Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Nghề nông và tổ nghề

Ảnh: Nguyễn Học


Ngày nay, với sự hỗ trợ đặc biệt và hiệu quả của Internet, Google thì việc tìm hiểu về tổ nghề của 1 nghề nào đó là điều không phải khó khăn. Như nghề nông chẳng hạn, với cư dân khu vực phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, mỗi khi tìm hiểu tổ nghề nông, chúng ta sẽ có hàng loạt dữ liệu như sau:

Ông tổ của nghề nông là Thần Nông. Thần Nông, hay Viêm Đế, là một trong các vị vua Trung Hoa đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm lễ Tịch Điền (còn gọi là lễ Thượng Điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng) hoặc Hạ Điền (lễ tổ chức trước khi gieo trồng), cũng như nghề làm thuốc trị bệnh, cho nên trong dân gian có câu Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc (tức Thần Nông dạy dân trồng ngũ cốc). 

Theo truyền thuyết phương nam thì Thần Nông là tổ tiên năm đời của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân và Âu Cơ được coi là tổ tiên của người Việt.
Ảnh: Nguyễn Học

Có tài liệu cho rằng Hoàng Đế và Thần Nông là một người. Có tài liệu thì lại cho rằng Phục Hi, Thần Nông và Hoàng Đế là ba người khác nhau (gọi chung là Tam Hoàng). Thực ra tất cả chỉ đều là huyền thoại, không có gì đảm bảo là họ là ba người hay chỉ là một hoặc hai người.

Câu hỏi tại sao người Việt nhận là con cháu của Thần Nông, một trong những ông vua đầu tiên của Trung Hoa là vấn đề được nhiều người tranh cãi. Một số nhà nghiên cứu hiện nay, dựa trên các dữ liệu về sử học, thần thoại học, ngôn ngữ học, đã giả thiết rằng Thần Nông là một vị thần có nguồn gốc từ phương nam (từ phía nam sông Dương Tử xuống đến hết Việt Nam ngày nay, đó là vùng đất cư trú của cư dân Bách Việt). 


Sau khi nước Trung Hoa mở rộng từ phía tây sang phía đông (giai đoạn một), rồi từ phía bắc xuống phía nam (giai đoạn hai) thì Thần Nông được người Trung Hoa sát nhập vào văn hóa của họ và được coi là một trong các "ông vua" đầu tiên của họ. Thực ra trước đó, Thần Nông đã được coi là "ông tổ" của một số bộ tộc Bách Việt. Và sau này, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa rất mạnh, nhiều người lầm tưởng người Việt nhận một ông vua Trung Hoa làm ông tổ của mình.

Các dữ liệu ủng hộ giả thuyết trên:

* Thần Nông tức là vị thần về nông nghiệp, vị thần này thường được hình dung cưỡi trâu để đi lại nên vị thần gắn liền với văn hóa lúa nước.

* Thần Nông còn có một tên gọi khác là Viêm Đế (vua xứ nóng - vua phương nam), và được coi là vị thần cai quản phương nam.

* Cách đọc từ Thần Nông là cách đọc của phương nam, người phương bắc sẽ có xu hướng đọc là Nông Thần.

Tuy nhiên, điều này bị phản bác rằng từ Thần Nông vẫn hiểu được theo ngữ pháp phương bắc, và có nghĩa là người nông phu-thần linh.
* Truyền thuyết của một số dân tộc thiểu số của Việt Nam (ít bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa) như dân tộc Mèo cũng coi Thần Nông là ông tổ của nghề trồng lúa nước.
Với người phương Đông là như thế, còn với người Phương Tây thì sao?

Trong đoạn Ca-in và A-ben Sách Kinh thánh Sáng thế (Cựu ước) có chép rằng:

“Con người ăn ở với bà E-va, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói:
-         Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người.
Bà lại sinh ra A-ben là em. A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai. Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên Đức Chúa. A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt. Đức Chúa phán với Ca-in:
-         Tại sao người giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt có phải ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi có hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó.
Ca-in nói với em là A-ben:
-         Chúng mình ra ngoài đồng đi!
Và khi 2 người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình.
Đức Chúa phán với Ca-in:
-         A-ben, em ngươi đâu rồi?
Ca-in thưa:
-         Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?
Đức Chúa phán:
-         Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta. Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút láy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, bó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ  lang thang phiêu bạt trên mặt đất.
Ca-in thưa với Đức Chúa:
-         Hình phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất và bất cứ ai gặp con sẽ giết con…” (1)

Theo đoạn trích này của Kinh thánh, ta tạm kết luận rằng, theo Kinh Thánh thì ông tổ của nghề chăn nuôi là A-ben, ông tổ ngành trồng trọt là Ca-in. Và 2 anh em A-ben và Ca-in là ông tổ của nghề nông (trồng trọt và chăn nuôi).

Nói về 2 nhân vật này, GS Thần học Hans Kung viết:

“A-ben và Ca-in: Hai nhân vật của Thánh Kinh, được nói đến trong sách Sáng thế. Theo Thánh Kinh đây là hai anh em, con của cặp vợ chồng đầu tiên của loài người là Adam và Eva. Ca-in là anh, làm nghề nông, A-ben là em làm nghề chăn nuôi.Cả hai cùng dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Nhưng lễ vật A-ben dâng được ThiênChúa chấp nhận, trong khi lễ vật của Ca-in thì không. Thư gửi tín hữu Do Thái giải thích: A-ben dâng lễ vật với lòng tin, còn Ca-in là kẻ không tốt lành” (2)

Cũng câu chuyện về ông tổ nghề nông này, nhà báo Thomas Friedman lại có cách lí giả thú vị riêng. Ông viết:

“Cuộc đấu tranh giữ chiếcxe Lexus và cây Ôliu thực ra là phiên bản hiện đại của một câu chuyện cổ xưa, có thể nói là một trong những câu chuyện xưa nhất – Vì sao Ca-in giết A-ben. Kinh thánh Do Thái có viết trong sách Cựu ước “Ca-in nói với em là A-ben; và khi họ ra đồng, Ca-in bước tới và giết A-ben, người em của mình. Khi Chúa hỏi Ca-in, “Em của con đâu?”, Ca-in đáp “Con không biết. Con có phải là người canh giữ em con đâu” Và Đức Chúa nói “Con đã làm điều gì vậy? Tiếng của máu huyết trong người em con trên đất đang vang vọng đến ta”

Nếu đọc kĩ đoạn Kinh Thánh đó, bạn sẽ thấy Kinh Thánh Do Thái không bao giờ cho chúng ta biết Ca-in đã nói gì vớiA-ben. Câu nguyên văn là: “Ca-in nói với em là A-ben” – chấm hết.

Chúng ta không biết về cuộc nói chuyện bí mật đó. Điều gì đã xảy ra trong cuộc đối thoại làm cho Ca-in nổi nóng và giết người em của mình? Giáo sư Thần học của tôi (tức của Friedman- Nguyễn Học chú), giáo sĩ Tzvi Marz dạy tôi rằng những giáo sĩ hiền triết giỏi Cựu ước Rabbath, trong những giờ bình giảng căn bản về Kinh Thánh, có đưa ra 3 lời giải thích cơ bản về nội dung đối thoại.

Một là hai anh em đã cãi nhau về một người đàn bà – đó là Eva. Lúc đó chỉ có một người đàn bà trên trái đất, đó là mẹ của chúng, và cả hai cãi nhau xem ai là người được quyền cưới bà ta. Họ cãi nhau về vấn đề giải quyết tình dục và sinh sản.

 Lời giải thích thứ hai ấn định rằng Ca-in và A-ben đã chia đôi thế giới, trong đó Ca-in sở hữu toàn bộ đất đai – như Kinh Thánh nói “Ca-in trở thành người thợ cày trên mặt đất” – và A-ben sở hữu toàn bộ động sản cùng gia súc – Kinh Thánh nói, “Aben trở thành người chăn cừu”. Và theo lời giải thích này thì Ca-in nói với A-ben hãy mang đàn cừu và biến khỏi đất của anh ta.

Điều này dẫn đến xung đột, mà khi đã lên đỉnh điểm Ca-in đâm chết người em của mình.
Hai anh em tranh chấp quyền lợi phát triển kinh tế  và đời sống vật chất.

Lời giải thích thứ ba cho rằng hai anh em đã chia đôi đàng hoàng mọi thứ trên thế giới, trừ một điều nan giải: ngôi đền, biểu trưng của tôn giáo và bản sắc văn hóa của hai anh em sẽ được xây cất ở đâu? Mỗi người đều muốn kiểm soát ngôi đền phải được xây trong vườn Ôliu của mình. Họ tranh chấp về vấn đề bản sắc và ai sẽ là người giữ giềng mối gia đình” (3)

Như vậy, trong các câu chuyện về tổ nghề Nông ở trên cho thấy: Nếu cứ như phương Đông của ta giải thích thì tổ là Thần Nông thì ít thấy các mâu thuẫn xã hội, các vụ giết người đã máu, các tranh chấp quyền lợi, văn hóa…

Nhưng, theo câu chuyện của Thánh Kinh kể trên thì đúng là Tổ nghề và câu chuyện của Tổ nghề đã có những dấu tích của sự MẤT ĐOÀN KẾT, CHIA RẼ và PHỨC TẠP rồi.


Khi mà Ca-in đâm chết em mình là A-ben thì cho thấy một cái gì đó bất ổn giữa trồng trọt và chăn nuôi. Theo 3 cách lí giải mà Friedman đưa ra, đồng nghĩa với nó là 3 kết luận rút ra từ chi tiết này, đó là:

+ Họ cãi nhau về vấn đề giải quyết tình dục và sinh sản
+ Hai anh em tranh chấp quyền lợi phát triển kinh tế  và đời sống vật chất.
+ Họ tranh chấp về vấn đề bản sắc và ai sẽ là người giữ giềng mối gia đình

Kết luận đầu tiên và cuối cùng có thể đúng trong từng trường hợp, hoàn cảnh, nhưng ứng với thời đại ngày nay thì kết luận thứ 2 vẫn còn nguyên giá trị. 2 anh em Ca-in và A-ben (LÀ ĐẠI DIỆN CHO ngành nông nghiệp) vẫn và đang chấp quyền lợi phát triển kinh tế  và đời sống vật chất.

Câu chuyện của Ca-in và A-bel dù có mang tinh thần tôn giáo, song bài học của câu chuyện để lại vô cùng lớn và càng ngẫm càng thấy lấp lánh những lớp nghĩa giải thích về con người, tham vọng, tội ác. 

Ngẫm kĩ mới thấy, tại sao ngày nay nhiều quan tham oánh nhau, tranh chấp nhau về tiền bạc, địa vị thế? Tại sao có nhiều quan tham lam một cách vô độ đến thế. 

Xem các tài liệu nghiên cứu một phát hiện thú vị là trong khi các ngành nghề khác thường rất tự hào về Tổ nghề và rất say sưa với những huyền thoại, mỹ từ về Tổ nghề thì với Nghề Nông nghiệp lại rất ít hiếm thấy những huyền thoại, mĩ từ đó (kể cả Phương Đông).

 Việt Nam tự hào là một dân tộc có nền văn minh lúa nước, trong khu vực thuộc về cái nôi của lịch sử văn minh nông nghiệp song, xem các tư liệu, Tổ nghề nông cũng ít khi đề cập tới! 

Đọc câu chuyện của anh em Ca-in và A-bel, càng ngẫm về nông nghiệp của ta và bộ máy quan lại của ta hiện nay. Từ thượng nguồn, các Tổ nghề đã TRANH GIÀNH, CHÉM GIẾT NHAU, MẤT ĐOÀN KẾT như thế, trách chi những thân phận công dân hạng 2 của chúng ta như ngày nay?

Âu cũng là một tất yếu trong tư duy nhận thức!

NGUYỄN HỌC – 11/2011



Chú thích:

(1)   Tòa giám mục Nha Trang. Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước  tuyển chọn. NXB Tôn giáo. HN 2001, trang 22-23.
(2)   Hans Kung- Các nhà tư tưởng lớn của Kito giáo. NXB Tri thức. HN 2010, trang 361.
(3)   Thomas Friedman – Chiếc Lexus và cây Ôliu. NXB Khoa học Xã hội. HN. 2005, trang 83-84.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

CƯỚP ĐƯỜNG

Giật tít là Cướp đường, hẳn ai cũng nghĩ là ra đường bị cướp của cải như; đồng hồ, điện thoại, túi xách... gì đó. Nhưng lại không hẳn như vậy.

Cái "Cướp đường" muốn nói ở đây là Cướp đường hiểu theo nghĩa gốc - tức là Cướp  (phần) đường đi; chứ không phải là Cướp (ở trên) đường theo nghĩa mọi người vẫn dùng. 

Cướp cái phần đường đi, với cư dân thành thị văn minh ở những nước phát triển thì chắc không có. Mà có nghe đến cũng cảm thấy có gì đó là lạ...

Nhưng ở cái Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, văn vật, văn minh (nói chung đủ các loại Văn đứng đầu, sau đó thì có các từ gì nữa thì ..tự hiểu) này, cái việc bị cướp phần đường vẫn hay thường xảy ra. 

Vậy, cướp cái phần đường đi (của người khác) là gì? 

Đó là hành động chen lấn, đi tràn sang phần đường của người đi ngược chiều mỗi khi tắc đường. 

Một ví dụ sinh động là sáng nào cũng vậy, cứ đến ngã tư vào giờ cao điểm là y như rằng tắc đường và bị cướp đường. Khi có hiện tượng tắc đường (bởi từ sai lầm của một phương tiện nào đó) thì như một sự mặc nhiên, những người đi ô tô, xe máy, chủ yếu là xe máy đi tràn sang phần đường của người đi ngược chiều, có lúc tràn 1/2, có lúc tràn cả phần đường, nhìn vào tưởng như đường một chiều. 

Khi mà chỗ tắc chính được giải tỏa thì những người đi ngược đường không còn lối nào mà đi, vì những người ở phần đường này đã cướp trắng trợn rồi. Trong cái không khí oi ngạt của mùa hè và những khí nóng tỏa ra từ các pô xe máy, ô tô ấy, ai ai cũng ngột ngạt và khó chịu đến nghẹt thở... Biết thế nào?

Nhưng điều lạ lùng ở chỗ, những người "cướp đường" ấy toàn là những khuôn mặt trông rất thông minh, sáng sủa, ăn mặc rất đẹp. Váy ngắn có, váy dài có, sơ mi dài tay có, ngắn tay có, cởi trần có... Các phương tiện thì cũng phong phú và đắt tiền không kém: Từ SH, Libety, Airblade và xoàng xoàng cũng là những anh wave chuồn chuồn...  



Lạ kỳ thay là những khuôn mặt ấy đều rất vô tư và ...tự nhiên cướp phần đường của người khác như không có chuyện gì xảy ra. Và, cũng lạ là không ít trong số đó có nhiều vị cũng tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà giáo, viên chức, cán bộ văn hóa... cả đấy!. 

Nếu trong lúc chen lấn ấy, người đi ngược chiều với họ (tức là những người bị cướp ất phần đường chính đáng) mà có va quệt gì thì... ôi thôi. Không ăn chửi thì cũng ăn cái bạt tai, quả đấm hoặc một cái liếc đầy sát khí... 

Có một số người trong thâm tâm cũng ý thức ra cái sự cướp đường, và dường như họ không muốn làm cái việc khốn nạn ấy, nhưng khốn nỗi, nếu họ cứ chấp hành đúng luật giao thông, đi đúng phần đường của họ thì người đi sau lại tràn lên trên đầu xe, tràn sang phần đường bên kia, có người còn bị tông vào đuôi xe, còn bị mắng là : 

- Thằng thần kinh, sao đi ngu thế?

Kể cũng lạ cho cái giao thông ở đô thị văn hiến, văn minh, văn vật này. Đã đi cướp lại còn được chửi, được mắng người khác. Kẻ ăn cướp còn tự cho mình là đúng...

Tắc đường ở đâu ra? Trong rất nhiều nguyên nhân: Quy hoạch, dân số... thì cái sự cướp đường ấy cũng đóng góp vào cái sự tắc đường của Hà Nội vô cùng lớn lao và ...nhiều vô kể.

Trước đây, tôi có gọi hiện tượng tắc đường, chen lấn nhau là THÓI BON CHEN, nhưng nay do đã thẩm thấu triết học Mác - Lê Nin và nhân sinh quan cách mạng XHCN thì xin gọi những hành động lấn chiếm đường của người khác là CƯỚP ĐƯỜNG. 

Vâng, cướp đường này không cần gọi đến cảnh sát giao thông, cảnh sát 113, cảnh sát hình sự, cảnh sát đặc nhiệm...

Cướp đường này chỉ cần gọi đến VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC và NHẬN THỨC ở mỗi người tham gia giao thông mà thôi!

Nếu những người cướp đường kia không tự ý thức được sự cướp đường của mình, chưa biết xấu hổ về hành vi cướp đường thì  giao thông tắc vẫn hoàn tắc... Người ta vẫn bị cướp một cách ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt như báo hiệu một sự xuống cấp của xã hội, của văn hóa, của ý thức và của lương tri. 

Đã là cướp thì dù dưới hình thức nào, kiểu nào cũng là cướp, không thể khác. 


Nguyễn Học - 2011


Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Quảng cáo: Bài viết của Nông dân ra phố

Thời đại bây giờ có quá nhiều chương trình quảng cáo. Nói chung, về cơ bản với tất cả các phương tiện truyền thông, đã quảng cáo là mất tiền. Chỉ có quảng cáo trên blog là không mất tiền, vì mình quảng cáo trên đất nhà mình, cho mình xem. Nói tóm là mình tự sướng.

Thứ hai, thời nay, người ta hay có những PR, quảng cáo trá hình bằng nhiều phương pháp khác nhau. Mình chán ngấy cái trò giả cầy ấy. Quảng cáo thì nói toẹt ra là quảng cáo để bà con biết đường, có gì phải làm giả cầy làm thông tin méo mó và rối rắm.


Giật cái tít quảng cáo, mình muốn giới thiệu cái bài viết về cuốn Nhật kí chiến tranh của Liệt sĩ Trình Văn Vũ.


Bài này mình viết năm 2006- khi mà Quảng Ninh mới tìm thấy và công bố cuốn Nhật kí này. Sau đó Hội VHNT Quảng Ninh có tổ chức Hội thảo - mình cũng oách xà lách về dự và có bài tham luận. Sau đó không lâu tỉnh Quảng Ninh cho in cuốn sách này, và bài tham luận kia của mình cũng được in vào phần 2 của cuốn sách - Những ý kiến về cuốn Nhật kí.


Thật ra, mình cũng chả phải ham hố cái việc quảng cáo, khoe khoang làm gì và cái bài viết ấy cũng theo thời gian chìm vào quên lãng....


Rồi đến tháng 7 năm nay, người ta tái bản cái cuốn Nhật ký chiến tranh ấy, có bổ sung và chỉnh sửa. Hình thức cuốn sách đẹp hơn, dày dặn hơn. Cái bài Cảm nghĩ của mình cũng tái bản theo.


Cũng cần mở ngoặc thêm rằng mình chúa là ghét những cái thể loại sách chiến tranh, Nhật kí chiến tranh mà bị người ta lợi dụng vào đó để làm tuyên giáo và ....


Nói đúng hơn là mình bị cái bệnh "dị ứng tư tưởng" với cái của nợ đó.


Tuy nhiên, với riêng cuốn Nhật ký chiến tranh của liệt sĩ Trình Văn Vũ thì mình lại thích, đơn giản là cuốn này không nằm trong cái thể loại sách ở trên. Vả lại, mình cũng cảm phục liệt sĩ Trịnh Văn Vũ mới hết lớp 7 mà viết được như thế. Ngẫm lại, cái ngữ mình, học hết cấp 3, rồi hết Đại học mà viết lách chả ra cái hồn vía gì, tấy thật hổ thẹn.


Thêm một mở ngoặc nữa là cái bài post ở đây là bài gốc, còn bài đã in trong cuốn sách kia là bài đã được biên tập ngon lành và gọn gàng hơn. Dù sao cũng trân trọng cái "thưở ban đầu" nên để nguyên bản đầu cho quảng cáo ra đây.


Thêm nữa, mình đã dùng chữ Quảng cáo ở trên thì ắt hẳn ai cũng biết, ngày nay cái gì người ta cũng quảng cáo. Nếu như bạn đọc thấy cái bài này không hơn những cái quảng cáo thuốc hôi nách, thuốc bán dạo, thuốc tăng sinh lực cho đàn ông hay các kiểu quảng cáo rởm khác thì cũng là bình thường.


Vì, thường là hàng không bán hoặc ít được biết đến mới cần quảng cáo.


Chỉ có một điều khác ở cái quảng cáo của mình ở đây: Là mình nói thật cái mình nghĩ, chứ không phải nói cái người khác nghĩ hoặc nói theo người khác.


Và đây là Nội dung phần quảng cáo:



Một vài cảm nhận khi đọc Nhật ký chiến trường của liệt sỹ Trình Văn Vũ


Trước hết, chúng tôi xin nói rằng, nhật ký là một tư liệu mà người viết ra nó không phải để nhiều người đọc. Có chăng là để cho chính bản thân họ và người thân yêu nhất? Nó như một cuốn lịch sử tâm hồn của con người theo dòng thời gian.


Nhật ký luôn gắn với những tâm trạng, kỷ niệm buồn, vui, những kỷ niệm và suy nghĩ của con người về con người, về cuộc sống. Đôi khi chúng tôi tự huyễn hoặc mình rằng, những cuốn nhật ký chiến tranh còn lại, liệu có phải là món quà của các liệt sỹ dành cho cả chúng ta không hay chỉ cho một số người?


Vậy, việc công bố và in ấn những tác phẩm nhật ký chiến tranh liệu có... “đi guốc” vào đời tư của người khác, đặc biệt những người đã hy sinh vì dân tộc hay không? Câu trả lời là không, bởi vì, những cuốn nhật ký chiến tranh ở đây ở một bình diện khác. Nhật ký của những liệt sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân cho hòa bình, độc lập của dân tộc không chỉ thuộc về người thân yêu của họ, mà còn thuộc về lịch sử văn hóa, văn học, quân sự, nhân văn của dân tộc Việt Nam.


Bởi, máu các anh đã đổ, đã thấm vào từng mét đất thiêng liêng của đất nước, các anh là dân tộc, những gì của các anh một phần cũng thuộc về Tổ quốc Việt Nam. Gần đây, ngày 23.2.2006 trên báo Người Lao động (bản điện tử là www.nld.com.vn) đăng bài viết “Sách nhật kí thời chiến đã bão hoà?” của tác giả Phương Quyên, (Trên trang báo điện tử www.vnexpress.net, mục Evăn, ngày 25.2, thứ bảy có đăng laị bài này) như muốn chứng minh một điều rằng, xu hướng đọc nhật ký chiến tranh thời chiến không còn.


Và những cuốn nhật ký chiến tranh được in ra nhiều, là sách chạy theo ‘mốt” thời cuộc nhiều hơn là những tác phẩm văn học, lịch sử, cuốn sử tâm hồn của các liệt sỹ có nhiều giá trị.


Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định, giá trị nghiên cứu, giá trị lịch sử của những cuốn nhật ký vẫn còn. Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định đưa ra để tranh luận với tác giả bài báo. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là giữa lúc nhật ký chiến tranh được in ấn, giới thiệu nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng như vừa rồi, giữa lúc tưởng như độc giả bị “bội thực” món ăn tình thần đó, thì ngay tại nơi tiền tiêu của Tổ quốc, người ta tìm thấy một tập nhật ký chiến tranh rất đặc biệt, được đăng tải dần trên Báo Hạ Long - Cơ quan của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.


Đó là tập nhật ký chiến tranh của liệt sỹ Trình Văn Vũ, người xã đảo Minh Châu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Với những gì đã được đăng tải, rõ ràng, nhật ký chiến tranh luôn hấp dẫn bạn đọc và luôn nóng hổi các giá trị lịch sử, văn hóa, văn học, đặc biệt là giá trị tinh thần, hơn là những suy tính về kinh tế, thị trường, kinh doanh văn hóa của một vài nhà xuất bản, một vài nhà làm sách chuyên nghiệp.

 
Hình bìa cuốn Nhật ký chiến tranh của L/s Trình Văn Vũ xuất bản năm 2006

Là độc giả của Báo Hạ Long, tuy không còn sinh sống và làm việc trên mảnh đất anh dũng, kiên cường – vùng Mỏ thân yêu nữa, nhưng chúng tôi vẫn theo dõi Báo Hạ Long đều đặn.


Cần nhấn mạnh rằng, chúng tôi không có ý định bào chữa hay lăng xê cho Báo Hạ Long nhưng theo thiển nghĩ, việc Báo Hạ Long cho đăng tải tập nhật ký của liệt sỹ Trình Văn Vũ là một nghĩa cử cao cả, không vì một chút màng danh lợi hay nói như ngôn ngữ của những người làm báo, làm sách là “ăn theo nhật ký chiến tranh”.


Nói không ăn theo là vì, chúng ta cứ thầm lặng giới thiệu trên báo để độc giả tự cảm nhận và đánh giá, số lượng tia ra của báo không tăng lên – nghĩa là không vì mục đích bán báo, kinh doanh...


Vấn đề chính ở đây là giá trị đích thực của tập nhật ký và niềm tự hào của người dân Minh Châu nói riêng, người dân vùng Mỏ nói chung. Không ăn theo là vì, như chúng ta đã biết, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc được dư luận quan tâm, ngoài nội dung hay thực sự, hấp dẫn và có tính giáo dục cao, thì một phần là do sự quảng bá, tuyên truyền rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành cả một phong trào, khiến cho người dân mua nhiều, xem nhiều là do tò mò...


Đó cũng là một đặc điểm của văn hóa Việt Nam – Tâm lý đám đông, tò mò. Ở trường hợp nhật ký Trình Văn Vũ, chúng ta không thấy một chiến dịch quảng cáo nào, cũng không rầm rộ, ồn ào, mà như một người con gái đẹp, cứ tự nhiên mà đẹp... Không ăn theo là tập nhật ký không in thành sách nhật ký, theo xu thế thị trường đang được quan tâm...


Hình cuốn Nhật ký chiến tranh tái bản năm 2011


Như chúng ta đã biết, sau thành công của hai tập nhật ký chiến trường ở trên, trên thị trường sách còn vô số tập Hồi ký khác như : Những lá thư thời chiến Việt Nam (NXB Hội Nhà văn) - tuyển tập những bức thư giữ từ chiến tranh do hàng trăm ngàn bạn đọc khắp nơi lưu giữ và gửi đến; Những tấm ảnh trở về - hình ảnh, thư từ, nhật ký chiến tranh của liệt sỹ Nguyễn Văn Giá; Nhật ký Vũ Xuân (NXB Công an Nhân dân); Cùng anh đi suốt cuộc đời - hồi ký của bà Nguyễn An Ninh, đặc biệt nhất là Nhật ký Nguyễn Ngọc Tấn (tên thật của nhà văn Nguyễn Thi) (NXB Hội Nhà văn).v.v...


Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc công bố tập nhật ký này của Báo Hạ Long như một việc làm theo tính tất yếu của lịch sử, của quy luật cái Đẹp chứ không hề chịu chi phối của cái gọi là vấn đề chính trị, “chính em” hay “kinh doanh nhật ký chiến trường” nào...


Bản thân tôi vẫn còn nhớ, và khoảng tháng 9, 10 năm 2005, tại trụ sở Báo Hạ Long- Quảng Ninh, đồng chí Lê Chính và một số văn nghệ sĩ, phóng viên báo Hạ Long hồi hộp và trân trọng ngồi với nhau để đọc cho nhau nghe cùng dòng nhật ký của liệt sỹ Vũ, để cùng chia sẻ và suy ngẫm về một thời đã qua, về một thời của những người anh hùng đã sống và chiến đấu như thế nào. Lúc đó, có chị phóng viên của báo đọc cho cả mấy anh em ngồi nghe, tưởng như chúng ta trở về với thời kỳ chung nhau một cuốn sách, quây quần một người đọc, nào là Tam quốc, Thuỷ hử, nào là Thép đã tôi thế đấy của cái thời chúng ta còn thiếu thốn sách, thiếu thốn thông tin không xa... Tuy không có cơ hội đọc toàn bộ tập nhật ký của liệt sỹ Trình Văn Vũ, nhưng với những di cảo còn lại, chúng ta được thấy dòng máu huyết nóng hổi yêu nước, kiên trung và tâm hồn thơ ca của một người con biển đảo Minh Châu – nơi địa danh gắn liền với lịch sử văn hóa, chiến đấu chống quân Nguyên - Mông và thương cảng Vân Đồn nổi tiếng thời Trần...


Hơn nữa, theo sở kiến của chúng tôi, điều đáng quý và trân trọng trong tập nhật ký của liệt sĩ Trình Văn Vũ chính là tác giả của nó. Anh Vũ xuất thân trong một vùng quê biển đảo, thế mà, trong những năm bom đạn ác liệt, anh viết nên những dòng thời đại, suy nghĩ, cảm xúc... đầy tính triết lý, văn học sâu xa, hàm súc mà giản dị, lắng sâu. Nếu chúng ta đã trở về miền quê Minh Châu, nơi anh Trình Văn Vũ sinh ra và lớn lên mới thấy những dòng nhật ký của anh viết ra thật quý báu, bởi lẽ, ra đi từ một mái tranh nghèo, người dân xã đảo quanh năm chỉ biết có đánh cá, nuôi tôm, thả lưới, sống theo biển và chết cũng theo biển. Cái chữ nghĩa trong xóm nghèo hiếm hoi lắm.


Có phải ai trong làng, xóm cũng được đi học chữ đâu. Từ đất liền ra đảo, nếu đi tàu, chí ít cũng mất 3, 4 tiếng đồng hồ. Thế mà, 23 tuổi đời, anh Vũ đã ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ thật trong trẻo, mượt mà, đôi lúc rất văn chương, giản dị mà hàm súc. Bây giờ, cái xã đảo Minh Châu tuy đã phát triển, có trường học, đời sống văn hóa có nhiều biến đổi, nhưng nói một cách hơi chủ quan rằng, nếu như những thanh niên tuổi 23 như anh Vũ khó mà viết nổi những áng văn đầy cảm xúc, tinh tế và sắc sảo như thế. Ví dụ như đoạn văn sau đây:


“Xuân sẽ dành thêm cho đất nước một mùa hoa, dành cho con người một tuổi đời dù yên lành hay bão tố... Thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Vài ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán. Điều ấy là một sự vui mừng của dân tộc, và là một nỗi buồn riêng của những người lính xa quê, xa mẹ, ăn những cái Tết xa nhà. Mấy hôm nay, trời vào mùa khô nên rừng khô khan, sạch sẽ, chim chóc vẫn hót ríu rít, duy chỉ có người chiến sĩ thì cảm thấy buồn. Bởi đời luôn dấn thân trong sương gió và bom đạn.” ( Ngày 12 tháng 1).


Là người con của biển, đảo, sinh ra trong mái tranh nghèo, ra đi đánh giặc cứu nước, tự viết cho mình những sự kiện, kỷ niệm, tâm sự buồn vui trong chiến trường, liệt sỹ Trình Văn Vũ không phải con nhà “nòi”, cũng không được giải thưởng văn học toàn quốc như liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, nhưng những gì liệt sỹ để lại là một pho sử quý, một kho tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, cho học sinh, sinh viên trên con đường học tập, tìm về những năm tháng hào hùng của dân tộc.


Đó cũng là một bài học về lòng yêu nước và tình yêu thời chiến thuỷ chung, đậm đà, sâu sắc tính nhân văn, công bố thôi, có ai mấy ai đọc lên mà không xúc động, khâm phục, không tự rút ra cho mình một bài học, nghĩ suy về thời cuộc, về cuộc chiến, cả về tình yêu đôi lứa của thế hệ cha, anh chúng ta một thời đã sống và chiến đấu.

Chiến tranh ác liệt, giữa chốn rừng già thăm thẳm, giữa tiếng bom rơi đến chói tai, người thanh niên Trình Văn Vũ cũng có lúc suy tư, trăn trở về tuổi thanh xuân, trách nhiệm của người đàn ông thực thụ trước ngưỡng tuổi 23 của mình:

“Cái tuổi con người thời 23 đáng ra phải là một cương vị ít lo nghĩ cho cuộc sống – Làm cha và chăm sóc cho con cái....lo cho vợ con những phút vui hạnh phúc, đồng thời chăm sóc mẹ cha để đáp lại những ngày tần tảo nuôi mình. Nhưng bây giờ đây, những giây phút ấy vẫn trôi đi một cách phũ phàng..”. (Ngày9.11)



Và, cả những nhận định về cuộc sống tuy bằng ngôn ngữ văn chương, mềm mại nhưng khí phách của người chiến sĩ vẫn kiên cường và bền chặt. Cái yếu tố làm nên bản lĩnh và chí khí của người chiến sỹ cách mạng.


“Đời như dòng nước trên sông cuốn qua bao ghềnh, bao thác, bao bãi dốc gập ghềnh.Trong nơi hỏa tuyến này, ai ai cũng có sự thay đổi đáng kể. Tóc bù xù, mặt mày hốc hác quần áo bẩn nhem nhuốc. Song tất cả đều vui, lạc quan”. (Ngày 16.11)



Có những dòng tổng kết của liệt sỹ Trình Vũ thật giản dị, sâu lắng, nghe rạt rào từng đợt sóng biển quê anh “Sắp hết năm rồi. Đời người chẳng đáng là bao. Thêm một tuổi và đời lại thêm những nốt nhăn trên trán; già cỗi thêm nhiều và dĩ nhiên ¼ đời người trôi đi trong vòng quay đều đều của thế kỷ - chả có nghĩa gì chưa làm được gì và cũng chưa hưởng được gì.... Ôi, một chốc 23 năm trời sương gió. Cái độ trăng tròn là cái độ mang tiềm lực của mộng cống hiến cho sự nghiệp. Ai đã hằng thương tiếc đời mình thì mới thấy cái quãng thời gian trôi đi ấy thật là hoài phí và đầy rẫy những ti tiện nhỏ nhen hèn đớn. Cuộc sống cứ dần trôi, cứ nhích thêm mỗi năm là lại gieo vào lòng người một nỗi chua cay luyến tiếc. Cuộc sống ấy quá đỗi phũ phàng bất hạnh. Những phút này cũng ở lứa tuổi 23, bạn bè ta ai ai cũng hạnh phúc. Nhưng ta, dấn thân vô trên chặng đường cách mạng thì ta càng luyến tiếc và sánh cái gì, miễn là hãy quên đi, làm tròn trách nhiệm của mình và xây đắp cho lý tưởng....”(Ngày 22 tháng 12)



Những luận điểm về chính trị, quan hệ bạn bè trong nhật ký của liệt sỹ Vũ cũng thật đáng quý và vượt lên trên được ý thức thời đại. Cái vấn đề tư tưởng, nhìn nhận, đánh giá đồng đội luôn là vấn đề thể hiện tư cách và lý trí của người chiến sĩ:“Với mình, trong nơi khói lửa này, mình không muốn cứ trong tình trạng cấu xé, hằn học - những ai có thành tích trong chiến đấu đều là những người tốt- Phê phán chẳng qua là nhắc nhở.


Một điều nữa, Sơn (đồng đội của liệt sĩ Vũ - Tác giả chú) thường hay quan hệ với cán bộ cấp trên và bằng những câu chuyện giản đơn hay làm quà mà tất cả những chuyện dù là đùa cợt trong phân đội đều dễ lọt vào tai các thủ trưởng. Sống trong giai đoạn khói lửa sẽ gặp những người có đủ trí thông minh và tài năng để phục vụ cho Đảng. Song nếu nhận xét một cách mù quáng sẽ có những kẻ bằng một dưới dao díp hai lưỡi đâm xé vào người ta những đòn nặng đáng lên án. Đó là những con người thiếu suy nghĩ...” (Ngày 28 tháng 12)



Tuy tập nhật ký chưa được in thành sách, chưa được tuyên truyền, phổ biến mạnh như “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” và “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc nhưng việc tìm ra tập nhật ký cũng như công bố trên Báo Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh cũng đã là một sự kiện và những giá trị vô song tập nhật kí để lại chính là sự tiếp lửa, tiếp dòng máu yêu nước nồng nàn, xả thân vì dân tộc cho các thế hệ trẻ hôm nay.



Chiến tranh đã qua đi, bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì nền hòa bình độc lập, bao người đi mãi không về. Những gì các liệt sĩ để lại cho chúng ta hôm nay, chính là những giá trị lịch sử, là bài học sâu sắc cho mỗi người noi theo trong thời đại chúng ta đang thực hiện con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ của hội nhập, toàn cầu hóa. 


Xin được học tập theo triết lý sống của liệt sỹ Vũ nơi mưa bom, lửa đạn cho cuộc sống hôm nay “Hãy vui lên sống trọn những ngày mà đời cảm thấy buồn nhất. Dù những ngày ấy là chuỗi thời gian dài dằng dặc, âm thầm chậm chạp trôi đi...”./.

Hạ Long – Hà Nội, tháng Hai năm 2006


Nguyễn Văn Học

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

NGƯỜI BỐN LẦN ĐƯỢC LÀM LỄ TRUY ĐIỆU SỐNG

Mấy lời viết trong tháng 7 năm 2011:
7 năm trước tôi có cơ hội được lênh đênh hàng tuần lễ tại làng chài Cửa Vạn Vịnh Hạ Long. Và cũng 7 năm trước tôi có may mắn được uống trà, rượu và chuyện trò với ông Nguyễn Tài Lộc – một người lính tham gia tàu không số, đã 4 lần được làm lễ truy điệu sống ngay tại vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Với duyên cớ ấy mà tôi đã viết bài này, rồi đăng báo và …lấy nhuân bút. Sau này, Hội VHNT Quảng Ninh còn in bài này vào tập sách “Hành quân qua vùng Đông Bắc”.


Sau 7 năm, bây giờ, người lính ấy vẫn sống tại làng chài Cửa Vạn, vẫn nghèo khổ và vẫn tận trung với cách mạng. Và, đáng nói hơn cả là sau 7 năm thì người lãnh đạo hứa hẹn với ông Tài Lộc ấy vẫn còn đương chức (nghe nói tháng 11/2011 về hưu), nhưng người còn đấy mà lời hẹn thì đã bay xa. Ông Tài Lộc chẳng bao giờ được nhận sự hỗ trợ từ lời hứa của vị quan chức ấy. Âu cũng là sự đời. Miệng quan mà. 


Bây giờ thì chủ đề biển đảo được người ta quan tâm, ưu ái hơn thời gian trước, nguyên do gì thì ai cũng biết. Có lẽ vì thế mà “phong trào” báo chí ào ạt ghi chép, kể lẻ, ca ngợi, gợi nhớ… về những người lính Trường Sa, người lính tàu không số năm  xưa có tần xuất bài viết tăng lên một cách bất ngờ (không khéo lạm phát cũng nên). 


Ừ thì các cụ bảo “chó sủa theo đàn”, mình tuy không theo nhưng hôm nay bỗng nghĩ đến ông Tài Lộc mà chỉ biết thương và kính trọng ông ấy chứ không làm gì hơn được. Thôi thì post lại bài mình đã viết về ông ấy, như một kỉ niệm đẹp.



NGƯỜI BỐN LẦN ĐƯỢC LÀM LỄ TRUY ĐIỆU SỐNG

Đã nghe nhiu, đc nhiu bài báo viết v ông, nhưng chưa mt lần được gp. Trong chuyến  công tác ln này, chúng tôi đt điu kin: Vic làm đu tiên là tìm đến con tàu đánh cá, soi mc có s hiu 42 đ được gp ông, người chiến sĩ kiên cường trên đường mòn H Chí Minh trên bin năm xưa mà nhiu người gi là “ông 42”.  Mt người lính đã “gác súng đ cm mái chèo” đang ngày đêm ngân  vang nhng bài ca gi cá vào gia lòng mt Di sn thế gii mang tên Vnh  H Long 


Nếu đi tàu từ đất liền ra Cửa Vạn, có nhanh chúng tôi cũng phải mất đến 2 tiếng đồng hồ. Trước mặt chúng tôi là những dãy núi lô xô, lúc quần tụ, lúc rải rác  như mọc lên từ mặt biển xanh trong, ẩn khuất trong đó là những ngôi nhà nổi của cư dân làng chài Cửa Vạn ngôi làng có từ ngàn đời nay. Với 582 khẩu, 122 hộ người dân làng chài Cửa Vạn cũng sống  kiên trì, dũng cảm chống chọi với biển khơi như người chiến sĩ kiên cường trên biển năm xưa: Nguyễn Tài Lộc. 

Ông 42 là cái tên mà người ta đặt cho ông để nhớ chuyến tàu không số có số hiệu 42. Nguyễn Tài Lộc, một cựu chiến binh có nhiều công lao với cách mạng và là người điển hình trong những người tham gia kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân thôn Cửa Vạn, thành phố Hạ Long.

Ông Trưởng thôn Cửa Vạn - Nguyễn Văn Quang nói với chúng tôi: Ở thôn này, ai mà chẳng biết cái ông Tài Lộc 42 ấy. Hôm nay các anh ra là gặp may đấy. Ông ấy đang có nhà. Sáng mai sẽ lên đất liền  đi lên đà cho con tàu 42 cũ kĩ...” Trên một con đò (người dân nơi đây gọi là chèo bơi), ông Nguyễn Văn Cải- Đội trưởng Đội dân quân tự vệ thôn  khoan thai mái chèo chở chúng tôi đến tàu số 42 của ông Lộc. Trong câu chuyện với chúng tôi trên con tàu 42, bên chén nước chè Vân (còn gọi là chè Bản Sen, một loại chè được trồng từ đảo Bản Sen – Vịnh Hạ Long) ông Tài Lộc vui vẻ tiếp chúng tôi và trong sự hồi tưởng, nhớ về một thời, lẫn trong cái hăng say của con người bình dị, nhiệt tình, ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ thời chiến tranh đẫm máu đến câu chuyện gia đình ông.

Với dáng vẻ của người vất vả, mái tóc cứng đơ, vuốt ngược, làn da sạm màu nắng biển, lẫn tiếng nói oang oang của người lính chiến, chúng tôi bị cuốn hút vào những câu chuyện, những kỉ niệm một thời của ông. Rằng…

Quê gốc của Nguyễn Tài Lộc ở Vụ Bản, Nam Định. Ông của Nguyễn Tài Lộc được đi học tử tế, năm 1945, vì đói kém nên đã xin ra Quảng Ninh làm phu mỏ. Vì cụ có hiểu biết Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật nên Sở La Bích (như Sở Du lịch ngày nay) tuyển dụng vào làm tiếp viên giao dịch (thông ngôn – phiên dịch) ở khu vực hang Bồ Nâu, hang Tây Chơi. Khu vực này thời Pháp thuộc có nhiều khách tới thăm. Hang Tây Chơi là tên gọi cũ của hang Sửng Sốt. Trước đây, vì có nhiều Tây đến thăm và ở đó nên dân quanh vùng gọi là hang Tây Chơi. Tình cờ, chẳng hẹn mà thành duyên, ông cụ lấy một người con gái làm nghề chài lưới quê gốc ở Cát Hải, Hải Phòng đang sinh sống ở khu vực Bồ Nâu.

Từ đó, đời cha đến đời Nguyễn Tài Lộc bắt đầu theo nghề đánh cá trên biển của bà cụ người Cát Hải. Năm 1964 ông Lộc được gọi tuyển nghĩa vụ quân sự. Ngày 2/2/1964 nhập ngũ, sau khi huấn luyện ở Tiên Yên, ông được vào đoàn tàu không số Binh chủng Hải quân.

Cuộc đời chinh chiến của một ngư dân làng chài bắt đầu từ đây. Phải nói rằng, giữa lúc cuộc chiến tranh đang ác liệt, con người đang đứng trước sự sống và cái chết thì ông đã không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến độc lập dân tộc, cơm áo, hạnh phúc cho nhân dân... Người chiến sĩ ra trận mà lòng phơi phới, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “đường đánh giặc mới là đường đẹp nhất’...  

Năm ấy, Quảng Ninh chỉ có 3 người được tuyển vào đoàn tàu không số. Ngoài Nguyễn Tài Lộc ra còn 2 người khác là Lưu Quang Phú, Nguyễn Văn Khoa.

Ngày 5/8/1964, ông cùng đồng đội 16 chiến sĩ nhận chuyến tàu 400 tấn vũ khí đầu tiên trên tàu 42 thuộc đoàn 125  Đoàn tàu không số, do thuyền trưởng Nguyễn Tấn Đạt chỉ huy chở vào Ràm Sông Cầu (Bến Tre) cùng. Sau 102 ngày lênh đênh trên biển, cập bến an toàn. Chuyến thứ hai, vào tháng 10 năm 1964 đoàn tàu không số do thuyền trưởng Đỗ Tấn Út chỉ huy chở vũ khí vào Cà Mau. Đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Lúc trở về, vì nhiều lí do, không về Việt Nam ngay mà cập bến vào đảo Hải Nam. Chuyến thứ ba, chở vũ khí vào vào Sóc Trăng. Lần này, đoàn Bị tàu khu trục Mĩ phát hiện, theo dõi.

 Sau 1 tháng, thuyền trưởng điện về Bộ Tư lệnh xin ý kiến và được lệnh về Hải Nam. Chuyến thứ tư, cũng là chuyến cuối cùng, vào ngày mùng 1 Tết năm 1967, nhận 400 tấn vũ khí chở vào Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Khi tàu đến bờ biển Quảng Ngãi bị phát hiện. Các chiến sĩ trên tàu được lệnh chiến đấu đến cùng đế bảo vệ tàu. Cuối cùng toàn đội được lệnh rời tàu, và cho toàn bộ 400 tấn vũ khí nổ tung, kiên quyết không để rơi vào tay địch.

 Nguyễn Tài Lộc bơi 4 km vào bờ, dính bom địch và bị thương ở mặt. Sau đó, ông được gửi ra bắc điều trị. Tháng 10/1970 Nguyễn Tài Lộc xuất ngũ, về quê hương. Cũng sau chuyến cuối cùng ấy, Nguyễn Tài Lộc được vinh dự đứng vào hàng ngũ những người của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Bốn lần Nguyễn Tài Lộc chở vũ khí vào Nam là 4 lần được đồng đội tổ chức Lễ truy điệu sống. Địa điểm làm lễ truy điệu: 2 lần tại cửa hang Sửng Sốt, 1 lần tại Cửa Đông, Vịnh Hạ Long và 1 lần ở Trung Quốc.

 Lễ truy điệu sống diễn ra ở trên boong tàu. Trước khi giao nhiệm vụ, có các đồng chí từ Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân xuống. Sau khi nhận nhiệm vụ từ các đồng chí lãnh đạo, buổi lễ được diễn ra theo nghi thức long trọng. 12 đồng chí lên đường vào Nam xếp thẳng hàng trên boong, nghe đồng chí cấp trên đọc Lễ truy điệu  “Không may, trên đường gặp địch, các đồng chí hãy chiến đấu hết mình”.

Cả đội nghiêm trang nhìn lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, với tinh thần quyết đánh thắng giắc Mĩ, ‘quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sau lời đọc đó, cả đội liên hoan và lên đường.

Bốn chuyến tàu đi như vậy, thời gian có chuyến chỉ có 25 ngày, nhưng có chuyến mất 3 tháng lênh đênh trên biển. Đoàn tàu không số của đoàn ông Tài Lộc đi có đặc điểm không một đồ dùng, phương tiện gì có số. Trên tàu có treo cờ của Nhật Bản và có người phiên dịch tiếng Nhật Bản nếu khi gặp đối phương. Tàu không số chủ yếu lấy vũ khí, lương thực  từ Đồ Sơn (Hải Phòng), đi qua Vịnh Hạ Long, Trung Quốc, Phi líp pin, Cà Mau, vào Bến Tre. Tại hang Bồ Nâu, đã có tàu của đơn vị khác chở lương thực, vũ khí để sẵn ở đó, tàu không số chỉ việc đến nhận.

 Trong đơn vị, (Mỗi chuyến đi, chỉ có khoảng 12 đến 17 đồng chí) chủ yếu là các chiến sĩ người Nam Bộ. Điểm xuất phát ở trên Vịnh Hạ Long gồm có 2 điểm: Khu vực cửa hang Bồ Nâu - Sửng Sốt và Cửa Đông (Vịnh Hạ Long ).

Tàu không số thay đổi theo từng thời kì. Đầu tiên dùng tàu gỗ, sau dùng tàu Quảng Châu, rồi sau nữa dùng tàu cao tốc, tàu phá ngư lôi… Trước khi trúng tuyển vào đoàn tàu không số, Nguyễn Tài Lộc đã là một người thanh niên yêu nước, là người trong Đoàn Thanh niên Lao động, nắm được Điều lệ Đảng, biết được nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do, hiểu được người thanh niên lúc đó phải làm gì đối với Tổ quốc. Lúc đó, người được trúng tuyển vào tàu không số rất vinh dự. Vinh dự là được bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân và bảo vệ cả quê hương, làng xóm, gia đình.

 Sau khi ra khỏi quân ngũ, Nguyễn Tài Lộc lại trở về với làng chài Cửa Vạn và xây dựng gia đình năm 1973, lại trở về với cuộc sống đánh bắt cá tôm, hòa vui chung cùng biển cả, cùng xóm giềng, anh em. Nguyễn Tài Lộc tham gia xây dựng đội dân quân tự vệ biển ở Cửa Vạn. Hiện là Trung đội phó dân quân. Cuộc sống phục viên hết sức khó khăn. Ông không còn giữ tài liệu gì về bản thân nên chưa được hưởng những chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.

Năm 2000,  một lần, đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân và quân khu III ra công tác tại làng chài Cửa Vạn. Đoàn hỏi thăm và đã nhận ra Nguyễn Tài Lộc. Anh em đồng chí chiến hữu năm xưa gặp nhau mừng mừng, tủi tủi.

Bây giờ thì mỗi người một ngả, một cuộc đời… Họ nhắc ông đi làm chế độ, mặt khác gửi cho ông những giấy tờ có liên quan để ông sớm được hưởng chế độ chính cách của Nhà Nước.

Ngày 5/7/2000, Ban chính sách Cục chính trị Bộ tư lệnh Hải quân gửi cho Nguyễn Tài Lộc giấy chứng nhận chưa được hưởng Huân, Huy chương tham gia chống Mĩ cứu nước số 30/CS do thượng tá Nguyễn Thái Hòa kí. Đến năm 2001, Nguyễn Tài Lộc nhận được Huy chương chiến sĩ vẻ vang và Kỉ niệm chương về đoàn tàu không số của lữ đoàn 125 cấp ngày 14/10/2001 do Chuẩn Đô đốc Đỗ Xuân Công kí. Song, vì nhiều điều kiện, lí do mà Nguyễn Tài Lộc vẫn chưa được hưởng chính sách…

Hiện nay, cuộc sống của Nguyễn Tài Lộc vẫn lênh đênh cùng với người bạn đời Nguyễn Thị Vân trên  con tàu 42 do vay mượn mới có được. Mua con tàu, phải nợ hơn 20 triệu đồng. Sau đó còn phải sửa chữa mất hơn 10 triệu đồng nữa.

Nâng chén trà sóng sánh, Nguyễn Tài Lộc nói với chúng tôi... “Cuộc sống còn vất vả lắm. Bây giờ nghỉ làm ngày nào là thiếu thốn ngày ấy, tôi không còn thời gian để làm thủ tục giấy tờ. Năm nay, tôi đã  ngoài 60,  Nhà nước có nghĩ đến tôi thì tôi được nhờ, không, tôi đành chịu. Tôi đã xác định, đóng góp của mình cho dân, cho  nước chẳng là bao. Được đem công sức nhỏ bé phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc là hạnh phúc, mãn nguyện rồi. …”.

 Tất nhiên, ông Lộc cũng cho chúng tôi biết: Có đại diện một cơ quan quản lí Vịnh Hạ Long hứa sẽ giúp đỡ ông Lộc nhân lực và vật lực để ông sớm có nhà bè để sinh sống. Tôi cũng mừng cho ông. {Tuy nhiên, đến nay , đã 7 năm, ông Nguyễn Tài Lôc vẫn không nhận được gì từ đại diện cơ quan quản lý vịnh ấy, dù người lãnh đạo ấy vần đương chức và vẫn thường đi lại qua Cửa Vạn – Buồn thay lời hứa miệng quan}

 Khi chia tay ông, bên ngoài trời đã xế chiều. Mặt trời khuất dần sau dãy  núi. Khói mây không biết từ đâu cứ tràn về khắp làng chài. Ông Lộc bảo, thời tiết sắp thay đổi. Ngày mai trời sẽ lạnh. Tôi thì nghĩ khác. Thời tiết có thể theo tứ mùa tuần hoàn, xuân - hạ - thu - đông, hết nắng rồi mưa... nhưng với ông Lộc, thì mong cho “trời mỗi ngày lại sáng’... Giấc mơ làm một căn nhà nổi của ông sớm thành hiện thực.

Bao năm chinh chiến, đối mặt với cái chết, bao năm sinh tử cùng biển khơi, người dân chài, người cựu chiến binh Nguyễn Tài Lộc chỉ mong làm được một chiếc bè để ở. Ước mơ chỉ giản dị vậy thôi mà khó thành hiện thực.

 Một cuộc đời binh nghiệp, một cuộc đời nghèo, cái giá trị nhân văn mà Nguyễn Tài Lộc để đọng lại  trong chúng tôi chính là những bài học về lòng yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, bài học về sự cần lao, giản dị và sống hết mình. Ông chính là một nhân chứng chiến tranh, một tấm gương để ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Cuộc chiến tranh đã qua đi, những giá trị, chân lí đã được chứng minh. Trong cái đời thường hôm nay, ẩn chứa bao điều kì diệu. Điều kì diệu có từ quá khứ, đi đến tương lai.

Đến đây, tôi lại nhớ đến bài “Đường Hồ Chí Minh trên biển, sáng tạo kì diệu của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam” trên Báo Nhân Dân, ngày 22/10/2001 đồng thời trích lại một phần xin được coi là lời kết của bài viết: “Trên con đường đó (đường Hồ Chí Minh trên biển) biết bao cán bộ, chiến sĩ  đã nằm lại biển sâu. Những người còn sống sau chiến tranh lại trở về với gia đình, quê hương, khiêm nhường sống và lao động giữa xóm làng, phố phường, kênh rạch, núi đồi... Hôm qua, họ chấp nhận vô danh vì nhiệm vụ phải đảm bảo bí mật. Hôm nay, thậm chí họ cũng vô danh lẫn mình trong sự bất tận của cuộc sống thường ngày.  Nhưng họ  không bao giờ vô danh trong lòng đồng chí đồng bào trong sử vàng dân tộc.”

Tháng 2 năm 2004
 Nguyễn Học


Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Lách tách với cà phê vỉa hè

Thực đơn chỉ là cà phê nóng, cà phê đá, điếu thuốc… song cà phê vỉa hè là một nét văn hóa ẩm thực nhẹ nhàng, khiêm tốn với ngàn vạn triết lý.

Người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung, có truyền thống uống trà từ ngàn đời. Văn hóa “trà đạo” ấy được nhà văn Nguyễn 
Tuân đưa lên thành tuyệt đỉnh trong tác phẩm “Vang bóng một thời” của ông. Ngày nay, cùng với văn hóa trà, người Hà Nội còn có một nét văn hóa nữa cũng đẹp không kém là văn hóa uống cà phê, mà tiêu biểu là “cà phê vỉa hè”.

Cây cà phê được người Pháp đưa vào Việt Nam khoảng từ 1850, ban đầu được trồng ở một số tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Ninh Bình. Sau, cây cà phê thực sự “bén duyên” và nảy nở ở khu vực Tây Nguyên – nóc nhà của Đông Dương cho đến ngày nay. Cũng từ đây, hương vị thơm lừng của cà phê Việt Nam bắt đầu lan tỏa trên mảnh đất dải hình chữ S, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau…

Với mảnh đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội, cùng với nét “văn hóa trà”, văn hóa thưởng thức cà phê cũng bắt đầu du nhập và hội nhập như một sự tình cờ và rất có duyên, hợp tình hợp cảnh.
Đi dọc các con phố của Hà Nội, từ khu phố cổ 36 phố phường tới các con phố mới sau này như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Triệu Quang Phục… chỗ nào ta cũng có thể ghé vào một quán cà phê sang trọng với nhiều thương hiệu: Trung Nguyên, Highland, Mê Trang…

Nhưng đáng nói nhất ở Hà Nội là những quán cà phê vỉa hè!

Gọi là cà phê vỉa hè không có nghĩa là chất lượng cà phê ở đây thấp, phong cách phục vụ kém, văn hóa ẩm thực của thực khách ở đây tồi. Cà phê vỉa hè là một “đặc sản” văn hóa của Hà Nội, được khai sinh và phát triển hoà nhập với văn hóa thưởng trà vốn đã có từ lâu của thành phố ngàn năm văn hiến này.
Cà phê vỉa hè là những quán nhỏ trên những vỉa hè sạch thoáng bên hồ, trong phố cổ, trên những con đường tỏa rợp bóng mát, mùa hè đỏ rực ánh phượng, mùa thu thơm ngát mùi hoa sữa, đìu hiu nhè nhẹ cơn gió từ sông Hồng thổi về. Người sành cà phê Hà Nội hẳn không thể quên những cái tên quán vỉa hè như cà phê Nguyễn Du, cà phê Thọ, cà phê Thái Phiên…
Người khách đến thưởng thức cà phê vỉa hè để có không gian ngồi nhâm nhi ly cà phê đăng đắng, ngòn ngọt, bùi bùi, thơm thơm để ngắm dòng đời cuộn chảy với bao người qua lại trên đường; để nghe những âm thanh quen thuộc của cuộc sống từ tiếng ý ới, tiếng động cơ xe máy, tiếng rao bán tào phớ, xôi, chè… đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ như từng nhịp đập, hơi thở của cuộc sống.

Cũng có người đến ngồi thưởng thức từng giọt cà phê, nghe lách tách cà phê rơi trong ly để đếm thời gian trôi đi như khúc tưởng niệm, để rồi viết những khúc ca trữ tình, sâu lắng. Nhưng có những người đến cà phê vỉa hè để được nghe những cuộc trò chuyện, những câu chuyện “chém gió” của các bạn hữu xung quanh mà biết thêm những thông tin mới, những lẽ sống ở đời. 

Cái đặc tính thích quan sát xung quanh chẳng riêng gì những người thưởng cà phê, mà có ở hầu như những người Việt - vốn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước từ mấy nghìn năm. Cho nên, cà phê vỉa hè không hẳn là cà phê bình dân, mà là một phong cách cà phê không phân biệt khách hàng cao - thấp, không phân biệt sang – hèn. Đến với cà phê vỉa hè là đến với một nét văn hóa ẩm thực nhẹ nhàng và khiêm tốn, không lòe loẹt, không phù phiếm, chứa đầy sự chân thành và đồng cảm. 

Tất cả thực khách đến thưởng thức cà phê là theo cái sở nguyện, theo cái “gu” thưởng thức, chia sẻ. Nhiều khi, “cà phê” và “vỉa hè” cũng là một cái cớ để họ ngồi chia sẻ, bàn chuyện, tâm sự hay bình luận về các vấn đề quan tâm. Câu chuyện của họ thường là những chuyện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao dàn trải từ trong nước ra khắp các lục địa; đôi khi là bàn những câu chuyện làm ăn nhanh chóng, gọn nhẹ và cũng rất… công nghiệp. 

Cà phê vỉa hè vô tình hay hữu ý trở thành nơi tâm giao của biết bao người. Điều này lí giải vì sao những quán cà phê vỉa hè – tuy là vỉa hè đấy nhưng không và chẳng bao giờ xảy ra những chuyện cãi vã, to tiếng với nhau, khác hẳn với một số quán nhậu, quán bar, sàn nhảy vẫn hay có hiện tượng này. 

Chẳng phải thế mà những quán cà phê vỉa hè chỉ có những chiếc ghế nhựa hay ghế gỗ nho nhỏ; thực đơn chỉ có cà phê nóng, cà phê đá, một vài chiếc kẹo lạc, vài điếu thuốc thơm…. Dù thực khách là ai, doanh nhân thành đạt, Việt kiều, quan chức hay người lao động tay chân, người công nhân, người đánh giày cũng đều có vị trí và thực đơn như thế cả. Tất cả đều bình đẳng và tôn trọng khách hàng.

Và cái nét văn hóa ẩm thực ở xứ này chỉ thế thôi cũng đã là ấn tượng lắm rồi, chứ không cần đến những nhà hàng sang trọng, tốn tiền đắt đỏ. 

Có phải thế chăng mà Giáo sư Trần Quốc Vượng - vị giáo sư đầu ngành của Văn hóa học Việt Nam, đồng thời cũng là vị giáo sư “bụi” nhất của Việt Nam thường hay lê la quán xá, cà phê vỉa hè để ông lắng nghe nhưng tiếng nói “tâm thức dân gian”, rồi từ đó mà suy ngẫm, viết ra các trang sách về văn hóa rất tài hoa và sắc sảo cho hậu thế? 

Văn hóa cà phê đã đi vào cuộc sống một cách bình dị và tự nhiên đến mức, mỗi khi gặp bạn hiền, bằng hữu hay đối tác, người ta đều bắt đầu bằng một câu cửa miệng: Cà phê nhé!/.
Người Hà Nội dùng cà phê thường là pha đặc chứ không pha loãng như ở khu vực Miền Trung, Miền Nam. Có lẽ phong cách uống cà phê đặc do đặc điểm khí hậu vùng miền, một phần do thói quen truyền thống uống trà đặc mà có. Hiếm thấy người miền Bắc chính cống nào mà lại dùng cà phê nhạt.  Điều đó một phần tạo nên tính cách mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng rất biết kiềm chế trong tâm tính của họ. 

Về hình thức, Cà phê vỉa hè chỉ có ở những con phố có vỉa hè. Cà phê vỉa hè cũng chủ yếu phát triển ở thành phố lớn như Hà Nội. Nhưng văn hóa cà phê vỉa hè chỉ có ở những nơi có văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại đã hòa trộn vào nhau cùng với những chủ thể văn hóa là những con người biết thưởng thức cà phê, nhân thức những giá trị chân thực và đẹp đẽ của cuộc đời.
Ngày nay, tuy chưa có nhà văn nào viết được những tác phẩm để nâng giá trị văn hóa và phê nói chung, cà phê vỉa hè nói riêng thành một thứ “đạo” như nhà văn Nguyễn Tuân đã làm với trà, song đối với người dân Hà Nội, trong tâm thức họ văn hóa cà phê có lẽ đã là một thứ “đạo” rồi.
Muốn tìm cái “Đạo” ấy, có thể bắt đầu từ cà phê vỉa hè.

 2011-Nguyễn Học


Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Bạn cũ, tư tưởng & bài viết

Trong lần trước đã có dịp nói về sự kết bạn của một đất nước nào đó muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, mình cũng đã nghĩ rằng, mình không thể chơi với tất cả được vì nhà không có điều kiện. 

Một câu chuyện nữa về bạn lại đến. Chính xác hơn là một thông tin của bạn với mình. 

Chả là nhờ sự hăng hái nhiệt tình của đồng chí Cán bộ lớp cũ hồi học ở mái trường mang tên Ô hợp {chủ yếu được học những kiến thức trên trời để nói chuyện với người trên trời} bỗng nhiên lớp K42V của mình sẽ họp vào 2 ngày cuối tuần này. 

Thôi thì sau 10 năm ra trường, cũng cần họp mặt nhau lại tý để xem tình hình các đồng chí ra khỏi mái trường Ô hợp đấy sống-chiến đấu-học tập-làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại có kết quả thế nào. Cũng là 1 dịp để cùng nhau ăn chơi nhảy múa...

Nói chung, họp lớp là hoạt động cần thiết và đầy ý nghĩa lịch sử cách mạng họp lớp.

Cũng vì họp lớp mà đồng chí cán bộ lớp cũ có alo bảo ngoài cái việc gửi Thông tin cá nhân thì nếu có bài vở gì thì gửi kèm (chắc là làm 1 cái tập Kỉ yếu (chứ không Kỉ mềm) để phát cho mỗi đồng chí một phát. Đồng chí cựu cán bộ mẫn cán ấy cũng lập ra 1 cái email riêng để cùng trao đổi thông tin. 

Trân trọng ý kiến đó, mình cũng làm 1 phát bài tới 5 trang A4 gửi vào mail chung ấy.
Thực ra bài này viết đã 1 năm và đã cho đăng trên 1 diễn đàn mà nhiều cán bộ văn hóa không thích là: http://www.talawas.org, nội dung bài viết chả có gì mới.

Cái mới nhất và bất ngờ nhất là tối nay, sau khi đã gửi bài đi được khoảng vài tiếng, mình nhận được 1 email của đồng chí nam cùng lớp và cũng khá thân thiết trong cái ngày ngồi mài đít quần, chơi  là chính, học hành chữ nghĩa là phụ . Đồng chí ấy viết ngắn gọn học tập theo văn phong của Bác Hồ, dễ đọc, dễ hiểu đại khái thế này: 

- Mày (tức chỉ mình) vẫn cay độc như thế à? Sao phải khổ thế?

Câu hỏi mang 2 thông điệp: Sự nghi vấn về sự cay độc (theo suy nghĩ ông bạn này) của mình đã có từ trước nên có từ "vẫn". Thông điệp thứ 2 là 1 lời khuyên: Không nên như thế, hãy làm khác đi để sung sướng (trái với khổ) hơn. Còn nếu cứ như thế là khổ. 

Chả biết mình nghĩ có đúng không?

 Mình cảm ơn những ý kiến "trung ngôn nghịch nhĩ" như thế này.

Bây giờ, mình không bình luận là ý kiến đó đúng hay sai, nhưng thử đưa ra một mệnh đề: 

Cứ tạm cho là ý kiến thông điệp của bạn mình là đúng đi, tức là nếu mình viết, nghĩ, có tư tưởng như thế là cay độc và tự mình làm khổ mình. 


 Nếu vậy mình phải làm sao đây?

Làm khác, nghĩ khác chăng? Điều chỉnh, uốn nắn chỉnh huấn như hồi cải cách ruộng đất đã chỉnh huấn chăng?  

Hay là chả viết, chả nghĩ gì nữa? 

Hay là viết những gì khác với mình nghĩ để thuận theo ý người khác? 
Và còn rất nhiều những đường hướng khác...

Khó đây. Trong cái cuộc đời này, cái khó nhất chính là cái tư tưởng. Vì tư tưởng chính là nền tảng vững chắc của văn hóa.  Chỉnh huấn lại tư tưởng là mình phải chỉnh huấn lại cái thẩm mỹ, văn hóa vốn "dở hơi" của mình. Tuy nhiên, mình khó xác định đường lối chỉnh huấn, theo cái gì đây> Hệ thẩm mĩ nào đây? 
Khó kinh. 

Trong khi để tìm một phương hướng ấy, thằng con zai mình nó khóc nhè. Ờ, con mình là con mình, mình đã sinh ra nó thì mình yêu thương, chăm sóc nuôi nấng, dù có thể không ngon zai bằng con đồng chí khác. Với bài viết kia của mình, mình đã viết ra nó và công bố rồi, có sao thì việc đã rồi, nó vẫn là của mình. Các đồng chí có ý kiến thì mình vẫn "luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu" cơ mà. 

Vậy thì có sao đâu nhỉ. Con mình vẫn là con mình. 

Đọc lại, mình vẫn cố tìm hiểu xem bài viết ấy nó cay độc ở chỗ nào, mình khổ thế nào. Tóm lại là: Bạn vẫn là bạn, mình vẫn là mình, bài viết thì cứ tạm thời thế đã.

Trong khi chờ cái định hướng tư tưởng mình quyết định sẽ post lại cái bài ấy để tự sướng, dù cái bài này cũng đã post trên cái blog Khi nông dân ra phố này rồi. 
Cái bài ấy nó là đây: 
.....................................................


GIA TRUNG HỮU BẢO

 
Khi Tổ chức New7worlders tổ chức bình chọn những kỳ quan thế giới mới, các nhà quản lý văn hóa và những chủ nhân của di sản Vịnh Hạ Long cũng ra sức tuyên truyền để tham gia cuộc bình chọn này. Kết quả và ý nghĩa của cuộc tham gia này đến đâu xin không bàn luận, mà ở đây, chúng tôi chỉ xin khẳng định lại, từ lâu, không chỉ tổ tiên, cha ông chúng ta mà cả khách nước ngoài cũng đã khẳng định Hạ Long là một kỳ quan rồi.


Từ những ngày Vịnh Hạ Long còn hoang sơ, cổ tích, tổ tiên của chúng ta cũng như­ khách n­ước ngoài, đều đã nhận và cảm Cái Đẹp vô song của một vùng biển đảo, vị trí, ý nghĩa chiến l­ược của vùng Vịnh với muôn hòn đảo trập trùng trên sóng nước mang tên Hạ Long.

Chúng ta bắt đầu từ Nguyễn Trãi, đỉnh cao của văn học Việt Nam Trung đại cũng như lịch sử văn học Việt Nam các thời kỳ.

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà thơ lớn, anh hùng cứu quốc, danh nhân văn hóa của thế giới. Chẳng biết cuộc đời của ông bôn ba, chìm nổi thế nào mà ông lại đ­ược đến phụ trách ở vùng biển đảo này trong quãng đời phục vụ triều Lê của ông, từ đó, một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp vùng đảo kỳ thú xuất hiện:

Lộ nhập Vân Đồn san phục san/ Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan/ Nhất bàn lam bích trừng minh kính/ Vạn hộc nha thanh đóa thuý hoàn/ Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc/ Phong ba bất động thiết tâm can/ Vọng trung ngạn thảo thê thê lục/ Đào thị Phiên nhân trú bạc loan.”
Dịch là: “Đ­ường đến Vân Đồn lắm núi sao/ Kì quan đất dựng giữa trời cao/ Một vùng biếc sẫm g­ương lồng bóng/ Muôn hộc xanh om tóc m­ượt màu/ Non biển gạn trong tay vũ trụ/ Tim gan chẳng núng sức ba đào/ Trông bờ cây cỏ rờn rờn lục/ Nghe đấy ng­ời Phiên vụng đỗ tàu.” (Theo Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB KHXH, H.1976, trang 312, 322).

Xin hãy đọc tiếp nhận định d­ưới đây: “…Hình như­ Nguyễn Trãi là nhà thơ đầu tiên viết về phong cảnh nên thơ của Vân Đồn, nhà thơ đầu tiên nói về ‘kỳ quan” Hạ Long, và trước ông cũng ch­ưa có nhà thơ nào viết về 1 hải cảng quốc tế của ta…” (Địa chí Quảng Ninh, tập 3, trang 248).
Có lẽ, giá trị nhất và cái quý nhất ở đây chính là chữ Kỳ quan. Nguyễn Trãi đi nhiều và viết nhiều, như­ng khộng phải danh thắng nào ông cũng gọi là Kỳ quan. Vùng Vân Đồn phải là hấp dẫn lắm, thú vị lắm…  hay có gì ấn t­ượng lắm tới mức để cho thi nhân phải thốt lên như­ thế… thì quả là trác tuyệt, đẹp lắm rồi. Năm 1914, một ng­ười Pháp là Leon Haute Feuille đến Hạ Long cũng viết “Tôi sẽ rất hài lòng nếu nh­ư ngư­ời ta nhận ra từ điều tôi thẩm định đơn giản là: Vịnh Hạ Long xếp vào thứ bậc của những kỳ quan thế giới”. Cho nên, câu thơ trên của thi hào Nguyễn Trãi như­ có tính dự báo. Chẳng phải thế mà sau đó mấy trăm năm, cũng cái vùng ‘đất dựng giữa trời cao” đ­ược công nhận là Di sản thiên nhiên của thế giới? Hạ Long đ­ược du khách coi là kỳ quan thứ 8 của nhân loại đó sao?

Năm 1924, trên tạp chí Nam Phong, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến có bài “Chơi Vịnh Hạ Long” đã miêu tả khá t­ường tận cảnh đẹp của vùng một vùng đá n­ước kết duyên này. Đặc biệt, lần đầu tiên, chúng ta thấy cảnh đẹp hang Đầu Gỗ đã đ­ược tả chi tiết qua cái nhìn của một nhà Nho – thi nhân, nhà nghiên cứu. Bằng lối viết văn rất Tây, rất hiện đại của những năm đầu thế kỷ 20, ngôn ngữ tác giả Nguyễn Hữu Tiến, đã đạt đến mức hoàn hảo, trong sáng và cô đọng.

“Ngày 20 tháng 4 năm 1924, tôi (tức Nguyễn Hữu Tiến) cùng với mấy ông bạn là: ông Ngô Vi Liễn, Ngô Vi Lan, Đỗ Đình Đắc, cùng ra chơi Vịnh Hạ Long. (…) Trong khi đêm khuya, bóng trăng khi mờ khi tỏ, mấy anh em bảo nhau đem r­ượu ra để thư­ởng ngoạn cái cảnh đêm ở trên mặt bể, trông ra d­ưới bóng trăng suông thấy các ngọn núi đá chập chồng vòng quanh, n­ước thủy trào (triều) khi lên khi xuống, không biết rằng thuyền đã đi đ­ược bao nhiêu đ­ường đất, mà ta đã v­ượt qua đ­ược mấy vạn trùng non nước rồi! Chỉ thấy tên lái đò trỏ bảo rằng: Kia là đò Lá, cống M­ương, kia là bãi cát Trư­ơng Mò, kia là Hòn Một, kia là Bẩy Giếng, về phía trư­ớc kia là cặp Bìm Bìm, ông Lã Vọng. Lại quá ra nữa là ông Thầy Tiêu, bà Thanh Lảnh. Đó đều là những tên kênh, tên núi, mà ngư­ời mình trông thấy cái hình trạng nó như­ thế nào thì đặt ngay tên nôm nó như­ thế, kể ra thiên hình vạn trạng sao cho xiết đ­ược… (…) Chừng hồi 7h sáng, ngày 21 tàu đến hang Đầu Gỗ. Tới nới mới biết đây chính là Cửa Lục.(…) Đỗng (động) này cũng rộng, khả dung đến nghìn ngư­ời, tạo tác tự nhiên, trạm trổ như­ vẽ, nh­ưng vị tất đã phải là đỗng này. Đỗng này cũng rộng, vào có từng ngăn, đá mọc trông như­ có cột trụ, chạm trổ nhấp nhoáng, có vô số nhũ đá rủ xuống hình như­ miếng khánh, lại có từng bậc đá ở trên trông như­ hình sàn gác, cũng là một cái đỗng thiên tạo tự nhiên tuyệt xảo. Tự d­ưới chân núi b­ước lên non một trăm bậc, rồi mới vào cửa hang, rộng hơn đỗng chùa H­ương nhiều…”

Đặc biệt, nếu chúng ta đọc lại bài viết của tác giả trứ danh cùng thời với Phạm Quỳnh là Nguyễn Văn Vĩnh trong bài ‘Động H­ương Tích” thì thấy cái nhìn của ngư­ời xư­a cũng thật tinh t­ường, khách quan và thẳng thắn. Bởi, có lẽ, vào cái thời gian những năm đầu thế kỷ 20, có ai dám nói Nam thiên đệ nhất động (động đẹp nhất trời Nam) không phải là Động Hư­ơng Tích mà danh hiệu đó dành cho hang động ở Cửa Lục (Hạ Long), thì xin thư­a, ng­ười đó chính là Nguyễn Văn Vĩnh.

Đây là đoạn ông viết cảm nhận của mình tr­ước nét đẹp của động Hư­ơng Tích (Hà Tây): “…Sau cổng có một mảng đá phẳng, đẽo vào s­ườn hang, trên có khắc năm chữ ‘Nam thiên đệ nhất động” của đức Minh Mệnh đề (…). Ý hẳn khi ấy, Ngài ch­ưa ngự các núi Cửa Lục bao giờ, cho nên H­ương Sơn Ngài đã cho làm đệ nhất thắng cảnh” (Việt văn độc bản, lớp 11, Bộ Giáo dục Trung tâm học liệu, Xuân Thiều, Trần Trọng San, 1971. Trang 191).

Trong đoạn này, tr­ước hết, tạm thừa nhận việc tác giả Nguyễn Văn Vĩnh ghi dòng chữ ‘Nam Thiên đệ nhất động” là của đức Minh Mệnh là vì thời đó, ngư­ời ta ch­ưa chứng minh chính xác đ­ược tác giả là ai, nên mới tạm ghi là Minh Mệnh. Bây giờ, các nhà sử học đã chứng minh, đó không phải của Ngài, mà là của Trịnh Sâm, cho khắc năm Canh Dần (1770). Hơn nữa, việc ghi nhận định so sánh của Nguyễn Văn Vĩnh ra đây, không phải để đánh giá, so sánh nơi nào đẹp hơn nơi nào, không phải coi Hạ Long đẹp hơn Hư­ơng Sơn hay ngư­ợc lại, mà nhấn mạnh rằng, vùng Hạ Long – Cửa Lục với những giá trị cảnh quan, vẻ đẹp của hang động, đã đ­ược Nguyễn Văn Vĩnh  cho rằng đây mới là Nam thiên đệ nhất động.

Cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tìm và giới thiệu với  độc giả 5 bài thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương [Xem sách Thiên tình sử Hồ Xuân H­ương. NXB Văn học. Hà Nội, 2002 (tái bản).]
Tuy nhiên, trư­ớc khi đến với thơ của nữ sĩ Xuân Hư­ơng, chúng ta cùng đọc những trang văn mềm mại, uyển chuyển của ông: “… Đặc biệt là huyện Hoa Phong, gồm các đảo trên Vịnh Hạ Long  ngày nay (…) có vô số núi lèn dựng trên mặt n­ước, bờ dựng đứng lên cao, chân bị sóng xoi mòn mà sâu hoắm, thành những hành lang kín mái nấp chung quanh núi. Đỉnh núi đá ghồ ghề, nhấp nhô, bày ra đủ mọi hình dáng: nào lâu đài, nào thầy tăng, nào dũng sĩ, nào con cóc, nào con mèo, nào con thuyền, nào chiếc đũa. Nhiều núi mang hang, động đ­ường hầm, vũng nư­ớc. Đảo tuy riêng rẽ, như­ng số rất lớn đến đồi trông xa t­ưởng liền thành rặng núi chắn ngang. Nếu trời mư­a phùn, hay hơi mù, thì đảo càng xa, trông càng mờ, khiến các đảo lại trở thành riêng rẽ ra thành nhiều từng lớp. Nếu lại thêm bóng xế mặt trời chiều xuống, thì cảnh t­ượng lại càng tuyệt mục. Ban ngày, khi trời nắng sắc nước rất xanh, trông xa lẫn với sắc trời. Ban tối, d­ưới bóng trăng bạc thì sắc trời, ánh nước mờ nhạt sau bóng đá đen. D­ới mái chèo vẫy nư­ớc, thì lại hiện ra cảnh tư­ợng lân tinh n­ước tóe ra nh­ư sao băng…” (sách Thiên tình sử… Trang 181-182).

Cũng qua tập sách này, tác giả đưa ra một số lời đánh giá, ca ngợi Vịnh Hạ Long của 2 ng­ười n­ước ngoài cũng thật thú vị và như­ có ma lực lôi cuốn.

Đây là cảm nhận của một ngư­ời Trung Quốc: “Mùa đông năm Khang Hy thứ 27 (1688) tôi ngẫu nhiên có việc ở Cao Lư­ơng thuộc Quảng Đông. Tôi lấy thuyền đi tắt cho chóng. Không dè bị dạt gió vào ở mép nước An Nam gọi là châu Vạn Ninh (…) Hoa Phong là những hòn đảo. Nhìn tứ phía đều là núi, nhỏn nhon chập chồng. Trăm vạn hình dáng từ đáy bể chỗi vọt lên. Tuyệt nhiên không cát đất, lùm cây, đám cỏ. Chỉ có cây tùng lạ, cây bách cỗi, hình dáng li kì mọc xen kẽ đá bày gân lộ cốt mới v­ợt lên đư­ợc. Ngắm thấy hình hoặc như­ trăm thú vật, như­ dũng sĩ mang áo giáp mũ trụ đang ngồi hoặc như­ đám mây hè, đỉnh mang lửa, đang vụt chỗi lên. Hoặc khi xa thì thấy vậy mà khi lại gần mà không thấy vậy. Hoặc khi khi nhìn thẳng tr­ước thì như­ vậy mà khi nhìn bên nghiêng thì khác vậy. Trong chớp mắt, gió mây biến đổi ảo trạng không chừng…” (Trích Tiểu phư­ơng Hồ trai D­ư địa Tùng sao, tập 3, trang 1159) [sách Thiên tình sử.. Trang 182-183.]
Và đây nữa, cái nhìn của một ng­ười phư­ơng Tây viết Vịnh Hạ Long vào lúc hoàng hôn, cảnh vật trở nên tĩnh lặng, yên ả, gợi chút lo âu như­ ng­ời lính bị lạc trận: “Lúc mặt trời gần lặn thì nh­ư có một hỏa hoạn bùng lên và cảnh trí hỗn độn vĩ đại kia trở thành một khung cảnh tuồng khổng lồ giàn ở tiên giới, vào lúc cực thịnh tr­ước khi đóng màn. Những cảnh sắc để ấn t­ượng sâu hơn là khi ngắm cảnh d­ưới bóng trăng trong, lúc những chim, sinh vật độc nhất ở đây đã ngủ. Cảnh t­ượng trở nên ma thần mộng ảo khi con thuyền len lỏi vào giữa những kiến trúc thất thực của các đảo: lâu đài phòng ngự xây trên cồn đá lem nhem (phải chăng là đảo Ngọc Vừng có đồn Tĩnh Hải được xây dựng từ thời Nguyễn Công Trứ, hiện vẫn còn dấu tích trên đảo?- TG chú) đại từ đường khổng lồ, cột bia ngạo nghễ nghiêng thân sắp đổ đè mình”(J. Auvray, theo Guide Madrolle – Indochine du Nord 1939, trang 54. Trích nguyên văn trang 184, sách Thiên tình sử… của Hoàng Xuân Hãn).

Trở lại với 5 bài thơ chữ Hán về Vịnh Hạ Long của nữ  sĩ Xuân H­ương, riêng bài “Qua vũng Hoa Phong” đã đ­ược giới thiệu nhiều, xin không nhắc lại. Chúng tôi xin trích dẫn  những dòng thơ viết về phong cảnh Vịnh Hạ Long. Ở bài “Trỗi tiếng ca chèo”, biển trời, non n­ước Hạ Long như­ một bức tranh thủy mặc. Đừng tư­ởng Hồ Xuân Hương chỉ có nổi tiếng bởi thơ Nôm, thơ bà chỉ thiên về tình cảm, tình yêu, phê phán xã hội, chọc ngoáy xã hội vì những sự bất công, tệ bạc đối với phụ nữ của xã hội chuyên chế Phương Đông. Bên cạnh đó, còn có  một Hồ Xuân Hương với những vần thơ về non sông đất nư­ớc. Điều này thể hiện qua vần thơ chữ Hán sau của Bà:
Long lanh bốn phía rủ màn mây/ N­ước phẳng lô nhô măng mọc dày/ Mới biết nguồn Đào ngăn cửa đá/ Nào ngờ Bến Cá có đồn xây/ Mặc cho họ Tạ xem đâu hết/ Dẫu có chàng Lâm vẽ chẳng tày/ Xa ngóng chân trời non lẫn nư­ớc/ Bỗng nghe chèo hát trỗi đâu đây” (Chú thích: Tạ Linh Liên thích đi chơi xem non n­ước. Ngọc Vân thích vẽ cảnh non n­ước) (Hoàng Xuân Hãn dịch). Nhìn những ngọn núi nhấp nhô trên mặt biển mà gọi là “măng”, nữ sĩ đã đ­ưa cả cái hình ảnh đồng quê Việt Nam, cái hình ảnh gần gũi thân thuộc, đáng yêu thay cho núi đá rắn rỏi quả thực, hình ảnh đã đư­ợc “mềm hóa” đi mà vẫn giữ đ­ược vẻ đẹp vốn có…

Bài thơ “Phỏng diễn ra trận văn” lại không tả cảnh, mà là một cái nhìn có tầm quân sự chiến l­ược đối với vùng biển đảo như­ lũy giăng để chặn quân thù. “Giữa duềnh thủng thẳng phẩy chèo lan,/ Sát núi càng hay, cảnh lặng nhàn./ Mây cuốn bày ra lèn cứng cỏi,/ Núi cao ngửng ngóng đỉnh toan ngoan./ Bằng Di chống cột  e trời đổ,/ Long Nữ thêm nêu sợ bể tràn./ Dấu ngựa Thủy Hoàng ch­ưa đến đó/ Trời dành để giữ đất ng­ời Nam.” (Hoàng Xuân Hãn dịch).

Tr­ước cảnh núi non, biển trời hùng vĩ, t­ươi đẹp, không chỉ có thi hứng, cảm nhận về cái đẹp, cái hùng vĩ, mà nữ sĩ lại liên t­ưởng, nghĩ đến t­ương lai, vận mệnh đất nước, bảo vệ bờ cõi linh thiêng của dân tộc. Hai câu cuối “Dấu ngựa Thủy Hoàng ch­ưa đến đó/ Trời dành để giữ đất ng­ười Nam” học giả Hoàng Xuân Hãn có một phát hiện quý giá, câu thơ có ý gần giống với ý trong bài “Núi Chiếc đũa” của Hoàng đế Lê Thánh Tông: “Trời còn dành để An Nam m­ượn/ Vạch chước bình Ngô mãi mới vừa.” Những tư­ tư­ởng lớn thường gặp nhau ở chỗ đó. Đứng trư­ớc núi non, biển trời Hạ Long hùng vĩ này, mà nghĩ rằng, đó là đ­ược trời cho để bảo vệ độc lập dân tộc vẹn toàn lãnh thổ, vì sự bình yên cho muôn dân thì Lê Thánh Tông – vị Hoàng đế anh minh thời Lê, thế kỷ 15 khôn ngoan, sắc sảo đã gặp  Hồ Xuân Hư­ơng – một nữ sĩ tài sắc và cũng ngang ngạnh… sinh sống tận thế kỷ 19. Kỳ diệu thay! Thế kỉ 20, trước những biến động và tình hình đầy phức tạp về biển đảo như hiện nay, đọc lại những câu thơ trên thật xúc động và cũng thấy… “cảm hoài”.

Đến đây, bỗng nhớ lại bài “Cư trần lạc đạo” của Trúc Lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc san (xôn?) hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Tạm được dịch nghĩa là:
Ở đời vui với hãy tuỳ duyên
Đói cứ ăn, mệt cứ nghỉ
Trong nhà có vật báu, không phải đi tìm kiếm
Trước cảnh (mà) vô tâm, thì đừng nói chuyện thiền./.

Hà Nội, ngày đầu năm 2010
© 2010 Nguyễn Học
© 2010 talawas