Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

TÂM SỰ CÙNG CHỊ HẰNG

Chị Hằng kính mến!
Trung thu năm nay, như mọi Trung thu khác, chị lại tròn vành vạnh, soi sáng khắp cõi nhân gian để cho trẻ thơ vui đùa dưới ánh trăng đầy huyền ảo và lừa dối của chị; chị tròn và đẹp đến nỗi mà cái ông thần đồng thơ (chỉ là thần đồng, không bao giờ thành thần sắt, thần bạc, thần vàng) Trần Đăng Khoa vết rằng: Trăng tròn như quả bóng/Bạn nào đá lên trời.

Nhờ ánh trăng của chị mà không ít văn nghệ sĩ đẻ ra cơ khối các loại thơ ca, truyện ngắn, bản nhạc...


Chị, cùng với chú Cuội kể ra cũng là đề tài hấp dẫn và muôn thuở cho thi ca nhạc họa đấy... 

Chị Hằng ạ!
Người vui sướng nhất ở cõi này có khi là chị. Vì chị chẳng phải lo nghĩ gì, chị chẳng có triết học, chẳng có ưu sầu, chẳng có văn thơ, chị không sáng tác, chị cũng không làm ruộng, chị cũng không làm lãnh đạo, chị cũng chẳng tham gia nhóm lợi ích nào. Buồn nhất cho chị là chị không tham gia Nhóm nào đấy...


Chị chỉ có suốt ngày vui chơi với chú Cuội. Mà đã nói đến Cuội thì... ôi thôi zồi...


Đã gọi là Cuội thì không hổ danh đâu. Cuội có nghề nghiệp ổn định hơn chị là đi chăn trâu, nghĩa là miếng cơm, manh áo của Cuội có nguồn gốc rõ ràng, chính đáng. Nói vậy, không phải là em nói xách mé chị nhàn cư vi bất thện, ăn không ngồi rồi, mà em biết, thời buổi bây giờ, hồng nhan bạc triệu, chị xinh đẹp như thế, ánh trăng cuả chị huyền ảo thế, dẫu chị chân không dài cũng có hàng tỉ đại gia cỡ Bầu Kiên trở lên.


Lại nói về Cuội. Thanh niên trai tráng như thế, mỗi cái việc chăn tâu, cắt cỏ, đầu óc thanh nhàn, sức khỏe vô địch, cái bản năng đàn ông của Cuội kinh hoàng như thế nào.
Trên cung trăng đầy sao, đầy gió, mộng mơ hơn cả Thiên đàng ấy, chỉ có 2 cá thể nữ là chị Hằng và Nam là chú Cuội....


Cuội ơi, nhất chú đấy. Người ta là da là thịt chứ có phải là sắt là đồng như nhà thơ Tố Hữu viết về anh hùng Lý thời chống MỸ đâu Cuội nhỉ! 


Dù rất ngưỡng mộ ánh trăng chị đem lại cho nhân loại, dù rất thông cảm với hoàn cảnh éo le giữa chị và chú Cuội, dù rất yêu quý chị, nhưng em thành thực mà nói rằng: chị vô trách nhiệm lắm. Ánh trăng của chị đôi khi cũng làm người ta cố quên đi những nỗi đau nhân tình, nỗi đau muôn kiếp ở cõi này đấy. 

Chị cứ ở trên mà hí hú với chú Cuội, chị đâu có ở dưới đất mà sợ vỡ đập như nhân dân huyện Trà My tỉnh Quảng NAM phấp phỏng lo sợ đập thủy điện Sông Tranh 2 vỡ như... đợi người iêu vậy...

Chị cứ ở trên cao mà vui thú, trà đạo với Cuội mà đâu có biết, có những nơi, ở hành tinh này người ta có độc lập mà không có dân chủ, có những nơi như hành tinh X, toàn những thứ dân chủ giả tạo....

Rồi còn có những nơi, người ta đang cố tình chạy theo những học thuyết, những triết lí mà cũng huyền ảo như ánh trăng của chị, cũng TRÊN TRời như chị ý...

Chị cứ mải mê với Cuội mà không giúp cho những xứ sở Thiên đường làm sao để xây những Bảo tàng hàng chục nghìn tỷ nhanh hơn, gọn hơn...

Mà nói thật nhé, ánh trăng của chị chỉ có mấy ông dở hơi thích thôi, chứ những bà con nông dân ở xứ em chẳng đoái hoài, vì chẳng giúp ích gì trong làm nông nghiệp cả. Sự nghiệp xây dựng Nông thôn mới chị có tham gia gì không? Chắc không rồi. ÁNH trăng của chị không làm được 19 tiêu chí, cũng không làm năng suất lúa tăng lên...

Thôi thì trẻ em nó iêu chị cũng là thành công rồi. Sợ nhất là khi trẻ con nó cũng quay lưng lại với chị. Lúc ấy thì chị Hằng có còn là chị Hằng nữa không nhỉ? 

Nhắn nhủ chị, trẻ con vẫn còn iêu chị lắm, cho nên đến Tết Trung Thu, đề nghị chị hãy tha cho chú CUỘI một đêm để chị dành thời gian cho các cháu, để biết các cháu sống thế nào, các cháu được học hành thế nào, các cháu nghĩ về chị thế nào.... kẻo chị lại mang tiếng quan liêu, duy í chí.

Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Em biết chị giàu lòng vị tha nên em cứ mạnh dạn tâm sự với chị mấy dòng...
Chúc chị và chú CUỘI luôn mạnh khỏe, đoàn kết và hạnh phúc.

Người viết thư: Nguyễn Học

CẢM XÚC KHÔNG ĐỀ



Hà Nội đã bước vào "những năm 2 nghìn", nhưng trẻ em vẫn còn ăn xin, bà già, ông già ngồi trong công viên toàn bàn tán chuyện bức xúc xã hội, cầu Long Biên nhịp mất nhịp còn, nham nhở như khuôn mặt phụ nữ bị vết cào, xé sau một vụ đánh ghen;

Hà Nội "những năm 2 nghìn" nhiều đại gia vừa hôm trước được báo, đài tung hô thì hôm sau vào tù; nhiều quan chức hôm nay nói không ngày mai lại nói có, miệng lưỡi quan không được như trôn trẻ, cũng chẳng phải không xương mà là miệng lưỡi của những con quỷ biết hút máu người;

Hà Nội, năm 2012, người vẫn đông và đường vẫn tắc, mưa to đường vẫn lụt - thành sông, dẫu có bao nhiêu Dự án tỉ đô đổ vào thì vỉa hè, lòng đường vẫn cứ chôn xuống, đào lên thành điệp khúc như trời từ hạ sang thu, hết năm này sang năm khác vậy thôi.

Hà Nội, những năm 2 nghìn, dân khắp nơi đổ ùn ùn vè khiếu kiện, đủ các lí do, nhưng vẫn trên 70% là kiện về đất đai. Thế kỉ 21 rồi mà vẫn cứ đòi Dân cày có ruộng.

Sông Hồng "tiếng hát 4 nghìn năm" chỉ hát với Chế Lan Viên chứ còn hát với ai được nữa. Sông bây giờ đục mà không trong, dữ dằn như công tử nhà giàu hết thuốc (phiện), khi thì đổi màu đỏ như máu, khi thì cạn trơ đáy, trơ lòng... bạc phếch. Chẳng ai nghe được sông hát vì đời sông cũng chuyển sang tật nguyền mà kiếp người cũng ngập chìm trong những cơn lũ của tham nhũng, lạm phát, thất nghiệp, phá sản, cưỡng chế, v.v....

Có phải vì sông - con sông biểu trưng của nền văn minh lúa nước vốn rực rỡ trong lịch sử trở nên dữ dằn mà làm cho tính cách của một số người cũng mang tính dữ dằn?

Sông ơi, đời có tội gì mà làm sông như thế? Sông hãy hát một lần như sông đã hát cho Chế Lan Viên nghe coi?

Hà Nội năm 2012, ai và ai có thể viết lên những vần thơ ca ngợi như Trần Tiến, Chế Lan Viên, hay chỉ có những tấm lòng biết cúi xuống để sẻ chia với những đau thương của kiếp người.
Hà Nội những năm 2000, thơ ít còn đất sống, có phải không?
Nguyen Hoc