Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Lan man sách cũ (1)



Tôi có tính thích sách cũ, nhưng chỉ thích, chưa đến mức mê. Qúa nửa đời phiêu dạt, chưa trở về úp mặt vào dòng sông quê, nhưng nếu có ai hỏi, thế anh mê cái gì nhất, mình cũng chịu. Chắc chắn không mê sách cũ nhất, chỉ thích thôi. Lí do đơn giản là trong việc mua, xem sách cũ, mình có thể kiểm soát được mình, tự kiểm duyệt được mình.

Những cuốn sách cũ ở đây mình muốn nói tới, không phải là những cuốn sách in ở Miền Bắc XHCN tươi đẹp từ xưa tới nay, đó là những cuốn sách tuyệt vời, đỉnh cao, khỏi phải bàn cãi. Ở đây mình muốn bàn tới những cuốn sách cũ in ở Miền Nam từ trước 1975.

Cứ nói đến sách in trước 1975, nhiều người, trong đó có mình tự thấy khó nói và cảm thấy không an toàn, vì hơi nhạy cảm,  hơi đụng chạm.

Tuy nhiên, mình đã xem, đọc, ngắm, ngẫm, nghĩ, nghiên cứu những cuốn sách mà dân gian gọi tên chung là “đả ngụy” của bác Trần Trọng Đăng Đàn rồi, nên mình mới thấy yên tâm – mình đi đúng hướng cách mạng, không bị chệch, không bị thay đổi lập trường. 

Để đi vào dòng sách cũ in trước 1975 ở miền Nam (có thể là mua, có thể là đọc, có thể là chơi), theo ý kiến cá nhân, mỗi người nên tự phải đọc trước các tác phẩm của bác Trần Trọng Đăng ĐÀN, ví dụ như cuốn: VĂN HÓA VĂN NGHỆ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Miền Nam Việt Nam 1954-1975 do NXB Thông tin- NXB Long An ấn hành 1990.

Trong phần Lời giới thiệu của Bộ văn hóa có đoạn: “…mỗi thư viện, mỗi trường học, mỗi cơ quan thuộc các ngành văn hóa, văn nghệ, giáo dục, mỗi của hàng buôn bán sách và văn hóa phẩm, mỗi gia đình, mỗi người quan tâm đến đời sống văn hóa văn nghệ… nếu có tập sách này sẽ dễ dàng hơn trong việc biết được thư viện của mình, cơ quan mình, tủ sách gia đình mình có những sách gì là tốt, sách gì là xấu, sách nào bị cấm, sách nào được lưu hành, sách nào, văn hóa phẩm nào từ thời Mỹ ngụy còn lại cần được sử dụng theo phương pháp nào…”(Trang 7-8)

Đặc biệt hơn, trong cuốn sách này sẽ có chỉ dẫn cho mình biết các tác giả bị cấm toàn bộ và những tác phẩm bị cấm lưu hành theo Thông tri số 218/CT.75, ngày 20.8.1975 (sau 3 tháng ta giải phóng Miền Nam) về việc cấm lưu hành sách báo phản  động do Bộ trưởng Bộ  Thông tin văn hóa Lưu Hữu Phước kí.(được in ở cuối cuốn sách của bác Trần Trọng Đăng Đàn).

Trong đó, mục 4 – Các tác giả có sách bị cấm toàn bộ có tới hàng chục, không kể xiết, nhưng đáng quan tâm hơn cả là:
-         Bùi Gíang: Bài ca quần đảo, Đi vào cõi thưo, Lá hoa cồn, Mùa thu thi ca, Mưa nguồn, Tư tưởng hiện đại…
-         Nhã Ca: Bầy phượng vĩ khác thường, Bóng tối thời con gái, Chiến tranh trong thành phố, Chiều góa bụa, Giải khăn số cho Huế, Hiền như mực tím, Truyện đôi ta…
-         Phạm Công Thiện: Bay đi những cơn mưa phùn, Im lặng hố thẳm, Mặt trời không bao giờ có thực, Ngày sinh của rắn, Trời tháng Tư, Ý thức mới trong văn nghệ…
-         Phan Nhật Nam: Dấu binh lửa, Dọc đường số 1, Dựa lưng nỗi chết, Múa hè đỏ lửa, Tù binh và hòa bình…
-         Túy Hồng: Biển điên, Bướm khuya, Eo biển đa tình, Hơi thở rướn cong, Kinh thiên thu…
-         Võ Phiến: Bơ vơ, Trữ tình, Đất nước quê hương, Đêm xuân trăng sáng, Gĩa từ, Một mình, Thư nhà, Tạp luận…
-         Phạm Văn Sơn: Quân dân Việt Nam chống Tây xâm, Vĩ thuyến 17, Việt Nam chiến sử, Việt Nam tranh đấu sử, Việt sử tân biên….
-         V.v…



Cộng với danh mục của 562 cuốn sách bị cấm lưu hành nữa, nói thật, nếu mà để quán triệt tinh thân cách mạng, nhớ được hết thì cũng đã thành người tài rồi chứ chưa nói gì mà chơi sách, mua sách hay đọc những sách đó. 
Hình trên là Bộ sử của Phạm Văn Sơn, một bộ sách được xếp vào hàng "kịch độc". Tuy nhiên, ai sở hữu nó thì cũng đáng nể. (Hình lấy từ SX.N)


Vâng, theo như bác Trần Trọng Đăng Đàn và nhiều người khác như Lữ Phương, Trần Độ, Đỗ Đức Hiểu, Lê Đình Kỵ, Hà Xuân Trường v.v… thì những tác phẩm, tác giả trên đều là những “nọc độc”, những “tàn dư văn hóa” của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam – đó là những tàn dư vô cũng độc hại, nguy hiểm.

Quán triệt một cách sâu sắc theo những lời của các nhà nghiên cứu trên, mình một mặt sẽ quyết tâm ghi nhớ và nhận diện những “nọc độc” ấy!

Trở lại với cái sở thích của mình là thích sách cũ, mà sách cũ cả ở Miền Nam trước 1975. 

Ngày nay, trong không khí đổi mới, đối thoại và hội nhập của chúng ta, nhiều công dân được tự do buôn bán, trao đổi, lưu giữ các loại sách cũ.

Mình nhiều lúc muốn tò mò (cái tính tò mò đôi khi cũng dễ gặp nguy hiểm) nên muốn thử xem một vài “nọc độc” đó thế nào. Thấy bác Trần Trọng Đăng Đàn và nhiều nhà nghiên cứu khác nói nhiều rồi, muốn thử xem sao, đành tìm vào những chỗ bán sách cũ.

Nhưng đi khắp phố phường, vỉa hè, cũng không kiếm nổi cuốn “nọc độc” nào. Đơn giản vì không thấy bán. Chỉ một vài, rất ít nơi có nhưng giá lại cắt cổ.

Thường thì những dòng sách triết học, văn học, … trước 1975 in ở Miền Nam của các tác giả nói trên, cũng thường thấp nhất từ 200k (200 nghìn) 1 cuốn trở lên, lên đến bao nhiêu thì tùy. Thấy có lần bộ Sử của Phạm Văn Sơn bán tới 14 triệu.

Hãi!

Trong khi đó, chính những cuốn “đấu tranh” tư tưởng cách mạng, tiêu diệt “nọc độc” của đế quốc… ấy bây giờ lại rớt giá và sẽ không thể so với giá của các cuốn sách được coi là “nọc độc”. Chẳng hạn như cuốn  VĂN HÓA VĂN NGHỆ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Miền Nam Việt Nam 1954-1975 của bác Đàn nói trên, giá không quá 150k/cuốn, ấy là giá chát lắm rồi, chứ thường quán sách cũ chỉ khoảng 70 – 80k/cuốn.

Một cái thú vị nữa là hiện cũng có một số nhà sách đang có dự định tái bản một số cuốn của các tác giả sống và viết ở Miền Nam trước 1975 như Dương Nghiễm MẬU, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng... và độc giả cũng nồng nhiệt đón nhận.

Như vậy, có một hiện thực là những cái được coi là “nọc độc” lại được bán giá cao, thậm chí rất cao.
Tại sao vậy?  Đây là một vấn đề thuộc lịch sử-xã hội; lịch sử- văn hóa để lại, theo cái sở kiến đứng ở góc độ của lịch sử- thói quen ấy là cái sở thích đồ độc của dân ta. Cứ cái gì hiếm (độc) thì mua, cứ cái gì độc (hại) thì cũng mua. Tóm lại đó là đồ ĐỘC theo nhiều nghĩa.

Có lẽ, cái tầm thấp của mình và 1 cái tâm cũng xoàng của mình chỉ dừng lại chuyện sách cũ Sài Gòn trước 1975 ở góc độ …giá sách, chứ còn nội dung, phần này dành cho các nhà nghiên cứu can đảm.

Nói gì thì nói, nhìn giá sách của gia đình nào mà toàn những cuốn thuộc diện “ĐỘC” trên cũng đủ kính nể rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét