Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Xin chữ



“Ở Việt Nam thuở xưa, vào mỗi dịp Xuân về, người dân hay đến nhà những « Thầy Ðồ » hay những người « hay chữ » để xin chữ về treo như một bức tranh, vừa là món đồ trang trí nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần. Thầy đồ hay người hay chữ cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa.” (Một Việt kiều Pháp đã nói)

Vào những năm 1990 của thế kỉ 20, vào những ngày giáp Tết, ở  Hà Nội, người ta thường thấy bên góc phố Bà Triệu hình ảnh một cụ già với  “mực tàu, giấy đỏ” ngồi thanh thản viết những dòng chữ xuân... Cụ viết chữ Hán "hoa tay thảo những nét", với  bút pháp nhuần nhuyễn với những bài Đường Thi nổi tiếng hay những sáng tác bằng chữ Hán của các Nho sĩ Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông… 

Đã thành một nét văn hóa truyền thống, bao năm nay, cứ Tết đến xuân sang, người dân Hà Nội lại rủ nhau đến những điểm như Hàng Quạt, tượng vua Lê Thái Tổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ về treo trong nhà. Đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội, từ lâu trở thành địa điểm quen thuộc cho những người xin chữ đầu xuân với những niềm tin về "Phúc", "Lộc", "Thọ", "Thành", "Đạt", "Chí" và các hoành phi, câu đối...  

Những tên tuổi viết chữ Hán đẹp ở Việt Nam hay được nhắc đến là các Nhà thư pháp hàng đầu: Lê Xuân Hòa (đã mất) , Nguyễn Văn Bách, sau đó là một số tên tuổi như Cung Khắc Lược, Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt …

Việc xin chữ nào là do sở thích, nguyện vọng của người đi xin chữ. Học trò thì thường xin chữ “Đăng khoa”, chữ “Đạt”, người buôn bán thường xin chữ “Lộc”, “Phát”, công chức thì xin chữ “Nhẫn”… nhưng những chữ như Phúc, Lộc, Thành, Thịnh… thì được xin nhiều nhất.

Bây giờ, Hà Nội vẫn còn nhiều các cụ già râu tóc bạc phơ, “hoa tay thảo nét bút, như phượng múa rồng bay” cho chữ, nhưng bên cạnh đó là sự xuất hiện của các nhà thư pháp trẻ. Người ta quen gọi là “Thầy đồ trẻ” vẫn viết chữ Hán, nhưng còn phong phú hơn với dòng Thư pháp Việt (dùng bút lông để viết chữ Việt hiện đại). Tuy là dòng thư pháp mới ra đời không lâu nhưng các tác giả trẻ cũng rất nhuần nhuyễn về nghệ thuật thư pháp để  dùng tài năng hội hoạ để cách điệu chữ mới có thể tạo nên một tác phẩm thư hoạ đẹp và đầy xúc cảm. 

Cái hay trong việc xin chữ quốc ngữ là chữ dễ đọc, đọc hiểu ngay, gần gũi và thân quen. Những “dân chơi chữ” sành ở Hà Nội thường thích các bức thư pháp quốc ngữ viết theo các kiểu: Chân phương, Cách điệu, Cá biệt, Mô phỏng, Mộc bản. Người xin chữ từ nay lại đọc được chữ xin về, vì đơn giản đó là chư Việt, một thể loại chữ quốc ngữ mà do người Pháp đã sáng tạo ra trên nguồn gốc chữ La tinh từ mấy thế kỉ trước. Nội dung để viết thư pháp quốc ngữ ngày Tết phong phú và đa dạng hơn chữ Hán, bởi chữ quốc ngữ là một sinh ngữ, đang được người dân sử dụng. Người ta có thể viết viết câu thơ họ yêu thích như trong truyện Kiều, mấy câu thơ của các nhà thơ hiện đại như Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Hồ Chí Minh…

Thường thì phong tục này bắt đầu từ những ngày áp Tết và từ mùng 1 đến mùng 3 Tết (gọi là Khai xuân) và gắn với Hội hoa xuân, Hội báo xuân ở Hà Nội.

 Nhà Hán học cao niên Tảo Trang đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về tục cho-xin chữ cũng như các nội dung, giai thoại về câu đối ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của cụ thì: 


Tục cho chữ, xin chữ ở Việt Nam có từ lâu, và tục treo câu đổi ngày Tết theo một số nhà nghiên cứu, có lẽ có từ thế kỉ 15. Tương truyền rằng, vào thế kỉ 15, vua LêThánh Tông (1442-1497) một năm gần giao thừa, vi hành tham phố phường Kinh Đô (tức Hà Nội nay) để xem xét dân tình. Thấy mọi nhà đều bầy biện, trang hoàng cây nêu, câu đối đầy đủ, vua thấy vui, an lòng. Riêng có một nhà không có câu đối, Vua vào chơi hỏi, mới biết là nhà thợ nhuộm, vợ góa chồng hành nghề, con trai đi vắng. Vua bèn lấy bút viết hộ câu đối:
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ
Triều đình chu tử tống ngô gia
Nghĩa là: Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ (tức nhà thợ nhuộm)/ Đỏ tía triều đình tự cửa ta.
Tự bàn tay lao động, tự cửa hàng này, đã tỏa ra mọi sắc màu rực rỡ, làm dẹp khắp gầm trời, và nhất là làm đẹp cả triều đình, nơi tập trung ngươiù quyền quý. Không chỉ có thế, “thành hoàng” còn chỉ mạ xanh và lúa chín vàng, tưc thóc lúa, sản phẩm quý nhất trong một nước nông nghiệp. Quan niệm của chế độ chuyên chế phương Đông, mỗi tấc đất trong nước đều của vua, mọi thóc lúa sản xuất từ đất đều trong tay vua, “thành hoàng giai ngã thủ” cũng có thể hiểu “đều ở trong tay ta, thuộc quyền sở hữu của ta”, tức là của vua. “Chu tử” chỉ áo phẩm phục, và theo nghĩa rộng, chỉ người mặc phẩm phục, tức trăm quan trong triều. “Chu tử tống ngô gia” có nghĩa “đỏ tía đều từ của ta mà ra”, và cũng có nghĩa “triều thần đều dưới của ta” tức là dưới quyền vua. Đó  thật là khẩu khí của Thiên tử.

Một giai thoại về câu đối Tết nổi tiếng nữa là của Tam nguyên Yên Đổ (đỗ Gỉai nguyên, Hội nguyên và Đình nguyên) nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909)

Khi ông về hưu, có một người làm nghề thịt lợn đến biếu bát tiết canh và đôi bồ dục và xin câu đối xuân. Ông viết

Tứ thời bát tiết canh chung thủy
Ngọn liễu đôi bồ dục điểm trang

Nghĩa là: Bốn mùa, tám tiết lần lượt đổi thay/ Liễu bờ sông, cỏ bồ gò đất đang muốn điểm trang.

Tám tiết, chỉ tám tiết chính trong năm. Theo sự định mùa của văn hóa cổ Việt Nam,m mùa có hai tiết: lập xuân, xuân phân, lập hạ, hạ chí, lập thu, thu phân, lập đông, đông chí. Câu này nói về sự chuyển vận của thời tiết, trước sau nối nhau không cùng, để dẫn ý câu dưới: nay đến lúc cây cỏ nẩy mầm đâm lộc, tự làm cho đẹp và làm đẹp chung quanh, đó là tiết xuân. Mọi vận chuyển không ngừng, niềm vui trước cảnh thay cũ đổi mới đã ánh vào câu đối, đơn giản nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa. Về mặt đối, bốn chữ đầu ở mỗi vế “tú thời bát tiết” và “ngọn liễu đôi bồ” không đối chọi nhau từng chữ, khiến mới đầu tưởng rằng đối gượng ép. Nhưng đây cũng là trường hợp tương tự với câu Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh trưng xanh”

Mà nói thật, mình là dân Thái Bình, dặt dẹo ra Hà Nội, cũng chỉ ngồi lê mách qué, nghe lỏm được thế thôi chứ đâu có tý văn hóa Hà thành nào mà dám bàn chuyện văn hiến Thủ đô. 








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét