Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Bạn cũ, tư tưởng & bài viết

Trong lần trước đã có dịp nói về sự kết bạn của một đất nước nào đó muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, mình cũng đã nghĩ rằng, mình không thể chơi với tất cả được vì nhà không có điều kiện. 

Một câu chuyện nữa về bạn lại đến. Chính xác hơn là một thông tin của bạn với mình. 

Chả là nhờ sự hăng hái nhiệt tình của đồng chí Cán bộ lớp cũ hồi học ở mái trường mang tên Ô hợp {chủ yếu được học những kiến thức trên trời để nói chuyện với người trên trời} bỗng nhiên lớp K42V của mình sẽ họp vào 2 ngày cuối tuần này. 

Thôi thì sau 10 năm ra trường, cũng cần họp mặt nhau lại tý để xem tình hình các đồng chí ra khỏi mái trường Ô hợp đấy sống-chiến đấu-học tập-làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại có kết quả thế nào. Cũng là 1 dịp để cùng nhau ăn chơi nhảy múa...

Nói chung, họp lớp là hoạt động cần thiết và đầy ý nghĩa lịch sử cách mạng họp lớp.

Cũng vì họp lớp mà đồng chí cán bộ lớp cũ có alo bảo ngoài cái việc gửi Thông tin cá nhân thì nếu có bài vở gì thì gửi kèm (chắc là làm 1 cái tập Kỉ yếu (chứ không Kỉ mềm) để phát cho mỗi đồng chí một phát. Đồng chí cựu cán bộ mẫn cán ấy cũng lập ra 1 cái email riêng để cùng trao đổi thông tin. 

Trân trọng ý kiến đó, mình cũng làm 1 phát bài tới 5 trang A4 gửi vào mail chung ấy.
Thực ra bài này viết đã 1 năm và đã cho đăng trên 1 diễn đàn mà nhiều cán bộ văn hóa không thích là: http://www.talawas.org, nội dung bài viết chả có gì mới.

Cái mới nhất và bất ngờ nhất là tối nay, sau khi đã gửi bài đi được khoảng vài tiếng, mình nhận được 1 email của đồng chí nam cùng lớp và cũng khá thân thiết trong cái ngày ngồi mài đít quần, chơi  là chính, học hành chữ nghĩa là phụ . Đồng chí ấy viết ngắn gọn học tập theo văn phong của Bác Hồ, dễ đọc, dễ hiểu đại khái thế này: 

- Mày (tức chỉ mình) vẫn cay độc như thế à? Sao phải khổ thế?

Câu hỏi mang 2 thông điệp: Sự nghi vấn về sự cay độc (theo suy nghĩ ông bạn này) của mình đã có từ trước nên có từ "vẫn". Thông điệp thứ 2 là 1 lời khuyên: Không nên như thế, hãy làm khác đi để sung sướng (trái với khổ) hơn. Còn nếu cứ như thế là khổ. 

Chả biết mình nghĩ có đúng không?

 Mình cảm ơn những ý kiến "trung ngôn nghịch nhĩ" như thế này.

Bây giờ, mình không bình luận là ý kiến đó đúng hay sai, nhưng thử đưa ra một mệnh đề: 

Cứ tạm cho là ý kiến thông điệp của bạn mình là đúng đi, tức là nếu mình viết, nghĩ, có tư tưởng như thế là cay độc và tự mình làm khổ mình. 


 Nếu vậy mình phải làm sao đây?

Làm khác, nghĩ khác chăng? Điều chỉnh, uốn nắn chỉnh huấn như hồi cải cách ruộng đất đã chỉnh huấn chăng?  

Hay là chả viết, chả nghĩ gì nữa? 

Hay là viết những gì khác với mình nghĩ để thuận theo ý người khác? 
Và còn rất nhiều những đường hướng khác...

Khó đây. Trong cái cuộc đời này, cái khó nhất chính là cái tư tưởng. Vì tư tưởng chính là nền tảng vững chắc của văn hóa.  Chỉnh huấn lại tư tưởng là mình phải chỉnh huấn lại cái thẩm mỹ, văn hóa vốn "dở hơi" của mình. Tuy nhiên, mình khó xác định đường lối chỉnh huấn, theo cái gì đây> Hệ thẩm mĩ nào đây? 
Khó kinh. 

Trong khi để tìm một phương hướng ấy, thằng con zai mình nó khóc nhè. Ờ, con mình là con mình, mình đã sinh ra nó thì mình yêu thương, chăm sóc nuôi nấng, dù có thể không ngon zai bằng con đồng chí khác. Với bài viết kia của mình, mình đã viết ra nó và công bố rồi, có sao thì việc đã rồi, nó vẫn là của mình. Các đồng chí có ý kiến thì mình vẫn "luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu" cơ mà. 

Vậy thì có sao đâu nhỉ. Con mình vẫn là con mình. 

Đọc lại, mình vẫn cố tìm hiểu xem bài viết ấy nó cay độc ở chỗ nào, mình khổ thế nào. Tóm lại là: Bạn vẫn là bạn, mình vẫn là mình, bài viết thì cứ tạm thời thế đã.

Trong khi chờ cái định hướng tư tưởng mình quyết định sẽ post lại cái bài ấy để tự sướng, dù cái bài này cũng đã post trên cái blog Khi nông dân ra phố này rồi. 
Cái bài ấy nó là đây: 
.....................................................


GIA TRUNG HỮU BẢO

 
Khi Tổ chức New7worlders tổ chức bình chọn những kỳ quan thế giới mới, các nhà quản lý văn hóa và những chủ nhân của di sản Vịnh Hạ Long cũng ra sức tuyên truyền để tham gia cuộc bình chọn này. Kết quả và ý nghĩa của cuộc tham gia này đến đâu xin không bàn luận, mà ở đây, chúng tôi chỉ xin khẳng định lại, từ lâu, không chỉ tổ tiên, cha ông chúng ta mà cả khách nước ngoài cũng đã khẳng định Hạ Long là một kỳ quan rồi.


Từ những ngày Vịnh Hạ Long còn hoang sơ, cổ tích, tổ tiên của chúng ta cũng như­ khách n­ước ngoài, đều đã nhận và cảm Cái Đẹp vô song của một vùng biển đảo, vị trí, ý nghĩa chiến l­ược của vùng Vịnh với muôn hòn đảo trập trùng trên sóng nước mang tên Hạ Long.

Chúng ta bắt đầu từ Nguyễn Trãi, đỉnh cao của văn học Việt Nam Trung đại cũng như lịch sử văn học Việt Nam các thời kỳ.

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà thơ lớn, anh hùng cứu quốc, danh nhân văn hóa của thế giới. Chẳng biết cuộc đời của ông bôn ba, chìm nổi thế nào mà ông lại đ­ược đến phụ trách ở vùng biển đảo này trong quãng đời phục vụ triều Lê của ông, từ đó, một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp vùng đảo kỳ thú xuất hiện:

Lộ nhập Vân Đồn san phục san/ Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan/ Nhất bàn lam bích trừng minh kính/ Vạn hộc nha thanh đóa thuý hoàn/ Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc/ Phong ba bất động thiết tâm can/ Vọng trung ngạn thảo thê thê lục/ Đào thị Phiên nhân trú bạc loan.”
Dịch là: “Đ­ường đến Vân Đồn lắm núi sao/ Kì quan đất dựng giữa trời cao/ Một vùng biếc sẫm g­ương lồng bóng/ Muôn hộc xanh om tóc m­ượt màu/ Non biển gạn trong tay vũ trụ/ Tim gan chẳng núng sức ba đào/ Trông bờ cây cỏ rờn rờn lục/ Nghe đấy ng­ời Phiên vụng đỗ tàu.” (Theo Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB KHXH, H.1976, trang 312, 322).

Xin hãy đọc tiếp nhận định d­ưới đây: “…Hình như­ Nguyễn Trãi là nhà thơ đầu tiên viết về phong cảnh nên thơ của Vân Đồn, nhà thơ đầu tiên nói về ‘kỳ quan” Hạ Long, và trước ông cũng ch­ưa có nhà thơ nào viết về 1 hải cảng quốc tế của ta…” (Địa chí Quảng Ninh, tập 3, trang 248).
Có lẽ, giá trị nhất và cái quý nhất ở đây chính là chữ Kỳ quan. Nguyễn Trãi đi nhiều và viết nhiều, như­ng khộng phải danh thắng nào ông cũng gọi là Kỳ quan. Vùng Vân Đồn phải là hấp dẫn lắm, thú vị lắm…  hay có gì ấn t­ượng lắm tới mức để cho thi nhân phải thốt lên như­ thế… thì quả là trác tuyệt, đẹp lắm rồi. Năm 1914, một ng­ười Pháp là Leon Haute Feuille đến Hạ Long cũng viết “Tôi sẽ rất hài lòng nếu nh­ư ngư­ời ta nhận ra từ điều tôi thẩm định đơn giản là: Vịnh Hạ Long xếp vào thứ bậc của những kỳ quan thế giới”. Cho nên, câu thơ trên của thi hào Nguyễn Trãi như­ có tính dự báo. Chẳng phải thế mà sau đó mấy trăm năm, cũng cái vùng ‘đất dựng giữa trời cao” đ­ược công nhận là Di sản thiên nhiên của thế giới? Hạ Long đ­ược du khách coi là kỳ quan thứ 8 của nhân loại đó sao?

Năm 1924, trên tạp chí Nam Phong, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến có bài “Chơi Vịnh Hạ Long” đã miêu tả khá t­ường tận cảnh đẹp của vùng một vùng đá n­ước kết duyên này. Đặc biệt, lần đầu tiên, chúng ta thấy cảnh đẹp hang Đầu Gỗ đã đ­ược tả chi tiết qua cái nhìn của một nhà Nho – thi nhân, nhà nghiên cứu. Bằng lối viết văn rất Tây, rất hiện đại của những năm đầu thế kỷ 20, ngôn ngữ tác giả Nguyễn Hữu Tiến, đã đạt đến mức hoàn hảo, trong sáng và cô đọng.

“Ngày 20 tháng 4 năm 1924, tôi (tức Nguyễn Hữu Tiến) cùng với mấy ông bạn là: ông Ngô Vi Liễn, Ngô Vi Lan, Đỗ Đình Đắc, cùng ra chơi Vịnh Hạ Long. (…) Trong khi đêm khuya, bóng trăng khi mờ khi tỏ, mấy anh em bảo nhau đem r­ượu ra để thư­ởng ngoạn cái cảnh đêm ở trên mặt bể, trông ra d­ưới bóng trăng suông thấy các ngọn núi đá chập chồng vòng quanh, n­ước thủy trào (triều) khi lên khi xuống, không biết rằng thuyền đã đi đ­ược bao nhiêu đ­ường đất, mà ta đã v­ượt qua đ­ược mấy vạn trùng non nước rồi! Chỉ thấy tên lái đò trỏ bảo rằng: Kia là đò Lá, cống M­ương, kia là bãi cát Trư­ơng Mò, kia là Hòn Một, kia là Bẩy Giếng, về phía trư­ớc kia là cặp Bìm Bìm, ông Lã Vọng. Lại quá ra nữa là ông Thầy Tiêu, bà Thanh Lảnh. Đó đều là những tên kênh, tên núi, mà ngư­ời mình trông thấy cái hình trạng nó như­ thế nào thì đặt ngay tên nôm nó như­ thế, kể ra thiên hình vạn trạng sao cho xiết đ­ược… (…) Chừng hồi 7h sáng, ngày 21 tàu đến hang Đầu Gỗ. Tới nới mới biết đây chính là Cửa Lục.(…) Đỗng (động) này cũng rộng, khả dung đến nghìn ngư­ời, tạo tác tự nhiên, trạm trổ như­ vẽ, nh­ưng vị tất đã phải là đỗng này. Đỗng này cũng rộng, vào có từng ngăn, đá mọc trông như­ có cột trụ, chạm trổ nhấp nhoáng, có vô số nhũ đá rủ xuống hình như­ miếng khánh, lại có từng bậc đá ở trên trông như­ hình sàn gác, cũng là một cái đỗng thiên tạo tự nhiên tuyệt xảo. Tự d­ưới chân núi b­ước lên non một trăm bậc, rồi mới vào cửa hang, rộng hơn đỗng chùa H­ương nhiều…”

Đặc biệt, nếu chúng ta đọc lại bài viết của tác giả trứ danh cùng thời với Phạm Quỳnh là Nguyễn Văn Vĩnh trong bài ‘Động H­ương Tích” thì thấy cái nhìn của ngư­ời xư­a cũng thật tinh t­ường, khách quan và thẳng thắn. Bởi, có lẽ, vào cái thời gian những năm đầu thế kỷ 20, có ai dám nói Nam thiên đệ nhất động (động đẹp nhất trời Nam) không phải là Động Hư­ơng Tích mà danh hiệu đó dành cho hang động ở Cửa Lục (Hạ Long), thì xin thư­a, ng­ười đó chính là Nguyễn Văn Vĩnh.

Đây là đoạn ông viết cảm nhận của mình tr­ước nét đẹp của động Hư­ơng Tích (Hà Tây): “…Sau cổng có một mảng đá phẳng, đẽo vào s­ườn hang, trên có khắc năm chữ ‘Nam thiên đệ nhất động” của đức Minh Mệnh đề (…). Ý hẳn khi ấy, Ngài ch­ưa ngự các núi Cửa Lục bao giờ, cho nên H­ương Sơn Ngài đã cho làm đệ nhất thắng cảnh” (Việt văn độc bản, lớp 11, Bộ Giáo dục Trung tâm học liệu, Xuân Thiều, Trần Trọng San, 1971. Trang 191).

Trong đoạn này, tr­ước hết, tạm thừa nhận việc tác giả Nguyễn Văn Vĩnh ghi dòng chữ ‘Nam Thiên đệ nhất động” là của đức Minh Mệnh là vì thời đó, ngư­ời ta ch­ưa chứng minh chính xác đ­ược tác giả là ai, nên mới tạm ghi là Minh Mệnh. Bây giờ, các nhà sử học đã chứng minh, đó không phải của Ngài, mà là của Trịnh Sâm, cho khắc năm Canh Dần (1770). Hơn nữa, việc ghi nhận định so sánh của Nguyễn Văn Vĩnh ra đây, không phải để đánh giá, so sánh nơi nào đẹp hơn nơi nào, không phải coi Hạ Long đẹp hơn Hư­ơng Sơn hay ngư­ợc lại, mà nhấn mạnh rằng, vùng Hạ Long – Cửa Lục với những giá trị cảnh quan, vẻ đẹp của hang động, đã đ­ược Nguyễn Văn Vĩnh  cho rằng đây mới là Nam thiên đệ nhất động.

Cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tìm và giới thiệu với  độc giả 5 bài thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương [Xem sách Thiên tình sử Hồ Xuân H­ương. NXB Văn học. Hà Nội, 2002 (tái bản).]
Tuy nhiên, trư­ớc khi đến với thơ của nữ sĩ Xuân Hư­ơng, chúng ta cùng đọc những trang văn mềm mại, uyển chuyển của ông: “… Đặc biệt là huyện Hoa Phong, gồm các đảo trên Vịnh Hạ Long  ngày nay (…) có vô số núi lèn dựng trên mặt n­ước, bờ dựng đứng lên cao, chân bị sóng xoi mòn mà sâu hoắm, thành những hành lang kín mái nấp chung quanh núi. Đỉnh núi đá ghồ ghề, nhấp nhô, bày ra đủ mọi hình dáng: nào lâu đài, nào thầy tăng, nào dũng sĩ, nào con cóc, nào con mèo, nào con thuyền, nào chiếc đũa. Nhiều núi mang hang, động đ­ường hầm, vũng nư­ớc. Đảo tuy riêng rẽ, như­ng số rất lớn đến đồi trông xa t­ưởng liền thành rặng núi chắn ngang. Nếu trời mư­a phùn, hay hơi mù, thì đảo càng xa, trông càng mờ, khiến các đảo lại trở thành riêng rẽ ra thành nhiều từng lớp. Nếu lại thêm bóng xế mặt trời chiều xuống, thì cảnh t­ượng lại càng tuyệt mục. Ban ngày, khi trời nắng sắc nước rất xanh, trông xa lẫn với sắc trời. Ban tối, d­ưới bóng trăng bạc thì sắc trời, ánh nước mờ nhạt sau bóng đá đen. D­ới mái chèo vẫy nư­ớc, thì lại hiện ra cảnh tư­ợng lân tinh n­ước tóe ra nh­ư sao băng…” (sách Thiên tình sử… Trang 181-182).

Cũng qua tập sách này, tác giả đưa ra một số lời đánh giá, ca ngợi Vịnh Hạ Long của 2 ng­ười n­ước ngoài cũng thật thú vị và như­ có ma lực lôi cuốn.

Đây là cảm nhận của một ngư­ời Trung Quốc: “Mùa đông năm Khang Hy thứ 27 (1688) tôi ngẫu nhiên có việc ở Cao Lư­ơng thuộc Quảng Đông. Tôi lấy thuyền đi tắt cho chóng. Không dè bị dạt gió vào ở mép nước An Nam gọi là châu Vạn Ninh (…) Hoa Phong là những hòn đảo. Nhìn tứ phía đều là núi, nhỏn nhon chập chồng. Trăm vạn hình dáng từ đáy bể chỗi vọt lên. Tuyệt nhiên không cát đất, lùm cây, đám cỏ. Chỉ có cây tùng lạ, cây bách cỗi, hình dáng li kì mọc xen kẽ đá bày gân lộ cốt mới v­ợt lên đư­ợc. Ngắm thấy hình hoặc như­ trăm thú vật, như­ dũng sĩ mang áo giáp mũ trụ đang ngồi hoặc như­ đám mây hè, đỉnh mang lửa, đang vụt chỗi lên. Hoặc khi xa thì thấy vậy mà khi lại gần mà không thấy vậy. Hoặc khi khi nhìn thẳng tr­ước thì như­ vậy mà khi nhìn bên nghiêng thì khác vậy. Trong chớp mắt, gió mây biến đổi ảo trạng không chừng…” (Trích Tiểu phư­ơng Hồ trai D­ư địa Tùng sao, tập 3, trang 1159) [sách Thiên tình sử.. Trang 182-183.]
Và đây nữa, cái nhìn của một ng­ười phư­ơng Tây viết Vịnh Hạ Long vào lúc hoàng hôn, cảnh vật trở nên tĩnh lặng, yên ả, gợi chút lo âu như­ ng­ời lính bị lạc trận: “Lúc mặt trời gần lặn thì nh­ư có một hỏa hoạn bùng lên và cảnh trí hỗn độn vĩ đại kia trở thành một khung cảnh tuồng khổng lồ giàn ở tiên giới, vào lúc cực thịnh tr­ước khi đóng màn. Những cảnh sắc để ấn t­ượng sâu hơn là khi ngắm cảnh d­ưới bóng trăng trong, lúc những chim, sinh vật độc nhất ở đây đã ngủ. Cảnh t­ượng trở nên ma thần mộng ảo khi con thuyền len lỏi vào giữa những kiến trúc thất thực của các đảo: lâu đài phòng ngự xây trên cồn đá lem nhem (phải chăng là đảo Ngọc Vừng có đồn Tĩnh Hải được xây dựng từ thời Nguyễn Công Trứ, hiện vẫn còn dấu tích trên đảo?- TG chú) đại từ đường khổng lồ, cột bia ngạo nghễ nghiêng thân sắp đổ đè mình”(J. Auvray, theo Guide Madrolle – Indochine du Nord 1939, trang 54. Trích nguyên văn trang 184, sách Thiên tình sử… của Hoàng Xuân Hãn).

Trở lại với 5 bài thơ chữ Hán về Vịnh Hạ Long của nữ  sĩ Xuân H­ương, riêng bài “Qua vũng Hoa Phong” đã đ­ược giới thiệu nhiều, xin không nhắc lại. Chúng tôi xin trích dẫn  những dòng thơ viết về phong cảnh Vịnh Hạ Long. Ở bài “Trỗi tiếng ca chèo”, biển trời, non n­ước Hạ Long như­ một bức tranh thủy mặc. Đừng tư­ởng Hồ Xuân Hương chỉ có nổi tiếng bởi thơ Nôm, thơ bà chỉ thiên về tình cảm, tình yêu, phê phán xã hội, chọc ngoáy xã hội vì những sự bất công, tệ bạc đối với phụ nữ của xã hội chuyên chế Phương Đông. Bên cạnh đó, còn có  một Hồ Xuân Hương với những vần thơ về non sông đất nư­ớc. Điều này thể hiện qua vần thơ chữ Hán sau của Bà:
Long lanh bốn phía rủ màn mây/ N­ước phẳng lô nhô măng mọc dày/ Mới biết nguồn Đào ngăn cửa đá/ Nào ngờ Bến Cá có đồn xây/ Mặc cho họ Tạ xem đâu hết/ Dẫu có chàng Lâm vẽ chẳng tày/ Xa ngóng chân trời non lẫn nư­ớc/ Bỗng nghe chèo hát trỗi đâu đây” (Chú thích: Tạ Linh Liên thích đi chơi xem non n­ước. Ngọc Vân thích vẽ cảnh non n­ước) (Hoàng Xuân Hãn dịch). Nhìn những ngọn núi nhấp nhô trên mặt biển mà gọi là “măng”, nữ sĩ đã đ­ưa cả cái hình ảnh đồng quê Việt Nam, cái hình ảnh gần gũi thân thuộc, đáng yêu thay cho núi đá rắn rỏi quả thực, hình ảnh đã đư­ợc “mềm hóa” đi mà vẫn giữ đ­ược vẻ đẹp vốn có…

Bài thơ “Phỏng diễn ra trận văn” lại không tả cảnh, mà là một cái nhìn có tầm quân sự chiến l­ược đối với vùng biển đảo như­ lũy giăng để chặn quân thù. “Giữa duềnh thủng thẳng phẩy chèo lan,/ Sát núi càng hay, cảnh lặng nhàn./ Mây cuốn bày ra lèn cứng cỏi,/ Núi cao ngửng ngóng đỉnh toan ngoan./ Bằng Di chống cột  e trời đổ,/ Long Nữ thêm nêu sợ bể tràn./ Dấu ngựa Thủy Hoàng ch­ưa đến đó/ Trời dành để giữ đất ng­ời Nam.” (Hoàng Xuân Hãn dịch).

Tr­ước cảnh núi non, biển trời hùng vĩ, t­ươi đẹp, không chỉ có thi hứng, cảm nhận về cái đẹp, cái hùng vĩ, mà nữ sĩ lại liên t­ưởng, nghĩ đến t­ương lai, vận mệnh đất nước, bảo vệ bờ cõi linh thiêng của dân tộc. Hai câu cuối “Dấu ngựa Thủy Hoàng ch­ưa đến đó/ Trời dành để giữ đất ng­ười Nam” học giả Hoàng Xuân Hãn có một phát hiện quý giá, câu thơ có ý gần giống với ý trong bài “Núi Chiếc đũa” của Hoàng đế Lê Thánh Tông: “Trời còn dành để An Nam m­ượn/ Vạch chước bình Ngô mãi mới vừa.” Những tư­ tư­ởng lớn thường gặp nhau ở chỗ đó. Đứng trư­ớc núi non, biển trời Hạ Long hùng vĩ này, mà nghĩ rằng, đó là đ­ược trời cho để bảo vệ độc lập dân tộc vẹn toàn lãnh thổ, vì sự bình yên cho muôn dân thì Lê Thánh Tông – vị Hoàng đế anh minh thời Lê, thế kỷ 15 khôn ngoan, sắc sảo đã gặp  Hồ Xuân Hư­ơng – một nữ sĩ tài sắc và cũng ngang ngạnh… sinh sống tận thế kỷ 19. Kỳ diệu thay! Thế kỉ 20, trước những biến động và tình hình đầy phức tạp về biển đảo như hiện nay, đọc lại những câu thơ trên thật xúc động và cũng thấy… “cảm hoài”.

Đến đây, bỗng nhớ lại bài “Cư trần lạc đạo” của Trúc Lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc san (xôn?) hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Tạm được dịch nghĩa là:
Ở đời vui với hãy tuỳ duyên
Đói cứ ăn, mệt cứ nghỉ
Trong nhà có vật báu, không phải đi tìm kiếm
Trước cảnh (mà) vô tâm, thì đừng nói chuyện thiền./.

Hà Nội, ngày đầu năm 2010
© 2010 Nguyễn Học
© 2010 talawas






Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

SỰ KIỆN THÁI BÌNH 1997

Sự kiện Thái Bình năm 1997 mặc dù được nghe “truyền miệng” nhiều nhưng lại ít thấy có cuốn sách nào, tờ báo chính thống nào nói một cách đầy đủ và hệ thống. Dù sao, nói đến Thái Bình 1997, người ta vẫn giữ thái độ dè dặt và thận trọng khi phát ngôn, bởi người ta vẫn nghĩ nó "nhạy cảm”.


Mới đây TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH chỉ đạo cho ra đời cuốn TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản 2010. 
Cuốn sách, theo lời giới thiệu của ông Bùi Tiến Dũng – Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh giới thiệu, “gồm 5.000 mục từ với hơn 1.300 trang”, đáng được xem là một công trình từ điển bách khoa về Thái Bình.
Không ngại va chạm để nói đến những sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt, lần đầu tiên một ấn phẩm, một công trình đồ sộ do Tỉnh Thái Bình xuất bản chính thức đưa Sự kiện Thái Bình  1997 vào  sách dưới những  đề mục nhỏ, như một  sự công nhận lịch sử mà không hề chối bỏ. 


Cuốn TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH là sách tra cứu và không  phải ai cũng có thể sở hữu vì số bản in không nhiều. Đối với sự kiện Thái Bình năm 1997, có 4 đề mục nhỏ  là: Vụ Quỳnh Hoa, Vụ Quỳnh Hội, Vụ Quỳnh Mỹ và Vụ Thái Thịnh.
“Khi nông dân ra phố” xin trân trọng giới thiệu lại toàn bộ 4 vụ này trong cuôn TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH để chúng ta cùng đọc và suy ngẫm.



1. Vụ Quỳnh Hoa

"Điểm nóng số 1 của tỉnh. Chiều ngày 16/6/1997, khoảng 300 người dân xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ đã bắt giữ Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã và Phó ban tài chính xã dong lên huyện, đi bộ trên quãng đường 7km dưới trời mưa không cho đội mũ nón, vừa đi vừa lăng mạ, chử bới, đánh đập. UBND huyện cứ người ra tiếp, trong cuộc đối thoại, yêu sách của dân tập trung vào việc đòi xử lý cán bộ xã tham nhũng, tiêu cực; huyện yêu cầu trả tự do cho cán bộ xã và hứa cử đoàn thanh tra về làm rõ, nếu cán bộ vi phạm sẽ xử lý.
 Sau đó, tại xã Quỳnh Hoa vẫn tiếp tục tiếp diễn tình trạng lăng mạ, vây ép đòi cán bộ xã phải ký vào những văn bản do một số người thảo sẵn. Ngày 12/9/1997, 34 cán bộ xã Quỳnh Hoa gồm Đảng ủy, UBND, Công an, xã đội, các đoàn thể HTX nông nghiệp và 6/10 trưởng xóm mang 6 con dấu và đơn xin nghỉ việc lên trả cho huyện. Không khí ở địa phương rất căng thẳng, ngày nào cũng có hàng trăm người lên UBND xã chất vấn cán bộ. Ngày 12/11/1997, khoảng 400 người dân xã Quỳnh Hoa kéo lên UBND tỉnh khiếu tố, đòi gặp chủ tịch tỉnh.

Do không chấp nhận giải thích của lãnh đạo UBND tỉnh, một số người đã hành động quá khích, gây rối trật tự công cộng, lăng mạ chửi bới cán bộ trước cổng UBND tỉnh. Đoàn người tập trung ngời cổng trụ sở UBND tỉnh từ sáng tới chiều tôi thì nhiều người trèo qua cổng và hàng rào tràn vào UBND tỉnh, đập phá cửa kính, hò hét, chửi bới.

Trước tình hình đó, ngày 13/11 cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt một số người phạm pháp quả tang trong đoàn khiếu kiện tại thị xã và tại xã Quỳnh Hoa. Đối phó lại, ngay chiều tối hôm ấy, tại xã Quỳnh Hoa hàng nghìn người bao vây cản trở không cho công an thi hành nhiệm vụ, lùng sục bắt giữ 23 công an và 1 cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; cướp 1 máy bộ đàm ném xuống ao, phá hỏng 1 xe ô tô; đối xử tàn nhẫn thô bạo với những người bị bắt đồng thời tổ chức rào làng, đặt chướng ngại vật, huy động thanh thiếu niên sử dụng dao kiếm, côn gậy tuần tra canh gác, liê tục đánh kẻng, gõ mõ báo động, kiểm soát chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” gây không khí căng thẳng.

Trong khi đó, hàng trăm người ở các xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Giao, Quỳnh Thọ, An Ấp, An Thái cũng kéo sang Quỳnh Hoa, càng làm cho tình hình thêm phức tạp.

Sau 2 ngày thuyết phục vận động, đến 16h ngày 16/11/1997, 20 cán bộ chiến sĩ công an mới được trả tự do (4 chiến sĩ đã tự giải thoát)

Hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Quỳnh Hoa hoàn toàn bị tê liệt, không kiểm soát được tình hình. Các đoàn công tác của tỉnh, huyện cũng phải rút khỏi Quỳnh Hoa. Sự kiện Quỳnh Hoa gây chấn động dư luận, thu hút sự quan tâm chú ý của cả nước.

Từ ngày 2 đến 4/7/1998, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật” xảy ra tại Quỳnh Hoa. Vụ án có 40 bị cáo, đông nhất từ trước đến nay ở Thái Bình, 28 bị cáo bị tạm giam, 12 bị cáo tại ngoại, một số bị cáo là thương binh, đối tượng chính sách.

Đào Văn Tá bị xử phạt 11 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Văn Hội 9 năm tù giam, Nguyễn Xuân Hùng 8 năm tù giam. Các bị cáo khác bị phạt tù từ 7 năm đến 18 tháng tù cho hưởng án treo. Đồng thời cơ quan cảnh sát điều tra Thái Bình cũng quyết định khởi tố vụ tham ô tài sản XHCN đối với Nguyễn Thanh Vận, Phan Văn Phền, Chủ nhiệm và nguyên chủ nhiệm  HTX nông nghiệp Quỳnh Hoa."

Trích: TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1082 – 1083.


2. Vụ Quỳnh Hội

“Sự kiện khởi đầu của tình hình mất ổn định  chính trị - xã hội ở Thái Bình. Trong 2 tháng  cuối 1996, hàng trăm người ở xã Quỳnh Hội huyện Quỳnh Phụ nhiều lần lên xã, huyện, tỉnh khiếu tố về việc UBND huyện Quỳnh Phụ không thực hiện quỹ đất 5% là trái với chủ trương của tỉnh; các khoản dân phải đóng góp quá lớn; cán bộ xã có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Dân yêu cầu cấp trên thanh tra, xử lí cán bộ sai phạm.

Ngày 5/12/1996, UBND huyện Quỳnh Phụ thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra việc xây dựng cơ bản, ngân sách xã và kinh tế HTX Nông nghiệp. Kết quả thanh tra xây dựng cơ bản (trạm bơm, cải tạo mương máng, làm đường giao thông…) bước đầu phát hiện có dấu hiệu tham ô 90.600.000 đồng.

 Thanh tra kinh tế, tài chính xã, phát hiện chi sai nguyên tắc 48.275.000 đồng. Ngoài ra còn có nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc mua thóc giống, vay tiền cá nhân sử dụng cho HTX với lãi suất cao…

19h30 ngày 26/12/1996, Chi nhánh điện Quỳnh Phụ ngừng cấp điện cho xã vì còn nợ chi nhánh 3.800.000 đồng. Hàng nghìn người trong xã kéo đến nhà chủ tịch UBD xã thắc mắc và một số người quá khích đã đập phá tài sản, làm thiệt hại khoảng 3.000.000 đồng.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo công an tỉnh, của Thường trực huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Phụ, lực lượng công an và các ngành đã tập trung giải quyết nhằm ổn định tình hình.

Ngày 26/12/1996, Công an huyện Quỳnh Phụ đã khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Toán, Phạm Văn Quýnh, Nguyễn Tiến Mừng.

Ngày 14/1/1997, khởi tố điều tra vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản XHCN, khởi tố 3 bị can: Đặng Đình Thảo (Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ nhiệm HTX), Nguyễn Quốc Dũng (kế toán trưởng), Vũ Thị Tám (thủ quỹ HTX nông  nghiệp).”


Trích:
TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1083.



3. Vụ Quỳnh Mỹ

Vu gây rối trật tự nghiêm trọng nhất. Ngày 6/5/1997, Phạm Hữu Hoành, Phạm Văn Tới và Nguyễn Văn Ty  tự nhận là đại diện cho nhân dân đứng ra in giấy mời, triệu tập Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng các ban ngành của xã về Hội trường UBND để họp bàn chống tham nhũng.

Tại đây Phạm Hữu Hoành công khai đả kích , phê phán chính quyền xã, kích động quần chúng kéo lên huyện, tỉnh yêu cầu xử lý những cán bộ mà họ cho là tham nhũng.

Xét hành vi của Phạm Hữu Hoành và Phạm Văn Tới có dấu hiệu về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước và xã hội”, ngày 8/5/1997, Công an huyện Quỳnh Phụ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt Phạm Hữu Hoành và Phạm Văn Tới. Lập tức, từ ngày 9 đến 11/5/1997, hàng nghìn người xã Quỳnh Mỹ và các xã lân cận liên tiếp kéo lên huyện đòi thả người bị bắt.

Chiều 10/5, khoảng 3.000 người đã tràn vào Viện kiểm sát nhân dân huyện, một số người đã đập phá phòng làm việc và lăng mạ, súc phạm Viện trưởng; thu và xé tài liệu của Viện kiểm sát nhân dân.

Tình hình càng căng thẳng khi hàng trăm người của xã Quỳnh Hồng cùng số dân xã Quỳnh Mỹ kéo đến bao vây trụ sở công an huyện. Trong suốt 6 giờ đồng hồ (từ 19 giờ ngày 10/5 đến 1 giờ sáng ngày 11/5) khoảng 2.000 người tụ tập trước trụ sở công an huyện. Lợi dụng đêm tối, một số người quá khích hò hét, chửi bới, xô đổ cổng, dậu của Công an huyện và trường Đảng huyện; dùng gạch đá tấn công trụ sở và cán bộ chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ. Họ còn dùng các vật cản chắn đường ô tô, ngăn không cho lực lượng công an tỉnh và công an các huyện tăng cường; đồng thời tổ chức săn lùng, đánh đuổi các chiến sĩ công an. 11 cán bộ chiến sĩ công an bị thương, nhiều tài sản bị hư hỏng, trong đó có 3 xe chữa cháy, 1 xe cứu thương, 1 xe chở quân, vỡ nhiều lá chắn, hỏng toàn bộ cánh cửa nhà 2 tầng, hệ thống chiếu sáng và nhiều máy móc thông tin liên lạc..


Để giảm bớt áp lực của quần chúng, tạm ổn định tình hình, Thường trực Tỉnh ủy và UBND Tỉnh đã họp bàn thống nhất chủ trương tạm tha 2 đối tượng bị bắt. Được thể, một số người ở Quỳnh Mỹ đã ép Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện phải ký vào văn bản họ viết sẵn, thừa nhận việc bắt người là sai rồi công bố trên Đài truyền thanh xã Quỳnh Mỹ và tổ chức ăn mừng thắng lợi.

Trích: TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1083 - 1084.



4. Vụ Thái Thịnh

Vụ tham nhũng, tiêu cực và gây rối trật tự công cộng điển hình ở huyện Thái Thụy. 

Ngày 25/6/1997, 60 người dân xã Thái Thịnh lên UBND tỉnh kiến nghị giải quyết thanh quyết toán các công trình xây dựng của xã và tố cáo Chủ tịch xã vi phạm luật đất đai, tham nhũng. Buổi tối cùng ngày, quần chúng họp tại 2 địa điểm xóm 1 và xóm 5 để nghe thông báo kết quả đi khiếu kiện ở tỉnh về.

14h ngày 26/6/1997, trong lúc Đảng bộ xã đang họp bàn chủ trương thực hiện công văn số 279 của UBND tỉnh, hơn 200 người kéo đến bao vây trụ sở, yêu cầu xã phải thực hiện ngay công văn số 279. Chủ tịch xã ra giải quyết yêu cầu mọi người giải tán. Quần chúng không  nghe và có lời lẽ thô tục, lăng mạ.

5h chiều cùng ngày, Chủ tịch huyện cùng đoàn cán bộ huyện Thái Thụy về xã  Thái Thịnh để giải quyểt, hứa sẽ chỉ đạo xã thực hiện nghiêm túc công văn 279 của UBND tỉnh. Có tới hàng nghìn quần chúng tụ tập tại trụ sở UBND xã. Những người quá khích đã ào lên vây giữ Chủ tịch huyện và đoàn cán bộ. Lực lượng công an tìm cách đưa được Chủ tịch huyện ra ngoài. Chủ tịch xã  và Trưởng công an huyện bị một số phần tử xấu hành hung trọng  thương. 6 cán bộ khác của xã, trong đó có Bí thư Đảng ủy và 3 an ninh viên bị xâm phạm đến thân thể. Toàn bộ bàn ghế, cánh cửa, tủ đựng tài liệu, tăng âm, loa đài của xã và HTX bị đập phá và mất 13,600,000 đồng quỹ UBND xã.

Sau đó, họ kéo đập phá nhà, tài sản gia đình Phạm Văn Chiêm (Chủ tịch xã), Phạm Văn Nghị (Phó Chủ tịch xã), Đinh Thị Tâng (Cán bộ địa chính xã), gây nhiều thiệt hại. 

Tình hình rối loạn diễn ra từ 7 giờ tối ngày 26/6 đến 1 giờ sáng ngày 27/6/1997.


Để giải quyết ổn thỏa tình hình xã Thái Thịnh, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo 3 ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tiến hành đồng thời việc điều tra truy tố những đối tượng quá khích, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật với việc truy tố những cán bộ xã có hành vi tham nhũng, tiêu cực là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc khiếu kiện phức tạp của quần chúng.

Ngày 3/7/1997, Công an tỉnh đã thực hiện lệnh bắt 5 đối tượng chủ yếu (Vũ Văn Kiện, Vũ Văn Tuấn, Phạm Văn Vịnh, Ngô Thị Duyên, Phạm Văn Khuynh) trong 36 đối tượng gây rối trật tự công cộng, cố ý hủy hoại tài sản XHCN, tài sản công dân, cố ý gây thương tích, xảy ra đêm 26/6/1997 tại Thái Thịnh.

Đồng thời, Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xác định Phạm Văn Chiêm (Chủ tịch xã từ 1991 – 1997) đã cấp trái phép 23.686m2 đất và đã cùng Phạm Văn Thiện (Phó ban tài chính xã) vi phạm các quy định về chế độ, nguyên tắc quản lí kinh tế nhà nước, gây thất thoát ngân sách xã hơn 220 triệu đồng. Chiêm tham ô 24.670.000 đồng, Thiện tham ô 63.804 ngàn đồng.

Một số cán bộ  chủ chốt khác của xã như Phạm Thanh Nghị (Phó chủ tịch xã) , Phạm Văn Thái  (Bí thư Đảng ủy xã), Phạm Huy Khản (Phó Bí thư Đảng ủy xã), Phạm Thị Duyên (Thủ quỹ UBND xã) đồng phạm gây thất thoát 154 triệu đồng ngân sách xã. Ngoài ra, Nghị còn tham ô 13 triệu đồng, Thái 11 triệu đồng, Khản hơn 2 triệu đồng, Duyên 5 triệu đồng, Tăng hơn 13 triệu đồng.

 Trích: TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1084 - 1085.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Lan man sách cũ (1)



Tôi có tính thích sách cũ, nhưng chỉ thích, chưa đến mức mê. Qúa nửa đời phiêu dạt, chưa trở về úp mặt vào dòng sông quê, nhưng nếu có ai hỏi, thế anh mê cái gì nhất, mình cũng chịu. Chắc chắn không mê sách cũ nhất, chỉ thích thôi. Lí do đơn giản là trong việc mua, xem sách cũ, mình có thể kiểm soát được mình, tự kiểm duyệt được mình.

Những cuốn sách cũ ở đây mình muốn nói tới, không phải là những cuốn sách in ở Miền Bắc XHCN tươi đẹp từ xưa tới nay, đó là những cuốn sách tuyệt vời, đỉnh cao, khỏi phải bàn cãi. Ở đây mình muốn bàn tới những cuốn sách cũ in ở Miền Nam từ trước 1975.

Cứ nói đến sách in trước 1975, nhiều người, trong đó có mình tự thấy khó nói và cảm thấy không an toàn, vì hơi nhạy cảm,  hơi đụng chạm.

Tuy nhiên, mình đã xem, đọc, ngắm, ngẫm, nghĩ, nghiên cứu những cuốn sách mà dân gian gọi tên chung là “đả ngụy” của bác Trần Trọng Đăng Đàn rồi, nên mình mới thấy yên tâm – mình đi đúng hướng cách mạng, không bị chệch, không bị thay đổi lập trường. 

Để đi vào dòng sách cũ in trước 1975 ở miền Nam (có thể là mua, có thể là đọc, có thể là chơi), theo ý kiến cá nhân, mỗi người nên tự phải đọc trước các tác phẩm của bác Trần Trọng Đăng ĐÀN, ví dụ như cuốn: VĂN HÓA VĂN NGHỆ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Miền Nam Việt Nam 1954-1975 do NXB Thông tin- NXB Long An ấn hành 1990.

Trong phần Lời giới thiệu của Bộ văn hóa có đoạn: “…mỗi thư viện, mỗi trường học, mỗi cơ quan thuộc các ngành văn hóa, văn nghệ, giáo dục, mỗi của hàng buôn bán sách và văn hóa phẩm, mỗi gia đình, mỗi người quan tâm đến đời sống văn hóa văn nghệ… nếu có tập sách này sẽ dễ dàng hơn trong việc biết được thư viện của mình, cơ quan mình, tủ sách gia đình mình có những sách gì là tốt, sách gì là xấu, sách nào bị cấm, sách nào được lưu hành, sách nào, văn hóa phẩm nào từ thời Mỹ ngụy còn lại cần được sử dụng theo phương pháp nào…”(Trang 7-8)

Đặc biệt hơn, trong cuốn sách này sẽ có chỉ dẫn cho mình biết các tác giả bị cấm toàn bộ và những tác phẩm bị cấm lưu hành theo Thông tri số 218/CT.75, ngày 20.8.1975 (sau 3 tháng ta giải phóng Miền Nam) về việc cấm lưu hành sách báo phản  động do Bộ trưởng Bộ  Thông tin văn hóa Lưu Hữu Phước kí.(được in ở cuối cuốn sách của bác Trần Trọng Đăng Đàn).

Trong đó, mục 4 – Các tác giả có sách bị cấm toàn bộ có tới hàng chục, không kể xiết, nhưng đáng quan tâm hơn cả là:
-         Bùi Gíang: Bài ca quần đảo, Đi vào cõi thưo, Lá hoa cồn, Mùa thu thi ca, Mưa nguồn, Tư tưởng hiện đại…
-         Nhã Ca: Bầy phượng vĩ khác thường, Bóng tối thời con gái, Chiến tranh trong thành phố, Chiều góa bụa, Giải khăn số cho Huế, Hiền như mực tím, Truyện đôi ta…
-         Phạm Công Thiện: Bay đi những cơn mưa phùn, Im lặng hố thẳm, Mặt trời không bao giờ có thực, Ngày sinh của rắn, Trời tháng Tư, Ý thức mới trong văn nghệ…
-         Phan Nhật Nam: Dấu binh lửa, Dọc đường số 1, Dựa lưng nỗi chết, Múa hè đỏ lửa, Tù binh và hòa bình…
-         Túy Hồng: Biển điên, Bướm khuya, Eo biển đa tình, Hơi thở rướn cong, Kinh thiên thu…
-         Võ Phiến: Bơ vơ, Trữ tình, Đất nước quê hương, Đêm xuân trăng sáng, Gĩa từ, Một mình, Thư nhà, Tạp luận…
-         Phạm Văn Sơn: Quân dân Việt Nam chống Tây xâm, Vĩ thuyến 17, Việt Nam chiến sử, Việt Nam tranh đấu sử, Việt sử tân biên….
-         V.v…



Cộng với danh mục của 562 cuốn sách bị cấm lưu hành nữa, nói thật, nếu mà để quán triệt tinh thân cách mạng, nhớ được hết thì cũng đã thành người tài rồi chứ chưa nói gì mà chơi sách, mua sách hay đọc những sách đó. 
Hình trên là Bộ sử của Phạm Văn Sơn, một bộ sách được xếp vào hàng "kịch độc". Tuy nhiên, ai sở hữu nó thì cũng đáng nể. (Hình lấy từ SX.N)


Vâng, theo như bác Trần Trọng Đăng Đàn và nhiều người khác như Lữ Phương, Trần Độ, Đỗ Đức Hiểu, Lê Đình Kỵ, Hà Xuân Trường v.v… thì những tác phẩm, tác giả trên đều là những “nọc độc”, những “tàn dư văn hóa” của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam – đó là những tàn dư vô cũng độc hại, nguy hiểm.

Quán triệt một cách sâu sắc theo những lời của các nhà nghiên cứu trên, mình một mặt sẽ quyết tâm ghi nhớ và nhận diện những “nọc độc” ấy!

Trở lại với cái sở thích của mình là thích sách cũ, mà sách cũ cả ở Miền Nam trước 1975. 

Ngày nay, trong không khí đổi mới, đối thoại và hội nhập của chúng ta, nhiều công dân được tự do buôn bán, trao đổi, lưu giữ các loại sách cũ.

Mình nhiều lúc muốn tò mò (cái tính tò mò đôi khi cũng dễ gặp nguy hiểm) nên muốn thử xem một vài “nọc độc” đó thế nào. Thấy bác Trần Trọng Đăng Đàn và nhiều nhà nghiên cứu khác nói nhiều rồi, muốn thử xem sao, đành tìm vào những chỗ bán sách cũ.

Nhưng đi khắp phố phường, vỉa hè, cũng không kiếm nổi cuốn “nọc độc” nào. Đơn giản vì không thấy bán. Chỉ một vài, rất ít nơi có nhưng giá lại cắt cổ.

Thường thì những dòng sách triết học, văn học, … trước 1975 in ở Miền Nam của các tác giả nói trên, cũng thường thấp nhất từ 200k (200 nghìn) 1 cuốn trở lên, lên đến bao nhiêu thì tùy. Thấy có lần bộ Sử của Phạm Văn Sơn bán tới 14 triệu.

Hãi!

Trong khi đó, chính những cuốn “đấu tranh” tư tưởng cách mạng, tiêu diệt “nọc độc” của đế quốc… ấy bây giờ lại rớt giá và sẽ không thể so với giá của các cuốn sách được coi là “nọc độc”. Chẳng hạn như cuốn  VĂN HÓA VĂN NGHỆ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Miền Nam Việt Nam 1954-1975 của bác Đàn nói trên, giá không quá 150k/cuốn, ấy là giá chát lắm rồi, chứ thường quán sách cũ chỉ khoảng 70 – 80k/cuốn.

Một cái thú vị nữa là hiện cũng có một số nhà sách đang có dự định tái bản một số cuốn của các tác giả sống và viết ở Miền Nam trước 1975 như Dương Nghiễm MẬU, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng... và độc giả cũng nồng nhiệt đón nhận.

Như vậy, có một hiện thực là những cái được coi là “nọc độc” lại được bán giá cao, thậm chí rất cao.
Tại sao vậy?  Đây là một vấn đề thuộc lịch sử-xã hội; lịch sử- văn hóa để lại, theo cái sở kiến đứng ở góc độ của lịch sử- thói quen ấy là cái sở thích đồ độc của dân ta. Cứ cái gì hiếm (độc) thì mua, cứ cái gì độc (hại) thì cũng mua. Tóm lại đó là đồ ĐỘC theo nhiều nghĩa.

Có lẽ, cái tầm thấp của mình và 1 cái tâm cũng xoàng của mình chỉ dừng lại chuyện sách cũ Sài Gòn trước 1975 ở góc độ …giá sách, chứ còn nội dung, phần này dành cho các nhà nghiên cứu can đảm.

Nói gì thì nói, nhìn giá sách của gia đình nào mà toàn những cuốn thuộc diện “ĐỘC” trên cũng đủ kính nể rồi.

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Muốn làm bạn với tất cả

Chả hiểu sao tự dưng hôm nay lại có suy nghĩ này. Chợt nhớ đến 1 câu nói về tinh thần của một quốc gia nào đó, rằng quốc gia đó muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Đúng là một tinh thần đầy hữu nghị, cởi mở, rộng lượng và đoàn kết, "tứ hải giai huynh đệ", không còn gì hơn. Khi tất cả các nước trên thế giới ở 5 châu 4 bể đều là bạn bè được thì quả là quan hệ rộng, sung sướng  gì bằng.

Nói thật, được thế mà mỗi dịp có gì kỉ niệm, mời mọc cũng hơi bị khó, vì tất cả đều là bạn, mời tất thì không có đủ điều kiện đón tiếp, mà không mời đầy đủ thì anh bạn này trách, anh bạn kia trách... Khó nghĩ quá đi mất!
 
Làm bạn với các nước trên thế giới, chứng tỏ quan hệ rộng, các hoạt động kinh tế, ngoại thương phát triển mạnh, các hoạt động giao lưu văn hóa không ngừng phát triển, tăng cường. Biên giới quốc gia khỏi phải nghĩ, cứ kê gối cao đầu mà ngủ kĩ. Tất cả đều là bạn của nhau mà, chả lẽ bạn mình lại oánh mình sao? Vô tư đi!.

Thôi không nói chuyện nước nào đó nữa mà trở về cụ thể với con người cụ thể thôi để dễ hiểu và đỡ trừu tượng. Không hiểu sao "bọn" Tư bản phương tây nó lại thích đơn giản hóa để cho dễ hiểu, còn một số người phương Đông lại thích trừu tượng, phức tạp khó hiểu đến thế. Có lẽ do ảnh hưởng của triết học phương Đông, từ cái ông Lão Tử đến ông Khổng Tử, Mạnh Tử gì đó. Tóm lại là các loại TỬ.
Vì thế tên của các ông ý có đuôi là TỬ, cứ nói đến đã đủ chết rồi nên có đuôi là TỬ chăng? (Một cách nghĩ trừu tượng, không chiết tự Hán Nôm chữ này)

Thử hình dung, một người nông dân chân còn vương mùi rơm rạ, ra giữ phố xá đông người tuyên bố rằng: "Tôi muốn làm bạn với tất cả mọi người"

Thử hình dung rằng, một anh trai làng đi con xe đạp tồng tộc đến bắt tay một thương gia ngồi trên 1 chiếc Lexus đen bóng nhẫy và nói: Tôi muốn làm bạn với ông!

Và đây nữa, chẳng đâu xa, một anh sinh viên học đúp lên, đúp xuống, 10 năm không ra trường được (giỏi quá, học kĩ quá) đến gặp giáo sư Ngô Bảo Châu và tuyên bố hùng hồn: Tôi muốn làm bạn với ngài.

Tôi không có câu trả lời, nhưng nhiều bạn tôi có thể có câu trả lời! Việc xác định đường hướng để có bạn và chơi với bạn như trên tất sẽ có những cái hay của nó. Nhiều bạn ai chẳng sướng, ai chẳng tự hào khoe với thiên hạ: Mình quan hệ rộng, chơi rộng, dùng từ Hán Nôm là "quảng giao" rộng?

Bây giờ lại bàn tiếp chuyện chơi với bạn như thế nào.

Việc tuyên bố muốn chơi với tất cả mọi người là việc của tuyên bố, còn việc người ta có chơi hay không, mức độ chơi thân mật, tử tế thế nào lại là chuyện khác.

 Cái ông Khổng Tử bên Tàu nói đại ý một câu (tôi không nhớ rõ lắm - từ ngày cái anh Tàu muốn bá quyền Biển Đông tự nhiên lại hay quên lời của mấy vị Tiên Nho bên đó - sorry): Người nào được cả làng khen là tốt không hẳn là người tốt, người nào bị cả làng chê là xấu, không hẳn là xấu. Người nào mà được kẻ thiện khen là tốt, kẻ ác chê là xấu, đó mới là kẻ tốt.

 Ở đời biết được ông nào được khen như thế mà chơi, mà nói thật chắc gì lời khen đã đúng, nhỡ khen đểu thì sao? Cái giọng khen ngoại giao không biết mà cứ húc vào thì có ngày bán hết thóc giống ra mà ăn.
 Thế cho nên, chọn bạn là việc rất khó. Đâu là bạn tốt? Đâu là bạn xấu? Bạn có ý định xâm lấn mảnh vườn, cái ao nhà mình không là chuyện bình thường nữa mà cần phải tính toán về người bạn vàng của mình. Bạn “vàng” mà cứ nay nhăm nhe cầm dao sang dọa mình, mai nhăm nhe cầm búa sang dọa mình thì có mà chạy mất dép, cạch đến già.

Rõ ràng là, việc chọn bạn rất khó.

 Tuy nhiên, không thể đòi hỏi mọi người bạn đền có lòng tốt như mình mong muốn, vì mỗi người một tính, một mục đích sống, và trong cái quan hệ song phương, đa phương với mình, mình và bạn mình đều có mục đích sống cả.

Cho nên, nói rằng chơi với nhiều bạn quá, tức là chúng ta có một mới hổ lốn, cả tốt lẫn xấu. khó cho sự lựa chọn. Nói theo dân gian là hái cả vườn rau về ăn, có cả rau sâu, rau ngon, cả rau bẩn...

Có người lại cho rằng, tôi chẳng cần làm bạn với tất cả mọi người mà tôi chỉ cần một vài người bạn thân là đủ. Bạn đó phải là người đồng sàng nhưng không dị mộng, chung sức chung lòng, sẵn sàng sẻ chia, lúc gặp nguy nan có bạn đến giúp đỡ, lúc tắt lửa tối đèn cũng có bạn, gặp thằng khác bắt nạt, bạn sẵn sàng đến giúp, không sợ nó kè kè con dao muốn nhảy bổ vào đâm...

Ờ, nghe thì cũng hay đấy, nhưng cái anh bạn mà chơi với tất cả mọi người sẽ cho rằng, mẫu hình bạn này trở nên lỗi thời và lạc hậu rồi, không cấp tiến. Lí do là vì thời toàn cầu hóa, phải có nhiều, thật nhiều bạn để sẻ chia, hợp tác, làm ăn để nâng vị thế của mình lên chứ.

 Ờ, ý kiến nào cũng có lí cả.

 Một ngày kia, người mà chơi với rất nhiều bạn trên thế giới bị anh hàng xóm mang gậy gộc sang bắt nạt và đòi lấp ao nhà mình, người ấy mới tá hỏa đi alo gọi cho những người bạn của mình nhưng chẳng có ai đến giúp cả. Họ nói rằng, sẽ đến giúp nhưng có điều kiện ràng buộc, có đi có lại, đời chẳng cho không ai cái gì. Có người bạn độc mồm của anh ta còn bảo, anh cứ ông ổng chơi với tôi chứ anh có thò ra gì đâu, anh có đoái hoài gì đâu. Anh chỉ ba phải, hay đâu chầu đấy, mạnh đâu dựa đấy, anh có trung thành và nhất quán với ai đâu... Nghe mà quặn lòng.

 Người có nhiều bạn bấy giờ mới ngớ người ra: Thật “trăm voi không được bát nước xáo". Cái oai phong ngày nào giờ "bỗng dưng biến mất", anh ta mặt tái xanh đi tìm người bạn thân của mình nhưng chẳng có ai cả.
Sau lần ấy, người ấy dường như nghĩ về bạn nhiều hơn nhưng điều khác biệt là anh ta vẫn tuyên bố rằng: Muốn làm bạn với tất cả, tuy nhiên có một điều không dám nói ra là sẽ tìm bạn thân.

Sống ở đời thật khó. Chơi với bạn càng khó. Đó là chằng chịt các mối quan hệ, các cung bậc tình cảm.
Các cụ dạy: Tin bạn mất vợ, nhưng các cụ lại chưa nghĩ một điều (vì thời các cụ chưa toàn cầu hóa, chưa có Internet) là trong thời đại này, nếu không có những người bạn thân, tin cậy, nếu cứ nghi ngờ bạn thì sẽ bất đắc kì tử có ngày mà không ai cứu.

Song đó là những quan niệm, ý  nghĩ chỉ dành cho cá nhân. Còn đối với tầm quốc gia, thì đó lại là suy nghĩ của các bậc cao nhân, con người bé nhỏ mình không nghĩ được. Chỉ lấy một cái ý tưởng để gợi đến tình bạn con người mà nói ra đây thôi.

Về phần mình, mình nhận thấy, có những người bạn thân, thật thân là quý lắm rồi. Nhà không có điều kiện để chơi với tất cả các bạn trên thế giới./.






Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Nhật ký ngày Mùng 5 tháng 6

Ngày mùng 5 tháng 6 năm hai ngàn lẻ mười một
Đất nước tôi kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Đài truyền hình Trung ương phát sóng trực tiếp chương trình Hồ Chí Minh cuộc Hành trình của thời đại
Cầu truyền hình khắp 3 miền từ Cảng Sài Gòn, Đồng Tháp đến Nghệ An, suối Lê Nin Cao Bằng đến Nhà sàn tại Hà Nội
Các nhân chứng, khách mời chém gió lia lịa
Không ngớt lời tưởng nhớ, ca ngợi ơn đức Bác Hồ
Chẳng kém cạnh gì, Báo chí, báo điện tử cũng không ít bài ca ngợi Bác.
Chỉ cần nhấn Google Hồ Chí Minh, Bác Hồ sẽ có hàng vạn kết quả tốt tươi!

Tôi tự hào!

Ngày mùng 5 tháng 6 năm hai ngàn lẻ mười một
Đất nước tôi cũng ở  Hà Nội, Sài Gòn
Người dân nước tôi đã tự do được biểu tình tự phát
Hàng nghìn người xuống đường biểu tình ôn hòa chống bành trướng của anh bạn hữu hảo 16 chữ vàng và 4 tốt Trung Hoa
Cùng các khẩu hiêụ ôn hòa bằng thái độ ôn hòa...
Đòi Trung Hoa phải biết tôn trọng độc lập của nước Việt
Không làm dậy sóng Biển Đông, 
Rằng Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Tôi xúc động, càng thấy nhân dân ta yêu Tổ quốc vô cùng'

Nhưng cũng Ngày mùng 5 tháng 6 năm hai ngàn lẻ mười một
Không thấy một tờ bào chính thống, lề phải nào đưa tin về cuộc biểu tình của nhân dân ở Sài Gòn, Hà Nội
Dù tin tức, hình ảnh video clip ngập tràn trên các Blog.
Dù hễ bất cứ ai ra đường  hoặc ngồi uống trà đá vỉa hè đến quán rượu hạng sang người ta cũng đều xôn xao bàn tán, hỏi han...
Báo chí không đưa, không thích đưa hay không biết để đưa?

Tôi không biết!

Chỉ nghĩ rằng, sao những tin đâm chém giết hiếp hàng ngày; những chuyện yêu nhau, bỏ nhau, lộ quần chip, hở ngực, chụp ảnh khỏa thân, lộ hàng của các diễn viên người mẫu... thì được đưa nhanh thế; nhiều lúc, ngại không dám vào xem, vì người tử tế nhìn vào cứ ngỡ mình đang xem trang web sexy....
Còn cái chuyện hòa bình, độc lập, chủ quyền, dân tộc thế này lại dễ được...bỏ qua!

Tôi thất vọng tràn trề với những trang báo gọi là dành cho nhân dân

Ngày mùng 5 tháng 6 năm hai ngàn lẻ mười một
Từ sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của Bác đến sự kiện quần chúng tự phát biểu tình ôn hoà
Tôi càng thấy
Tôi càng tự hào
Nước ta, dân tộc ta có thừa lòng yêu nước, không bao giờ chịu khuất phục kẻ thù, nhất là đối với quân bành trướng Trung Hoa
Từ lịch sử hàng ngàn năm cho thấy 1 điều dễ hiểu: Nước non này có sức sống vạn năm

Ngày mùng 5 tháng 6 năm hai ngàn lẻ mười một
Không biết nói gì ngoài những dòng xúc cảm tự hào về tinh thần yêu nước của dân tộc, về những người nước Việt mến yêu!