Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Phát biểu của Bí thư ĐCS Liên Xô Goocbachôp tại Việt Nam năm 1982




Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, Mikhail Sergeevich Gorbachëv; sinh 1931, nhà hoạt động Đảng và Nhà nước Liên Xô. Vào Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1952. Tốt nghiệp khoa luật Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva (1955), Đại học Nông nghiệp Xtaprôpôn (1967). Hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin. Từ 1966 đến 1968, bí thư thứ nhất Thành uỷ Xtaprôpôn, bí thư Tỉnh uỷ Xtaprôpôn (1968 - 70). Từ 1971, là uỷ viên Trung ương Đảng; từ 1980, uỷ viên Bộ Chính trị. Từ 1978 đến 1985, bí thư Trung ương Đảng. Từ 1985, tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Liên Xô. Từ tháng 3.1990, tổng thống Liên Xô. Goocbachôp là người đề xuất và lãnh đạo công cuộc cải tổ ở Liên Xô. Sau khi cuộc đảo chính 19.8.1991 thất bại, Goocbachôp trở lại nắm quyền, tuyên bố từ chức tổng bí thư, yêu cầu giải tán Uỷ ban Trung ương Đảng, đình chỉ hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau khi 11 nước cộng hoà kí hiệp định giải tán Liên Xô và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) (21.12.1991), ngày 25.12.1991, Goocbachôp tuyên bố từ chức tổng thống Liên Xô. Giải thưởng Nôben về Hoà bình (1990).

Năm 1986, Nhà xuất bản Tiến bộ Mát- xcơ-va và Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội đã cho xuất bản cuốn “Mi-khai-in Goóc-Ba-Chốp, Những bài nói và viết chọn lọc”. Sách dầy gần 600 trang, trong đó có 04 bài liên quan trực tiếp và nói tại Việt Nam là bài chúng tôi giới thiệu dưới đây và 03 bài viết khác có tựa đề: “Lời chào mừng của Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Liên Xô tại Đại hội V Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 29 tháng 3 năm 1982”; bài Lời phát biểu trước toàn thể những người xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình tại cuộc mit tinh hữu nghị Việt - Xô ngày 29 tháng 3 năm 1982; và bài Lời phát biểu tại buổi lễ trao tặng Huân chương Lê Nin cho các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, ngày 30 tháng 3 năm 1982., từ trang 4 đến trang 20. {Nói thêm, trong cuốn sách này cung có in ảnh màu đồng chí Goocbachop, rất đẹp zai và phúc hậu nhưng không thấy vết nám trên trán của Đồng chí Chốp đâu. Không lẽ vào những năm đó, công nghệ Photoshop ở Nga đã hoàn hảo thế sao}

Nguyên nhân khiến chúng tôi giới thiệu bài viết dưới đây vì cũng khởi nguồn từ phát biểu của đồng chí Trưởng Ban tuyên giáo huyện Tiên Lãng Hải Phòng nói với các Đảng viên về vụ Đoàn Văn Vươn vừa rồi; sau đó cũng là những ấn tượng đáng nhớ đặc biệt của chúng tôi với bài viết, bởi dường như không phải ai trong số chúng ta cũng có cơ duyên được đọc bài viết này, trong khi hằng ngày vẫn đều đặn thường xuyên đi qua tượng đài Lê Nin trên đường Điện Biên Phủ giữa thủ đô Hà Nội lộng gió và tung bay ngọn cờ cách mạng.
Nông dân ra phố xin trân trọng giới thiệu:


Lời phát biểu tại Lễ đặt phiến đá tượng trưng dựng tượng đài kỷ niệm V.I. Lê Nin tại Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 1982


“Điều có ý nghĩa là hôm nay, ngay trước ngày khai mạc Đại hội V của Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Hà Nội các đồng chí đặt nền móng xây dựng tượng đài kỷ niệm V.I. Lê Nin. Chúng tôi cho rằng, sự kiện này nói lên lòng kính trọng sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với người lãnh đạo phong trào quần chúng cách  mạng vô sản, xã hội chủ nghĩa đến thắng lợi tháng Mười năm 1917, người đã đặt cơ sở cho nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, người mà tên tuổi và tư tưởng gắn liền khăng khít với toàn bộ cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng của nhân dân các nước trong thế kỉ XX.

Các bạn thân mến, cùng với các bạn, chúng tôi rất hài lòng về việc trong năm qua, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi một công việc lớn lao là xuất bản bộ toàn tập V.I. Lê Nin bằng tiếng Việt. Đã mấy chục năm rồi những kẻ thù tư tưởng của chúng ta tìm mọi cách chứng minh rằng, chủ nghĩa Lê Nin là một hiện tượng thuần túy Nga và chỉ đáng chú ý về mặt lịch sử mà thôi. Nhưng sự thật là ngày nay, trên hành tinh của chúng ta, người ta đọc tác phẩm của Lê Nin, học tập Lê Nin một cách rộng rãi hơn bao giờ hết. Thực tế xác nhận tính chất đúng đắn của học thuyết Lê Nin bởi vì về cơ bản và chủ yếu thì lịch sử và cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới đang phát triển đúng như Lê Nin đã tiên đoán.

Chúng tôi nhớ lại những lời nói của đồng chí Hồ Chí Minh, người cộng sản Việt Nam đầu tiên, vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam: “Lê Nin đã chỉ cho nhân dân chúng tôi con đường đi tới giải phóng; Người đã chỉ ra cho nhân dân chúng tôi nhân tố quyết định, mạnh mẽ và có hiệu quả của thắng lợi, đó là Đảng”.(1)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân lao động Việt Nam đã giành được những thắng lợi tuyệt vời trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đã thực hiện được nhiệm vụ lịch sử: giải phóng hoàn toàn Việt Nam và thống nhất Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, hiện nay nhân dân lao động Việt Nam đang vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đúng là các đồng chí còn có không ít khó khăn. Nhưng tôi tin chắc rằng, nhân dân Việt Nam dũng cảm sẽ vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trong cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của Tổ quốc mình.

Nhân dân Liên Xô biết rõ rằng Việt Nam là một mắt xích vững vàng đáng tin cậy của cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân Việt Nam đang góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, và cuộc đấu tranh chống mọi thế lực phản động, đế quốc và bá quyền.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, các thế lực này không từ một thủ đoạn nào, chúng dùng sức ép chính trị, kinh tế, quân sự và đe dọa để mưu toan phá hoại chính quyền của nhân dân lao động, làm suy yếu cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa.

Nhưng chúng ta còn biết một điều cơ bản khác nữa là không ai và không bao giờ có thể đánh tan được chủ nghĩa xã hội thế giới. Chúng ta sẽ có đủ lí lẽ để đáp lại sự tuyên truyền phá hoại, chống chủ nghĩa xã hội. Chúng ta có đủ thiện chí để kiên trì và triệt để bảo vệ sự nghiệp hòa bình và an ninh của các dân tộc. Và chúng ta có đầy đủ sức mạnh để đánh bại mọi hành động khiêu khích và xâm lược.

Cái bảo đảm cho điều đó là chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, tình hữu nghị và sự đoàn kết anh em của các dân tộc trong cộng đồng chúng ta, sự ủng hộ lẫn nhau chặt chẽ trên tình đồng chí, sự đoàn kết chiến đấu của nhân dân các nước chúng ta. V.I. Lê Nin đã từng mơ ước và đấu tranh cho những quan hệ như thế giữa các dân tộc.

Nhân dịp này tôi xin chúc Đại hội V  Đảng cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc vào ngày mai thành công tốt đẹp. Nhân dân Liên Xô tin chắc rằng, nhân dân lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được vũ trang bằng những nghị quyết của Đại hội, sẽ giành được những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam. Các đồng chí thân mến, trong sự nghiệp vĩ đại này nhân dân Liên Xô sẽ luôn luôn đứng bên cạnh các đồng chí.

Chúc tình hữu nghị giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam đời đời bền vững, không ngừng củng cố và phát triển!

Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, biểu tượng của sự đổi mới xã hội của thế giới, ngọn cờ cách mạng của thời đại chúng ta, muôn năm.

Hòa bình và chủ nghĩa xã hội muôn năm”

- Mi-khai-in Goóc-Ba-Chốp- 

Nguồn: Mi-khai-in Goóc-Ba-Chốp, Những bài nói và viết chọn lọc, trang 1-4.

Chú thích:
(1)  Hồ Chí Minh. Về Lê Nin và cách mạng tháng Mười, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1985, trang 158-159.



.

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Giao thừa đì đẹt tiếng pháo và lố nhố bóng cảnh sát cơ động




Giao thừa năm Nhâm Thìn 2012 diễn ra trong bầu không khí ấm áp và thân mật trên đất nước dải hình chữ S thân yêu này, mặc dù đêm 30 Tết (thực ra là đêm 29 vì là tháng thiếu) trời lạnh buốt và có mưa phùn nho nhỏ.

Tết năm ay ở Thái Bình, có lẽ ấn tượng lớn nhất với người dân không phải là đào, quất, mai, không phải là bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối, cây nêu, mà là ở PHÁO.

Ngay từ những ngày mới đặt chân về Thái Bình ăn Tết (từ 27 âm lịch), tôi đã được nghe không ít lần trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh bàn nhiều, nói nhiều, răn đe nhiều đến việc tàng trữ, sử dụng, sản xuất và vận chuyển, buôn báo pháo nổ. (xin gọi tắt là cấm PHÁO).

Về hình thức tuyên truyền, đáng nhớ nhất là hệ thống loa phường, loa xã công cộng phát  thường xuyên và liên tục những chỉ thị, khuyến cáo người dân khi tàng trữ, sử dụng, vận chuyên sản xuất và buôn báo pháo nổ…Rồi những xe cơ động có loa nén, phát những nội dung trên cũng được sử dụng thường xuyên.

Trên kênh Truyền hình Thái Bình, không thể không nhắc đến chương trình Tọa đàm truyền hình có tiêu đề (xin lỗi là rất thừa chữ và một chương trình hay không bao giờ để cái tiêu đề rườm rà thế này) là ĐỂ TẾT KHÔNG CÓ TIẾNG PHÁO (khi thiết kế Backgroud, họa sĩ của Đài để thành 2 dòng: hai chữ ĐỂ TẾT dòng bên trên, chữ KHÔNG CÓ TIẾNG PHÁO dòng bên dưới) có sự tham gia của Lãnh đạo công an tỉnh và cả đồng chí giám đốc Đài truyền hình Thái Bình.

Thực tình, nghe đồng chí Lãnh đạo Đài truyền hình tỉnh ngồi đó Tọa đàm chủ đề đó, tôi đã cảm thấy không hạp, nghe đồng chí nói, thấy… nó làm sao ý….

Phải nói rằng, Tết này toàn bộ hệ thống chính trị ở Thái Bình quê tôi đã làm hết sức và làm nghiêm theo chỉ thị 36CP của Chính phủ về cấm PHÁO. Tại địa phương tôi ở, các đồng chí Bí thư, công an khu vực cũng đi nhắc nhở các hộ gia đình quán triệt thực hiện Nghị định này. Có hộ gia đình được nhắc nhở tới 2 lần.

Đêm giao thừa…

Khí trời của mùa xuân và mùa đông, năm cũ và năm mời giao hoàn, mưa lâm thâm, trời tối đen như mực.

Trời lạnh buốt.

00h, một chiếc xe tải thùng đóng bạt chở khoảng 1 tiểu đoàn chiến sĩ cơ động, 01 chiếc ca con 5 chỗ biển 17B…. có đèn xanh trên nóc kêu eo éo đến kinh tai đậu ngay đầu ngõ nhà tôi.

Xịt… đoàng

Một tiếng nổ lớn vang lên giữa bầu trời tối đen ở ngay sau ngôi nhà đối diện nhà tôi. Mấy anh cảnh sát cơ động chạy lố nhố về khu có tiếng pháo nhưng chẳng thấy ai. Cứ thấy các chiến sĩ hất đầu lên cao nhìn nhìn chán rồi lại bỗng nghe một băng pháo nổ liên hoàn pành, pành , pành… ở sau khu nhà tôi, thế là các chiến sĩ cơ động lại chạy túa lua vào trong ngõ. Nhưng khốn nỗi, ngõ sâu lại không có điện, tối om. Một lát các chiến sĩ lại chạy ra vì chẳng bắt được ai cả. Tận mấy ngày sau Tết, nghe đồn rằng, bánh pháo đó là ở ngõ bên, khu sau nhà chứ không phải trong ngõ tôi.

Rồi bỗng nhiên, đồng loạt tiếng pháo nổ liên hồi ở khu mạn bên phải nhà tôi. Một đồng chí công an quân hàm Trung tá, đội mũ vải, cầm điện thoại gọi liên tục từ nãy tới giờ chỉ đạo các chiến sĩ cơ động: ở bên kia!

Thế là một nhóm các chiến sĩ cơ động chạy thành hàng tút về phía tiếng pháo nổ. Tại khu ngõ tôi chỉ có 1, 2 đồng chí cảnh sát và 2 chiếc xe bật đèn xanh quay nhấp nháy suốt trong đêm tối….

Khoảng gần 1h sau giao thừa, các chiến sĩ cơ động và đoàn xe kia rút, không cò ai ở ngõ tôi. Tình hình các đồng chí cơ quan túc trực và kiểm soát đốt pháo không chỉ ở ngõ nhà tôi, mà nghe mấy anh bạn nói, trên toàn Thành phố Thái Bình đâu đâu cũng như thế. Đúng là pháo không chỉ làm tốn kém tiền bạc, làm tai nạn mà còn làm vất vả cho vô số những chiến sĩ công an trong đêm giao thừa.

Và, sau đó không lâu, tôi nghe tiếng pháo cứ đì đẹt, đì đẹt suốt…

Đến gần sáng thì tiếng pháo càng dồn dập và mật độ dày thêm, người đốt hiều hơn.

Pằng, pằng, pằng, pằng…. tiếng pháo nổ đanh, giòn và mạnh ngay đầu ngõ tôi. Chả biết ai mà liều lĩnh thế. Sáng mồng 1 Tết, tôi ra ngõ, thấy trắng xóa xác pháo, cái chỗ ở ngay với chỗ đậu xe của các chiến sĩ cơ động đêm qua. (xem ảnh dưới)

Phải chăng, nếu các chiến sĩ cơ động chịu khó túc trực đến sáng thảo nào cũng bắt được người đốt pháo. Nhưng cũng trộm nghĩ, nếu các đồng chí ở đó, chắc gì người ta đã đốt pháo?

Vấn đề người dân ở Thái Bình đốt pháo đến đâu, xử lí đến đâu là việc của các đồng chí có liên quan chứ chẳng phải của tôi.

Tôi chỉ ghi lại những điều trông thấy trong đêm giao thừa Nhâm Thìn này. Một giao thừa mà sao tôi tự nhiên lại mất đi cái cảm giác ấm cúng và linh thiêng trong đêm giao thừa, chỉ vì thấy chiếc xe cảnh sát quét đèn loang loáng suốt ở đầu ngõ cũng những bóng cảnh sát cơ động lố nhố trong khu vực nhà tôi. Hay là do cái tâm lý “ra đường sợ nhất công an” mà những người nông dân như tôi luôn canh cánh mang theo???

Nhìn những bóng dáng các chiến sĩ cơ động trong bộ trang phục quần áo, mũ mão và dùi cui… sao tôi cứ nghĩ đến những hình ảnh của một cuộc bạo loạn, một lần công an đi cưỡng chế, một lần nông dân đi biểu tình đông người tại những khu vực có liên quan đến giải tỏa, cưỡng chế đất đai… Và đặc biệt là hình ảnh ở Tiên Lãng, Hải Phòng  vừa xảy ra ngày 5/1/2012 mới đây…

Có cảm giác như cái khu vực tôi ở sắp có bạo loạn hay có cái gì đấy đặc biệt nguy hiểm lắm đến an ninh, kinh tế, văn hóa… chứ không phải chỉ vì đấy là lực lượng phòng-chống đốt pháo trong đêm giao thừa.

Trong tôi, hình ảnh người chiến sĩ cơ động, một nhóm 4 người đi tuần tra hằng đêm tại thành phố luôn cho tôi một cảm giác yên lành và an toàn. Sự xuất hiện thường trực của họ trong đêm đã ngăn ngừa và phòng chống biết bao tệ nạn xã hội, bảo vệ những người dân như chúng tôi. Tôi cảm thấy kính trọng và đánh giá cao những chiến sĩ và cách làm đó.

Song ở đây, khi đi tuần tra đêm giao thừa, đi thành hàng, tiểu đội và lùng sục tận ngõ ngách nhà người ta vào lúc linh thiêng nhất chỉ vì mục đích là cấm đốt pháo, sao tôi thấy hụt hẫng và như có gì đó bị xúc phạm, mặc dù biết rằng, thành tích thực hện chỉ thị 36 CP của các đồng chí công an tỉnh trong Tết vừa qua là rất đáng trân trọng.

Một anh đi ngang đường buột miệng nói (hơi tục) rằng:

- Đi rình thằng đốt pháo Tết khác gì đi rình thằng đánh rắm chỗ đông người.

Đúng là cái nhà anh ấy chả hiểu gì pháp luật. Lực lượng cơ động đó đang thực hiện nhiệm vụ, thực hiện tốt Nghị định 36 CP của Chính phủ đấy.

Nghe đâu, để đảm bảo an ninh trật tự, trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Nghị định 36/CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, Công an tỉnh Thái Bình đã tăng cường gần 300 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố phối hợp làm nhiệm vụ kể từ ngày 10/1/2012.

Rõ thật là tập trung hết sức.

Trộm nghĩ rằng, để thực hiện tốt Nghị định 36 CP, nếu huy động lực lượng đông đảo và tập trung như thế, nếu làm mạnh vào khâu VẬN CHUYỂN, BUÔN BÁN pháo nổ và TRIỆT ĐỂ NGĂN CHẶN CÁC NGUỒN THUỐC PHÁO thì đêm giao thừa, các chiến sĩ công an có thể kê cao gối mà ngủ, những người còn say sưa với truyền thống dân tộc, say sưa với tiếng nổ từ ngàn năm của các cụ là tiếng pháo (tựu trung là những người đốt pháo) lấy đâu, lấy gì ra mà đốt, mà làm? 

Khi đó, chẳng cần huy động nhiều công an, cơ động, chẳng cần tổ chức lực lượng tại khắp thành phố làm gì, vừa tốn kém, vừa làm những người dân như tôi không vui, vừa lãng phí trí tuệ và sức mạnh của các chiến sĩ (Nếu huy động họ và những nhiệm vụ trấn áp tội phạm, phòng chống ma túy, cờ bạc, đua xe, tệ nạn xã hội khác.... thì tốt hơn).

Không biết Tết sang năm, tỉnh Thái Bình còn quyết tâm thực hiện 36 CP như năm nay hay không, chứ cứ như năm nay thì tôi xin đóng chặt cửa và bịt chặt đôi tai, dán mắt vào cái vi tính để khỏi nhìn thấy những đèn xe, cảnh sát đang rầm rập ngoài đường giữa lúc đất trời đang giao hòa, chuyển mùa, giữa lúc mùa xuân tương lai đang tràn về trên khắp đất trời quê hương.

3/2/2012
NGUYỄN HỌC

Ảnh về xác pháo đầu ngõ của tôi - nơi mà đêm giao thừa các chiến sĩ công an đỗ xe và triển khai lực lượng