Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Nghề nông và tổ nghề

Ảnh: Nguyễn Học


Ngày nay, với sự hỗ trợ đặc biệt và hiệu quả của Internet, Google thì việc tìm hiểu về tổ nghề của 1 nghề nào đó là điều không phải khó khăn. Như nghề nông chẳng hạn, với cư dân khu vực phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, mỗi khi tìm hiểu tổ nghề nông, chúng ta sẽ có hàng loạt dữ liệu như sau:

Ông tổ của nghề nông là Thần Nông. Thần Nông, hay Viêm Đế, là một trong các vị vua Trung Hoa đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm lễ Tịch Điền (còn gọi là lễ Thượng Điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng) hoặc Hạ Điền (lễ tổ chức trước khi gieo trồng), cũng như nghề làm thuốc trị bệnh, cho nên trong dân gian có câu Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc (tức Thần Nông dạy dân trồng ngũ cốc). 

Theo truyền thuyết phương nam thì Thần Nông là tổ tiên năm đời của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân và Âu Cơ được coi là tổ tiên của người Việt.
Ảnh: Nguyễn Học

Có tài liệu cho rằng Hoàng Đế và Thần Nông là một người. Có tài liệu thì lại cho rằng Phục Hi, Thần Nông và Hoàng Đế là ba người khác nhau (gọi chung là Tam Hoàng). Thực ra tất cả chỉ đều là huyền thoại, không có gì đảm bảo là họ là ba người hay chỉ là một hoặc hai người.

Câu hỏi tại sao người Việt nhận là con cháu của Thần Nông, một trong những ông vua đầu tiên của Trung Hoa là vấn đề được nhiều người tranh cãi. Một số nhà nghiên cứu hiện nay, dựa trên các dữ liệu về sử học, thần thoại học, ngôn ngữ học, đã giả thiết rằng Thần Nông là một vị thần có nguồn gốc từ phương nam (từ phía nam sông Dương Tử xuống đến hết Việt Nam ngày nay, đó là vùng đất cư trú của cư dân Bách Việt). 


Sau khi nước Trung Hoa mở rộng từ phía tây sang phía đông (giai đoạn một), rồi từ phía bắc xuống phía nam (giai đoạn hai) thì Thần Nông được người Trung Hoa sát nhập vào văn hóa của họ và được coi là một trong các "ông vua" đầu tiên của họ. Thực ra trước đó, Thần Nông đã được coi là "ông tổ" của một số bộ tộc Bách Việt. Và sau này, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa rất mạnh, nhiều người lầm tưởng người Việt nhận một ông vua Trung Hoa làm ông tổ của mình.

Các dữ liệu ủng hộ giả thuyết trên:

* Thần Nông tức là vị thần về nông nghiệp, vị thần này thường được hình dung cưỡi trâu để đi lại nên vị thần gắn liền với văn hóa lúa nước.

* Thần Nông còn có một tên gọi khác là Viêm Đế (vua xứ nóng - vua phương nam), và được coi là vị thần cai quản phương nam.

* Cách đọc từ Thần Nông là cách đọc của phương nam, người phương bắc sẽ có xu hướng đọc là Nông Thần.

Tuy nhiên, điều này bị phản bác rằng từ Thần Nông vẫn hiểu được theo ngữ pháp phương bắc, và có nghĩa là người nông phu-thần linh.
* Truyền thuyết của một số dân tộc thiểu số của Việt Nam (ít bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa) như dân tộc Mèo cũng coi Thần Nông là ông tổ của nghề trồng lúa nước.
Với người phương Đông là như thế, còn với người Phương Tây thì sao?

Trong đoạn Ca-in và A-ben Sách Kinh thánh Sáng thế (Cựu ước) có chép rằng:

“Con người ăn ở với bà E-va, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói:
-         Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người.
Bà lại sinh ra A-ben là em. A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai. Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên Đức Chúa. A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt. Đức Chúa phán với Ca-in:
-         Tại sao người giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt có phải ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi có hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó.
Ca-in nói với em là A-ben:
-         Chúng mình ra ngoài đồng đi!
Và khi 2 người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình.
Đức Chúa phán với Ca-in:
-         A-ben, em ngươi đâu rồi?
Ca-in thưa:
-         Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?
Đức Chúa phán:
-         Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta. Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút láy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, bó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ  lang thang phiêu bạt trên mặt đất.
Ca-in thưa với Đức Chúa:
-         Hình phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất và bất cứ ai gặp con sẽ giết con…” (1)

Theo đoạn trích này của Kinh thánh, ta tạm kết luận rằng, theo Kinh Thánh thì ông tổ của nghề chăn nuôi là A-ben, ông tổ ngành trồng trọt là Ca-in. Và 2 anh em A-ben và Ca-in là ông tổ của nghề nông (trồng trọt và chăn nuôi).

Nói về 2 nhân vật này, GS Thần học Hans Kung viết:

“A-ben và Ca-in: Hai nhân vật của Thánh Kinh, được nói đến trong sách Sáng thế. Theo Thánh Kinh đây là hai anh em, con của cặp vợ chồng đầu tiên của loài người là Adam và Eva. Ca-in là anh, làm nghề nông, A-ben là em làm nghề chăn nuôi.Cả hai cùng dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Nhưng lễ vật A-ben dâng được ThiênChúa chấp nhận, trong khi lễ vật của Ca-in thì không. Thư gửi tín hữu Do Thái giải thích: A-ben dâng lễ vật với lòng tin, còn Ca-in là kẻ không tốt lành” (2)

Cũng câu chuyện về ông tổ nghề nông này, nhà báo Thomas Friedman lại có cách lí giả thú vị riêng. Ông viết:

“Cuộc đấu tranh giữ chiếcxe Lexus và cây Ôliu thực ra là phiên bản hiện đại của một câu chuyện cổ xưa, có thể nói là một trong những câu chuyện xưa nhất – Vì sao Ca-in giết A-ben. Kinh thánh Do Thái có viết trong sách Cựu ước “Ca-in nói với em là A-ben; và khi họ ra đồng, Ca-in bước tới và giết A-ben, người em của mình. Khi Chúa hỏi Ca-in, “Em của con đâu?”, Ca-in đáp “Con không biết. Con có phải là người canh giữ em con đâu” Và Đức Chúa nói “Con đã làm điều gì vậy? Tiếng của máu huyết trong người em con trên đất đang vang vọng đến ta”

Nếu đọc kĩ đoạn Kinh Thánh đó, bạn sẽ thấy Kinh Thánh Do Thái không bao giờ cho chúng ta biết Ca-in đã nói gì vớiA-ben. Câu nguyên văn là: “Ca-in nói với em là A-ben” – chấm hết.

Chúng ta không biết về cuộc nói chuyện bí mật đó. Điều gì đã xảy ra trong cuộc đối thoại làm cho Ca-in nổi nóng và giết người em của mình? Giáo sư Thần học của tôi (tức của Friedman- Nguyễn Học chú), giáo sĩ Tzvi Marz dạy tôi rằng những giáo sĩ hiền triết giỏi Cựu ước Rabbath, trong những giờ bình giảng căn bản về Kinh Thánh, có đưa ra 3 lời giải thích cơ bản về nội dung đối thoại.

Một là hai anh em đã cãi nhau về một người đàn bà – đó là Eva. Lúc đó chỉ có một người đàn bà trên trái đất, đó là mẹ của chúng, và cả hai cãi nhau xem ai là người được quyền cưới bà ta. Họ cãi nhau về vấn đề giải quyết tình dục và sinh sản.

 Lời giải thích thứ hai ấn định rằng Ca-in và A-ben đã chia đôi thế giới, trong đó Ca-in sở hữu toàn bộ đất đai – như Kinh Thánh nói “Ca-in trở thành người thợ cày trên mặt đất” – và A-ben sở hữu toàn bộ động sản cùng gia súc – Kinh Thánh nói, “Aben trở thành người chăn cừu”. Và theo lời giải thích này thì Ca-in nói với A-ben hãy mang đàn cừu và biến khỏi đất của anh ta.

Điều này dẫn đến xung đột, mà khi đã lên đỉnh điểm Ca-in đâm chết người em của mình.
Hai anh em tranh chấp quyền lợi phát triển kinh tế  và đời sống vật chất.

Lời giải thích thứ ba cho rằng hai anh em đã chia đôi đàng hoàng mọi thứ trên thế giới, trừ một điều nan giải: ngôi đền, biểu trưng của tôn giáo và bản sắc văn hóa của hai anh em sẽ được xây cất ở đâu? Mỗi người đều muốn kiểm soát ngôi đền phải được xây trong vườn Ôliu của mình. Họ tranh chấp về vấn đề bản sắc và ai sẽ là người giữ giềng mối gia đình” (3)

Như vậy, trong các câu chuyện về tổ nghề Nông ở trên cho thấy: Nếu cứ như phương Đông của ta giải thích thì tổ là Thần Nông thì ít thấy các mâu thuẫn xã hội, các vụ giết người đã máu, các tranh chấp quyền lợi, văn hóa…

Nhưng, theo câu chuyện của Thánh Kinh kể trên thì đúng là Tổ nghề và câu chuyện của Tổ nghề đã có những dấu tích của sự MẤT ĐOÀN KẾT, CHIA RẼ và PHỨC TẠP rồi.


Khi mà Ca-in đâm chết em mình là A-ben thì cho thấy một cái gì đó bất ổn giữa trồng trọt và chăn nuôi. Theo 3 cách lí giải mà Friedman đưa ra, đồng nghĩa với nó là 3 kết luận rút ra từ chi tiết này, đó là:

+ Họ cãi nhau về vấn đề giải quyết tình dục và sinh sản
+ Hai anh em tranh chấp quyền lợi phát triển kinh tế  và đời sống vật chất.
+ Họ tranh chấp về vấn đề bản sắc và ai sẽ là người giữ giềng mối gia đình

Kết luận đầu tiên và cuối cùng có thể đúng trong từng trường hợp, hoàn cảnh, nhưng ứng với thời đại ngày nay thì kết luận thứ 2 vẫn còn nguyên giá trị. 2 anh em Ca-in và A-ben (LÀ ĐẠI DIỆN CHO ngành nông nghiệp) vẫn và đang chấp quyền lợi phát triển kinh tế  và đời sống vật chất.

Câu chuyện của Ca-in và A-bel dù có mang tinh thần tôn giáo, song bài học của câu chuyện để lại vô cùng lớn và càng ngẫm càng thấy lấp lánh những lớp nghĩa giải thích về con người, tham vọng, tội ác. 

Ngẫm kĩ mới thấy, tại sao ngày nay nhiều quan tham oánh nhau, tranh chấp nhau về tiền bạc, địa vị thế? Tại sao có nhiều quan tham lam một cách vô độ đến thế. 

Xem các tài liệu nghiên cứu một phát hiện thú vị là trong khi các ngành nghề khác thường rất tự hào về Tổ nghề và rất say sưa với những huyền thoại, mỹ từ về Tổ nghề thì với Nghề Nông nghiệp lại rất ít hiếm thấy những huyền thoại, mĩ từ đó (kể cả Phương Đông).

 Việt Nam tự hào là một dân tộc có nền văn minh lúa nước, trong khu vực thuộc về cái nôi của lịch sử văn minh nông nghiệp song, xem các tư liệu, Tổ nghề nông cũng ít khi đề cập tới! 

Đọc câu chuyện của anh em Ca-in và A-bel, càng ngẫm về nông nghiệp của ta và bộ máy quan lại của ta hiện nay. Từ thượng nguồn, các Tổ nghề đã TRANH GIÀNH, CHÉM GIẾT NHAU, MẤT ĐOÀN KẾT như thế, trách chi những thân phận công dân hạng 2 của chúng ta như ngày nay?

Âu cũng là một tất yếu trong tư duy nhận thức!

NGUYỄN HỌC – 11/2011



Chú thích:

(1)   Tòa giám mục Nha Trang. Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước  tuyển chọn. NXB Tôn giáo. HN 2001, trang 22-23.
(2)   Hans Kung- Các nhà tư tưởng lớn của Kito giáo. NXB Tri thức. HN 2010, trang 361.
(3)   Thomas Friedman – Chiếc Lexus và cây Ôliu. NXB Khoa học Xã hội. HN. 2005, trang 83-84.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét