Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

NGƯỜI BỐN LẦN ĐƯỢC LÀM LỄ TRUY ĐIỆU SỐNG

Mấy lời viết trong tháng 7 năm 2011:
7 năm trước tôi có cơ hội được lênh đênh hàng tuần lễ tại làng chài Cửa Vạn Vịnh Hạ Long. Và cũng 7 năm trước tôi có may mắn được uống trà, rượu và chuyện trò với ông Nguyễn Tài Lộc – một người lính tham gia tàu không số, đã 4 lần được làm lễ truy điệu sống ngay tại vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Với duyên cớ ấy mà tôi đã viết bài này, rồi đăng báo và …lấy nhuân bút. Sau này, Hội VHNT Quảng Ninh còn in bài này vào tập sách “Hành quân qua vùng Đông Bắc”.


Sau 7 năm, bây giờ, người lính ấy vẫn sống tại làng chài Cửa Vạn, vẫn nghèo khổ và vẫn tận trung với cách mạng. Và, đáng nói hơn cả là sau 7 năm thì người lãnh đạo hứa hẹn với ông Tài Lộc ấy vẫn còn đương chức (nghe nói tháng 11/2011 về hưu), nhưng người còn đấy mà lời hẹn thì đã bay xa. Ông Tài Lộc chẳng bao giờ được nhận sự hỗ trợ từ lời hứa của vị quan chức ấy. Âu cũng là sự đời. Miệng quan mà. 


Bây giờ thì chủ đề biển đảo được người ta quan tâm, ưu ái hơn thời gian trước, nguyên do gì thì ai cũng biết. Có lẽ vì thế mà “phong trào” báo chí ào ạt ghi chép, kể lẻ, ca ngợi, gợi nhớ… về những người lính Trường Sa, người lính tàu không số năm  xưa có tần xuất bài viết tăng lên một cách bất ngờ (không khéo lạm phát cũng nên). 


Ừ thì các cụ bảo “chó sủa theo đàn”, mình tuy không theo nhưng hôm nay bỗng nghĩ đến ông Tài Lộc mà chỉ biết thương và kính trọng ông ấy chứ không làm gì hơn được. Thôi thì post lại bài mình đã viết về ông ấy, như một kỉ niệm đẹp.



NGƯỜI BỐN LẦN ĐƯỢC LÀM LỄ TRUY ĐIỆU SỐNG

Đã nghe nhiu, đc nhiu bài báo viết v ông, nhưng chưa mt lần được gp. Trong chuyến  công tác ln này, chúng tôi đt điu kin: Vic làm đu tiên là tìm đến con tàu đánh cá, soi mc có s hiu 42 đ được gp ông, người chiến sĩ kiên cường trên đường mòn H Chí Minh trên bin năm xưa mà nhiu người gi là “ông 42”.  Mt người lính đã “gác súng đ cm mái chèo” đang ngày đêm ngân  vang nhng bài ca gi cá vào gia lòng mt Di sn thế gii mang tên Vnh  H Long 


Nếu đi tàu từ đất liền ra Cửa Vạn, có nhanh chúng tôi cũng phải mất đến 2 tiếng đồng hồ. Trước mặt chúng tôi là những dãy núi lô xô, lúc quần tụ, lúc rải rác  như mọc lên từ mặt biển xanh trong, ẩn khuất trong đó là những ngôi nhà nổi của cư dân làng chài Cửa Vạn ngôi làng có từ ngàn đời nay. Với 582 khẩu, 122 hộ người dân làng chài Cửa Vạn cũng sống  kiên trì, dũng cảm chống chọi với biển khơi như người chiến sĩ kiên cường trên biển năm xưa: Nguyễn Tài Lộc. 

Ông 42 là cái tên mà người ta đặt cho ông để nhớ chuyến tàu không số có số hiệu 42. Nguyễn Tài Lộc, một cựu chiến binh có nhiều công lao với cách mạng và là người điển hình trong những người tham gia kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân thôn Cửa Vạn, thành phố Hạ Long.

Ông Trưởng thôn Cửa Vạn - Nguyễn Văn Quang nói với chúng tôi: Ở thôn này, ai mà chẳng biết cái ông Tài Lộc 42 ấy. Hôm nay các anh ra là gặp may đấy. Ông ấy đang có nhà. Sáng mai sẽ lên đất liền  đi lên đà cho con tàu 42 cũ kĩ...” Trên một con đò (người dân nơi đây gọi là chèo bơi), ông Nguyễn Văn Cải- Đội trưởng Đội dân quân tự vệ thôn  khoan thai mái chèo chở chúng tôi đến tàu số 42 của ông Lộc. Trong câu chuyện với chúng tôi trên con tàu 42, bên chén nước chè Vân (còn gọi là chè Bản Sen, một loại chè được trồng từ đảo Bản Sen – Vịnh Hạ Long) ông Tài Lộc vui vẻ tiếp chúng tôi và trong sự hồi tưởng, nhớ về một thời, lẫn trong cái hăng say của con người bình dị, nhiệt tình, ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ thời chiến tranh đẫm máu đến câu chuyện gia đình ông.

Với dáng vẻ của người vất vả, mái tóc cứng đơ, vuốt ngược, làn da sạm màu nắng biển, lẫn tiếng nói oang oang của người lính chiến, chúng tôi bị cuốn hút vào những câu chuyện, những kỉ niệm một thời của ông. Rằng…

Quê gốc của Nguyễn Tài Lộc ở Vụ Bản, Nam Định. Ông của Nguyễn Tài Lộc được đi học tử tế, năm 1945, vì đói kém nên đã xin ra Quảng Ninh làm phu mỏ. Vì cụ có hiểu biết Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật nên Sở La Bích (như Sở Du lịch ngày nay) tuyển dụng vào làm tiếp viên giao dịch (thông ngôn – phiên dịch) ở khu vực hang Bồ Nâu, hang Tây Chơi. Khu vực này thời Pháp thuộc có nhiều khách tới thăm. Hang Tây Chơi là tên gọi cũ của hang Sửng Sốt. Trước đây, vì có nhiều Tây đến thăm và ở đó nên dân quanh vùng gọi là hang Tây Chơi. Tình cờ, chẳng hẹn mà thành duyên, ông cụ lấy một người con gái làm nghề chài lưới quê gốc ở Cát Hải, Hải Phòng đang sinh sống ở khu vực Bồ Nâu.

Từ đó, đời cha đến đời Nguyễn Tài Lộc bắt đầu theo nghề đánh cá trên biển của bà cụ người Cát Hải. Năm 1964 ông Lộc được gọi tuyển nghĩa vụ quân sự. Ngày 2/2/1964 nhập ngũ, sau khi huấn luyện ở Tiên Yên, ông được vào đoàn tàu không số Binh chủng Hải quân.

Cuộc đời chinh chiến của một ngư dân làng chài bắt đầu từ đây. Phải nói rằng, giữa lúc cuộc chiến tranh đang ác liệt, con người đang đứng trước sự sống và cái chết thì ông đã không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến độc lập dân tộc, cơm áo, hạnh phúc cho nhân dân... Người chiến sĩ ra trận mà lòng phơi phới, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “đường đánh giặc mới là đường đẹp nhất’...  

Năm ấy, Quảng Ninh chỉ có 3 người được tuyển vào đoàn tàu không số. Ngoài Nguyễn Tài Lộc ra còn 2 người khác là Lưu Quang Phú, Nguyễn Văn Khoa.

Ngày 5/8/1964, ông cùng đồng đội 16 chiến sĩ nhận chuyến tàu 400 tấn vũ khí đầu tiên trên tàu 42 thuộc đoàn 125  Đoàn tàu không số, do thuyền trưởng Nguyễn Tấn Đạt chỉ huy chở vào Ràm Sông Cầu (Bến Tre) cùng. Sau 102 ngày lênh đênh trên biển, cập bến an toàn. Chuyến thứ hai, vào tháng 10 năm 1964 đoàn tàu không số do thuyền trưởng Đỗ Tấn Út chỉ huy chở vũ khí vào Cà Mau. Đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Lúc trở về, vì nhiều lí do, không về Việt Nam ngay mà cập bến vào đảo Hải Nam. Chuyến thứ ba, chở vũ khí vào vào Sóc Trăng. Lần này, đoàn Bị tàu khu trục Mĩ phát hiện, theo dõi.

 Sau 1 tháng, thuyền trưởng điện về Bộ Tư lệnh xin ý kiến và được lệnh về Hải Nam. Chuyến thứ tư, cũng là chuyến cuối cùng, vào ngày mùng 1 Tết năm 1967, nhận 400 tấn vũ khí chở vào Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Khi tàu đến bờ biển Quảng Ngãi bị phát hiện. Các chiến sĩ trên tàu được lệnh chiến đấu đến cùng đế bảo vệ tàu. Cuối cùng toàn đội được lệnh rời tàu, và cho toàn bộ 400 tấn vũ khí nổ tung, kiên quyết không để rơi vào tay địch.

 Nguyễn Tài Lộc bơi 4 km vào bờ, dính bom địch và bị thương ở mặt. Sau đó, ông được gửi ra bắc điều trị. Tháng 10/1970 Nguyễn Tài Lộc xuất ngũ, về quê hương. Cũng sau chuyến cuối cùng ấy, Nguyễn Tài Lộc được vinh dự đứng vào hàng ngũ những người của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Bốn lần Nguyễn Tài Lộc chở vũ khí vào Nam là 4 lần được đồng đội tổ chức Lễ truy điệu sống. Địa điểm làm lễ truy điệu: 2 lần tại cửa hang Sửng Sốt, 1 lần tại Cửa Đông, Vịnh Hạ Long và 1 lần ở Trung Quốc.

 Lễ truy điệu sống diễn ra ở trên boong tàu. Trước khi giao nhiệm vụ, có các đồng chí từ Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân xuống. Sau khi nhận nhiệm vụ từ các đồng chí lãnh đạo, buổi lễ được diễn ra theo nghi thức long trọng. 12 đồng chí lên đường vào Nam xếp thẳng hàng trên boong, nghe đồng chí cấp trên đọc Lễ truy điệu  “Không may, trên đường gặp địch, các đồng chí hãy chiến đấu hết mình”.

Cả đội nghiêm trang nhìn lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, với tinh thần quyết đánh thắng giắc Mĩ, ‘quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sau lời đọc đó, cả đội liên hoan và lên đường.

Bốn chuyến tàu đi như vậy, thời gian có chuyến chỉ có 25 ngày, nhưng có chuyến mất 3 tháng lênh đênh trên biển. Đoàn tàu không số của đoàn ông Tài Lộc đi có đặc điểm không một đồ dùng, phương tiện gì có số. Trên tàu có treo cờ của Nhật Bản và có người phiên dịch tiếng Nhật Bản nếu khi gặp đối phương. Tàu không số chủ yếu lấy vũ khí, lương thực  từ Đồ Sơn (Hải Phòng), đi qua Vịnh Hạ Long, Trung Quốc, Phi líp pin, Cà Mau, vào Bến Tre. Tại hang Bồ Nâu, đã có tàu của đơn vị khác chở lương thực, vũ khí để sẵn ở đó, tàu không số chỉ việc đến nhận.

 Trong đơn vị, (Mỗi chuyến đi, chỉ có khoảng 12 đến 17 đồng chí) chủ yếu là các chiến sĩ người Nam Bộ. Điểm xuất phát ở trên Vịnh Hạ Long gồm có 2 điểm: Khu vực cửa hang Bồ Nâu - Sửng Sốt và Cửa Đông (Vịnh Hạ Long ).

Tàu không số thay đổi theo từng thời kì. Đầu tiên dùng tàu gỗ, sau dùng tàu Quảng Châu, rồi sau nữa dùng tàu cao tốc, tàu phá ngư lôi… Trước khi trúng tuyển vào đoàn tàu không số, Nguyễn Tài Lộc đã là một người thanh niên yêu nước, là người trong Đoàn Thanh niên Lao động, nắm được Điều lệ Đảng, biết được nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do, hiểu được người thanh niên lúc đó phải làm gì đối với Tổ quốc. Lúc đó, người được trúng tuyển vào tàu không số rất vinh dự. Vinh dự là được bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân và bảo vệ cả quê hương, làng xóm, gia đình.

 Sau khi ra khỏi quân ngũ, Nguyễn Tài Lộc lại trở về với làng chài Cửa Vạn và xây dựng gia đình năm 1973, lại trở về với cuộc sống đánh bắt cá tôm, hòa vui chung cùng biển cả, cùng xóm giềng, anh em. Nguyễn Tài Lộc tham gia xây dựng đội dân quân tự vệ biển ở Cửa Vạn. Hiện là Trung đội phó dân quân. Cuộc sống phục viên hết sức khó khăn. Ông không còn giữ tài liệu gì về bản thân nên chưa được hưởng những chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.

Năm 2000,  một lần, đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân và quân khu III ra công tác tại làng chài Cửa Vạn. Đoàn hỏi thăm và đã nhận ra Nguyễn Tài Lộc. Anh em đồng chí chiến hữu năm xưa gặp nhau mừng mừng, tủi tủi.

Bây giờ thì mỗi người một ngả, một cuộc đời… Họ nhắc ông đi làm chế độ, mặt khác gửi cho ông những giấy tờ có liên quan để ông sớm được hưởng chế độ chính cách của Nhà Nước.

Ngày 5/7/2000, Ban chính sách Cục chính trị Bộ tư lệnh Hải quân gửi cho Nguyễn Tài Lộc giấy chứng nhận chưa được hưởng Huân, Huy chương tham gia chống Mĩ cứu nước số 30/CS do thượng tá Nguyễn Thái Hòa kí. Đến năm 2001, Nguyễn Tài Lộc nhận được Huy chương chiến sĩ vẻ vang và Kỉ niệm chương về đoàn tàu không số của lữ đoàn 125 cấp ngày 14/10/2001 do Chuẩn Đô đốc Đỗ Xuân Công kí. Song, vì nhiều điều kiện, lí do mà Nguyễn Tài Lộc vẫn chưa được hưởng chính sách…

Hiện nay, cuộc sống của Nguyễn Tài Lộc vẫn lênh đênh cùng với người bạn đời Nguyễn Thị Vân trên  con tàu 42 do vay mượn mới có được. Mua con tàu, phải nợ hơn 20 triệu đồng. Sau đó còn phải sửa chữa mất hơn 10 triệu đồng nữa.

Nâng chén trà sóng sánh, Nguyễn Tài Lộc nói với chúng tôi... “Cuộc sống còn vất vả lắm. Bây giờ nghỉ làm ngày nào là thiếu thốn ngày ấy, tôi không còn thời gian để làm thủ tục giấy tờ. Năm nay, tôi đã  ngoài 60,  Nhà nước có nghĩ đến tôi thì tôi được nhờ, không, tôi đành chịu. Tôi đã xác định, đóng góp của mình cho dân, cho  nước chẳng là bao. Được đem công sức nhỏ bé phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc là hạnh phúc, mãn nguyện rồi. …”.

 Tất nhiên, ông Lộc cũng cho chúng tôi biết: Có đại diện một cơ quan quản lí Vịnh Hạ Long hứa sẽ giúp đỡ ông Lộc nhân lực và vật lực để ông sớm có nhà bè để sinh sống. Tôi cũng mừng cho ông. {Tuy nhiên, đến nay , đã 7 năm, ông Nguyễn Tài Lôc vẫn không nhận được gì từ đại diện cơ quan quản lý vịnh ấy, dù người lãnh đạo ấy vần đương chức và vẫn thường đi lại qua Cửa Vạn – Buồn thay lời hứa miệng quan}

 Khi chia tay ông, bên ngoài trời đã xế chiều. Mặt trời khuất dần sau dãy  núi. Khói mây không biết từ đâu cứ tràn về khắp làng chài. Ông Lộc bảo, thời tiết sắp thay đổi. Ngày mai trời sẽ lạnh. Tôi thì nghĩ khác. Thời tiết có thể theo tứ mùa tuần hoàn, xuân - hạ - thu - đông, hết nắng rồi mưa... nhưng với ông Lộc, thì mong cho “trời mỗi ngày lại sáng’... Giấc mơ làm một căn nhà nổi của ông sớm thành hiện thực.

Bao năm chinh chiến, đối mặt với cái chết, bao năm sinh tử cùng biển khơi, người dân chài, người cựu chiến binh Nguyễn Tài Lộc chỉ mong làm được một chiếc bè để ở. Ước mơ chỉ giản dị vậy thôi mà khó thành hiện thực.

 Một cuộc đời binh nghiệp, một cuộc đời nghèo, cái giá trị nhân văn mà Nguyễn Tài Lộc để đọng lại  trong chúng tôi chính là những bài học về lòng yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, bài học về sự cần lao, giản dị và sống hết mình. Ông chính là một nhân chứng chiến tranh, một tấm gương để ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Cuộc chiến tranh đã qua đi, những giá trị, chân lí đã được chứng minh. Trong cái đời thường hôm nay, ẩn chứa bao điều kì diệu. Điều kì diệu có từ quá khứ, đi đến tương lai.

Đến đây, tôi lại nhớ đến bài “Đường Hồ Chí Minh trên biển, sáng tạo kì diệu của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam” trên Báo Nhân Dân, ngày 22/10/2001 đồng thời trích lại một phần xin được coi là lời kết của bài viết: “Trên con đường đó (đường Hồ Chí Minh trên biển) biết bao cán bộ, chiến sĩ  đã nằm lại biển sâu. Những người còn sống sau chiến tranh lại trở về với gia đình, quê hương, khiêm nhường sống và lao động giữa xóm làng, phố phường, kênh rạch, núi đồi... Hôm qua, họ chấp nhận vô danh vì nhiệm vụ phải đảm bảo bí mật. Hôm nay, thậm chí họ cũng vô danh lẫn mình trong sự bất tận của cuộc sống thường ngày.  Nhưng họ  không bao giờ vô danh trong lòng đồng chí đồng bào trong sử vàng dân tộc.”

Tháng 2 năm 2004
 Nguyễn Học


Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Lách tách với cà phê vỉa hè

Thực đơn chỉ là cà phê nóng, cà phê đá, điếu thuốc… song cà phê vỉa hè là một nét văn hóa ẩm thực nhẹ nhàng, khiêm tốn với ngàn vạn triết lý.

Người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung, có truyền thống uống trà từ ngàn đời. Văn hóa “trà đạo” ấy được nhà văn Nguyễn 
Tuân đưa lên thành tuyệt đỉnh trong tác phẩm “Vang bóng một thời” của ông. Ngày nay, cùng với văn hóa trà, người Hà Nội còn có một nét văn hóa nữa cũng đẹp không kém là văn hóa uống cà phê, mà tiêu biểu là “cà phê vỉa hè”.

Cây cà phê được người Pháp đưa vào Việt Nam khoảng từ 1850, ban đầu được trồng ở một số tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Ninh Bình. Sau, cây cà phê thực sự “bén duyên” và nảy nở ở khu vực Tây Nguyên – nóc nhà của Đông Dương cho đến ngày nay. Cũng từ đây, hương vị thơm lừng của cà phê Việt Nam bắt đầu lan tỏa trên mảnh đất dải hình chữ S, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau…

Với mảnh đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội, cùng với nét “văn hóa trà”, văn hóa thưởng thức cà phê cũng bắt đầu du nhập và hội nhập như một sự tình cờ và rất có duyên, hợp tình hợp cảnh.
Đi dọc các con phố của Hà Nội, từ khu phố cổ 36 phố phường tới các con phố mới sau này như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Triệu Quang Phục… chỗ nào ta cũng có thể ghé vào một quán cà phê sang trọng với nhiều thương hiệu: Trung Nguyên, Highland, Mê Trang…

Nhưng đáng nói nhất ở Hà Nội là những quán cà phê vỉa hè!

Gọi là cà phê vỉa hè không có nghĩa là chất lượng cà phê ở đây thấp, phong cách phục vụ kém, văn hóa ẩm thực của thực khách ở đây tồi. Cà phê vỉa hè là một “đặc sản” văn hóa của Hà Nội, được khai sinh và phát triển hoà nhập với văn hóa thưởng trà vốn đã có từ lâu của thành phố ngàn năm văn hiến này.
Cà phê vỉa hè là những quán nhỏ trên những vỉa hè sạch thoáng bên hồ, trong phố cổ, trên những con đường tỏa rợp bóng mát, mùa hè đỏ rực ánh phượng, mùa thu thơm ngát mùi hoa sữa, đìu hiu nhè nhẹ cơn gió từ sông Hồng thổi về. Người sành cà phê Hà Nội hẳn không thể quên những cái tên quán vỉa hè như cà phê Nguyễn Du, cà phê Thọ, cà phê Thái Phiên…
Người khách đến thưởng thức cà phê vỉa hè để có không gian ngồi nhâm nhi ly cà phê đăng đắng, ngòn ngọt, bùi bùi, thơm thơm để ngắm dòng đời cuộn chảy với bao người qua lại trên đường; để nghe những âm thanh quen thuộc của cuộc sống từ tiếng ý ới, tiếng động cơ xe máy, tiếng rao bán tào phớ, xôi, chè… đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ như từng nhịp đập, hơi thở của cuộc sống.

Cũng có người đến ngồi thưởng thức từng giọt cà phê, nghe lách tách cà phê rơi trong ly để đếm thời gian trôi đi như khúc tưởng niệm, để rồi viết những khúc ca trữ tình, sâu lắng. Nhưng có những người đến cà phê vỉa hè để được nghe những cuộc trò chuyện, những câu chuyện “chém gió” của các bạn hữu xung quanh mà biết thêm những thông tin mới, những lẽ sống ở đời. 

Cái đặc tính thích quan sát xung quanh chẳng riêng gì những người thưởng cà phê, mà có ở hầu như những người Việt - vốn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước từ mấy nghìn năm. Cho nên, cà phê vỉa hè không hẳn là cà phê bình dân, mà là một phong cách cà phê không phân biệt khách hàng cao - thấp, không phân biệt sang – hèn. Đến với cà phê vỉa hè là đến với một nét văn hóa ẩm thực nhẹ nhàng và khiêm tốn, không lòe loẹt, không phù phiếm, chứa đầy sự chân thành và đồng cảm. 

Tất cả thực khách đến thưởng thức cà phê là theo cái sở nguyện, theo cái “gu” thưởng thức, chia sẻ. Nhiều khi, “cà phê” và “vỉa hè” cũng là một cái cớ để họ ngồi chia sẻ, bàn chuyện, tâm sự hay bình luận về các vấn đề quan tâm. Câu chuyện của họ thường là những chuyện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao dàn trải từ trong nước ra khắp các lục địa; đôi khi là bàn những câu chuyện làm ăn nhanh chóng, gọn nhẹ và cũng rất… công nghiệp. 

Cà phê vỉa hè vô tình hay hữu ý trở thành nơi tâm giao của biết bao người. Điều này lí giải vì sao những quán cà phê vỉa hè – tuy là vỉa hè đấy nhưng không và chẳng bao giờ xảy ra những chuyện cãi vã, to tiếng với nhau, khác hẳn với một số quán nhậu, quán bar, sàn nhảy vẫn hay có hiện tượng này. 

Chẳng phải thế mà những quán cà phê vỉa hè chỉ có những chiếc ghế nhựa hay ghế gỗ nho nhỏ; thực đơn chỉ có cà phê nóng, cà phê đá, một vài chiếc kẹo lạc, vài điếu thuốc thơm…. Dù thực khách là ai, doanh nhân thành đạt, Việt kiều, quan chức hay người lao động tay chân, người công nhân, người đánh giày cũng đều có vị trí và thực đơn như thế cả. Tất cả đều bình đẳng và tôn trọng khách hàng.

Và cái nét văn hóa ẩm thực ở xứ này chỉ thế thôi cũng đã là ấn tượng lắm rồi, chứ không cần đến những nhà hàng sang trọng, tốn tiền đắt đỏ. 

Có phải thế chăng mà Giáo sư Trần Quốc Vượng - vị giáo sư đầu ngành của Văn hóa học Việt Nam, đồng thời cũng là vị giáo sư “bụi” nhất của Việt Nam thường hay lê la quán xá, cà phê vỉa hè để ông lắng nghe nhưng tiếng nói “tâm thức dân gian”, rồi từ đó mà suy ngẫm, viết ra các trang sách về văn hóa rất tài hoa và sắc sảo cho hậu thế? 

Văn hóa cà phê đã đi vào cuộc sống một cách bình dị và tự nhiên đến mức, mỗi khi gặp bạn hiền, bằng hữu hay đối tác, người ta đều bắt đầu bằng một câu cửa miệng: Cà phê nhé!/.
Người Hà Nội dùng cà phê thường là pha đặc chứ không pha loãng như ở khu vực Miền Trung, Miền Nam. Có lẽ phong cách uống cà phê đặc do đặc điểm khí hậu vùng miền, một phần do thói quen truyền thống uống trà đặc mà có. Hiếm thấy người miền Bắc chính cống nào mà lại dùng cà phê nhạt.  Điều đó một phần tạo nên tính cách mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng rất biết kiềm chế trong tâm tính của họ. 

Về hình thức, Cà phê vỉa hè chỉ có ở những con phố có vỉa hè. Cà phê vỉa hè cũng chủ yếu phát triển ở thành phố lớn như Hà Nội. Nhưng văn hóa cà phê vỉa hè chỉ có ở những nơi có văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại đã hòa trộn vào nhau cùng với những chủ thể văn hóa là những con người biết thưởng thức cà phê, nhân thức những giá trị chân thực và đẹp đẽ của cuộc đời.
Ngày nay, tuy chưa có nhà văn nào viết được những tác phẩm để nâng giá trị văn hóa và phê nói chung, cà phê vỉa hè nói riêng thành một thứ “đạo” như nhà văn Nguyễn Tuân đã làm với trà, song đối với người dân Hà Nội, trong tâm thức họ văn hóa cà phê có lẽ đã là một thứ “đạo” rồi.
Muốn tìm cái “Đạo” ấy, có thể bắt đầu từ cà phê vỉa hè.

 2011-Nguyễn Học