Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Khi nông dân phản kháng



Có lẽ tôi phải dùng từ PHẢN KHÁNG để nói một hành động của nông dân Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng mới đây và những nông dân ở Thái Bình năm 1997.

Vì sao nông dân lại phản kháng và vì sao tôi lại nghĩ đến 1 cá nhân và 1 phong trào nông dân.

Cái gì cũng có lí do.

Nói về người nông dân, chúng ta đều có thể thống nhất với nhau rằng, họ là những người cần cù, siêng làm, hiền lành và chất phác. Họ cũng là thành phần không thể thiếu để dẫn đến thắng lợi của mọi cuộc cách mạng ở Việt Nam tự cổ chí kim. Họ cũng là những cư dân có sức sống bền bỉ, vĩ đại nhất của đất nước này. Chính họ, không ai khác là những hậu duệ của cư dân lúa nước nền văn minh Sông Hồng mà ngày nay, chúng ta vẫn hằng tự hào.

Nông dân là thế, truyền thống là thế, con người, bản chất họ là thế, ấy thế nhưng, tại sao họ lại có thể sẵn sàng cầm súng để bắn trả vào lực lượng công an đến “giải phóng mặt bằng” trên khu đầm họ đã đổ mồ hôi mấy chục năm? Tại sao người nông dân lại có thể tập hợp hàng nghìn người để biểu tình, bắt giam lãnh đạo huyện và đập đổ tường dậu của cơ quan lãnh đạo huyện như ở Quỳnh Phụ Thái Bình năm 1997?


Không hiểu sao câu chuyện về anh nông dân Đoàn Văn Vươn cứ làm dư luận xã hội quan tâm và đã có người so sánh anh với anh Pha trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan với câu triết lý về đời sống nổi tiếng “Sống để làm gì”

Hành động chống trả lực lượng công an, hành động đặt mìn, bắn trả và làm thương tích 4 chiến sĩ công an và 2 chiến sĩ bộ đội của em trai anh Đoàn Văn Vươn và những người khác sẽ bị lên án và sẽ bị xử theo pháp luật. Điều đó không thể chối cãi và không ai có thể/được bênh vực.

Với cá nhân tôi, rõ ràng, ai làm sai, người ấy chịu. Pháp luật sẽ nghiêm minh và phải nghiêm minh.

Nhưng, với tư cách của người nông dân nghĩ về người nông dân thì tôi đặt câu hỏi: Vì đâu lại nên nỗi đó? Vì đâu người nông dân Đoàn Văn Vươn và anh em, gia đình vốn chăm chút làm ăn, vốn không có tiền án, tiền sự, họ được hàng xóm láng giềng nghĩ tốt và không có gì mất lòng thế mà trong một buổi sáng đã có hành động phản kháng quyết liệt dữ dội (có thể nói là có chút căm hờn), phản kháng mang tính sinh – tử một mất một còn, hơn của những người làm cách mạng xưa kia là dám đặt mìn, dùng súng bắn trả cả một lực lượng đại diện cho chính quyền đến giải tỏa khu đất họ đang làm ăn…

Lịch sử của đất nước đã chứng minh rằng, mỗi khi người nông dân đã phải “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” là lúc lòng người đã hừng hực hờn căm, ý chí đã quật cường và dường như, đó là lúc họ đã xác định chỉ còn một con đường duy nhất: Chiến đấu, dù có thể trong tay họ không có một tấc sắt.

Nếu như trong văn học, hình tượng anh Pha – người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945 phản kháng bằng cách giằng láy đòn càn phang một nhát thật mạnh vào đầu lão Nghị Lại thì trong lịch sử Việt Nam đã cho thấy các cuộc biểu tình, đấu tranh của nông dân dữ dội và hào hùng hơn nhiều.…

Dù biết rằng, những hành động phản kháng đó sẽ thất bại, thậm chí sẽ thiệt mạng, nhưng người nông dân vẫn quyết chiến đấu đến cùng. Đó chính là ở tinh thần yêu nước, yêu ruộng đồng, yêu quê hương, yêu mảnh vườn đã gắn với họ suốt cả cuộc đời.

Họ dám làm, dám hành động và cũng dám chấp nhận.

Phẩm chất cao quý của người nông dân là ở chỗ đó.              

Tức nước, vỡ bờ - đó là bài học của các cụ từ ngàn xưa để lại. Con giun xéo lắm cũng oằn. Người ta sức chịu đựng cũng có giới hạn. Cuộc đấu tranh của nông dân Thái Bình năm 1997 là bài học lịch sử cho thấy rằng, khi người nông dân đã kiên trì và nhẫn nại đến mức không thể chịu hơn được nữa thì họ phải đấu tranh. Phản kháng của họ đã làm cho giới chức cầm quyền cũng phải công nhận một điều là nông dân đã phải chịu quá nhiều loại thuế, giới quan lại địa phương thi nhau xâu xé, tham nhũng… Và, bây giờ thì chính tỉnh Thái Bình cũng coi đó là một cuộc đấu tranh cần ghi vào lịch sử (đã được chi chép trong cuốn Địa chí Thái Bình, xuất bản gần đây)

Có thể nói rằng, sự kiện của gia đình anh Đoàn Văn Vươn là một tiếng chuông cảnh báo của người nông dân về sự phản kháng của họ.  

Chia sẻ những nỗi đau thương tích của 06 chiến sĩ công an, quân đội, nhưng chúng ta cũng nên chia sẻ với tình cảnh của người nông dân bị mất ruộng, mất đầm, không còn gì để làm ăn sinh sống…

Cái cốt yếu là đi tìm bản chất sự việc, bản chất vấn đề và cái sâu xa hơn là đi tìm nguyên nhân nội tại của những xung đột về đất đai, xung đột của nông dân với chính quyền trong thời gian gần đây.

Khi giang hồ xã hội đen nổ súng vào lực lượng công an thì không có gì bất ngờ, nhưng khi người nông dân không có tiền án tiền sự, làm ăn bình thường mà liều mình nổ súng vào lực lượng chức năng, công an thì đúng là xã hội đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận nguyên nhân và bản chất của vấn đề. Nó không còn là kiểu manh động đao búa giang hồ, mà nó bắt đầu có tính chất của một sự phản kháng, một tinh thần  nông dân phản kháng theo dòng truyền thống rồi.

Vấn đề cơ bản bây giờ là cần  tìm và mổ xẻ những khó khăn, nguyện vọng của người nông dân khi họ bị thu hồi đất đai, đầm phá; vấn đề cần giải quyết việc làm và đời sống cho họ như thế nào; vấn đề cần giải tỏa đất đâi theo phương pháp nào cho hài hòa, dễ chịu cho cả Nhà nước và Nhân dân, mặc dù vẫn biết rằng, đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý, nhân dân sử dụng.

Rất có thể 100 năm hay 200 năm hoặc 300 năm sau này, lịch sử nông dân Việt Nam sẽ có những dòng đại khái như:

Ngày  5/1/2012, 03 nông dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã dùng mìn và súng hoa cải chống trả đoàn công tác của UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng  đến cưỡng chế thu hồi hơn 50ha đầm nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven của gia đình Đoàn Văn Vươn, làm 04 chiến sĩ công an bị thương….


HN, đêm 10/01/2012
Nguyễn Học