Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Khám phá hang động chưa được khai thác ở Vịnh Hạ Long

Năm 2006, trong một chuyến đi mạo hiểm và suýt bị chó cắn, tôi may mắn được khám phá hang động mới tìm thấy trên Vịnh Hạ Long lúc đó (mà cho tới năm nay - 2012, có thể khẳng định là rất ít người dám vào trong vì sự nguy hiểm của nó). Sau chuyến này, sau một bài tụng ca về người chủ đảo, tôi gọi là Robinson trong bài viết này (http://www.tienphong.vn/xa-hoi/34886/Nu-Robinson-tren-Vinh-Ha-Long.html) thì tôi về viết một bài theo phong cách của các cụ trên Nam Phong tạp chí ngày trước tạm gọi là thể loại du kí, có tên là "Bích Động Thủy - thêm một lần sửng sốt ở Vịnh Hạ Long". Nay, nhân lúc nhàn rỗi post lại đọc cho đỡ buồn: 


 
Y hẹn với Lương Kim Loan, người may mắn phát hiện và đặt tên cho hang động này, tôi đã sẵn sàng đèn pin, đèn măng – sông, máy ảnh, giầy ba-ta cho chuyến hành trình khám phá đầy thú vị trước mắt. Trước khi lên đường, bà Loan dặn: Phải can đảm mới vào hang được. Nguy hiểm lắm đấy. 

Bà Loan ra hòn đảo này làm dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc năm 1994 – khi đó, đảo Lờm Bò chỉ là một hoang đảo. Vào một buổi sáng, bà Loan, trên đường lên đỉnh núi, đi qua một vị trí bỗng thấy mát lạnh, gió lùa như máy điều hòa nhiệt độ. Nghi ngờ ở đây có hang động, bà Loan cùng con trai là Nguyễn An Lộc đã kiểm tra và… sững sờ trước một hang rộng đã có từ lâu trên đảo mà không hề biết. 

Tôi hỏi, vì sao bà lại đặt tên hang là Bích Động Thủy, bà bảo, động có nhiều nhũ đá như ngọc bích, lại có những dòng nước chảy bên trong. Chà, thật huyền ảo. Có cả âm dương, cả trời đất…

Từ chân đảo Lờm Bò, đi ngược lên phải mất hơn 400 mét dốc núi, qua những vườn vải, vườn cam xanh mướt, um tùm mới đến được lối vào động. Trời sau cơn mưa, đường còn trơn, chiếc giầy ba- ta bắt đầu dính đất. Lại tiếp tục trèo lên nhiều mỏm đá lởm chởm nữa mới thực sự bắt đầu bước xuống động. 

Lối vào động nhỏ xíu, chỉ vừa khe lọt cho người nhỏ nhắn lách qua. Lối xuống thăm thẳm, như đang trườn xuống vực. Đã vậy, lại không thẳng mà khúc khuỷu hình sin, dích dắc hình chữ chi. Nhiều lúc, không nhìn thấy đường xuống, cả lối đi một màu đen đặc. Tay trái, tay phải cố mà bám víu lấy một mỏm đá cho người khỏi rơi xuống. Chiếc đèn pin cầm theo đành… cho vào túi để đảm bảo an toàn. Cũng may, một người cháu của bà Loan đi cùng, vừa khỏe, vừa nhanh cầm vững ngọn đèn măng –sông soi đường cho tôi và bà Loan. 

Qua ba đoạn dích dắc, cuối cùng, chúng tôi cũng bước xuống Bích Động Thủy. Cảnh tượng hiện ra trước mắt làm tôi sững sờ. Một cảm giác khó tả. Không sung sướng như chinh phục đỉnh núi, cũng không hân hoan như người thắng cuộc, mà cảm giác vừa lạ lẫm, vừa ngạc nhiên đến sửng sốt trước sự tuyệt mĩ của tạo hóa.
Trong ánh đèn sáng xanh lét của chiếc đèn măng-sông, hiện ra trước chúng tôi là những măng đá nhỏ, mảnh như kim tuyến chọc thẳng lên trời. Trên trần hang là những nhũ đá tua tủa như rễ tre, chòi ra từ trần hang xuống. 
Kia nữa, cả một bức tường nhũ đá giống như bức phù điêu nghệ thuật của mấy anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu hay trường Mỹ thuật Công nghiệp vừa tạo xong. Cả bức phù điêu một màu trắng xóa. Đi quá đoạn nữa, những rễ cây si ngoằn nghèo đen nhánh như dây thừng, dây điện chạy ngang nền hang. Chúng phải to bằng dây điện cao thế. Dường như, cái rễ cây là sự kết nối giữa trời và đất ở chỗ này hay là những đường dây thông tin của thế giới hoa lá, cây cỏ, của đá, của núi của các vị thần linh mà chúng ta hay nói tới? Chẳng ai biết được. 

Những nhũ đá ngổn ngang dưới nền hang, như dấu hiệu của một sự chấn động địa chất trong hang động này. Không có cuộc chiến tranh nào ở đây cả, chỉ có sự chấn động của hiện tượng tự nhiên.

Diệu kỳ hơn, trong hang động này, các giọt nước mưa, nước chứa hợp chất canxi cácbonát từ trên trần hang vẫn tiếp tục nhỏ giọt, nhỏ giọt… Cái nhũ đá, măng đá vẫn tiếp tục hình thành. Bỗng có nhiều chấm trắng dưới nền hang, bà Loan khẽ chạm tay vào, rồi đột ngột rút tay ra. Bà nhận ra một điều: Hãy để cho thiên nhiên được nguyên vẹn, nước, đá được tự nhiên tình tự… 

Những khối dây thừng còn làm cho chúng tôi thêm sửng số. Ngạc nhiên chưa, khi những rễ si đã bị các giọt nước chảy từ trần hang, qua bao nhiêu năm tích tụ đã làm hóa thạch, hóa nhũ. Một dạng thạch nhũ chưa từng thấy ở trên Vịnh Hạ Long. Ruột là rễ si, vỏ là lớp thạch nhũ đông kết… Và cái rễ si kia lửng lơ, loằng ngoằng thế nào thì có những nhũ đá kiểu ấy… Đúng là một sự giao duyên hiếm thấy. 

Mải mê với tạo hóa của thiên nhiên, tôi chợt nhìn thấy mấy chú cua đá. Thật kỳ lạ, sống trong môi trường tối om mà màu sắc của mấy chú cua này cũng sặc sỡ, lộng lẫy vô cùng.

Đi sang ngăn tiếp theo, một khối đá có nhiều múi, tựa như quả khô cầu ao thôn quê, nhưng lại màu trắng sữa, thành từng chùm, từng chùm. Khẽ gõ vào từng múi đó thấy mỗi múi có một âm thanh khác nhau, tạo nên bản nhạc đá rộn ràng, thanh sắc, chẳng kém gì đàn đá ở Tây Nguyên. 

Bây giờ đến dòng sông trong lòng núi. Dưới chân chúng tôi là một dòng nước lượn lờ, uốn khúc, nước sâu đến đầu gối, trong veo, mát lạnh. Hết hồ này đến hồ khác dẫn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác… Nhìn sang góc hang chỗ này là một hồ nước có nhiều ngăn, các bờ ngăn thiên tạo mà như có chủ ý của con người vậy. Cũng bờ, cũng kè, cũng chạy lòng vòng như giữ nước trên ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số. Đi thêm một quãng nữa xuất hiện một ngăn thẳng trần hang vòm, không nhũ đá, cũng chẳng nhấp nhô. Một hình vòm rộng. Thẳng, ngay ngắn, tưởng như đang vào địa đạo Củ Chi hay là vào hầm dã chiến của chiến sĩ cách mạng năm xưa… 

Ngăn cuối của hang cũng không có sự hình thành nhũ đá nhưng cũng gợi biết bao liên tưởng với những hình tượng người: hình mẹ bồng con, hình ông cụ, hình thiếu nữ đang đợi chờ… mỗi hình mỗi vẻ nhưng đều tĩnh lặng, u hoài tưởng như đang đứng trước lăng tẩm xứ Huế… 

Điểm cuối hang, chúng tôi ngồi nghỉ và nhìn bao quát lần cuối trước khi ra ngoài. Ánh đèn măng-sông sáng cả góc hang. Nhìn đồng hồ, tôi mới nhận ra, hành trình đã mất hơn một tiếng đồng hồ. Chúng tôi cũng không ước lượng được, hang động này dài bao nhiêu, bởi sự kỳ thú của nó làm chúng tôi quên hết ý niệm không gian, thời gian rồi. 

Trên đường trở ra ngoài, tôi vô tình còn nhặt được mấy vỏ ốc mà không biết tên là gì, nước ngọt hay nước mặn. Chỉ biết chụp lại và chờ sự lý giải của các nhà khoa học…

Chúng tôi đón ánh mặt trời vào chính Ngọ. Trời nắng hửng sau cơn mưa, cây cối như xanh hơn và ai nấy trong đoàn chúng tôi đều thấy vui hơn. Vui vì đã khám phá được hang động còn ẩn giấu trong lòng núi giữa Vịnh Hạ Long điệp trùng núi, mênh mông nước…/.