2 cơ hội mà đã bị bỏ qua đi rồi…

Bây giờ có cơ hội thứ 3 không biết có hi vọng được không? Đó là vấn đề dựa hẳn vào nước Pháp để cải tạo nền giáo dục của mình và tiến bộ lên.

Nếu làm được như vậy, thì nhờ sự tiến bộ của mình, chúng tôi nghĩ là nước Pháp trước tiên sẽ cho chúng tôi quyền tự trị, chỉ giữ lại quyền đại diện chúng tôi ở bên ngoài với các nước mà thôi…

Chúng tôi sẽ được như Canada và Úc vậy…”

Ông De Brieux bình luận và kết luận:

“Tôi cho là tham vọng đó hoàn toàn chính đáng, đáng khen và cao thượng. Chúng ta phải yên trí là từ nay chính phủ Pháp sẽ trả lại quyền tự trị cho họ. Để họ tự cai quản một cách hoàn toàn độc lập.

Chúng ta không thể thờ ơ trước một sự biểu thị đẹp đẽ như vậy về lòng tin cậy. Chúng ta không thể đánh lừa hi vọng đó…

Vai trò mà vị Phó vương yêu cầu ta làm là hoàn toàn hợp với truyền thống, với tinh thần đại lượng và nghĩa vụ chúng ta trước nhân loại.

Hiểu như vậy thì công cuộc chiếm thuộc địa không còn mang tính chất hành động kẻ cướp nữa.

Nếu sức mạnh và sự cao đẳng cho phép một nước có quyền can thiệp bằng vũ lực vào số mệnh của một dân tộc khác  thì quyền đó sẽ đưa lại những nghĩa vụ không thể trốn tránh được để đáp lại. Nghĩa vụ đó là làm cho dân tộc bị trị những điều kiện sớm nhất để xứng đáng được độc lập.

Một hành động chính trị cao đẹp nhất là nói với người An nam”

“Chúng ta không phải là chủ mà là kẻ đỡ đầu của các người. Khi các người đủ mạnh về tinh thần để khỏi cần sự đỡ đầu đó, đủ mạnh để không trở thành miếng mồi, đủ giàu để không thể mất mặt với thiên hạ, thì chúng ta trả lại quyền cho các người, chúng ta không cầm tay dắt đi nữa mà, như người cha thấy con đủ sức đương đầu với cuộc sống, sẽ để cho con tự mình cai quản lấy mình, để cho con mình tự đi trên con đường mà chúng ta đã chỉ lối cho. Và chúng ta sẽ nhìn theo như cha nhìn con, anh nhìn em, tự hào về các người…

Chính do các người ự quyết định lấy ngày giải thoát. Nền tự do đã ở đó, các người phải giành lấy. Đây là trường học. Đó là những vũ khí cần thiết hiện nay. Hãy cầm lấy. Chúng ta mang đến cho các người và bày cho cách sử dụng. Đừng ham độc lập quá sớm. Nếu hôm nay thoát ngay khỏi sự giúp đỡ của chúng ta, các người sẽ rơi vào tay những tên chủ không đại lượng bằng. Hãy tin chúng ta và làm việc đi. Sẽ là một ngày vinh quang cho các người mà chúng ta có thể  thôi không coi các người là con trẻ mà là những người em…”

…Phải nghĩ và làm quen với ý nghĩ là dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng không thể mãi mãi giữ Đông Dương được.

Nếu chúng ta không trả cho người An nam thì có kẻ sẽ giành lấy.

Và kẻ đó chính là nước Trung Hoa.

Và ngày mà ở châu Âu chúng ta phải đương đầu với một cường quốc thì ngày đó người Trung Hoa sẽ nhẹ nhàng chiếm Đông Dương như người Ý năm 1870 đã chiếm lấy đất đai của Gíao hoàng. Nếu người Sài Gòn muốn chống lại thì với 100 nghìn người Trung Hoa ở chợ Lớn họ không cần súng ống cũng trị được. Ở đâu trên đất Đông Dương cũng vậy, cứ 1 người Pháp thì đã có 20 người Trung Hoa.

Và ngay người An nam, nếu ta không cảm hóa họ, cũng sẽ đưa tay ra đón những người Tàu mà họ gọi là “các chú”chưa quên những người đó đã là chủ cũ của nước này.

Nhưng Trung Quốc có cần xâm chiếm không? Đông Dương đã là của họ rồi. Chúng ta là chủ danh nghĩa, họ là chủ thật sự. Chúng ta đưa lính đến, họ đưa con buôn đến. Chúng ta mơ có thuộc địa để đến làm giàu, nhưng chính họ thực hiện giấc mơ đó. Chúng ta cai trị thuộc địa, họ khai thác nó.

Ta coi người nông dân An nam là xa lạ, họ quen biết, họ nói cùng tiếng nói, họ dùng tiền mua thốc lúa non, lúa già, mua trả sòng phẳng. Họ biết tính để cho người nông dân đủ sống để cày cuốc làm ra thóc gạo.

Thương nghiệp nằm trong tay họ. Họ tuồn thóc gạo cả xứ theo các kênh rạch về các hãng xay xát ở chợ Lớn và, bán gạo xong họ nhét tiền đầy túi, trở về xứ sở nằm nghỉ.

Sức mua bán của dân tộc này thật kỳ quặc. Trong một làng nghèo đói không mua bán gì, có một người Tàu đến, nhân làm  thuê vất vả… Chỉ 2 năm sau, y có một cửa hàng nhỏ, cả làng đều vay mượn y. Và những người Tàu khác sẽ đến theo.

Sự đoàn kết của họ ngoài sức tưởng tượng: trong cửa hàng, đến giờ ăn họ xúm lại quanh bàn, ở trần như nhau, không phân biệt chủ và người làm. Ăn xong là làm việc, kỷ luật ra trò. Họ biết chia nhau quyền lợi, không tranh chấp, đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ ở Rangoom họ quyết định không để cho ngời Tàu kéo xe, thế là không có người Tàu kéo xe. Thợ Tàu đến được dùng vào làm việc khác.

Họ không sợ khổ, không sợ chết. Họ chèo thuyền ra đánh cá trong lúc sóng to gió lớn…
Họ bất chấp toán học và vẫn tính toán đâu vào đấy. Họ thông minh và rất nhạy cảm với cái mới. Cái gì họ không mời nước ngoài đến làm là họ tính để tự làm. Quân lính họ sử dụng vũ khí thành thạo, hành quân cả sư đoàn…

Làm sao ta có thể bảo vệ Bắc Kì khi họ cảm thấy bị chật chội hay buôn bán khó khăn và đưa một quân đoàn vượt qua Lạng Sơn? Suốt dọc biên giới chúng ta không có hành lũy pháo đài nào để chống trả cả.

Với biển người của họ, ta làm sao chống được bằng máy tiểu đoàn? Nếu có thủy quân họ sẽ vào thẳng Nam kỳ, qua Cap Saint Jacques có khó hơn chút ít thôi. Chúng ta không có phòng thủ gì hết trên sông Sài Gòn…

Trong khi tính toán tất cả các vấn đề đó, chúng ta phải cố gắng đặt dấu ấn trên người An nam, càng sâu càng tốt để sẽ còn một cái gì đó của trí tuệ chúng ta tiếp tục được duy trì…”

(Theo: Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Kim): Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới. Quyển 1 tập 1. NXB Đà Nẵng – 2001. Từ trang 139 đến 145.)

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Khám phá hang động chưa được khai thác ở Vịnh Hạ Long

Năm 2006, trong một chuyến đi mạo hiểm và suýt bị chó cắn, tôi may mắn được khám phá hang động mới tìm thấy trên Vịnh Hạ Long lúc đó (mà cho tới năm nay - 2012, có thể khẳng định là rất ít người dám vào trong vì sự nguy hiểm của nó). Sau chuyến này, sau một bài tụng ca về người chủ đảo, tôi gọi là Robinson trong bài viết này (http://www.tienphong.vn/xa-hoi/34886/Nu-Robinson-tren-Vinh-Ha-Long.html) thì tôi về viết một bài theo phong cách của các cụ trên Nam Phong tạp chí ngày trước tạm gọi là thể loại du kí, có tên là "Bích Động Thủy - thêm một lần sửng sốt ở Vịnh Hạ Long". Nay, nhân lúc nhàn rỗi post lại đọc cho đỡ buồn: 


 
Y hẹn với Lương Kim Loan, người may mắn phát hiện và đặt tên cho hang động này, tôi đã sẵn sàng đèn pin, đèn măng – sông, máy ảnh, giầy ba-ta cho chuyến hành trình khám phá đầy thú vị trước mắt. Trước khi lên đường, bà Loan dặn: Phải can đảm mới vào hang được. Nguy hiểm lắm đấy. 

Bà Loan ra hòn đảo này làm dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc năm 1994 – khi đó, đảo Lờm Bò chỉ là một hoang đảo. Vào một buổi sáng, bà Loan, trên đường lên đỉnh núi, đi qua một vị trí bỗng thấy mát lạnh, gió lùa như máy điều hòa nhiệt độ. Nghi ngờ ở đây có hang động, bà Loan cùng con trai là Nguyễn An Lộc đã kiểm tra và… sững sờ trước một hang rộng đã có từ lâu trên đảo mà không hề biết. 

Tôi hỏi, vì sao bà lại đặt tên hang là Bích Động Thủy, bà bảo, động có nhiều nhũ đá như ngọc bích, lại có những dòng nước chảy bên trong. Chà, thật huyền ảo. Có cả âm dương, cả trời đất…

Từ chân đảo Lờm Bò, đi ngược lên phải mất hơn 400 mét dốc núi, qua những vườn vải, vườn cam xanh mướt, um tùm mới đến được lối vào động. Trời sau cơn mưa, đường còn trơn, chiếc giầy ba- ta bắt đầu dính đất. Lại tiếp tục trèo lên nhiều mỏm đá lởm chởm nữa mới thực sự bắt đầu bước xuống động. 

Lối vào động nhỏ xíu, chỉ vừa khe lọt cho người nhỏ nhắn lách qua. Lối xuống thăm thẳm, như đang trườn xuống vực. Đã vậy, lại không thẳng mà khúc khuỷu hình sin, dích dắc hình chữ chi. Nhiều lúc, không nhìn thấy đường xuống, cả lối đi một màu đen đặc. Tay trái, tay phải cố mà bám víu lấy một mỏm đá cho người khỏi rơi xuống. Chiếc đèn pin cầm theo đành… cho vào túi để đảm bảo an toàn. Cũng may, một người cháu của bà Loan đi cùng, vừa khỏe, vừa nhanh cầm vững ngọn đèn măng –sông soi đường cho tôi và bà Loan. 

Qua ba đoạn dích dắc, cuối cùng, chúng tôi cũng bước xuống Bích Động Thủy. Cảnh tượng hiện ra trước mắt làm tôi sững sờ. Một cảm giác khó tả. Không sung sướng như chinh phục đỉnh núi, cũng không hân hoan như người thắng cuộc, mà cảm giác vừa lạ lẫm, vừa ngạc nhiên đến sửng sốt trước sự tuyệt mĩ của tạo hóa.
Trong ánh đèn sáng xanh lét của chiếc đèn măng-sông, hiện ra trước chúng tôi là những măng đá nhỏ, mảnh như kim tuyến chọc thẳng lên trời. Trên trần hang là những nhũ đá tua tủa như rễ tre, chòi ra từ trần hang xuống. 
Kia nữa, cả một bức tường nhũ đá giống như bức phù điêu nghệ thuật của mấy anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu hay trường Mỹ thuật Công nghiệp vừa tạo xong. Cả bức phù điêu một màu trắng xóa. Đi quá đoạn nữa, những rễ cây si ngoằn nghèo đen nhánh như dây thừng, dây điện chạy ngang nền hang. Chúng phải to bằng dây điện cao thế. Dường như, cái rễ cây là sự kết nối giữa trời và đất ở chỗ này hay là những đường dây thông tin của thế giới hoa lá, cây cỏ, của đá, của núi của các vị thần linh mà chúng ta hay nói tới? Chẳng ai biết được. 

Những nhũ đá ngổn ngang dưới nền hang, như dấu hiệu của một sự chấn động địa chất trong hang động này. Không có cuộc chiến tranh nào ở đây cả, chỉ có sự chấn động của hiện tượng tự nhiên.

Diệu kỳ hơn, trong hang động này, các giọt nước mưa, nước chứa hợp chất canxi cácbonát từ trên trần hang vẫn tiếp tục nhỏ giọt, nhỏ giọt… Cái nhũ đá, măng đá vẫn tiếp tục hình thành. Bỗng có nhiều chấm trắng dưới nền hang, bà Loan khẽ chạm tay vào, rồi đột ngột rút tay ra. Bà nhận ra một điều: Hãy để cho thiên nhiên được nguyên vẹn, nước, đá được tự nhiên tình tự… 

Những khối dây thừng còn làm cho chúng tôi thêm sửng số. Ngạc nhiên chưa, khi những rễ si đã bị các giọt nước chảy từ trần hang, qua bao nhiêu năm tích tụ đã làm hóa thạch, hóa nhũ. Một dạng thạch nhũ chưa từng thấy ở trên Vịnh Hạ Long. Ruột là rễ si, vỏ là lớp thạch nhũ đông kết… Và cái rễ si kia lửng lơ, loằng ngoằng thế nào thì có những nhũ đá kiểu ấy… Đúng là một sự giao duyên hiếm thấy. 

Mải mê với tạo hóa của thiên nhiên, tôi chợt nhìn thấy mấy chú cua đá. Thật kỳ lạ, sống trong môi trường tối om mà màu sắc của mấy chú cua này cũng sặc sỡ, lộng lẫy vô cùng.

Đi sang ngăn tiếp theo, một khối đá có nhiều múi, tựa như quả khô cầu ao thôn quê, nhưng lại màu trắng sữa, thành từng chùm, từng chùm. Khẽ gõ vào từng múi đó thấy mỗi múi có một âm thanh khác nhau, tạo nên bản nhạc đá rộn ràng, thanh sắc, chẳng kém gì đàn đá ở Tây Nguyên. 

Bây giờ đến dòng sông trong lòng núi. Dưới chân chúng tôi là một dòng nước lượn lờ, uốn khúc, nước sâu đến đầu gối, trong veo, mát lạnh. Hết hồ này đến hồ khác dẫn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác… Nhìn sang góc hang chỗ này là một hồ nước có nhiều ngăn, các bờ ngăn thiên tạo mà như có chủ ý của con người vậy. Cũng bờ, cũng kè, cũng chạy lòng vòng như giữ nước trên ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số. Đi thêm một quãng nữa xuất hiện một ngăn thẳng trần hang vòm, không nhũ đá, cũng chẳng nhấp nhô. Một hình vòm rộng. Thẳng, ngay ngắn, tưởng như đang vào địa đạo Củ Chi hay là vào hầm dã chiến của chiến sĩ cách mạng năm xưa… 

Ngăn cuối của hang cũng không có sự hình thành nhũ đá nhưng cũng gợi biết bao liên tưởng với những hình tượng người: hình mẹ bồng con, hình ông cụ, hình thiếu nữ đang đợi chờ… mỗi hình mỗi vẻ nhưng đều tĩnh lặng, u hoài tưởng như đang đứng trước lăng tẩm xứ Huế… 

Điểm cuối hang, chúng tôi ngồi nghỉ và nhìn bao quát lần cuối trước khi ra ngoài. Ánh đèn măng-sông sáng cả góc hang. Nhìn đồng hồ, tôi mới nhận ra, hành trình đã mất hơn một tiếng đồng hồ. Chúng tôi cũng không ước lượng được, hang động này dài bao nhiêu, bởi sự kỳ thú của nó làm chúng tôi quên hết ý niệm không gian, thời gian rồi. 

Trên đường trở ra ngoài, tôi vô tình còn nhặt được mấy vỏ ốc mà không biết tên là gì, nước ngọt hay nước mặn. Chỉ biết chụp lại và chờ sự lý giải của các nhà khoa học…

Chúng tôi đón ánh mặt trời vào chính Ngọ. Trời nắng hửng sau cơn mưa, cây cối như xanh hơn và ai nấy trong đoàn chúng tôi đều thấy vui hơn. Vui vì đã khám phá được hang động còn ẩn giấu trong lòng núi giữa Vịnh Hạ Long điệp trùng núi, mênh mông nước…/.