Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Về cái Sờ-ta-tớt "Xin đừng hót những lời chim chóc mãi"

Trước hết xin được phiên âm những từ Tiếng Anh theo đúng báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí cộng sản. Status phải là Sờ-ta-tớt. 
Có một anh bạn hỏi: Sao cái Sờ-ta-tớt lai là câu thơ trích của Nguyễn Duy: Xin đừng hót những lời chim chóc mãi?

Mình vốn thật thà và thẳng thắn trong mọi câu chuyện, cũng nói rằng, cái câu thơ ấy nói lên được cái mong muốn của mình, thế thôi. 

Thực ra, câu nà cũng chưa phải là câu "đắt" nhất của Nguyễn Duy trong bài Nhìn từ xa Tổ quốc . Bài thơ đã để lại cho Nguyễn Duy nhiều kỉ niệm cũng như phiền toái. 
Nhưng, ngẫm lại, những bài thơ hay và nổi tiếng, được nhiều người yêu thích, được nhiều người thuôc, được lưu truyền nhiều thì thường là những bài thơ chung số phận long đong, phiền phức cho tác giả. 

Thử đểm lại một số bài: 
Tây tiến - Quang Dũng
Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm
Màu tím hoa sim - Hữu Loan
Vòng trắng - Phạm Tiến Duật
Nhất định thắng - Trần Dần
Ông Bình vôi - Lê Đạt. 
v.v...

Lí do tại sao, cũng thấy một số nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình nói tới, nhưng có lẽ chưa thực sự thuyết phục và đi đến tận cùng. 
Chắc sau này hậu thế sẽ nghiên cứu nghiêm cẩn và trung thực hơn, đàng hoàng hơn. 

Để hiểu câu "Xin đừng hót những lời chim chóc mãi", tôi xin post lại toàn bộ bài Nhìn từ xa Tổ quốc của Nguyễn Duy.



Nhìn từ xa Tổ quốc
Nguyễn Duy

Ðối diện ngọn đèn
trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng
Ðêm bắc bán cầu vần vụ trắng
nơm nớp ai rình sau lưng ta

Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
xa vắng
núi và sông
và vết rạn địa tầng
Nhắm mắt lại mà nhìn
thăm thẳm
yêu và đau
quằn quại bi hùng
Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ

*

Ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá
ai cứ sau mình lẩn quất như ma
Ai ?
im lặng
Ai ?
cái bóng !
A… xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng
bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà
Thôi thì ta quay lại
chuyện trò cùng cái bóng máu me ta

*

Có một thời ta mê hát đồng ca
chân thành và say đắm
ta là ta mà ta cứ mê ta
[1]
Vâng – đã có một thời hùng vĩ lắm
hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương
mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm
Vâng – một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược dòng
thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên thum thủm cả tim gan 


Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh
nỗi day dứt không nguôi vón sạn gót chân
nhói dài mỗi bước
Thời hậu chiến vẫn ta người trong cuộc
xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày ?
Ai ?
không ai
Vết bầm đen đấm ngực

*

Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan
Ai ?
không ai
Vết bầm đen quều quào giơ tay

*

Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái – ma cô – ma tà – ma mãnh…
quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài
Ðêm huyền hoặc
dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
mắt ai xanh lè lạnh toát
lửa ma trơi
Ai ?
không ai
Vết bầm đen ngửa mặt lên trời

*

Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh
Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc
Thiện – Ác nhập nhằng
Công Lý nổi lênh phênh
Ai ?
không ai
Vết bầm đen tọa thiền

*

Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường
Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
mở mắt… bóng nhân tài thất thểu
Ai ?
không ai
Vết bầm đen cúi đầu lặng thinh

*

Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…
Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn
Ai ?
không ai
Vết bầm đen vò tai

*

Xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông
lắm mẹo lãn công
Giả vờ lĩnh lương
giả vờ làm việc
Tội lỗi dửng dưng
lạnh lùng gian ác vặt
Ðạo Chích thành tôn giáo phổ thông
Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
buôn hàng lậu – buôn quan – buôn thánh thần – buôn tuốt…
quyền lực bày ra đấu giá trước công đường
Ai ?
không ai
Vết bầm đen nhún vai

*

Xứ sở bao dung
sao thật lắm thần dân lìa xứ
lắm cuộc chia li toe toét cười
Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước người làm thuê
Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh
nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về
Ai ?
không ai
Vết bầm đen rứt tóc

*

Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm thứ vua
vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa
vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…
Lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa như có như không có
một người đi chật cả con đường
Ai ?
không ai
Vết bầm đen gập vuông thước thợ

*

?…
?…
?…
*
Ai ?
Ai ?
Ai ?
Không ai !
Không ai !
Không ai !
Tự vấn – mỏi
vết bầm đen còng còng dấu hỏi

*

Thôi thì ta trở về
còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
còn chút gì le lói ở trong lòng


*
Ðôi khi nổi máu lên đồng
hồn thoát xác
rũ ruột gan ra đếm
Chích một giọt máu thường xét nghiệm
tí trí thức – tí thợ cày – tí điếm
tí con buôn – tí cán bộ – tí thằng hề
phật và ma mỗi thứ tí ti…
Khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ
Thì lột mặt đi lần lữa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu đều có tính mức độ
*
Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao
miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít
mất vệ sinh bội thực tự hào
Sự thật hôn mê – ngộ độc ca ngợi
bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại
biết thế nhưng mà biết làm thế nào
Chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới
thầy chửi bới nhe giàn nanh cơ hội
Chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại
lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy
xin đừng hót những lời chim chóc mãi
Ðừng lớn lối khi dân lành ốm đói
vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn
Ðổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?
*
Thật đáng sợ ai không có ai thương
càng đáng sợ ai không còn ai ghét
Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết
ta là gì ?
ta cần thiết cho ai ?
*
Có thể ta không tin ai đó
có thể không ai tin ta nữa
dù có sao vẫn tin ở con người
Dù có sao
đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối
Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn ?
những người tốt đang cần liên hiệp lại!

*

Dù có sao
vẫn Tổ Quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân – vậy thì ta tồn tại
*
Giọt từng giọt
nặng nhọc
Nặng nhọc thay
Dù có sao
đừng thở dài
còn da lông mọc còn chồi nảy cây.

Chú thích

  1. Thơ Chế Lan Viên ^






Xin chữ



“Ở Việt Nam thuở xưa, vào mỗi dịp Xuân về, người dân hay đến nhà những « Thầy Ðồ » hay những người « hay chữ » để xin chữ về treo như một bức tranh, vừa là món đồ trang trí nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần. Thầy đồ hay người hay chữ cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa.” (Một Việt kiều Pháp đã nói)

Vào những năm 1990 của thế kỉ 20, vào những ngày giáp Tết, ở  Hà Nội, người ta thường thấy bên góc phố Bà Triệu hình ảnh một cụ già với  “mực tàu, giấy đỏ” ngồi thanh thản viết những dòng chữ xuân... Cụ viết chữ Hán "hoa tay thảo những nét", với  bút pháp nhuần nhuyễn với những bài Đường Thi nổi tiếng hay những sáng tác bằng chữ Hán của các Nho sĩ Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông… 

Đã thành một nét văn hóa truyền thống, bao năm nay, cứ Tết đến xuân sang, người dân Hà Nội lại rủ nhau đến những điểm như Hàng Quạt, tượng vua Lê Thái Tổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ về treo trong nhà. Đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội, từ lâu trở thành địa điểm quen thuộc cho những người xin chữ đầu xuân với những niềm tin về "Phúc", "Lộc", "Thọ", "Thành", "Đạt", "Chí" và các hoành phi, câu đối...  

Những tên tuổi viết chữ Hán đẹp ở Việt Nam hay được nhắc đến là các Nhà thư pháp hàng đầu: Lê Xuân Hòa (đã mất) , Nguyễn Văn Bách, sau đó là một số tên tuổi như Cung Khắc Lược, Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt …

Việc xin chữ nào là do sở thích, nguyện vọng của người đi xin chữ. Học trò thì thường xin chữ “Đăng khoa”, chữ “Đạt”, người buôn bán thường xin chữ “Lộc”, “Phát”, công chức thì xin chữ “Nhẫn”… nhưng những chữ như Phúc, Lộc, Thành, Thịnh… thì được xin nhiều nhất.

Bây giờ, Hà Nội vẫn còn nhiều các cụ già râu tóc bạc phơ, “hoa tay thảo nét bút, như phượng múa rồng bay” cho chữ, nhưng bên cạnh đó là sự xuất hiện của các nhà thư pháp trẻ. Người ta quen gọi là “Thầy đồ trẻ” vẫn viết chữ Hán, nhưng còn phong phú hơn với dòng Thư pháp Việt (dùng bút lông để viết chữ Việt hiện đại). Tuy là dòng thư pháp mới ra đời không lâu nhưng các tác giả trẻ cũng rất nhuần nhuyễn về nghệ thuật thư pháp để  dùng tài năng hội hoạ để cách điệu chữ mới có thể tạo nên một tác phẩm thư hoạ đẹp và đầy xúc cảm. 

Cái hay trong việc xin chữ quốc ngữ là chữ dễ đọc, đọc hiểu ngay, gần gũi và thân quen. Những “dân chơi chữ” sành ở Hà Nội thường thích các bức thư pháp quốc ngữ viết theo các kiểu: Chân phương, Cách điệu, Cá biệt, Mô phỏng, Mộc bản. Người xin chữ từ nay lại đọc được chữ xin về, vì đơn giản đó là chư Việt, một thể loại chữ quốc ngữ mà do người Pháp đã sáng tạo ra trên nguồn gốc chữ La tinh từ mấy thế kỉ trước. Nội dung để viết thư pháp quốc ngữ ngày Tết phong phú và đa dạng hơn chữ Hán, bởi chữ quốc ngữ là một sinh ngữ, đang được người dân sử dụng. Người ta có thể viết viết câu thơ họ yêu thích như trong truyện Kiều, mấy câu thơ của các nhà thơ hiện đại như Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Hồ Chí Minh…

Thường thì phong tục này bắt đầu từ những ngày áp Tết và từ mùng 1 đến mùng 3 Tết (gọi là Khai xuân) và gắn với Hội hoa xuân, Hội báo xuân ở Hà Nội.

 Nhà Hán học cao niên Tảo Trang đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về tục cho-xin chữ cũng như các nội dung, giai thoại về câu đối ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của cụ thì: 


Tục cho chữ, xin chữ ở Việt Nam có từ lâu, và tục treo câu đổi ngày Tết theo một số nhà nghiên cứu, có lẽ có từ thế kỉ 15. Tương truyền rằng, vào thế kỉ 15, vua LêThánh Tông (1442-1497) một năm gần giao thừa, vi hành tham phố phường Kinh Đô (tức Hà Nội nay) để xem xét dân tình. Thấy mọi nhà đều bầy biện, trang hoàng cây nêu, câu đối đầy đủ, vua thấy vui, an lòng. Riêng có một nhà không có câu đối, Vua vào chơi hỏi, mới biết là nhà thợ nhuộm, vợ góa chồng hành nghề, con trai đi vắng. Vua bèn lấy bút viết hộ câu đối:
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ
Triều đình chu tử tống ngô gia
Nghĩa là: Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ (tức nhà thợ nhuộm)/ Đỏ tía triều đình tự cửa ta.
Tự bàn tay lao động, tự cửa hàng này, đã tỏa ra mọi sắc màu rực rỡ, làm dẹp khắp gầm trời, và nhất là làm đẹp cả triều đình, nơi tập trung ngươiù quyền quý. Không chỉ có thế, “thành hoàng” còn chỉ mạ xanh và lúa chín vàng, tưc thóc lúa, sản phẩm quý nhất trong một nước nông nghiệp. Quan niệm của chế độ chuyên chế phương Đông, mỗi tấc đất trong nước đều của vua, mọi thóc lúa sản xuất từ đất đều trong tay vua, “thành hoàng giai ngã thủ” cũng có thể hiểu “đều ở trong tay ta, thuộc quyền sở hữu của ta”, tức là của vua. “Chu tử” chỉ áo phẩm phục, và theo nghĩa rộng, chỉ người mặc phẩm phục, tức trăm quan trong triều. “Chu tử tống ngô gia” có nghĩa “đỏ tía đều từ của ta mà ra”, và cũng có nghĩa “triều thần đều dưới của ta” tức là dưới quyền vua. Đó  thật là khẩu khí của Thiên tử.

Một giai thoại về câu đối Tết nổi tiếng nữa là của Tam nguyên Yên Đổ (đỗ Gỉai nguyên, Hội nguyên và Đình nguyên) nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909)

Khi ông về hưu, có một người làm nghề thịt lợn đến biếu bát tiết canh và đôi bồ dục và xin câu đối xuân. Ông viết

Tứ thời bát tiết canh chung thủy
Ngọn liễu đôi bồ dục điểm trang

Nghĩa là: Bốn mùa, tám tiết lần lượt đổi thay/ Liễu bờ sông, cỏ bồ gò đất đang muốn điểm trang.

Tám tiết, chỉ tám tiết chính trong năm. Theo sự định mùa của văn hóa cổ Việt Nam,m mùa có hai tiết: lập xuân, xuân phân, lập hạ, hạ chí, lập thu, thu phân, lập đông, đông chí. Câu này nói về sự chuyển vận của thời tiết, trước sau nối nhau không cùng, để dẫn ý câu dưới: nay đến lúc cây cỏ nẩy mầm đâm lộc, tự làm cho đẹp và làm đẹp chung quanh, đó là tiết xuân. Mọi vận chuyển không ngừng, niềm vui trước cảnh thay cũ đổi mới đã ánh vào câu đối, đơn giản nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa. Về mặt đối, bốn chữ đầu ở mỗi vế “tú thời bát tiết” và “ngọn liễu đôi bồ” không đối chọi nhau từng chữ, khiến mới đầu tưởng rằng đối gượng ép. Nhưng đây cũng là trường hợp tương tự với câu Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh trưng xanh”

Mà nói thật, mình là dân Thái Bình, dặt dẹo ra Hà Nội, cũng chỉ ngồi lê mách qué, nghe lỏm được thế thôi chứ đâu có tý văn hóa Hà thành nào mà dám bàn chuyện văn hiến Thủ đô. 








THÓI BON CHEN




Bây giờ chúng ta đang sống trong những năm đầu của thế kỉ 21. Những tính xấu của người Việt tích tụ từ hàng nghìn năm nay lại có dịp "bùng phát" tại các đô thị.

Ở đây tôi xin nói đến thói xấu chen lấn, xô đẩy, không biết nhường đường của người Việt khi tham gia giao thông. Đó là thói xấu không biết nhường nhịn, bon chen, chỉ muốn hơn cho mình của người Việt.

Hằng sáng, mỗi khi đi làm, qua các khu vực ngã tư Sở, ngã tư trường Bách Khoa, hay tại một số nút giao thông Phạm Ngọc Thạch, Kim Liên... tình trạng bị tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra. Báo chí của chúng ta nói nhiều đến vai trò, trách nhiệm của những nhà quản lí, quy hoạch, giao thông... Và mỗi một ngành đều có tr ách nhiệm với vấn đề này. Nhưng theo tôi, cái mấu chốt là ở chính ngươì tham gia giao thông.

Khi dòng người đông, bị tắc nghẽn, nếu như, ai nấy đều tuân thủ đi đúng phần đường của mình theo vạch chỉ vôi chia làn đường thì chắc rằng tình trạng tắc nghẽn không đến nỗi lâu và ngột ngạt. Nhưng vì nhiều người Việt của chúng ta vẫn giữ thói xấu phải nhanh hơn, phải vượt lên, vì mục đích, quyền lợi về phần đường, thời gian của mình mà cứ chen lấn, xô đẩy, vượt lên cả phần đường của người đi ngược chiều. Thế là dòng người đi xuôi lấp hết phần đường của người đi ngược. Ngược lại, phía bên kia ngã tư, người ta cũng chen lấn, xô lên như thế. Kết quả là... chẳng ai nhường ai, chỉ khổ máy bác cảnh sát giao thông, thổi còi nghe đến đau đầu mới thông đường.

Tôi đã nhiều lần phải chịu cảnh này. Tôi cũng gặp nhiều người trông rất bảnh bao, trí thức nhưng họ cứ hồn nhiên và phi xe lên phần đường của người khác, cứ mặc nhiên mà không nghĩ rằng, cái nguyên nhân cơ bản của tắc đường là do chính họ gây ra.

Đây không phải là ý thức nữa mà chuyển sang vấn đề bản tính của người Việt. Bởi vì, nói cho cùng, nếu tại ý thức thì... đa số đều có ý thức vậy sao? Hay đó chính là sản phẩm của tư duy người Việt, tư duy từ hàng nghìn năm của một dân tộc phát triển từ nền văn minh lúa nước. Người ta tìm mọi cách bon chen, vươn lên để tìm kiếm phần thắng, phần lợi cho mình mà không nghĩ đến lợi ích chung của xã hội, không vì ai cả.

Nếu ai không tin, xin hãy một lần đi đường Hà Nội vào những thời điểm tắc nghẽn giao thông.

Nguyễn Học

giới thiệu góc học tập của tôi

Mấy hôm không vào quyền ADMIN Blog được, tưởng bị hi sinh rồi, nhưng hôm nay lại ok.

Chào mừng sự kiện này, post hình góc học tập lên tự sướng