Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

SÁNG THÁNG NĂM


Tháng Năm, hè đổ lửa. Tháng 5 hoa phượng trên cành rực rỡ ánh dương. Tháng năm, có nhiều người ngơ ngẩn làm thơ và cũng thiếu nhiều hình ảnh người thiếu nữ như bài hát “Thời hoa đỏ” đã nói. Tháng Năm, gợi nhớ những “mùa hè đỏ lửa” thời chiến tranh đã qua. Nhưng đáng nói hơn cả,  tháng Năm chào mừng sinh nhật Bác Hồ - người Cha già dân tộc. 

Hễ đến tháng 5, nhớ Bác, nhớ tới ngay bài thơ của nhà thơ Tố Hữu – cánh chim đầu đàn của nền thơ ca kháng chiến, tuyên truyền Việt Nam nhiều thập kỉ.  Niềm vui và tình cảm của Nhà thơ Tố Hữu dành cho Bác bỗng bật lên thành lời, như văn xuôi: 

Vui sao một sáng tháng Nǎm
Đường về Việt Bắc lên th
ǎm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn...

Suối, nương ngô, gió ngàn là không gian của vùng Việt Bắc, an toàn chở che cách mạng, quê hương Việt Bắc chở che cho bộ đội để đánh đuổi quân thù (Pháp). 

Niềm vui sáng tháng Năm của nhà thơ Tố Hữu được chuyển hóa thành những vần thơ ca ngợi Bác đến tột cùng, những vần thơ “đóng đinh” vào dòng văn học cách mạng, đầy cảm xúc anh hùng ca, cảm xúc sử thi và đến nay, tuy có rất nhiều các nhà thơ cách mạng ca ngợ Bác nhưng đều khó vượt qua như:

Bàn tay con nắm tay cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng.
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non...

Các anh chị, các em ơi, có phải
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!
Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi
Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kỳ
Trên đường dài, hai cánh đỡ ta đi...

Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh
Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!
Giọng của Người, không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...

Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...

Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời.
Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.

Hồ Chí Minh
Người ở khắp nơi nơi
Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ
Lắng từng câu, từng ý chưa thành
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc tr
ǎm dòng máu nhỏ
Người ngồi đó, với cây chì đỏ
Vạch đường đi, từng bước, từng giờ...
Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ
Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại!

Và khổ thơ kết tôi cho rằng là khổ thơ Tố Hữu đã mở ra một chiến lược “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”  mà bây giờ chúng ta đang triển khai thực hiện. 

Con nhớ hết mỗi lời Người dạy:
Kháng chiến gian nan, kháng chiến trường kỳ
Bác bảo đi, là đi
Bác bảo thắng, là thắng
Việt Nam có Bác Hồ
Thế giới có Xta-lin
Việt Nam phải tự do
Thế giới phải hoà bình!
Chúng con chiến đấu hy sinh
Tấm lòng son sắt, đinh ninh lời thề.
Bắt tay Bác tiễn ra về
Nhớ hoài buổi sáng mùa hè chiến khu....
TỐ HỮU (5-1951)

 Tháng Năm, nhớ Bác không chỉ qua vần thơ của nhà thơ Tố Hữu, mà hằng ngày, hằng giờ, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta được nghe một bài hát của một người đã từng “vinh quang bên Bác” mà cảm xúc viết thành lời thơ thật chân thành, giản dị và yêu Bác thiết tha. Lời thơ được phổ nhạc, giai điệu ngọt ngào, rung động: 

“Vinh quang con đứng bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc trên môi như Bác vẫn cười, Bác vui vì khắp non sông cháu con trở về sum vầy.
 Nghiêm trang trong nắng Ba Đình hoa thơm ngát trời Thủ Đô. Chúng con nguyện hứa với Người: sắt son vì Tổ Quốc hy sinh bảo vệ nước non ngàn đời sáng tươi.
 Ơ...sáng tháng 5 trời trong xanh quá, bốn phương về tụ Ba Đình. Hãy nhè nhẹ bàn chân Bác chưa trọn giấc mơ.
Ơ...những bước chân bồi hồi sao xuyến cháu con trở về bên Người. Hãy đừng để lệ rơi Bác đang ngủ kia mà Người vừa mới đặt mình.
Vinh quang con đứng bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc trên môi như Bác vẫn cười, Bác vui vì khắp non sông cháu con trở về sum vầy.
Nghiêm trang trong nắng Ba Đình hoa thơm ngát trời Thủ Đô. Chúng con nguyện hứa với Người: sắt son vì Tổ Quốc hy sinh bảo vệ nước non ngàn đời sáng tươi.
 Ơ...sáng tháng 5 trời trong xanh quá, bốn phương về tụ Ba Đình. Hãy nhè nhẹ bàn chân Bác chưa trọn giấc mơ.
 Ơ...những bước chân bồi hồi sao xuyến cháu con trở về bên Người. Cháu con đời đời bên Bác. Bác ơi Bác ngủ ngon lành.”

(Chúng con canh giấc ngủ cho Người - Sáng tác: Nguyễn Đăng Nước)

Cũng sáng tháng Năm, năm 2011, một buổi sáng trong lành và thong thả tưởng như đang được sống trong giai điệu âm nhạc, lời ca dâng Bác thì lại được một tin – cũng là tin Thông tấn xã Việt Nam công bố, đọc xong thấy nghẹn lòng, khó thở, trào dâng một tinh thần căm giận, đó là tin về việc tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Xin trích:

“Tàu Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Sáng 26/5, 3 tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của VN, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN.

Ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN), cho biết thực hiện kế hoạch PVN đã phê duyệt chương trình thăm dò khai thác dầu khí năm 2011, doanh nghiệp thành viên - Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, một thành viên của PVN, đã cử tàu địa chấn Bình Minh 02 triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.
Tuy nhiên, vào lúc 5h5 ngày 26/5, rađa tàu địa chấn Bình Minh 02 đã phát hiện có tàu lạ đang chuyển động rất nhanh về phía khu vực khảo sát. Sau đó 5 phút thì phát hiện tiếp 2 tàu nữa đi từ phía ngoài vào. Đó là ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo.

Trên cơ sở tốc độ di chuyển của tàu hải giám Trung Quốc, tàu Bình Minh thấy có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thiết bị của tàu nên đã quyết định hạ thấp thiết bị để tránh thiệt hại.

Vào lúc 5h58, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Hậu cho biết thêm ba tàu Hải giám Trung Quốc đã làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động bình thường của tàu địa chấn Bình Minh 02. Sau đó tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh 02 và thông báo là tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng tàu Bình Minh của PVN cương quyết bác bỏ luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu Bình Minh đang nằm trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tiếp tục công việc ngay lúc đó của tàu Bình Minh 02 vẫn bị ba tàu Hải giám Trung Quốc cản trở cho tới 9h sáng 26/5 khi 3 tàu này rời khỏi khu vực khảo sát.

Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/5 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa.
Dưới sự chỉ đạo của PVN và Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, tàu Bình Minh 02 đã sửa chữa thiết bị tại chỗ và tới 6h sáng 27/5, tàu Bình Minh 02 đã trở lại hoạt động.
(Theo TTXVN)”

Sau tin này, cũng sáng tháng Năm, ngay sau đó, trên nhiều báo của ta đã đăng nhiều bài, tin nói về việc phản đối của nước ta đối với hành động này của tàu Trung Quốc.

Việc biên giới, lãnh thổ là chuyện quốc gia, đại sự, chuyện của các cấp lãnh đạo giải quyết, mình chẳng biết gì mà dám này nọ, nhưng giữa tháng Năm lộng gió đọc những tin này sao mà thấy buồn đến thế. 

Trời của ta, biển của ta, đất của ta mà sao nước khác lại dám kéo tàu vào vi phạm lãnh thổ, lại còn xâm hại tàu dầu khí của ta? 

Tháng Năm, nhớ Bác lại nhớ đến lời Tuyên ngôn Độc lập do Bác đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 2 tháng 9 năm 1945, trong phần cuối Bác tuyên bố đanh thép rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Đọc lại lời Tuyên ngôn, càng thấy  Bác và Chính phủ ta luôn hết lòng vì dân, vì nước, vì độc lập tự do của dân tộc, quyết không sợ kẻ thù nào. 

Nhớ Bác lại nhớ đến lời kêu gọi Tòa quốc kháng chiến năm 1946 của Bác: 

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.”

Lời của Bác chính  là lời non sông, đánh thức, kêu gọi toàn dân tộc ta đứng dậy đánh giặc dù biết rằng, vũ khí của chúng ta còn thô sơ, lực lượng chúng ta còn mỏng, nhưng với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thì chúng ta quyết không sợ và lịch sử chứng minh là chúng ta đã chiến thắng. 

Bác đã ra đi từ 1969. Nay, cũng như bao người mẫn cán khác, mình chỉ biết học tập và làm theo gương Bác, chỉ biết đọc thơ Tố Hữu, nghe nhưng bài hát ca ngợi Bác mà thôi…

Sáng tháng năm năm 2011 sao mà nhiều cảm xúc, tâm trạng đến thế. Bỗng nhiên, sao nay mình lại lừng lững hai chữ trong đầu: TỔ QUỐC.

Sáng tháng năm năm nay không thấy vần thơ ca ngợi Tổ quốc, không thấy người anh hùng bảo vệ Tổ quốc, không thấy tiếng kèn vang dậy non sông. 

Bác đã đi rồi sao Bác ơi?