Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Không có chuyện tuyệt vọng



Hồi đất nước còn chiến tranh, hồi người Việt chúng ta còn sắm vũ khí để quay vào nhau bóp cò thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bài hát "Tôi ơi đừng tuyệt vọng". Có lẽ đây là một trong những bà hay nhất của Trịnh, một trong những bài mang tâm thức CON NGƯỜI và mềm mại, có tính triết học và nhân văn:

Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông /
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em.
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm
Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Mà yêu quá đời này.
  Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm."

Bây giờ, sống giữa xứ Thiên đường HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP, TỰ DO, HẠNH PHÚC, xứ sở Thần tiên không có chiến tranh, không có bóc lột, làm gì còn ai tuyyệt vọng? Bài hát của Trịnh Công Sơn mang dấu án, hơi thở của một thời bom đạn ác liệt, nam bắc chia đôi thôi...

Thế mà, sao chiều nay, như bao buổi chiều trên Thiên đường XHCN tươi đẹp, có một số vị lại kêu la lên rằng: Tuyệt vọng quá! Họ nói, cứ đọc báo viết, báo mạng, truyền hình, xem báo có lề, không lề, blog... họ  tuyệt vọng, chán nản và bi quan với cuộc sống!

Nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề họ đưa ra để  chứng minh cho cái Tuyệt vọng của họ. Nhiều, nhiều lắm. Mình cứ tự hỏi, có nên chép lại không, có nên viết lại không? Nếu không viết thì không đủ cơ sở cho cái lí do mình nói họ tuyệt vọng, nhưng nếu chép lại thì biết đâu, mình lại bị nghi là phản động, là nói xấu chế độ bằng...giấy trắng mực đen. 

Thôi vậy, mình cứ tóm lại một câu có mấy người tuyệt vọng. (đoạn này  thiếu nguồn trích dẫn và thiếu dẫn chứng)


Chính vì cái Tuyệt vọng ấy mà mình nhớ đến bài hát của Trịnh Công Sơn

"Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh"
Cái  từ Hồn nhiên dặt chỗ này thật đắc địa.  Nó mang hơi hướng của Lão tử Vô vi, mang hơi hướng của Thiền. Nghĩ làm gì và đau làm gì. Cứ tự nhiên với đời rồi cuộc sống sẽ bình minh cả  thôi! Một niềm tự an ủi để hướng về tương lai tươi đẹp!

Nhưng cái tính triết học mang tầm bao trùm lên cả chính là 4 câu này: 

"Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Mà yêu quá đời này. "

Tôi là ai? Vấn đề cơ bản nhất và quan trọng nhất mà triết học đưa ra đòi hỏi con người cần trả lời. Khi chưa tự ý thức về bản ngã, liệu con người có hành động và suy tưởng được minh mẫn và tỉnh táo? Chắc không đâu!

Và câu trả lời của Trịnh được đưa ra  là "yêu quá cuộc đời này". Thế thôi! Vẫn là tình yêu, là bản năng tình cảm con người. Gạt bỏ suy tư lo âu, sầu muộn, gạt bỏ ưu phiền khổ đau yêu thương cuộc dời, con người ấy chính là đã thấm đẫm chất thiền, chất Lão tử và trở về với giá trị nhân bản, cơ bản nhất của con người!

Thế thì còn đâu đất dành cho tuyệt vọng!

Ấy là nói theo cách nói của phê bình, triết học, chứ nói theo cách nói của báo chí cách mạng thế kỉ 21 trên Thiên đường thì khác. 

Mỗi khi có vấn đề gì khác, sự vụ gì ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, văn hóa lớn lao... được báo chí đưa tin thì ngay sau đó, sẽ có những ý kiến của ông này, bà nọ với một câu cửa miệng hay được giật tít là: KHÔNG CÓ CHUYỆN.... (mệnh đề ba chấm lửng sau dành cho sự vụ xảy ra).

Học tập và làm theo cách này của Báo chí cách mạng, mình cũng xin giật tít là: KHÔNG CÓ CHUYỆN TUYỆT VỌNG. 

Không có đâu, chẳng có tuyệt vọng đâu ở giữa Thiên đường này.

Tuyệt vọng sao được khi mỗi sáng ra đường, nghe tiếng loa nén của phường oang oang đọc về Bầu cử, về Tiểu sử của các ứng cử Quốc hội lần này. Lí lịch đẹp, thành tích tốt. Vẻ vang quá, toàn người tốt, rất khó có thể lựa chọn ra đại biểu nào xứng đáng hơn đại biểu nào!

Tuyệt vọng sao được khi mỗi tối xem Thời sự trên VTV1, thấy các khách nước ngoài, đại biểu nước ngoài sang thăm và hết lời ca ngợi Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu  trong công cuộc xây dựng đất nước XHCN!

Tuyệt vọng sao khi được xem lại những thước phim, đoạn phim phóng sự, đọc những bài báo nói về chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam  đánh thắng liên tiếp, giết nhiều quân dịch để tiến vào giải phóng miền Nam ngày 30 tháng Tư năm 1975...
Tuyệt vọng sao khi ....(còn nhiều lí do để nói không có chuyện tuyệt vọng lắm, không kể hết được)

Vậy thì, tóm lại là KHÔNG CÓ CHUYỆN TUYỆT VỌNG . 
Nếu có ý kiến Tuyệt vọng thì có chăng là của một số người  chưa quán triệt tư tưởng và chưa thấy được sức mạnh vĩ đại của công cuộc cách mạng XHCN và công cuộc xây dựng XHCN đang thành công liên tiếp của chúng ta mà thôi!

Lại chợt nghĩ đến bài hát TA TỰ HÀO ĐI LÊN ÔI VIỆTNAM của Nhạc sĩ Chu Minh, thấy Ta tự hào quá, ta hâm mộ ta quá, ta oách xà lách quá! Tự hào đến nỗi mà nói thật mỗi lần hát Karaoke đến bài này thì phải uống mấy vại bia, gào lên, thét lên sùi bọt mép ra mới hát nổi. Đây là nguyên văn lời bài hát:

"Ta đứng đầu ngọn sóng
Giữa dòng thời đại, thác lũ, cuộc đời
Ta đứng đầu ngọn sóng
Những luồng mạch tâm tư lay động loài người
Thác lũ cuộc đời...
Thuyền ta bé nhỏ nhưng vững tay chèo
Không chòng chành nhắm thẳng hướng mà đi...

Ta đứng đầu ngọn sóng
Nơi đấu tranh bão táp diệu kì
Nơi hy vọng những vườn hoa nở
Nơi chân lý sáng ngời đầu sóng gió
Ta tự hào đi lên, ơi Việt Nam!

Đi giữa ngày hội lớn
Những ngày kỳ diệu chiến đấu trên tuyến đầu
Ta bước vào trận đánh
Với tâm hồn thanh xuân sôi sục tự hào
Như thác lũ tuôn trào
Nào ta lên đường vượt núi băng ngàn
Mang lời thề nhằm thẳng hướng tiền phương

Ta bước vào trận đánh
Nơi thét lên tiếng thét căm hờn
Nơi ta nhằm thẳng đầu thù mà bắn
Cho đất nước sáng ngời cờ chiến thắng
Ta tự hào đi lên. Ơi Việt Nam!"


Tự hào  thế, OÁCH  thế thì làm sao có tuyệt vọng được. 

Tóm lại: KHÔNG CÓ CHUYỆN TUYỆT VỌNG! 

Xin các bác đừng nói chữ Tuyệt vọng, mà hãy kiêng từ này như 1 từ kị Húy thời phong kiến!

Với mình, tất cả đều tươi đẹp, thành công, tươi sáng, chói lọi, vẻ vang, tấm gương, thần kì, bứt phá, hóa rồng, đỉnh cao trí tuệ thời đại v.v....


"