Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

CƯỚP ĐƯỜNG

Giật tít là Cướp đường, hẳn ai cũng nghĩ là ra đường bị cướp của cải như; đồng hồ, điện thoại, túi xách... gì đó. Nhưng lại không hẳn như vậy.

Cái "Cướp đường" muốn nói ở đây là Cướp đường hiểu theo nghĩa gốc - tức là Cướp  (phần) đường đi; chứ không phải là Cướp (ở trên) đường theo nghĩa mọi người vẫn dùng. 

Cướp cái phần đường đi, với cư dân thành thị văn minh ở những nước phát triển thì chắc không có. Mà có nghe đến cũng cảm thấy có gì đó là lạ...

Nhưng ở cái Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, văn vật, văn minh (nói chung đủ các loại Văn đứng đầu, sau đó thì có các từ gì nữa thì ..tự hiểu) này, cái việc bị cướp phần đường vẫn hay thường xảy ra. 

Vậy, cướp cái phần đường đi (của người khác) là gì? 

Đó là hành động chen lấn, đi tràn sang phần đường của người đi ngược chiều mỗi khi tắc đường. 

Một ví dụ sinh động là sáng nào cũng vậy, cứ đến ngã tư vào giờ cao điểm là y như rằng tắc đường và bị cướp đường. Khi có hiện tượng tắc đường (bởi từ sai lầm của một phương tiện nào đó) thì như một sự mặc nhiên, những người đi ô tô, xe máy, chủ yếu là xe máy đi tràn sang phần đường của người đi ngược chiều, có lúc tràn 1/2, có lúc tràn cả phần đường, nhìn vào tưởng như đường một chiều. 

Khi mà chỗ tắc chính được giải tỏa thì những người đi ngược đường không còn lối nào mà đi, vì những người ở phần đường này đã cướp trắng trợn rồi. Trong cái không khí oi ngạt của mùa hè và những khí nóng tỏa ra từ các pô xe máy, ô tô ấy, ai ai cũng ngột ngạt và khó chịu đến nghẹt thở... Biết thế nào?

Nhưng điều lạ lùng ở chỗ, những người "cướp đường" ấy toàn là những khuôn mặt trông rất thông minh, sáng sủa, ăn mặc rất đẹp. Váy ngắn có, váy dài có, sơ mi dài tay có, ngắn tay có, cởi trần có... Các phương tiện thì cũng phong phú và đắt tiền không kém: Từ SH, Libety, Airblade và xoàng xoàng cũng là những anh wave chuồn chuồn...  



Lạ kỳ thay là những khuôn mặt ấy đều rất vô tư và ...tự nhiên cướp phần đường của người khác như không có chuyện gì xảy ra. Và, cũng lạ là không ít trong số đó có nhiều vị cũng tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà giáo, viên chức, cán bộ văn hóa... cả đấy!. 

Nếu trong lúc chen lấn ấy, người đi ngược chiều với họ (tức là những người bị cướp ất phần đường chính đáng) mà có va quệt gì thì... ôi thôi. Không ăn chửi thì cũng ăn cái bạt tai, quả đấm hoặc một cái liếc đầy sát khí... 

Có một số người trong thâm tâm cũng ý thức ra cái sự cướp đường, và dường như họ không muốn làm cái việc khốn nạn ấy, nhưng khốn nỗi, nếu họ cứ chấp hành đúng luật giao thông, đi đúng phần đường của họ thì người đi sau lại tràn lên trên đầu xe, tràn sang phần đường bên kia, có người còn bị tông vào đuôi xe, còn bị mắng là : 

- Thằng thần kinh, sao đi ngu thế?

Kể cũng lạ cho cái giao thông ở đô thị văn hiến, văn minh, văn vật này. Đã đi cướp lại còn được chửi, được mắng người khác. Kẻ ăn cướp còn tự cho mình là đúng...

Tắc đường ở đâu ra? Trong rất nhiều nguyên nhân: Quy hoạch, dân số... thì cái sự cướp đường ấy cũng đóng góp vào cái sự tắc đường của Hà Nội vô cùng lớn lao và ...nhiều vô kể.

Trước đây, tôi có gọi hiện tượng tắc đường, chen lấn nhau là THÓI BON CHEN, nhưng nay do đã thẩm thấu triết học Mác - Lê Nin và nhân sinh quan cách mạng XHCN thì xin gọi những hành động lấn chiếm đường của người khác là CƯỚP ĐƯỜNG. 

Vâng, cướp đường này không cần gọi đến cảnh sát giao thông, cảnh sát 113, cảnh sát hình sự, cảnh sát đặc nhiệm...

Cướp đường này chỉ cần gọi đến VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC và NHẬN THỨC ở mỗi người tham gia giao thông mà thôi!

Nếu những người cướp đường kia không tự ý thức được sự cướp đường của mình, chưa biết xấu hổ về hành vi cướp đường thì  giao thông tắc vẫn hoàn tắc... Người ta vẫn bị cướp một cách ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt như báo hiệu một sự xuống cấp của xã hội, của văn hóa, của ý thức và của lương tri. 

Đã là cướp thì dù dưới hình thức nào, kiểu nào cũng là cướp, không thể khác. 


Nguyễn Học - 2011


Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Quảng cáo: Bài viết của Nông dân ra phố

Thời đại bây giờ có quá nhiều chương trình quảng cáo. Nói chung, về cơ bản với tất cả các phương tiện truyền thông, đã quảng cáo là mất tiền. Chỉ có quảng cáo trên blog là không mất tiền, vì mình quảng cáo trên đất nhà mình, cho mình xem. Nói tóm là mình tự sướng.

Thứ hai, thời nay, người ta hay có những PR, quảng cáo trá hình bằng nhiều phương pháp khác nhau. Mình chán ngấy cái trò giả cầy ấy. Quảng cáo thì nói toẹt ra là quảng cáo để bà con biết đường, có gì phải làm giả cầy làm thông tin méo mó và rối rắm.


Giật cái tít quảng cáo, mình muốn giới thiệu cái bài viết về cuốn Nhật kí chiến tranh của Liệt sĩ Trình Văn Vũ.


Bài này mình viết năm 2006- khi mà Quảng Ninh mới tìm thấy và công bố cuốn Nhật kí này. Sau đó Hội VHNT Quảng Ninh có tổ chức Hội thảo - mình cũng oách xà lách về dự và có bài tham luận. Sau đó không lâu tỉnh Quảng Ninh cho in cuốn sách này, và bài tham luận kia của mình cũng được in vào phần 2 của cuốn sách - Những ý kiến về cuốn Nhật kí.


Thật ra, mình cũng chả phải ham hố cái việc quảng cáo, khoe khoang làm gì và cái bài viết ấy cũng theo thời gian chìm vào quên lãng....


Rồi đến tháng 7 năm nay, người ta tái bản cái cuốn Nhật ký chiến tranh ấy, có bổ sung và chỉnh sửa. Hình thức cuốn sách đẹp hơn, dày dặn hơn. Cái bài Cảm nghĩ của mình cũng tái bản theo.


Cũng cần mở ngoặc thêm rằng mình chúa là ghét những cái thể loại sách chiến tranh, Nhật kí chiến tranh mà bị người ta lợi dụng vào đó để làm tuyên giáo và ....


Nói đúng hơn là mình bị cái bệnh "dị ứng tư tưởng" với cái của nợ đó.


Tuy nhiên, với riêng cuốn Nhật ký chiến tranh của liệt sĩ Trình Văn Vũ thì mình lại thích, đơn giản là cuốn này không nằm trong cái thể loại sách ở trên. Vả lại, mình cũng cảm phục liệt sĩ Trịnh Văn Vũ mới hết lớp 7 mà viết được như thế. Ngẫm lại, cái ngữ mình, học hết cấp 3, rồi hết Đại học mà viết lách chả ra cái hồn vía gì, tấy thật hổ thẹn.


Thêm một mở ngoặc nữa là cái bài post ở đây là bài gốc, còn bài đã in trong cuốn sách kia là bài đã được biên tập ngon lành và gọn gàng hơn. Dù sao cũng trân trọng cái "thưở ban đầu" nên để nguyên bản đầu cho quảng cáo ra đây.


Thêm nữa, mình đã dùng chữ Quảng cáo ở trên thì ắt hẳn ai cũng biết, ngày nay cái gì người ta cũng quảng cáo. Nếu như bạn đọc thấy cái bài này không hơn những cái quảng cáo thuốc hôi nách, thuốc bán dạo, thuốc tăng sinh lực cho đàn ông hay các kiểu quảng cáo rởm khác thì cũng là bình thường.


Vì, thường là hàng không bán hoặc ít được biết đến mới cần quảng cáo.


Chỉ có một điều khác ở cái quảng cáo của mình ở đây: Là mình nói thật cái mình nghĩ, chứ không phải nói cái người khác nghĩ hoặc nói theo người khác.


Và đây là Nội dung phần quảng cáo:



Một vài cảm nhận khi đọc Nhật ký chiến trường của liệt sỹ Trình Văn Vũ


Trước hết, chúng tôi xin nói rằng, nhật ký là một tư liệu mà người viết ra nó không phải để nhiều người đọc. Có chăng là để cho chính bản thân họ và người thân yêu nhất? Nó như một cuốn lịch sử tâm hồn của con người theo dòng thời gian.


Nhật ký luôn gắn với những tâm trạng, kỷ niệm buồn, vui, những kỷ niệm và suy nghĩ của con người về con người, về cuộc sống. Đôi khi chúng tôi tự huyễn hoặc mình rằng, những cuốn nhật ký chiến tranh còn lại, liệu có phải là món quà của các liệt sỹ dành cho cả chúng ta không hay chỉ cho một số người?


Vậy, việc công bố và in ấn những tác phẩm nhật ký chiến tranh liệu có... “đi guốc” vào đời tư của người khác, đặc biệt những người đã hy sinh vì dân tộc hay không? Câu trả lời là không, bởi vì, những cuốn nhật ký chiến tranh ở đây ở một bình diện khác. Nhật ký của những liệt sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân cho hòa bình, độc lập của dân tộc không chỉ thuộc về người thân yêu của họ, mà còn thuộc về lịch sử văn hóa, văn học, quân sự, nhân văn của dân tộc Việt Nam.


Bởi, máu các anh đã đổ, đã thấm vào từng mét đất thiêng liêng của đất nước, các anh là dân tộc, những gì của các anh một phần cũng thuộc về Tổ quốc Việt Nam. Gần đây, ngày 23.2.2006 trên báo Người Lao động (bản điện tử là www.nld.com.vn) đăng bài viết “Sách nhật kí thời chiến đã bão hoà?” của tác giả Phương Quyên, (Trên trang báo điện tử www.vnexpress.net, mục Evăn, ngày 25.2, thứ bảy có đăng laị bài này) như muốn chứng minh một điều rằng, xu hướng đọc nhật ký chiến tranh thời chiến không còn.


Và những cuốn nhật ký chiến tranh được in ra nhiều, là sách chạy theo ‘mốt” thời cuộc nhiều hơn là những tác phẩm văn học, lịch sử, cuốn sử tâm hồn của các liệt sỹ có nhiều giá trị.


Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định, giá trị nghiên cứu, giá trị lịch sử của những cuốn nhật ký vẫn còn. Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định đưa ra để tranh luận với tác giả bài báo. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là giữa lúc nhật ký chiến tranh được in ấn, giới thiệu nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng như vừa rồi, giữa lúc tưởng như độc giả bị “bội thực” món ăn tình thần đó, thì ngay tại nơi tiền tiêu của Tổ quốc, người ta tìm thấy một tập nhật ký chiến tranh rất đặc biệt, được đăng tải dần trên Báo Hạ Long - Cơ quan của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.


Đó là tập nhật ký chiến tranh của liệt sỹ Trình Văn Vũ, người xã đảo Minh Châu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Với những gì đã được đăng tải, rõ ràng, nhật ký chiến tranh luôn hấp dẫn bạn đọc và luôn nóng hổi các giá trị lịch sử, văn hóa, văn học, đặc biệt là giá trị tinh thần, hơn là những suy tính về kinh tế, thị trường, kinh doanh văn hóa của một vài nhà xuất bản, một vài nhà làm sách chuyên nghiệp.

 
Hình bìa cuốn Nhật ký chiến tranh của L/s Trình Văn Vũ xuất bản năm 2006

Là độc giả của Báo Hạ Long, tuy không còn sinh sống và làm việc trên mảnh đất anh dũng, kiên cường – vùng Mỏ thân yêu nữa, nhưng chúng tôi vẫn theo dõi Báo Hạ Long đều đặn.


Cần nhấn mạnh rằng, chúng tôi không có ý định bào chữa hay lăng xê cho Báo Hạ Long nhưng theo thiển nghĩ, việc Báo Hạ Long cho đăng tải tập nhật ký của liệt sỹ Trình Văn Vũ là một nghĩa cử cao cả, không vì một chút màng danh lợi hay nói như ngôn ngữ của những người làm báo, làm sách là “ăn theo nhật ký chiến tranh”.


Nói không ăn theo là vì, chúng ta cứ thầm lặng giới thiệu trên báo để độc giả tự cảm nhận và đánh giá, số lượng tia ra của báo không tăng lên – nghĩa là không vì mục đích bán báo, kinh doanh...


Vấn đề chính ở đây là giá trị đích thực của tập nhật ký và niềm tự hào của người dân Minh Châu nói riêng, người dân vùng Mỏ nói chung. Không ăn theo là vì, như chúng ta đã biết, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc được dư luận quan tâm, ngoài nội dung hay thực sự, hấp dẫn và có tính giáo dục cao, thì một phần là do sự quảng bá, tuyên truyền rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành cả một phong trào, khiến cho người dân mua nhiều, xem nhiều là do tò mò...


Đó cũng là một đặc điểm của văn hóa Việt Nam – Tâm lý đám đông, tò mò. Ở trường hợp nhật ký Trình Văn Vũ, chúng ta không thấy một chiến dịch quảng cáo nào, cũng không rầm rộ, ồn ào, mà như một người con gái đẹp, cứ tự nhiên mà đẹp... Không ăn theo là tập nhật ký không in thành sách nhật ký, theo xu thế thị trường đang được quan tâm...


Hình cuốn Nhật ký chiến tranh tái bản năm 2011


Như chúng ta đã biết, sau thành công của hai tập nhật ký chiến trường ở trên, trên thị trường sách còn vô số tập Hồi ký khác như : Những lá thư thời chiến Việt Nam (NXB Hội Nhà văn) - tuyển tập những bức thư giữ từ chiến tranh do hàng trăm ngàn bạn đọc khắp nơi lưu giữ và gửi đến; Những tấm ảnh trở về - hình ảnh, thư từ, nhật ký chiến tranh của liệt sỹ Nguyễn Văn Giá; Nhật ký Vũ Xuân (NXB Công an Nhân dân); Cùng anh đi suốt cuộc đời - hồi ký của bà Nguyễn An Ninh, đặc biệt nhất là Nhật ký Nguyễn Ngọc Tấn (tên thật của nhà văn Nguyễn Thi) (NXB Hội Nhà văn).v.v...


Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc công bố tập nhật ký này của Báo Hạ Long như một việc làm theo tính tất yếu của lịch sử, của quy luật cái Đẹp chứ không hề chịu chi phối của cái gọi là vấn đề chính trị, “chính em” hay “kinh doanh nhật ký chiến trường” nào...


Bản thân tôi vẫn còn nhớ, và khoảng tháng 9, 10 năm 2005, tại trụ sở Báo Hạ Long- Quảng Ninh, đồng chí Lê Chính và một số văn nghệ sĩ, phóng viên báo Hạ Long hồi hộp và trân trọng ngồi với nhau để đọc cho nhau nghe cùng dòng nhật ký của liệt sỹ Vũ, để cùng chia sẻ và suy ngẫm về một thời đã qua, về một thời của những người anh hùng đã sống và chiến đấu như thế nào. Lúc đó, có chị phóng viên của báo đọc cho cả mấy anh em ngồi nghe, tưởng như chúng ta trở về với thời kỳ chung nhau một cuốn sách, quây quần một người đọc, nào là Tam quốc, Thuỷ hử, nào là Thép đã tôi thế đấy của cái thời chúng ta còn thiếu thốn sách, thiếu thốn thông tin không xa... Tuy không có cơ hội đọc toàn bộ tập nhật ký của liệt sỹ Trình Văn Vũ, nhưng với những di cảo còn lại, chúng ta được thấy dòng máu huyết nóng hổi yêu nước, kiên trung và tâm hồn thơ ca của một người con biển đảo Minh Châu – nơi địa danh gắn liền với lịch sử văn hóa, chiến đấu chống quân Nguyên - Mông và thương cảng Vân Đồn nổi tiếng thời Trần...


Hơn nữa, theo sở kiến của chúng tôi, điều đáng quý và trân trọng trong tập nhật ký của liệt sĩ Trình Văn Vũ chính là tác giả của nó. Anh Vũ xuất thân trong một vùng quê biển đảo, thế mà, trong những năm bom đạn ác liệt, anh viết nên những dòng thời đại, suy nghĩ, cảm xúc... đầy tính triết lý, văn học sâu xa, hàm súc mà giản dị, lắng sâu. Nếu chúng ta đã trở về miền quê Minh Châu, nơi anh Trình Văn Vũ sinh ra và lớn lên mới thấy những dòng nhật ký của anh viết ra thật quý báu, bởi lẽ, ra đi từ một mái tranh nghèo, người dân xã đảo quanh năm chỉ biết có đánh cá, nuôi tôm, thả lưới, sống theo biển và chết cũng theo biển. Cái chữ nghĩa trong xóm nghèo hiếm hoi lắm.


Có phải ai trong làng, xóm cũng được đi học chữ đâu. Từ đất liền ra đảo, nếu đi tàu, chí ít cũng mất 3, 4 tiếng đồng hồ. Thế mà, 23 tuổi đời, anh Vũ đã ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ thật trong trẻo, mượt mà, đôi lúc rất văn chương, giản dị mà hàm súc. Bây giờ, cái xã đảo Minh Châu tuy đã phát triển, có trường học, đời sống văn hóa có nhiều biến đổi, nhưng nói một cách hơi chủ quan rằng, nếu như những thanh niên tuổi 23 như anh Vũ khó mà viết nổi những áng văn đầy cảm xúc, tinh tế và sắc sảo như thế. Ví dụ như đoạn văn sau đây:


“Xuân sẽ dành thêm cho đất nước một mùa hoa, dành cho con người một tuổi đời dù yên lành hay bão tố... Thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Vài ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán. Điều ấy là một sự vui mừng của dân tộc, và là một nỗi buồn riêng của những người lính xa quê, xa mẹ, ăn những cái Tết xa nhà. Mấy hôm nay, trời vào mùa khô nên rừng khô khan, sạch sẽ, chim chóc vẫn hót ríu rít, duy chỉ có người chiến sĩ thì cảm thấy buồn. Bởi đời luôn dấn thân trong sương gió và bom đạn.” ( Ngày 12 tháng 1).


Là người con của biển, đảo, sinh ra trong mái tranh nghèo, ra đi đánh giặc cứu nước, tự viết cho mình những sự kiện, kỷ niệm, tâm sự buồn vui trong chiến trường, liệt sỹ Trình Văn Vũ không phải con nhà “nòi”, cũng không được giải thưởng văn học toàn quốc như liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, nhưng những gì liệt sỹ để lại là một pho sử quý, một kho tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, cho học sinh, sinh viên trên con đường học tập, tìm về những năm tháng hào hùng của dân tộc.


Đó cũng là một bài học về lòng yêu nước và tình yêu thời chiến thuỷ chung, đậm đà, sâu sắc tính nhân văn, công bố thôi, có ai mấy ai đọc lên mà không xúc động, khâm phục, không tự rút ra cho mình một bài học, nghĩ suy về thời cuộc, về cuộc chiến, cả về tình yêu đôi lứa của thế hệ cha, anh chúng ta một thời đã sống và chiến đấu.

Chiến tranh ác liệt, giữa chốn rừng già thăm thẳm, giữa tiếng bom rơi đến chói tai, người thanh niên Trình Văn Vũ cũng có lúc suy tư, trăn trở về tuổi thanh xuân, trách nhiệm của người đàn ông thực thụ trước ngưỡng tuổi 23 của mình:

“Cái tuổi con người thời 23 đáng ra phải là một cương vị ít lo nghĩ cho cuộc sống – Làm cha và chăm sóc cho con cái....lo cho vợ con những phút vui hạnh phúc, đồng thời chăm sóc mẹ cha để đáp lại những ngày tần tảo nuôi mình. Nhưng bây giờ đây, những giây phút ấy vẫn trôi đi một cách phũ phàng..”. (Ngày9.11)



Và, cả những nhận định về cuộc sống tuy bằng ngôn ngữ văn chương, mềm mại nhưng khí phách của người chiến sĩ vẫn kiên cường và bền chặt. Cái yếu tố làm nên bản lĩnh và chí khí của người chiến sỹ cách mạng.


“Đời như dòng nước trên sông cuốn qua bao ghềnh, bao thác, bao bãi dốc gập ghềnh.Trong nơi hỏa tuyến này, ai ai cũng có sự thay đổi đáng kể. Tóc bù xù, mặt mày hốc hác quần áo bẩn nhem nhuốc. Song tất cả đều vui, lạc quan”. (Ngày 16.11)



Có những dòng tổng kết của liệt sỹ Trình Vũ thật giản dị, sâu lắng, nghe rạt rào từng đợt sóng biển quê anh “Sắp hết năm rồi. Đời người chẳng đáng là bao. Thêm một tuổi và đời lại thêm những nốt nhăn trên trán; già cỗi thêm nhiều và dĩ nhiên ¼ đời người trôi đi trong vòng quay đều đều của thế kỷ - chả có nghĩa gì chưa làm được gì và cũng chưa hưởng được gì.... Ôi, một chốc 23 năm trời sương gió. Cái độ trăng tròn là cái độ mang tiềm lực của mộng cống hiến cho sự nghiệp. Ai đã hằng thương tiếc đời mình thì mới thấy cái quãng thời gian trôi đi ấy thật là hoài phí và đầy rẫy những ti tiện nhỏ nhen hèn đớn. Cuộc sống cứ dần trôi, cứ nhích thêm mỗi năm là lại gieo vào lòng người một nỗi chua cay luyến tiếc. Cuộc sống ấy quá đỗi phũ phàng bất hạnh. Những phút này cũng ở lứa tuổi 23, bạn bè ta ai ai cũng hạnh phúc. Nhưng ta, dấn thân vô trên chặng đường cách mạng thì ta càng luyến tiếc và sánh cái gì, miễn là hãy quên đi, làm tròn trách nhiệm của mình và xây đắp cho lý tưởng....”(Ngày 22 tháng 12)



Những luận điểm về chính trị, quan hệ bạn bè trong nhật ký của liệt sỹ Vũ cũng thật đáng quý và vượt lên trên được ý thức thời đại. Cái vấn đề tư tưởng, nhìn nhận, đánh giá đồng đội luôn là vấn đề thể hiện tư cách và lý trí của người chiến sĩ:“Với mình, trong nơi khói lửa này, mình không muốn cứ trong tình trạng cấu xé, hằn học - những ai có thành tích trong chiến đấu đều là những người tốt- Phê phán chẳng qua là nhắc nhở.


Một điều nữa, Sơn (đồng đội của liệt sĩ Vũ - Tác giả chú) thường hay quan hệ với cán bộ cấp trên và bằng những câu chuyện giản đơn hay làm quà mà tất cả những chuyện dù là đùa cợt trong phân đội đều dễ lọt vào tai các thủ trưởng. Sống trong giai đoạn khói lửa sẽ gặp những người có đủ trí thông minh và tài năng để phục vụ cho Đảng. Song nếu nhận xét một cách mù quáng sẽ có những kẻ bằng một dưới dao díp hai lưỡi đâm xé vào người ta những đòn nặng đáng lên án. Đó là những con người thiếu suy nghĩ...” (Ngày 28 tháng 12)



Tuy tập nhật ký chưa được in thành sách, chưa được tuyên truyền, phổ biến mạnh như “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” và “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc nhưng việc tìm ra tập nhật ký cũng như công bố trên Báo Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh cũng đã là một sự kiện và những giá trị vô song tập nhật kí để lại chính là sự tiếp lửa, tiếp dòng máu yêu nước nồng nàn, xả thân vì dân tộc cho các thế hệ trẻ hôm nay.



Chiến tranh đã qua đi, bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì nền hòa bình độc lập, bao người đi mãi không về. Những gì các liệt sĩ để lại cho chúng ta hôm nay, chính là những giá trị lịch sử, là bài học sâu sắc cho mỗi người noi theo trong thời đại chúng ta đang thực hiện con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ của hội nhập, toàn cầu hóa. 


Xin được học tập theo triết lý sống của liệt sỹ Vũ nơi mưa bom, lửa đạn cho cuộc sống hôm nay “Hãy vui lên sống trọn những ngày mà đời cảm thấy buồn nhất. Dù những ngày ấy là chuỗi thời gian dài dằng dặc, âm thầm chậm chạp trôi đi...”./.

Hạ Long – Hà Nội, tháng Hai năm 2006


Nguyễn Văn Học