Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

TÂM SỰ CÙNG CHỊ HẰNG

Chị Hằng kính mến!
Trung thu năm nay, như mọi Trung thu khác, chị lại tròn vành vạnh, soi sáng khắp cõi nhân gian để cho trẻ thơ vui đùa dưới ánh trăng đầy huyền ảo và lừa dối của chị; chị tròn và đẹp đến nỗi mà cái ông thần đồng thơ (chỉ là thần đồng, không bao giờ thành thần sắt, thần bạc, thần vàng) Trần Đăng Khoa vết rằng: Trăng tròn như quả bóng/Bạn nào đá lên trời.

Nhờ ánh trăng của chị mà không ít văn nghệ sĩ đẻ ra cơ khối các loại thơ ca, truyện ngắn, bản nhạc...


Chị, cùng với chú Cuội kể ra cũng là đề tài hấp dẫn và muôn thuở cho thi ca nhạc họa đấy... 

Chị Hằng ạ!
Người vui sướng nhất ở cõi này có khi là chị. Vì chị chẳng phải lo nghĩ gì, chị chẳng có triết học, chẳng có ưu sầu, chẳng có văn thơ, chị không sáng tác, chị cũng không làm ruộng, chị cũng không làm lãnh đạo, chị cũng chẳng tham gia nhóm lợi ích nào. Buồn nhất cho chị là chị không tham gia Nhóm nào đấy...


Chị chỉ có suốt ngày vui chơi với chú Cuội. Mà đã nói đến Cuội thì... ôi thôi zồi...


Đã gọi là Cuội thì không hổ danh đâu. Cuội có nghề nghiệp ổn định hơn chị là đi chăn trâu, nghĩa là miếng cơm, manh áo của Cuội có nguồn gốc rõ ràng, chính đáng. Nói vậy, không phải là em nói xách mé chị nhàn cư vi bất thện, ăn không ngồi rồi, mà em biết, thời buổi bây giờ, hồng nhan bạc triệu, chị xinh đẹp như thế, ánh trăng cuả chị huyền ảo thế, dẫu chị chân không dài cũng có hàng tỉ đại gia cỡ Bầu Kiên trở lên.


Lại nói về Cuội. Thanh niên trai tráng như thế, mỗi cái việc chăn tâu, cắt cỏ, đầu óc thanh nhàn, sức khỏe vô địch, cái bản năng đàn ông của Cuội kinh hoàng như thế nào.
Trên cung trăng đầy sao, đầy gió, mộng mơ hơn cả Thiên đàng ấy, chỉ có 2 cá thể nữ là chị Hằng và Nam là chú Cuội....


Cuội ơi, nhất chú đấy. Người ta là da là thịt chứ có phải là sắt là đồng như nhà thơ Tố Hữu viết về anh hùng Lý thời chống MỸ đâu Cuội nhỉ! 


Dù rất ngưỡng mộ ánh trăng chị đem lại cho nhân loại, dù rất thông cảm với hoàn cảnh éo le giữa chị và chú Cuội, dù rất yêu quý chị, nhưng em thành thực mà nói rằng: chị vô trách nhiệm lắm. Ánh trăng của chị đôi khi cũng làm người ta cố quên đi những nỗi đau nhân tình, nỗi đau muôn kiếp ở cõi này đấy. 

Chị cứ ở trên mà hí hú với chú Cuội, chị đâu có ở dưới đất mà sợ vỡ đập như nhân dân huyện Trà My tỉnh Quảng NAM phấp phỏng lo sợ đập thủy điện Sông Tranh 2 vỡ như... đợi người iêu vậy...

Chị cứ ở trên cao mà vui thú, trà đạo với Cuội mà đâu có biết, có những nơi, ở hành tinh này người ta có độc lập mà không có dân chủ, có những nơi như hành tinh X, toàn những thứ dân chủ giả tạo....

Rồi còn có những nơi, người ta đang cố tình chạy theo những học thuyết, những triết lí mà cũng huyền ảo như ánh trăng của chị, cũng TRÊN TRời như chị ý...

Chị cứ mải mê với Cuội mà không giúp cho những xứ sở Thiên đường làm sao để xây những Bảo tàng hàng chục nghìn tỷ nhanh hơn, gọn hơn...

Mà nói thật nhé, ánh trăng của chị chỉ có mấy ông dở hơi thích thôi, chứ những bà con nông dân ở xứ em chẳng đoái hoài, vì chẳng giúp ích gì trong làm nông nghiệp cả. Sự nghiệp xây dựng Nông thôn mới chị có tham gia gì không? Chắc không rồi. ÁNH trăng của chị không làm được 19 tiêu chí, cũng không làm năng suất lúa tăng lên...

Thôi thì trẻ em nó iêu chị cũng là thành công rồi. Sợ nhất là khi trẻ con nó cũng quay lưng lại với chị. Lúc ấy thì chị Hằng có còn là chị Hằng nữa không nhỉ? 

Nhắn nhủ chị, trẻ con vẫn còn iêu chị lắm, cho nên đến Tết Trung Thu, đề nghị chị hãy tha cho chú CUỘI một đêm để chị dành thời gian cho các cháu, để biết các cháu sống thế nào, các cháu được học hành thế nào, các cháu nghĩ về chị thế nào.... kẻo chị lại mang tiếng quan liêu, duy í chí.

Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Em biết chị giàu lòng vị tha nên em cứ mạnh dạn tâm sự với chị mấy dòng...
Chúc chị và chú CUỘI luôn mạnh khỏe, đoàn kết và hạnh phúc.

Người viết thư: Nguyễn Học

CẢM XÚC KHÔNG ĐỀ



Hà Nội đã bước vào "những năm 2 nghìn", nhưng trẻ em vẫn còn ăn xin, bà già, ông già ngồi trong công viên toàn bàn tán chuyện bức xúc xã hội, cầu Long Biên nhịp mất nhịp còn, nham nhở như khuôn mặt phụ nữ bị vết cào, xé sau một vụ đánh ghen;

Hà Nội "những năm 2 nghìn" nhiều đại gia vừa hôm trước được báo, đài tung hô thì hôm sau vào tù; nhiều quan chức hôm nay nói không ngày mai lại nói có, miệng lưỡi quan không được như trôn trẻ, cũng chẳng phải không xương mà là miệng lưỡi của những con quỷ biết hút máu người;

Hà Nội, năm 2012, người vẫn đông và đường vẫn tắc, mưa to đường vẫn lụt - thành sông, dẫu có bao nhiêu Dự án tỉ đô đổ vào thì vỉa hè, lòng đường vẫn cứ chôn xuống, đào lên thành điệp khúc như trời từ hạ sang thu, hết năm này sang năm khác vậy thôi.

Hà Nội, những năm 2 nghìn, dân khắp nơi đổ ùn ùn vè khiếu kiện, đủ các lí do, nhưng vẫn trên 70% là kiện về đất đai. Thế kỉ 21 rồi mà vẫn cứ đòi Dân cày có ruộng.

Sông Hồng "tiếng hát 4 nghìn năm" chỉ hát với Chế Lan Viên chứ còn hát với ai được nữa. Sông bây giờ đục mà không trong, dữ dằn như công tử nhà giàu hết thuốc (phiện), khi thì đổi màu đỏ như máu, khi thì cạn trơ đáy, trơ lòng... bạc phếch. Chẳng ai nghe được sông hát vì đời sông cũng chuyển sang tật nguyền mà kiếp người cũng ngập chìm trong những cơn lũ của tham nhũng, lạm phát, thất nghiệp, phá sản, cưỡng chế, v.v....

Có phải vì sông - con sông biểu trưng của nền văn minh lúa nước vốn rực rỡ trong lịch sử trở nên dữ dằn mà làm cho tính cách của một số người cũng mang tính dữ dằn?

Sông ơi, đời có tội gì mà làm sông như thế? Sông hãy hát một lần như sông đã hát cho Chế Lan Viên nghe coi?

Hà Nội năm 2012, ai và ai có thể viết lên những vần thơ ca ngợi như Trần Tiến, Chế Lan Viên, hay chỉ có những tấm lòng biết cúi xuống để sẻ chia với những đau thương của kiếp người.
Hà Nội những năm 2000, thơ ít còn đất sống, có phải không?
Nguyen Hoc

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

CHỬI HAY




Có lẽ những người yêu văn, đọc văn và nghiên cứu văn học giai đoạn 1954-1975 (và sau đó 1 thời gian dài nữa) không ai lạ lẫm với những cây bút NỔI TIẾNG về "đả ngụy" và bảo vệ nền văn học cách mạng, văn học Mác xít như: Trần Trọng Đăng ĐÀN, Nam Mộc, Nhị Ca, Đỗ Đức Hiểu, Phong Lê, Tố Hữu, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức..
Những tác phẩm, công trình của học đã (và có lẽ vẫn đang) là cẩm nang (không dám khẳng định cho tất cả nhưng rất nhiều) cho những sinh viên trong mái trường ĐH ngành văn học và KHXH ngày nay, nhất là những ngôi trường có thương hiệu như ĐH KHXH &NV, ĐH Sư phạm . . .
Hôm nay dọn nhà, cũng tìm lại vô số những tác phẩm, công trình của các tác gia trên, có lẽ cũng ngót trăm cuốn. Mở ngoặc thêm, ai muốn thì tôi sẵn sàng cho mượn, nhiều cuốn sẽ tặng.

Những sự đặc sắc và uyên bác của các tác gia này, có lẽ không phải bình luận thêm, vì chính họ cũng khen nhau khá nhiều rồi, không cần hậu thế góp bàn.

Chỉ có điều, những dòng sách này có mấy nét mà độc giả trẻ ngày nay dễ nhận ra là:


1. Bất kì cuốn nào, phần Tài liệu tham khảo phải bắt đầu bằng các sách "kinh điển" của các cụ: Mác, Ăng ghel, Lênin, Gorki, HCM,...


2. Nội dung thì khỏi phải bàn, nhưng có mấy nội dung chính vẫn toát ra (không như toát mồ hôi) đó là: Tính Đảng trong văn học, Văn học hiện thực XHCN, Ca ngợi, anh hùng ca, sử thi.... đời sống của nhân dân và lãnh tụ.... Cuối cùng là CHỬI bọn ngụy quân, quỵ quyền cũng như văn học miền nam cũng thời.

Ở đây, tôi xin nói một chút về khâu CHỬI



Gọi là CHỬI thì có vẻ hơi ngoa và thiếu tính thẩm mĩ của văn học, nhưng có lẽ nên và cần dùng từ này để đảm bảo tính bình dân, dễ nhớ, dễ hiểu.



Tất nhiên, cái chửi ở đây là chửi bọn ngụy quân, ngụy quyền, văn học nô dịch miền nam trước 1975 tại Sài Gòn (có thêm chửi cả Nhân văn giai phẩm).


Bây giờ, để có đủ kiên nhẫn (khác với kiên trì) để đọc lại ngót trăm cuốn này, có lẽ không thể. Nhưng, để có ví dụ chứng minh cho điều nói ở trên, chúng tôi xin dẫn lại một đoạn tương đối dài của tác giả chưa phải đại diện là NAM MỘC trong cuốn LUYỆN THÊM CHẤT THÉP CHO NGÒI BÚT, NXB văn học 1978.
Hơn nữa, trong hoàn cảnh chúng ta đang bị bọn phương Bắc đè nén, hăm dọa, lăm le xâm lược, chúng ta cũng cần đọc lại cha ông, tiếp tục "luyện thêm chất thép cho ngòi bút" để sẵn sàng "chửi" bọn chúng khi cần.
Nông dân ra phố trân trọng giới thiệu:
...............................



ĐẢNG ĐEM LẠI TỰ DO CHÂN CHÍNH CHO SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT

(...)

Sự sáng tạo của Đảng là nhân tố quyết định sâu xa nhất giành lại độc lập, tự do của dân tộc, đem lại tự do chân chính cho sáng tạo nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho văn nghệ sĩ phát triển. Do đó, giới văn nghệ sĩ yêu nước và cách mạng đã có ý thức tự nguyện tự giác noi theo sự lãnh đạo của Đảng, toàn tâm toàn ý phục vụ lợi ích của nhân dân, phục vụ sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chính vì thế mà đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai tìm đủ mọi cách để gièm pha, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của văn nghệ. Đã từ lâu, kẻ thù của giai cấp và kẻ thù của dân tộc rêu rao rằng: Đảng cộng sản áp đặt chuyên chính vô sản, bắt buộc văn nghệ phải có tính đảng, phải phục tùng sự lãnh đạo của đảng, phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng: như vậy là Đảng tước hết mọi quyền tự do của văn nghệ sĩ "can thiệp thô bạo" vào lĩnh vực sáng tác "vi phạm tính loại biệt" của nghệ thuật, "san bằng cá tính sáng tạo".

Một số anh chị em văn nghệ sĩ có ít nhiều tinh thần dân tộc, nhưng còn mơ hồ về chính trị và tư tưởng, còn chịu ảnh hưởng của thế giới quan và mỹ học tư sản, đã có lúc hoang mang dao động không nhìn rõ sự thật, thậm chí có những lúc đã vướng mắc những luận điệu phản động trên đây.


Chẳng hạn, trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có những ý kiến lệch lạc tách rời nghệ thuật với tuyên truyền, phân đôi người nghệ sĩ và người công dân, đối lập tác dụng phục vụ kịp thời với giá trị lâu dài của tác phẩm nghệ thuật. Những năm đầu cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền bắc, bọn phản động "Nhân văn giai phẩm" tung ra những luận điệu ngoắc ngoặc kiểu con buôn "Văn nghệ và chính trị vỗ vai nhau, lợi dụng lẫn nhau, hai bên đều có lợi" (Phan Khôi); hoặc hò hét điên cuồng "Trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ" (Trần Dần).


Chúng hùa nhau kích động "Văn nghệ sĩ chân chính xưa nay đều chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền", "đều có chất men bất phục tùng và phản kháng" (Trương Tửu), không phân biệt chế độ chính trị của giai cấp vô sản và nhân dân lao động với chịnh của đế quốc và phong kiến, tư sản áp bức bóc lột nhân dân lao động.

Chúng nuôi dã tâm đả kích chuyên chính vô sản và dân chủ nhân dân, ngụy trang mưu đồ phục vụ cho bọn đế quốc và các giai cấp bóc lột đang bị chính quyền cách mạng đánh đuổi và trấn áp.
Bọn đế quốc và tay sai luôn luôn tung ra những con chủ bài "tự do tuyệt đối", "tự do vô điều kiện" cho cá tính sáng tạo, cho sáng tác văn nghệ.


Chúng tuyên truyền: trong "thế giới tự do" của chúng, hiến pháp công bố mọi quyền tự do dân chủ trong đó có tự do cá nhân, tự do báo chí, tự do sáng tác, tự do xuất bản.


Chúng nêu bằng chứng "tự do" ấy là: về chính trị thì có nhiều đảng, về nghệ thuật thì có nhiều trào lưu.


Sự thật thế nào?


Khẩu hiệu "Tự do, bình đẳng, bác ái" mà cách mạng tư sản Pháp 1789 nêu cao, chỉ còn là những dòng chữ chết.


Tượng thần Tự do ở Nữu ước, từ lâu rồi nhân dân tiến bộ Mỹ và thế giới coi như đã bị bọn tư sản lũng đoạn Mỹ chọc mù cả hai mắt.
Đế quốc Mỹ, tên sen đầm quốc tế gian ác nhất, nhân danh lãnh tụ "thế giới tự do" thường xuyên đi áp bức, bóc lột, xâm lược, đe dọa nhân dân khắp nơi trên thế giới, nâng đỡ bọn phát xít, bọn bành trướng, bọn phân biệt chủng tộc ở Bơ-ra-din, I-xra-en, Tây ban nha, Nam Phi, Nam Triều Tiên...

Ở trên đất nước Hoa Kỳ, chế độ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay phiên nhau cầm quyền, chẳng qua cũng là chế độ "kẻ cắp, bà già", đại lý cho các tập đoàn tư bản lũng đoạn, thi hành quốc sách bóc lột lợi nhuận tối đa, chiến lược toàn cầu ỷ vào sức mạnh quân sự: một chế độ dân chủ trá hình, dân chủ kiểu CIA, Oa-tơ-ghết - Lốc, hít thực chất là nền chuyên chính của một thiểu số giai cấp tư sản đế quốc tàn bạo nhất với hàng trăm triệu nhân dân lao động Mỹ - và nhiều dân tộc khác, một thứ chuyên chính mà ngay cả đa số Thượng Hạ nghị viện và các tên tổng thống cũng đều là những con bài trong canh bạc bịp của các thế lực tài phiệt và các công ty đa quốc gia.

Cứ nhìn vào các thành thị miền Nam dưới chế độ thực dân mới của Mỹ mới đây cũng thấy rõ được phần nào tính bịp bợm của chiêu bài "tự do".

Đó là một lãnh địa chính cống của thế giới "tự do".


Ở đây, ngay cả những quyền tự do tư sản sơ đẳng nhất ghi trên "hiến pháp quốc gia" cũng chỉ là những bánh vẽ, và trên thực tế bị đánh tráo bằng những đọa luật rừng hoang kiểu 007 bóp chết báo chí, xuất bản, đẩy ký giả, văn nghệ sĩ vào nhà tù hoặc ăn xin, chết đói.


Chỉ có tự do cho một nhúm tay sai Mỹ, tướng tá ác ôn, tư sản mại bản tha hồ tham nhũng, bóc lột, bắn giết nhân dân.


Còn trên hai mươi triệu nhân dân miền Nam chỉ có "tự do" sống lay lắt và chết bi thảm trong các nhà tù, các chuồng cọp, các ấp chiến lược, ấp tân sinh ken đầy những lớp kẽm gai, dưới tầm mắt cú vọ của những bầy lính kín, "phượng hoàng" chìm và nổi, trong tầm mắt của những đại liên và đại bác sẵn sàng khạc đạn.."


(...)
.....................................
Trích theo: Nam Mộc - Luyện thêm chất thép cho ngòi bút. NXB Văn học 1978. Bài: Đảng đem lại tự do chân chính cho sáng tạo nghệ thuật, từ trang 84 đến trang 87.

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Suy nghĩ miên man về tên đường

Hằng ngày đi qua những con đường mang tên: Thụy Khuê, Bưởi, Trúc Bạch, Trấn Võ, ...(những con đường mang tên theo ĐỊA DANH) thì gần như chẳng ai phải phàn nàn. Đơn giản là vì con đường mang tên địa danh nó chạy qua. Dẫu cho thể chế, chế độ, xã hội thay đổi đến mấy thì điạ danh vẫn thế. Thụy Khuê vẫn cứ là Thụy Khuê mà không có ai ý kiến, ý cọp, phàn nàn gì cho mất thời gian.

Rồi cũng lại hằng ngày đi qua nhưng con đường như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Lê Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt... thì cũng như đi qua những con đường mang tên theo địa danh ở trên, sẽ chẳng có ai phàn nàn gì. Cũng đơn giản là những người được đặt tên đó, là những văn hào, danh nhân văn hóa, những vị vua, những vị tướng nổi tiếng của dân tộc, họ được tôn thờ vì những chiến công, sự hi sinh anh dũng, và những đóng góp to lớn đối với đất nước (về bảo vệ độc lập, tự do, giữ yên bờ cõi, phát triển, bảo tồn văn hóa, xây dựng đất nước tường tồn....)

Rồi bỗng nhiên hôm nay đọc tin trên báo: Hà Nội sẽ có phố Đặng Thùy Trâm.Xem ở đây: (
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/584296/Ha-Noi-se-co-pho-Dang-Thuy-Tram-tpol.html)
 
Rồi mình tự nhắc mình rằng, nếu sau này, con mình hỏi mình: Bố ơi, tại sao lại có phố Đặng Thùy Trâm thì mình trả lời thế nào? 

Có thể, mình sẽ nói: Việc đặt tên đường là do UBND thành phố đặt, có gì mà phải hỏi.

Nhưng mình không thể trả lời con mình thế được. Nó chưa đủ tuổi và chưa đủ lí luận cách mạng, chưa có lí luận Mác - Lenin để tiếp nhận câu trả lời đó.

Thế thì nói sao đây? 

À, hỏi thăm anh Gúc gồ thì ra là bác Đặng Thùy Trâm ở đây: (http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_Th%C3%B9y_Tr%C3%A2m) là liệt sĩ hi sinh trong Kháng chiến chống Mỹ và có để lại một tập Nhật kí. {xem nguyên văn tại dưới}

Trả lời thế chắc thằng con zai mình nó yên tâm và cũng đã hiểu cơ bản rồi, nhưng (trộm vía), nếu nó lại hỏi: 
 
- Nhưng, có nhiều liệt sĩ khác cũng hi sinh trong kháng chiến, cũng để lại Nhật kí sao không đặt tên đường? 

Ừ nhỉ, trộm vía chứ nếu con mình mà hỏi câu này thì mình chết ngắc, không trả lời được.

Hỏi gì mà hỏi khó thế? 

Các liệt sĩ hi sinh máu xương cống hiến cuộc đời cho độc lập tự do dân tộc, ai cũng anh hùng, ai cũng vẻ vang, chứ người sống sao có thể thiên vị người nào?

Rồi ngày mai đây, mỗi khi dạo bước qua con đường mang tên ĐẶNG THÙY TRÂM đầy nắng và gió, rợp mát bóng cây và san sát những ngôi nhà cao tầng, chắc mình không khỏi băn khoăn về câu hỏi (dự đoán) kia mà trong lòng bối rối, trăn trở, không biết thế nào.

Sự hi sinh thì giống nhau, máu xương thì giống nhau mà sao, nhìn nhận, ghi công lại khác nhau đến thế.

Thôi, hẹn con zai dịp khác bố sẽ trả lời.

HN, 22/7/2012
Nguyễn Học 





Giới thiệu của Wiki về bác sĩ Đặng Thùy Trâm


Đng Thùy Trâm (sinh ngày 26 tháng 11 ti Huế, 1942– hy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970 ti Qung Ngãi) là mt n bác sĩ, lit sĩ trong chiến tranh Vit Nam, được Nhà nước Cng hòa Xã hi Ch nghĩa Vit Nam trao tng danh hiu Anh hùng lc lượng vũ trang nhân dân năm 2006.
Tiểu sử
Đặng Thùy Trâm sinh trưởng trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Đặng Thùy Trâm là chị cả của bốn em, cả chị và 3 em gái đều mang tên giống mẹ chỉ khác nhau tên đệm, cho nên bạn bè và người thân đều gọi Thùy Trâm là "Thùy".
Chị từng là cựu học sinh của Trường Chu Văn An, Hà Nội và là danh ca xuất sắc của trường Chu Văn An và Đại học Y Hà Nội. Bằng các ca khúc Bài ca hy vọng, Cây Thùy dương, Sullico...chị đã đoạt hàng chục huy chương trong các cuộc đua tài văn nghệ quần chúng thủ đô. Bên cạnh việc say mê học tập, luôn giúp đỡ bạn bè gặp khó khăn, Thùy Trâm còn tích cực tham gia câu lạc bộ thơ văn cùng khóa của trường Chu Văn An, gồm có các thành viên sau này trở thành các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, Vương Trí Nhàn...Chị và các anh bạn cùng lớp Lê Văn Kiếm, Hoàng Ngọc Kim, Dương Đức Niệm kết thành nhóm phấn đấu vào Đảng. Nối nghiệp gia đình, Thùy Trâm thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội chuyên khoa Mắt và được nhà trường cho tốt nghiệp sớm 1 năm để đi chiến trường.
Với kết quả học tập, thi tốt nghiệp loại ưu, bác sĩ trẻ Thùy Trâm có thể, hoặc nhận lời ở lại trường làm cán bộ giảng dạy hoặc nhận công tác tại một bệnh viên hoặc cơ quan nào đó ở ngay Hà Nội vì bố mẹ đều là cán bộ có uy tín, có nhiều quan hệ trong ngành Y tế. Nhưng vì có người yêu vào chiến trường trước mấy năm nên sau khi tốt nghiệp chị xung phong vào Nam ngay. Năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá nhỏ chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Chị được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1968.
Ngày 22 tháng 6 năm 1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề [1].
Hài cốt chị được nhân dân địa phương mai táng tại nơi hy sinh và luôn hương khói. Sau giải phóng, chị được đồng đội đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, gia đình đã đưa hài cốt chị về nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội.
Chị đồng thời là tác giả hai tập nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, 2 ngày trước khi hy sinh. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4, 2005. Sau đó được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành quyển sách mang tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Vinh danh
Chú thích
  1. ^ Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Vương Trí Nhàn
  2. ^ “Chủ tịch nước dự khánh thành bệnh xá Đặng Thùy Trâm”. VietNamNet. Truy cập 2 tháng 6 năm 2009.
  3. ^ “Phim ‘Đừng đốt’ sáng tinh thần Đặng Thùy Trâm”. VnExpress. Truy cập 2 tháng 6 năm 2009.
Theo: http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_Th%C3%B9y_Tr%C3%A2m

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Trong lịch sử, người Pháp đã đánh giá người Trung Hoa như thế nào?

Lời giới thiệu: Đây là một tư liệu được trích từ cuốn “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”. Quyển 1 tập 1. NXB Đà Nẵng – 2001. Cuốn sách này, như tên gọi của nó mục đích không phải giới thiệu những tư liệu của người Pháp nói về người Trung Hoa, mà nói về cụ Phan Châu Trinh. 

 Tuy nhiên, lí do mà chúng tôi (tức Nông dân ra phố) giới thiệu là trong một tư liệu cụ thể này, đã thể hiện rất rõ cách nhìn nhận và đánh giá của một Viện sĩ người Pháp đối với người Trung Hoa trong mối quan hệ với người An Nam cũng như Đông Dương. Hơn nữa, cũng phần nào hiểu thêm về con người Hoàng Cao Khải trong những nội dung trình bày của nhân vật còn nhiều ý kiến đánh giá này.

Trong tình hình ở Biển Đông, nước Trung Quốc hiện tại đang có những hành động gây hấn, âm mưu xâm lược biển đảo, xâm phạm vùng biển tài nguyên của Việt Nam; ở trong đất liền thì những công dân Trung Quốc liên tiếp có những hoạt động và hành động có tính gian dối, thủ đoạn, lũng đoạn thị trường như buôn bán nông sản với bà con nông dân với các chiêu ghìm giá, đẩy giá rồi chạy làng; rồi tại các phòng khám đa khoa Trung Quốc tại VN cũng có liên tiếp các vụ chết người, bác sĩ người Trung Quốc bỏ chạy,… khiến chúng ta không thể không nghĩ kĩ hơn về người Trung Hoa hiện tại cũng như trong lịch sử trong mối quan hệ với Việt Nam ta. 

Từ thực tế đó, đọc lại những gì mà viện sĩ De Brieux  viết trong cuốn Thăm Ấn Độ và Đông Dương mà chúng  tôi giới thiệu dưới đây thì thấy cái BẢN CHẤT CỐ HỮU của người Trung Quốc từ 1909 đến nay vẫn có những nét không thay đổi. Hành động, động cơ, âm mưu của họ trong một số lĩnh vực dù trong 1909 hay trong 2012 vẫn có nét tương đồng về bản chất, chỉ có khác về hiện tượng. 
Điều đó cho thấy, cảnh giác với người Trung Hoa trong bảo vệ tài nguyên, lãnh thổ,(cả về văn hóa nữa) là không thừa và cần kíp khẩn trương hơn bao giờ hết. 

Tôn trọng các tư liệu lịch sử và không quên những khó khăn của đất nước trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi xin được trích lại nguyên văn đoạn trích Thăm Ấn Độ và Đông Dương của Viện sĩ De Brieux  in trong cuốn sách trên.

 Nông dân ra phố xin trân trọng giới thiệu: 



Tài liệu 26
Lưu  CAOM –A947

VIỆN SĨ DE BRIEUX VIẾT VỀ CUỘC GẶP HOÀNG CAO KHẢI

(Trích “ Thăm Ấn Độ và Đông Dương”)

…”Ông Jules Roux quan ba bộ binh đã dịch và tôi đã có được một văn kiện của ông phó vương. Ông là thành viên của Hội đồng cao cấp Đông Dương có Huy chương Bắc đẩu Bội tinh.
Ông Phó vương trước tiên đặt nguyên tắc là hiện nay các dân tộc ở vào địa vị thấp kém hơn bắt buộc phải dựa vào những nước thuân lợi hơn. Ví dụ như nước Pháp ngày xưa đã bị La Mã đô hộ 400 năm nhờ đó mà văn minh lên… Và ông nói tiếp:

“Nước chúng tôi có sai lầm là không sớm mở cửa buôn bán với các vị ngay từ thời của Louis XIV có yêu cầu. Và năm 1858 đã chống nhưng không chống nổi để mất Nam Kỳ, năm 1884 đã chống đi đến phải chịu bảo hộ.

Đất nước đã sai lầm để cho cả dân tộc phải gánh chịu. Nhưng Pháp khong đến chiếm thì chắc chắn sẽ có cường quốc khác chiếm thôi”

Sau khi kể qua quá trình thiết lập chế độ cai trị, ông kể qua những ơn nghĩa của nước Pháp:
“Nhìn chung có nhiều việc lớn và có ích: như xây dựng các thành phố Saigon, Tourance, Hải Phòng… ngày xưa chỉ là những vũng lầy và cát trắng, bây giờ thành những thành phố lớn có tàu thuyền các nước đến buôn bán. Đó là những công trình vĩ đại.

Đường sá ngày xưa rất kém, đi chủ yếu là đi bộ và chir có đường quốc lộ. Đường thủy thì trước chỉ có thuyền bè, bây giờ có đủ tàu xuồng máy đi trên sông và biển, cả tàu vượt đại dương. Lại có đường sắt, có tàu điện. Ở trên bộ, dưới nước đều có phương tiện đi lại.

Ngày xưa con cái chúng tôi khi có dịch đậu mùa thì chết hàng loạt, dân ốm đau không có nhà thương chữa trị, bây giờ có chủng đậu thường kỳ. Các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng v.v… đều có nhà thương, người bệnh không có tiền cũng được đến chữa trị không mất tiền.

Chính phủ Bảo hộ đã lập ra một trường Y cho người An nam. Trong tương lai sẽ có nhiều người An nam làm nghề chữa trị cho người An nam, sẽ giảm bớt ốm đau, tăng thêm dân số.

Ngày sưa sản vật làm ra khó tiêu thụ và phải bán rẻ.

Bây giờ đường sá thông thương, có thể bán ra cả nước ngoài như lúa gạo, Nam Kỳ xuất 732.000 tấn/năm; Bắc Kỳ xuất 114.000 tấn/năm. Và còn nhiều nông sản, sản phẩm công nghiệp khác. Ngày càng tăng tiến trong sản xuất và buôn bán.

Không cần nói, ai cũng thấy nhờ Chính phủ Bảo hộ dân được một số lợi ích…”.

“Nhưng tuy vậy, do cách cai trị chưa tốt mà cho đến nay, Chính phủ Bảo hộ không chiếm được trái tim của mọi người.

Chúng tôi thấy có 3 nguyên nhân:
  1. Thuế má quá nặng
  2. Chọn lựa quan lại Nam không đủ tiêu chuẩn bảo đảm, nhiều người không xứng đáng với chức vụ của họ.
  3. Cố gắng của chính phủ trong mở mang trường học cho dân còn kém.

Tôi thấy dân Nam cần nhìn và dựa vào nước Pháp vì: 
Trong 5 năm qua, sau khi thấy Nhật thắng Nga, người ta có tư tưởng một dân tộc nhỏ có thể thắng một cường quốc to. Từ đó mà có những hội, những đảng hoạt động trong nước, đồng thời có những hội, những đảng hoạt động ngoài nước…

Nhưng có thể khẳng định là nếu dùng bạo loạn, nước Pháp sẽ thắng, kết quả sẽ không đến đâu cả.

Vấn đề cuối cùng nóng bỏng nhất là: Chúng tôi tự hỏi, một ngày kia có thể độc lập được không?

Đã có 2 cơ hội mà đã bị bỏ qua đi rồi…

Bây giờ có cơ hội thứ 3 không biết có hi vọng được không? Đó là vấn đề dựa hẳn vào nước Pháp để cải tạo nền giáo dục của mình và tiến bộ lên.

Nếu làm được như vậy, thì nhờ sự tiến bộ của mình, chúng tôi nghĩ là nước Pháp trước tiên sẽ cho chúng tôi quyền tự trị, chỉ giữ lại quyền đại diện chúng tôi ở bên ngoài với các nước mà thôi…

Chúng tôi sẽ được như Canada và Úc vậy…”

Ông De Brieux bình luận và kết luận:

“Tôi cho là tham vọng đó hoàn toàn chính đáng, đáng khen và cao thượng. Chúng ta phải yên trí là từ nay chính phủ Pháp sẽ trả lại quyền tự trị cho họ. Để họ tự cai quản một cách hoàn toàn độc lập.

Chúng ta không thể thờ ơ trước một sự biểu thị đẹp đẽ như vậy về lòng tin cậy. Chúng ta không thể đánh lừa hi vọng đó…

Vai trò mà vị Phó vương yêu cầu ta làm là hoàn toàn hợp với truyền thống, với tinh thần đại lượng và nghĩa vụ chúng ta trước nhân loại.

Hiểu như vậy thì công cuộc chiếm thuộc địa không còn mang tính chất hành động kẻ cướp nữa.

Nếu sức mạnh và sự cao đẳng cho phép một nước có quyền can thiệp bằng vũ lực vào số mệnh của một dân tộc khác  thì quyền đó sẽ đưa lại những nghĩa vụ không thể trốn tránh được để đáp lại. Nghĩa vụ đó là làm cho dân tộc bị trị những điều kiện sớm nhất để xứng đáng được độc lập.

Một hành động chính trị cao đẹp nhất là nói với người An nam”

“Chúng ta không phải là chủ mà là kẻ đỡ đầu của các người. Khi các người đủ mạnh về tinh thần để khỏi cần sự đỡ đầu đó, đủ mạnh để không trở thành miếng mồi, đủ giàu để không thể mất mặt với thiên hạ, thì chúng ta trả lại quyền cho các người, chúng ta không cầm tay dắt đi nữa mà, như người cha thấy con đủ sức đương đầu với cuộc sống, sẽ để cho con tự mình cai quản lấy mình, để cho con mình tự đi trên con đường mà chúng ta đã chỉ lối cho. Và chúng ta sẽ nhìn theo như cha nhìn con, anh nhìn em, tự hào về các người…

Chính do các người ự quyết định lấy ngày giải thoát. Nền tự do đã ở đó, các người phải giành lấy. Đây là trường học. Đó là những vũ khí cần thiết hiện nay. Hãy cầm lấy. Chúng ta mang đến cho các người và bày cho cách sử dụng. Đừng ham độc lập quá sớm. Nếu hôm nay thoát ngay khỏi sự giúp đỡ của chúng ta, các người sẽ rơi vào tay những tên chủ không đại lượng bằng. Hãy tin chúng ta và làm việc đi. Sẽ là một ngày vinh quang cho các người mà chúng ta có thể  thôi không coi các người là con trẻ mà là những người em…”

…Phải nghĩ và làm quen với ý nghĩ là dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng không thể mãi mãi giữ Đông Dương được.

Nếu chúng ta không trả cho người An nam thì có kẻ sẽ giành lấy.

Và kẻ đó chính là nước Trung Hoa.

Và ngày mà ở châu Âu chúng ta phải đương đầu với một cường quốc thì ngày đó người Trung Hoa sẽ nhẹ nhàng chiếm Đông Dương như người Ý năm 1870 đã chiếm lấy đất đai của Gíao hoàng. Nếu người Sài Gòn muốn chống lại thì với 100 nghìn người Trung Hoa ở chợ Lớn họ không cần súng ống cũng trị được. Ở đâu trên đất Đông Dương cũng vậy, cứ 1 người Pháp thì đã có 20 người Trung Hoa.

Và ngay người An nam, nếu ta không cảm hóa họ, cũng sẽ đưa tay ra đón những người Tàu mà họ gọi là “các chú”chưa quên những người đó đã là chủ cũ của nước này.

Nhưng Trung Quốc có cần xâm chiếm không? Đông Dương đã là của họ rồi. Chúng ta là chủ danh nghĩa, họ là chủ thật sự. Chúng ta đưa lính đến, họ đưa con buôn đến. Chúng ta mơ có thuộc địa để đến làm giàu, nhưng chính họ thực hiện giấc mơ đó. Chúng ta cai trị thuộc địa, họ khai thác nó.

Ta coi người nông dân An nam là xa lạ, họ quen biết, họ nói cùng tiếng nói, họ dùng tiền mua thốc lúa non, lúa già, mua trả sòng phẳng. Họ biết tính để cho người nông dân đủ sống để cày cuốc làm ra thóc gạo.

Thương nghiệp nằm trong tay họ. Họ tuồn thóc gạo cả xứ theo các kênh rạch về các hãng xay xát ở chợ Lớn và, bán gạo xong họ nhét tiền đầy túi, trở về xứ sở nằm nghỉ.

Sức mua bán của dân tộc này thật kỳ quặc. Trong một làng nghèo đói không mua bán gì, có một người Tàu đến, nhân làm  thuê vất vả… Chỉ 2 năm sau, y có một cửa hàng nhỏ, cả làng đều vay mượn y. Và những người Tàu khác sẽ đến theo.

Sự đoàn kết của họ ngoài sức tưởng tượng: trong cửa hàng, đến giờ ăn họ xúm lại quanh bàn, ở trần như nhau, không phân biệt chủ và người làm. Ăn xong là làm việc, kỷ luật ra trò. Họ biết chia nhau quyền lợi, không tranh chấp, đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ ở Rangoom họ quyết định không để cho ngời Tàu kéo xe, thế là không có người Tàu kéo xe. Thợ Tàu đến được dùng vào làm việc khác.

Họ không sợ khổ, không sợ chết. Họ chèo thuyền ra đánh cá trong lúc sóng to gió lớn…
Họ bất chấp toán học và vẫn tính toán đâu vào đấy. Họ thông minh và rất nhạy cảm với cái mới. Cái gì họ không mời nước ngoài đến làm là họ tính để tự làm. Quân lính họ sử dụng vũ khí thành thạo, hành quân cả sư đoàn…

Làm sao ta có thể bảo vệ Bắc Kì khi họ cảm thấy bị chật chội hay buôn bán khó khăn và đưa một quân đoàn vượt qua Lạng Sơn? Suốt dọc biên giới chúng ta không có hành lũy pháo đài nào để chống trả cả.

Với biển người của họ, ta làm sao chống được bằng máy tiểu đoàn? Nếu có thủy quân họ sẽ vào thẳng Nam kỳ, qua Cap Saint Jacques có khó hơn chút ít thôi. Chúng ta không có phòng thủ gì hết trên sông Sài Gòn…

Trong khi tính toán tất cả các vấn đề đó, chúng ta phải cố gắng đặt dấu ấn trên người An nam, càng sâu càng tốt để sẽ còn một cái gì đó của trí tuệ chúng ta tiếp tục được duy trì…”

(Theo: Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Kim): Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới. Quyển 1 tập 1. NXB Đà Nẵng – 2001. Từ trang 139 đến 145.)

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Khám phá hang động chưa được khai thác ở Vịnh Hạ Long

Năm 2006, trong một chuyến đi mạo hiểm và suýt bị chó cắn, tôi may mắn được khám phá hang động mới tìm thấy trên Vịnh Hạ Long lúc đó (mà cho tới năm nay - 2012, có thể khẳng định là rất ít người dám vào trong vì sự nguy hiểm của nó). Sau chuyến này, sau một bài tụng ca về người chủ đảo, tôi gọi là Robinson trong bài viết này (http://www.tienphong.vn/xa-hoi/34886/Nu-Robinson-tren-Vinh-Ha-Long.html) thì tôi về viết một bài theo phong cách của các cụ trên Nam Phong tạp chí ngày trước tạm gọi là thể loại du kí, có tên là "Bích Động Thủy - thêm một lần sửng sốt ở Vịnh Hạ Long". Nay, nhân lúc nhàn rỗi post lại đọc cho đỡ buồn: 


 
Y hẹn với Lương Kim Loan, người may mắn phát hiện và đặt tên cho hang động này, tôi đã sẵn sàng đèn pin, đèn măng – sông, máy ảnh, giầy ba-ta cho chuyến hành trình khám phá đầy thú vị trước mắt. Trước khi lên đường, bà Loan dặn: Phải can đảm mới vào hang được. Nguy hiểm lắm đấy. 

Bà Loan ra hòn đảo này làm dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc năm 1994 – khi đó, đảo Lờm Bò chỉ là một hoang đảo. Vào một buổi sáng, bà Loan, trên đường lên đỉnh núi, đi qua một vị trí bỗng thấy mát lạnh, gió lùa như máy điều hòa nhiệt độ. Nghi ngờ ở đây có hang động, bà Loan cùng con trai là Nguyễn An Lộc đã kiểm tra và… sững sờ trước một hang rộng đã có từ lâu trên đảo mà không hề biết. 

Tôi hỏi, vì sao bà lại đặt tên hang là Bích Động Thủy, bà bảo, động có nhiều nhũ đá như ngọc bích, lại có những dòng nước chảy bên trong. Chà, thật huyền ảo. Có cả âm dương, cả trời đất…

Từ chân đảo Lờm Bò, đi ngược lên phải mất hơn 400 mét dốc núi, qua những vườn vải, vườn cam xanh mướt, um tùm mới đến được lối vào động. Trời sau cơn mưa, đường còn trơn, chiếc giầy ba- ta bắt đầu dính đất. Lại tiếp tục trèo lên nhiều mỏm đá lởm chởm nữa mới thực sự bắt đầu bước xuống động. 

Lối vào động nhỏ xíu, chỉ vừa khe lọt cho người nhỏ nhắn lách qua. Lối xuống thăm thẳm, như đang trườn xuống vực. Đã vậy, lại không thẳng mà khúc khuỷu hình sin, dích dắc hình chữ chi. Nhiều lúc, không nhìn thấy đường xuống, cả lối đi một màu đen đặc. Tay trái, tay phải cố mà bám víu lấy một mỏm đá cho người khỏi rơi xuống. Chiếc đèn pin cầm theo đành… cho vào túi để đảm bảo an toàn. Cũng may, một người cháu của bà Loan đi cùng, vừa khỏe, vừa nhanh cầm vững ngọn đèn măng –sông soi đường cho tôi và bà Loan. 

Qua ba đoạn dích dắc, cuối cùng, chúng tôi cũng bước xuống Bích Động Thủy. Cảnh tượng hiện ra trước mắt làm tôi sững sờ. Một cảm giác khó tả. Không sung sướng như chinh phục đỉnh núi, cũng không hân hoan như người thắng cuộc, mà cảm giác vừa lạ lẫm, vừa ngạc nhiên đến sửng sốt trước sự tuyệt mĩ của tạo hóa.
Trong ánh đèn sáng xanh lét của chiếc đèn măng-sông, hiện ra trước chúng tôi là những măng đá nhỏ, mảnh như kim tuyến chọc thẳng lên trời. Trên trần hang là những nhũ đá tua tủa như rễ tre, chòi ra từ trần hang xuống. 
Kia nữa, cả một bức tường nhũ đá giống như bức phù điêu nghệ thuật của mấy anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu hay trường Mỹ thuật Công nghiệp vừa tạo xong. Cả bức phù điêu một màu trắng xóa. Đi quá đoạn nữa, những rễ cây si ngoằn nghèo đen nhánh như dây thừng, dây điện chạy ngang nền hang. Chúng phải to bằng dây điện cao thế. Dường như, cái rễ cây là sự kết nối giữa trời và đất ở chỗ này hay là những đường dây thông tin của thế giới hoa lá, cây cỏ, của đá, của núi của các vị thần linh mà chúng ta hay nói tới? Chẳng ai biết được. 

Những nhũ đá ngổn ngang dưới nền hang, như dấu hiệu của một sự chấn động địa chất trong hang động này. Không có cuộc chiến tranh nào ở đây cả, chỉ có sự chấn động của hiện tượng tự nhiên.

Diệu kỳ hơn, trong hang động này, các giọt nước mưa, nước chứa hợp chất canxi cácbonát từ trên trần hang vẫn tiếp tục nhỏ giọt, nhỏ giọt… Cái nhũ đá, măng đá vẫn tiếp tục hình thành. Bỗng có nhiều chấm trắng dưới nền hang, bà Loan khẽ chạm tay vào, rồi đột ngột rút tay ra. Bà nhận ra một điều: Hãy để cho thiên nhiên được nguyên vẹn, nước, đá được tự nhiên tình tự… 

Những khối dây thừng còn làm cho chúng tôi thêm sửng số. Ngạc nhiên chưa, khi những rễ si đã bị các giọt nước chảy từ trần hang, qua bao nhiêu năm tích tụ đã làm hóa thạch, hóa nhũ. Một dạng thạch nhũ chưa từng thấy ở trên Vịnh Hạ Long. Ruột là rễ si, vỏ là lớp thạch nhũ đông kết… Và cái rễ si kia lửng lơ, loằng ngoằng thế nào thì có những nhũ đá kiểu ấy… Đúng là một sự giao duyên hiếm thấy. 

Mải mê với tạo hóa của thiên nhiên, tôi chợt nhìn thấy mấy chú cua đá. Thật kỳ lạ, sống trong môi trường tối om mà màu sắc của mấy chú cua này cũng sặc sỡ, lộng lẫy vô cùng.

Đi sang ngăn tiếp theo, một khối đá có nhiều múi, tựa như quả khô cầu ao thôn quê, nhưng lại màu trắng sữa, thành từng chùm, từng chùm. Khẽ gõ vào từng múi đó thấy mỗi múi có một âm thanh khác nhau, tạo nên bản nhạc đá rộn ràng, thanh sắc, chẳng kém gì đàn đá ở Tây Nguyên. 

Bây giờ đến dòng sông trong lòng núi. Dưới chân chúng tôi là một dòng nước lượn lờ, uốn khúc, nước sâu đến đầu gối, trong veo, mát lạnh. Hết hồ này đến hồ khác dẫn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác… Nhìn sang góc hang chỗ này là một hồ nước có nhiều ngăn, các bờ ngăn thiên tạo mà như có chủ ý của con người vậy. Cũng bờ, cũng kè, cũng chạy lòng vòng như giữ nước trên ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số. Đi thêm một quãng nữa xuất hiện một ngăn thẳng trần hang vòm, không nhũ đá, cũng chẳng nhấp nhô. Một hình vòm rộng. Thẳng, ngay ngắn, tưởng như đang vào địa đạo Củ Chi hay là vào hầm dã chiến của chiến sĩ cách mạng năm xưa… 

Ngăn cuối của hang cũng không có sự hình thành nhũ đá nhưng cũng gợi biết bao liên tưởng với những hình tượng người: hình mẹ bồng con, hình ông cụ, hình thiếu nữ đang đợi chờ… mỗi hình mỗi vẻ nhưng đều tĩnh lặng, u hoài tưởng như đang đứng trước lăng tẩm xứ Huế… 

Điểm cuối hang, chúng tôi ngồi nghỉ và nhìn bao quát lần cuối trước khi ra ngoài. Ánh đèn măng-sông sáng cả góc hang. Nhìn đồng hồ, tôi mới nhận ra, hành trình đã mất hơn một tiếng đồng hồ. Chúng tôi cũng không ước lượng được, hang động này dài bao nhiêu, bởi sự kỳ thú của nó làm chúng tôi quên hết ý niệm không gian, thời gian rồi. 

Trên đường trở ra ngoài, tôi vô tình còn nhặt được mấy vỏ ốc mà không biết tên là gì, nước ngọt hay nước mặn. Chỉ biết chụp lại và chờ sự lý giải của các nhà khoa học…

Chúng tôi đón ánh mặt trời vào chính Ngọ. Trời nắng hửng sau cơn mưa, cây cối như xanh hơn và ai nấy trong đoàn chúng tôi đều thấy vui hơn. Vui vì đã khám phá được hang động còn ẩn giấu trong lòng núi giữa Vịnh Hạ Long điệp trùng núi, mênh mông nước…/.

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

VỊNH HẠ LONG- TƯ LIỆU CÒN LẠI, MỘT CHÚT CÒN LẠI

Năm 2003 khi còn công tác ở Ban quản lí Vịnh Hạ Long, tôi có viết một chuyên đề rất dài để làm tài liệu tham khảo cho các Hướng dẫn viên của Ban đồng thời cũng tham gia viết phần giới thiệu cá giá trị thẩm mĩ, văn hóa lịch sử, đa dạng sinh học... của Vịnh trên website lúc đó của Ban quản lí Vịnh là www.halong.org.vn  (tên miền đã thuộc về một công ty du lịch nào đó và đương nhiên nội dung đó của tôi đã bị xóa bỏ, vì Ban đã làm website mới)
Dẫu thế nào, với hơn 3 năm công tác ở cơ quan này, cũng như 3 năm dành nhiều thời gian để nghiên cứu về một vùng thiên nhiên kì thú, tôi cũng không khỏi bồi hồi và có tình cảm đặc biệt cho vùng thiên nhiên này.
Hôm nay, nhân cái sự kiện mà tôi, cá nhân tôi vốn không thích và chẳng có 1 chút cảm tình nào là việc mua danh Hạ Long – một trong 7 Kì quan thiên nhiên thế giới mới, tôi xem lại, vẫn còn lưu giữ phần viết năm xưa để đưa lên website một thời của Ban quản lí vịnh (tuy nhiên cũng bị biên tập, cắt xén một số đoạn).
Đọc lại, thấy nhớ về cái ngày mới đặt chân về vùng đất Hạ Long xa lạ và mới mẻ ấy, nay thấm thoắt đã gần 10 năm...Những phần viết của mình chẳng có gì đáng nói, nếu như không có phần viết về giá trị thẩm mĩ của Vịnh Hạ Long.
Phải nói rằng, lúc đó, khi về Hạ Long, đã có nhiều và rất nhiều bài viết ca ngợi về giá trị thẩm mĩ Vịnh Hạ Long của vô số các cây bút, nhà văn, nhà nghiên cứu của Quảng Ninh và những nhà văn tên tuổi như Nguyên Ngọc, Trần Nhuận Minh...
Vì thế, cảm giác rằng, chẳng có gì để viết khác họ, vì họ đã nói hết rồi.
Nhưng với sự say mê tuổi trẻ và sự mẫn cán của một viên chức mới đi làm, lúc đó, tôi hạ quyết tâm là phải viết gì đó cho website mới một chút, khác với các cụ đi trước một chút.
Thế rồi lao vào đọc, nghiên cứu tài liệu.
Một thời gian, đọc kĩ bài viết rất hay của Nhà văn Nguyên Ngọc có tựa đề: Hạ Long Đá và Nước tôi thấy lâng lâng, rạo rực. Đúng là nhà văn của Đất nước đứng lên, viết thế thì còn ai viết gì được nữa...
Rồi, một hôm, tôi lại đọc những bài kí của Nhà văn Nguyễn Tuân trong bộ tuyển tập Nguyễn Tuân (3 tập), trong đó nhớ nhất là những trang văn viết về Cô Tô, biển Cô Tô của Cụ...
Rồi, một hôm đi xuồng trên Vịnh, gặp mấy chú Tây, cô Tây xinh tươi đang đi tàu chậm như rùa, mình vẫy tay chào, họ cũng vẫy tay chào. Tuy nhiên, cái xuồng mình đi lại thấp, họ lại ở trên tàu cao. Bỗng có suy nghĩ, sao mình cứ có cái thân phận của người dạng “Dưới đáy” nhìn lên thế nhỉ, trong khi cái xuồng mình đi oách hơn cái tàu họ đi nhiều lần. Suy nghĩ tuy có mang vóc dáng của kẻ bị đô hộ nhưng ... gì đó vẫn yêu nước.
Thế là, buổi tối về, đọc lại bài Đá và Nước của Nhà văn Nguyên Ngọc, tôi thấy rằng: Hạ Long chỉ có Đá và Nước không thôi thì chưa đủ. Phải có gì đó nữa, cái gì đó nữa mang tâm thế của người làm chủ. Vì khi đi trên Vịnh, nếu trong tư thế CÚI XUỐNG  thì chỉ thấy Đá và Nước, nhưng nếu trong tư thế NGẨNG CAO ĐẦU thì sẽ thấy thêm một yếu tố nữa là BẦU TRỜI. Bầu trời cũng đẹp lắm chứ, bầu trời cũng quan trọng lắm chứ. Có Bầu trời, có Đá, có Nước, Hạ Long đã đủ 3 yếu tố của TAM TÀI.... Tôi thích ý đó hơn. Vì vậy, kế thừa nhà văn Nguyên Ngọc, có lẽ tôi là người đầu tiêu công bố và nói rằng, Vịnh Hạ Long có Đá, Nước, và Bầu trời.
Những thông tin còn lại, tôi cũng công phu tham khảo và nghiên cứu từ nhiều nguồn (đều có ghi chú rõ ràng), để có một cái nhìn tổng quát, ngắn gọn về Vịnh Hạ Long.
Riêng cái phần huyền thoại đàn rồng trong xuất xứ tên gọi, thực ra, năm đó (tức năm 2003), tôi phải cho vào, vì mình là người làm bảo tồn, du lịch và phục vụ Ban quảnr lí  Vịnh, phải theo ý chí của người lãnh đạo cấp trên (trưởng ban lúc đó không phải là dân văn hóa mà là kĩ sư mỏ) chứ tôi chẳng thích và biết thừa rằng, chẳng có huyền thoại nào cả. Cái gọi là huyền thoại đàn rồng đó, theo tôi được biết là do một số cán bộ văn hóa bịa ra vào những năm 90 của thế kỉ 20 mà thôi. Điều này, ông Nguyễn Thanh Sĩ (bút danh Thi sẢNH), nguyên giám đốc Sở văn hóa Quảng Ninh biết chắc chắnm, quan trọng là ông có dũng cảm nói ra không thôi.
Trong phần giới thiệu này, có những số liệu năm 2003 về trước, đến nay có thể đã không đúng, nhưng để đảm bảo tính nguyên bản, xin giữ nguyên.
Và đây là một số phần viết website năm nào, xin đăng lại làm tư liệu cho bản thân...


Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới
 
 I. Vị trí địa lý, khí hậu;
Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh có tọa độ từ 106056’ đến 107037’ kinh độ đông và 200 43’ đến 21009’ vĩ độ bắc. Phía tây và Tây Bắc Vịnh Hạ Long kéo dài từ huyện Yên Hưng, qua thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả đến hết phần huyện đảo Vân Đồn; phía Đông Nam và phía nam giáp vịnh Bắc Bộ; phía Tây Nam và tây giáp đảo Cát Bà (TP. Hải Phòng). Trên bản đồ thế giới, phía bắc Vịnh Hạ Long tiếp giáp với Trung Quốc; phía đông Vịnh Hạ Long tiếp giáp với Biển Đông.
* Năm 1962, Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia với diện tích 1553 km2 với 1969 hòn đảo. Khu trung tâm Vịnh Hạ Long với diện tích 434 km2 và 775 hòn đảo có giá trị ngoại hạng về cảnh quan và địa chất địa mạo được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (chữ viết tắt tiếng Anh là UNESCO) 2 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994 và năm 2000)
·          Khu di sản thiên nhiên thế giới được Unesco công nhận (Khu vực bảo vệ I - vùng lõi)  được giới hạn bởi 3 điểm: Đảo Đầu Gỗ phía tây; hồ Ba Hầm phía nam và đảo Cống Tây phía đông. Khu vực bảo vệ II - vùng đệm được  xác định bởi bờ vịnh dọc theo quốc lộ 18A, từ kho xăng dầu B12 (Cái Dăm) đến cây số 11 (phường Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả). Khu vực bảo vệ III - vùng phụ cận là vùng biển và đất liền bao quanh khu đệm, kể cả vùng biên tiếp giáp với Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng)
Khí hậu: Mang tính chất nhiệt đới ẩm với hai mùa rõ rệt: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều; mùa đông khô, lạnh. Nhiệt độ trung bình từ 15 đến 250C. Lượng mưa hàng năm đạt 2000 – 2200mm/năm. Vịnh Hạ Long có chế độ nhật triều thuần nhất điển hình (biên độ triều từ 3,5 đến 4,0 m. Độ mặn của nước biển từ 31 đến 34,5ä , mùa mưa thấp hơn.

II.  Xuất xứ tên gọi:                     
* “Hạ Long” nghĩa là “rồng xuống”. Từ trước thế kỷ thứ 19, tên Vịnh Hạ Long chưa được ghi chép trong những thư tịch cổ nước ta, mà vùng biển này được biết đến với những tên An Bang, Lục Thủy, Vân Đồn... Cuối thế kỷ 19, tên Vịnh Hạ Long mới xuất hiện trên các bản đồ hàng hải của Pháp. Trên tờ “Tin tức Hải Phòng” xuất bản bằng tiếng Pháp đã đưa tin: “Rồng xuất hiện trên Vịnh Hạ Long”. Câu chuyện được tóm tắt như sau: Năm 1898 viên thiếu úy Lagơrêdin, thuyền trưởng tàu Avalăng sơ đã gặp một đôi rắn biển khổng lồ ba lần trên Vịnh Hạ Long. Không chỉ riêng viên thiếu úy mà có rất nhiều thủy thủ khác trên tàu cùng chứng kiến. Người châu âu liên tưởng, con vật này giống như con rồng châu á. Phải chăng chính vì sự xuất hiện con vật lạ được mệnh danh là rồng mà vùng biển Quảng Ninh được mang tên là Vịnh Hạ Long? (Theo Văn hóa nghệ thuật Quảng Ninh, từ một góc nhìn, Quảng Ninh,  2002)
* Theo huyền thoại xưa, tên gọi Hạ Long gắn liền với câu chuyện về đàn rồng xuống giúp dân Việt đánh giặc ngoại xâm. Chuyện kể rằng:
“Ngày xưa, khi người Việt mới dựng nước, nhân dân đang sống yên ổn thì bị giặc ngoại bang xâm lấn bờ cõi nước ta. Trước thế giặc mạnh, trời sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn rồng cũng lập tức hạ giới phun ra vô số châu ngọc. Những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi. Thuyền giặc đang lao nhanh bất ngờ bị chặn lại liền đâm vào các đảo đá, xô vào nhau vỡ tan tành
Sau khi giặc tan, thấy cảnh hạ giới thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, rồng mẹ và rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi rồng con xuống chầu bên rồng mẹ là Bái Tử Long. Đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vỹ (tức bán đảo Trà Cổ ngày nay).”

III.  Hệ thống đảo và hang động.
Các đảo trên Vịnh Hạ Long chủ yếu là đảo đá vôi được hình thành cách đây trên 500 triệu năm, tập trung ở khu vực phía Đông Nam và Tây Nam; một số đảo phiến thạch phân bố rải rác chủ yếu ở khu vực Đông Nam với độ cao trung bình từ 50 - 200m được phủ lớp thực vật phong phú, đa dạng.
Ẩn giấu trong những hòn đảo đá là hệ thống hang động vô cùng phong phú với măng, nhũ đá có quy mô, hình dáng, màu sắc đa dạng, huyền ảo… Một số hang động còn chứa đựng các dấu tích của người Tiền sử Hạ Long đang là điểm hấp dẫn khách tham quan như: Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Sửng Sốt, Soi Nhụ, Thiên Long, Mê Cung, Tam Cung… 

IV. Cư dân trên Vịnh
+ Trong khu vực di sản thế giới Vịnh Hạ Long hiện nay, có một bộ phận cư dân sinh sống, chủ yếu tập trung ở 4 làng chài Cửa Vạn, Ba Hang, Cống Tàu, Vông Viêng với số khẩu trên 1600 người, trực thuộc phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long. Họ sống trên các nhà bè, thuyền chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản.
+ Khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long là nơi cư trú sinh sống của một bộ phận cư dân thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, huyện đảo Vân Đồn và huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng)

V.  Những giá trị cơ bản của Vịnh Hạ Long
a.  Giá trị thẩm mỹ:
 Vẻ đẹp của Hạ Long được tạo nên từ 3 yếu tố: Đá, nước và bầu trời. Hệ thống đảo đá Hạ Long muôn hình vạn trạng. Đường nét, họa tiết, màu sắc của đảo núi, hòa quyện với trời biển tạo ra một bức tranh thủy mặc. Hòn Đỉnh Hương toát lên ý nghĩa tâm linh. Hòn Gà Chọi có một chiều sâu triết học. Hòn Con Cóc ngàn năm vẫn đứng đó kiện trời. “Những tảng khối xù xì lạnh xám dường như muốn lưu giữ và gợi nhớ cuộc sống biến chuyển không ngừng đã hóa thân thành hình mái nhà, mẹ bồng con, ông cụ, mặt người...” (Bài Vùng đảo kỳ thú, Nghiêm Thanh, Báo Nhân Dân, số Tết Nhâm Ngọ 2002)
Phía trong những đảo đá lớn lại hấp dẫn bởi những hang động đẹp đẽ, kỳ lạ. Hang Đầu Gỗ gợi cảm giác choáng ngợp với những nhũ đá muôn hình dáng vẻ. Động Thiên Cung như một đền đài hoành tráng, mỹ lệ. Hang Bồ Nâu có cửa uốn vòng cung với vô số nhũ đá buông xuống mềm mại như cành liễu. Hang Sửng Sốt đẹp đến bất ngờ với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước cùng với nhiều hình hài khác, như mở ra một thế giới cổ tích. Những hang động như Tam Cung, Trinh Nữ, Ba Hang, Tiên Long…  mỗi hang có những vẻ đẹp độc đáo riêng làm mê mải lòng người.
Biển Vịnh Hạ Long muôn đời vẫn một màu xanh biếc, chảy êm đềm, mải miết với thời gian. Hạ Long đẹp bốn mùa. Mùa xuân, những thảm thực vật biêng biếc chồi non trên dãy núi đá vôi. Mùa hạ, trời mát và trong trẻo, những hạt nắng lung linh rơi xuống mặt biển. Mùa thu, vào những đêm trăng, ánh trăng soi nghiêng bóng núi bập bềnh như dát vàng xuống trần gian. Vào mùa đông, với làn khói sóng bay bay, sương núi lan tỏa, Hạ Long đẹp như “một lẵng hoa nổi bềnh trên sóng biển mẹ hiền” (Lời của nhà văn Nguyễn Tuân)

- Những lời đánh giá và ngợi ca:
Trước vẻ đẹp kỳ ảo của trời, nước Hạ Long, nhiều danh nhân trong và ngoài nước từ bao đời nay không ngớt lời ca ngợi bằng nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là bằng ngôn ngữ của thi ca. 
·     Từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi (1380 – 1442), nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, khi qua Hạ Long đã thốt lên:
                                                       “Đường đến Vân Đồn lắm núi sao
                                                       Kỳ quan đất dựng giữa trời cao
                                                       Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng
                                                       Muôn hộc xanh om tóc mượt màu...”
  (Trích bài Vân Đồn. Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội - 1976)
·     Nhà vua, thi sĩ Lê Thánh Tông (1442- 1497) một lần tuần du An Bang (tên cũ của Quảng Ninh) trước cảnh đẹp Vịnh Hạ Long đã làm thơ đề trên vách núi ca ngợi vẻ đẹp nơi này. 
 “Trăm sông triều hội biển mênh mông
Xanh biếc trời xa núi trập trùng
(…)
 Muôn thuở trời Nam sông núi vững
Chính thời văn trị dẹp binh nhung”.
(Trích bài Bài thơ đề vách núi của Thiên Nam động chủ. Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân Văn quốc gia, Viện nghiên cứu Hán Nôm. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội – 1994)
*  Cách ngày nay hơn 100 năm, ký giả người Pháp John Rey ca ngợi Vịnh Hạ Long “… Dưới ánh sáng của vầng thái dương nhiệt dới, mặt biển chỗ tối, chỗ sáng do những dãy núi đá phản chiếu tạo thành một cảnh mơ huyền ảo không thể nào tả nổi. Lúc chiều tà, đây là một đám lửa cháy bùng lên, biến tất cả các hải đảo thành một cảnh thần tiên ngoạn mục…”.
* Năm 1927, tác giả Emile Cordonnier đã viết cho rằng: “… Hàng ngàn đảo nhấp nhô lên trên mặt nước phô trương những phiến đá hoa cẩm thạch tuyệt đẹp, tưởng như chúng đang chồng chất lên nhau tạo ra những đường nét kì diệu, mắt ngắm mãi không biết chán. Cảnh dường như chỉ được thấy trong mơ. Những đảo đá sừng sững  nổi trong lòng vịnh, dưới làn nước trong xanh mê mải của Vịnh Hạ Long. Cảnh vật nơi đây luôn tĩnh lặng êm đềm…”(Bài Vịnh Hạ Long xứ sở bình yên và tươi đẹp của Đông Dương, Báo Quảng Ninh, thứ Bảy, ngày 15/1/2000).
Các thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam thời cận hiện đại khi đến Hạ Long đã có những vần thơ ca ngợi:
·     Nhà thơ Xuân Diệu, vị 'hoàng tử của thi ca Việt Nam " xúc cảm viết:
"... Đây bản thảo tạo vật còn nặn dở
Núi đảo mây đá cùng sóng ngổn ngang
Đá thuở trước khổng lồ chơi ném thử
 Cây trên mình còn hương vị hồng hoang…”
                                           (Bài Chào Hạ Long)
·     Nhà thơ Chế Lan Viên cũng khắc họa bức tranh toàn bích của Hạ Long bằng thơ:
"Vịnh Hạ Long không một bóng rồng lên
Sóng vươn trăm dặm mình xanh biếc
Trời tháng sáu cười từng bể bạc
Từng bể hoa vỗ trắng thân thuyền

Thuyền tôi qua những ngai vàng nắng trổ
Những nàng vọng phu đá cũng mong chồng
Núi vắng hơi người, chim đến ở
Cho lòng của đá cũng nguôi trông..."
                                                        (Bài Qua Hạ Long)
Ngày nay, các chính khách, thi sĩ, danh nhân văn hóa trong và ngoài nước khi đến Vịnh Hạ Long hầu hết đều có chung một nhận xét “Chưa đến Hạ Long, chưa thật biết Việt Nam”
* Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969), danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, trong một lần thăm hang Đầu Gỗ vào tháng 10/ 1957 đã viết “Cảnh đẹp một người không thể truyền lại cho nhiều người. Tất cả các chú phải cùng Bác thưởng thức
* Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về Vịnh Hạ Long trong con mắt của một nhà thơ, một nghệ sĩ thực thụ “Đây (chỉ Hạ Long) là một cảnh hay bao cảnh? Cảnh trần hay cảnh nào?”
* Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài giỏi khi đến Hạ Long cũng không khỏi xúc động:  "Vịnh Hạ Long đúng là 1 kỳ quan của thế giới. Ta có trách nhiệm gìn giữ tôn taọ, giới thiệu kỳ quan của đất nước cho du khách cả thế giới". (Ngày 30/7/1999)
Những năm gần đây, Vịnh Hạ Long vinh dự được đón nhiều đoàn khách quốc tế, nhiều vị lãnh đạo từ các nước trên thế giới. 
* Ngày 9/9/2001, Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Bằng khi đến Việt Nam đã thốt lên "Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long làm chúng tôi quên đường về'
* Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Tumar Oder ca ngợi Vịnh Hạ Long : "Đây là một vùng gần 2000 hòn đảo, trong đó có vùng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Người Việt Nam gọi khu vực này là Rồng hạ. Vịnh Hạ Long là nơi đẹp có một không hai trên thế giới. Khách nước ngoài thực sự khâm phục, thích thú". (Ngày 8/1/2002)
* Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Bungari Ognian Guerdjikov ca ngợi Vịnh Hạ Long và  con người Việt Nam : "Xin cảm ơn các bạn đã đón tiếp nồng hậu đoàn chúng tôi. Thiên nhiên đẹp tuyệt vời và tấm lòng con người còn đẹp hơn, đó là cảm xúc từ đáy lòng chúng tôi cảm nhận về nhân dân Việt Nam". (Ngày 6/3/2004)
* Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf hết lời ca ngợi Vịnh Hạ Long trong chuyến thăm Vịnh  ngày 2/2/2004 "Trước khi chuẩn bị cho chuyến thăm này, chúng tôi đã được nghe và đọc rất nhiều về đất nước tươi đẹp và quyến rũ này. Chúng tôi không bị thất vọng mà ngược lại. (...) Tôi đánh giá cao về vẻ đẹp thiên nhiên của Vịnh" (Theo Báo Quảng Ninh, ngày 4/2/2004)  
Vịnh Hạ Long sẽ là chủ đề còn tốn rất nhiều giấy, mực của các nghệ sĩ. Đó là nguồn cảm hứng vô tận cho tâm hồn con người. 

b. Giá trị địa chất  địa mạo
 Giá trị lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long được đánh giá bởi 2 yếu tố, đó là: Lịch sử kiến tạo và địa chất địa mạo (Karst)
- Giá trị lịch sử kiến tạo:  Lịch sử địa chất địa mạo của Vịnh Hạ Long được các nhà khoa học nhận định trải qua ít nhất trên 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau, nhiều lần tạo sơn, biển thoái; sụt chìm, biển tiến.
 Vịnh Hạ Long còn giữ lại được những dấu ấn của quá trình tạo sơn, địa máng vĩ đại của trái đất, có cấu tạo địa lũy, địa hào cổ. Khu vực Vịnh Hạ Long đã từng là  biển sâu vào các kỉ Odovic – Silua (khoảng 500 – 410 triệu năm trước), là biển nông vào các kỷ Cacbon – Pecmi (khoảng 340 – 250 triệu năm trước), biển ven bờ vào cuối kỷ  Paleogen đầu Neogen (khoảng 26 – 20 triệu năm trước) và trải qua một số lần biển lấn trong kỷ Nhân sinh (khoảng 2 triệu năm trước). 
Vào kỉ Trias (240 - 195 triệu năm trước) khi trái đất nói chung, châu Âu nói riêng có khí hậu khô nóng thì khu vực Vịnh Hạ Long là những đầm lầy ẩm ướt với những cánh rừng tuế, dương xỉ khổng lồ tích tụ nhiều thế hệ...
- Giá trị địa mạo Karst: Vịnh Hạ Long có một quá trình tiến hóa Karst đầy đủ trải qua 20 triệu năm nhờ sự kết hợp đồng thời giữa các yếu tố như tầng đá vôi rất dày, khí hậu nóng ẩm và quá trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Vịnh Hạ Long chứa đựng nhiều dạng địa hình Karst kiểu Phong Tùng, Phong Linh.
 Địa hình Karst kiểu Phong Tùng: Gồm một cụm đá vôi thường có hình chóp nằm kề nhau  có đỉnh cao trên dưới 100m, cao nhất khoảng 200m.
 Địa hình Karst kiểu Phong Linh: Đặc trưng bởi các đỉnh tách rời nhau tạo thành các tháp có vách dốc đứng.
Phần lớn các tháp có độ cao từ 50 – 100m. Tỉ lệ giữa các chiều cao và rộng khoảng 6m.(Theo GS. Tony Waltham và TS Trần Đức Thạnh – tài liệu dịch Hồ sơ công nhận VHL là Di sản thiên nhiên thế giới giá trị đại chất địa mạo) Cánh đồng Karst là lòng chảo rộng phát triển trong các vùng Karst có bề mặt tương dối bằng phẳng. Cánh đồng Karst được tạo thành theo phương thức khác nhau như:  Do kiến tạo liên quan các hố sụt địa hào; do sụt trần của các thung lũng sông ngầm, hang động ngầm; do tồn tại các tầng đá không hòa tan như bị xói mòn mạnh mẽ nằm giữa vùng địa hình Karst cao hơn vây quanh mà thành… Cánh đồng Karst Hạ Long thường xuyên ngập nước.
- Địa hình Karst ngầm: Là hệ thống các hang động đa dạng trên Vịnh, được chia làm 3 nhóm chính: Nhóm 1, là di tích các hang ngầm cổ, tiêu biểu là hang Sửng Sốt, động Tam Cung, động Lâu Đài, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Thiên Long,v.v... Nhóm 2, là các hang nền Karst tiêu biểu là Trinh Nữ, Bồ Nâu, Tiên Ông, Hang Trống v.v.. Nhóm 3, là hệ thống các hàm ếch biển, tiêu biểu như 3 hang thông nhau ở cụm hồ Ba Hầm, hang Luồn, Ba Hang…
Karst Vịnh Hạ Long có ý nghĩa toàn cầu và có tính chất nền tảng cho khoa học địa mạo. Môi trường địa chất còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác của Vịnh Hạ Long như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác.

c. Giá trị lịch sử văn hóa
Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi cư trú của người Việt Cổ, đó là:
-  Văn hóa Soi Nhụ: (cách ngày nay 18000-7000 năm), phân bố trong khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Các di chỉ tiêu biểu: Mê Cung, Tiên Ông, Thiên Long… Các di vật còn lại chủ yếu là ốc núi và ốc suối, một số nhuyễn thể nước ngọt và một số công cụ lao động thô sơ. Phương thức sống chủ yếu của chủ nhân Soi Nhụ là “bắt sò ốc, có cả hái lượm hoa quả, đào củ, rễ cây,” biết bắt cá mà chưa có nghề đánh cá. Tích tụ cấu tạo tầng văn hóa chủ yếu là ốc núi (Cyclophorus) và ốc suối (Melania) cùng một số loài nhuyễn thể nước ngọt khác. So với các cư dân Hòa Bình, Bắc Sơn cùng thời thì cư dân Soi Nhụ có lẽ sống với biển gần gũi, tiếp xúc với biển sớm hơn, chịu sự chi phối của biển nhiều hơn, trực tiếp hơn.
- Văn hóa Cái Bèo: (Cách ngày nay 7000-5000 năm). Là giai đoạn gạch nối giữa văn hóa Soi Nhụ và Hạ Long. Di chỉ Cái Bèo thuộc đảo Cát Bà ( Hải Phòng). ở khu vực Hạ Long có những di chỉ thuộc văn hóa này như Giáp Khẩu, Hà Gián… Di chỉ Cái Bèo Là một trong những bằng chứng đầu tiên chắc chắn rằng tổ tiên của người Việt Cổ từ rất sớm đã đương đầu với biển khơi và đã phát triển ở đây một nền văn hóa rực rỡ, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố, sắc thái khác biệt vào một dòng văn hóa truyền thống rất lâu đời trong khu vực Việt Nam và Đông Nam Á: Dòng văn hóa cuội. Phương thức cư trú và sinh sống của người Cái Bèo ngoài săn bắt hái lượm đã có thêm khai thác biển.
- Văn hóa Hạ Long: (Cách ngày nay 4500-3500 năm),  được chia ra làm 2 giai đoạn: sớm và muộn
             Giai đoạn sớm: Là kết quả trực tiếp của đợt biển tiến Holocen Trung vào khoảng 6000 – 5000 năm trước. Đợt biển tiến này đã làm mất đi môi trường sống của cư dân văn hóa Cái Bèo. Kết quả là một bộ phận chủ yếu của cộng đồng người thuộc văn hóa Cái Bèo theo hệ thống đảo đá của Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long chuyển dần lên phía Đông Bắc, để rồi định cư tại vùng ven biển Hải Ninh (Móng Cái ngày nay) tạo nên loại hình sớm Thoi Giếng của văn hóa Hạ Long. Địa bàn cư trú của chủ nhân nền văn hóa này chủ yếu thuộc các di chỉ Thoi Giếng, Gò Bà Mừng, xóm Chùa, thôn Nam… thuộc xã Vạn Ninh (Móng Cái) có độ cao khoảng 6m so với mực nước biển hiện tại. Phương thức sống: săn bắt, hái lượm. Người Thoi Giếng đã phát triển kỹ nghệ mài theo truyền thống công cụ mài Bắc Sơn. Nghệ thuật chế tác công cụ lao động, đồ gốm bắt đầu phát triển mạnh với sự trợ giúp của kỹ thuật bàn xoay.
·             Giai đoạn muộn: Là kết quả của mực nước biển dâng cực đại rồi sau đó rút dần (trong khoảng 4000 – 3000 năm trước). Đặc trưng đầu tiên của văn hóa Hạ Long giai đoạn muộn là có những bộ phận người Hạ Long di cư vào các khu vực đồng bằng, trung du miền núi Bắc Bộ. Địa bàn cư trú của người Hạ Long tương đối phong phú, bao gồm một số hang động, chân núi ven biển. Nhưng chủ yếu giai đoạn này, người Hạ Long cư trú trên các doi cát, các bậc thềm và mặt đồng bằng cổ cạnh biển. Khai thác biển vẫn là nghề truyền thống. Phương thức kiếm sống, kỹ nghệ chế tác công cụ lao động tinh xảo: cưa chuốt bóng, tạo nên những công cụ đá độc đáo mang đặc trưng văn hóa Hạ Long: rìu, bôn có vai có nấc… Gốm xốp trở thành gốm đặc trưng của gốm Hạ Long. (Dẫn theo Hạ Long thời tiền sử.  Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo. Hạ Long, 2002)
Văn hóa Hạ Long có một vị trí đặc biệt đối với nền văn minh Việt Cổ.
-    Vịnh Hạ Long - nơi ghi dấu lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc
* Vịnh Hạ Long là nơi xuất hiện thương cảng cổ đầu tiên của Việt Nam từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 18.
       Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Kỷ Tỵ {Đại Định} năm thứ 10 {1149} (Tống Thiệu Hưng năm thứ 19) . Mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải  Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa qúy, dâng tiến sản vật địa phương” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18, (5 tập), tập 1,  Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội - 1998. Ngô Đức Thọ hiệu đính, chú thích).
* Vịnh Hạ Long ghi dấu ấn 3 trận thắng oanh liệt của quân và dân ta trên sông Bạch Đằng, Cửa Lục, Vân Đồn dưới sự chỉ huy của các vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền (năm 938); Lê Hoàn (năm 981) và Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư (năm 1288) và đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Vịnh Hạ Long có vị trí chiến lược đối với các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Quốc gia.
Hiện nay, trong khu vực Vịnh Hạ Long cùng sự tồn tại của các cư dân làng chài còn bảo lưu những nét văn hóa độc đáo, phong phú, làm giàu có thêm những giá trị văn hóa bản địa của Hạ Long.  Kho tàng văn hóa dân gian còn chứa đựng trong cộng đồng dân chài trên vịnh đa dạng, nhiều vẻ. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ... phản ánh tình cảm, những kinh nghiệm làm nghề, được truyền từ đời này sang đời khác, vừa mượt mà, thắm thiết vừa khúc triết, sâu xa. Hát đám cưới, hát giáo duyên, hò biển là một nét văn hóa phi vật thể mang đặc trưng riêng của vùng. Người dân chài cũng phong phú về tín ngưỡng, tập tục và có nhiều nét điển hình trong đời sống kinh tế hàng ngày… Những giá trị văn hóa làng chài Vịnh Hạ Long hiện vẫn là một “cửa ngỏ”, một ‘mảnh đất tốt” cho các nhà nghiên cứu, những người yêu qúy, tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc.

d.      Giá trị đa dạng sinh học.
Đa dạng sinh học là một nguồn tài nguyên quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn để duy trì cân bằng sinh thái cho cả khu vực, gồm toàn bộ các dạng sống được tạo nên từ trái đất. Đa dạng sinh học bao gồm cả đa dạng văn hóa, là sự thể hiện của con người, nhân tố quan trọng thuộc các hệ sinh thái. (Theo “Du lịch sinh thái, những vấn đề lí luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam” , PGS. TS. Phạm Trung Lương chủ biên, NXB. Giáo dục. H. 2002)
 Đa dạng sinh học Vịnh  Hạ Long có thể chia làm hai hệ sinh thái lớn, đó là: Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và Hệ sinh thái biển và ven bờ.
1. Hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; Tổng số loài thực vật sống trên các đảo ở Vịnh Hạ Long khoảng trên một nghìn loài. Một số quần xã các loài thực vật khác nhau được tìm thấy như: Các loài ngập mặn, các loài thực vật ở bờ cát ven đảo, các loài mọc trên sườn núi và vách đá, trên đỉnh núi hoặc mọc ở của hang hay khe đá. Các nhà nghiên cứu  của  Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (viết tắt chữ tiếng Anh là IUCN) đã phát hiện 7 loài thực vật đặc hữu của Vịnh Hạ Long. Những loài này chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi Vịnh Hạ Long mà không nơi nào trên thế giới có được, đó là: Thiên tuế Hạ Long, Khổ cử đại tím, Cọ Hạ Long, Khổ cử đại nhung, Móng tai Hạ Long, Ngũ gia bì Hạ Long, Hài vệ nữ hoa vàng.Theo thống kê, hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới ở Hạ Long, Bái Tử Long có: 477 loài mộc lan, 12 loài dương xỉ và 20 loài thực vật ngập mặn; đối với động vật người ta cũng thống kê được 4 loài lưỡng cư, 10 loài bò sát, 40 loài chim và 14 loài thú. 
2. Hệ sinh thái biển và ven bờ:  Bao gồm hệ sinh thái đất ướt và hệ sinh thái biển:
* Hệ sinh thái đất ướt: Có thể chia vùng đất ướt của Hạ Long và phụ cận làm 6 dạng sinh thái như sau:
1)       Sinh thái vùng triều và vùng ngập mặn: Khu vực Hạ Long và vùng phụ cận có 20 loài thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Hạ Long còn đóng vai trò là nơi sống cho nhiều loài sinh vật khác do đó nó mang năng suất sinh thái rất cao. Đây là nơi sống cho 169 loài giun nhiều tơ; 91 loài rong biển; 200 loài chim và 10 loài bò sát và 6 loài khác).
2)       Dạng sinh thái đáy cứng, rạn san hô:  Hệ sinh thái san hô là một trong những đặc thù của Vịnh Hạ Long, là hệ sinh thái có năng suất sinh thái cao, giúp làm sạch môi trường nước, tập trung ở Hang Trai, Cống Đỏ, Vạn Gìo... Các rạn san hô ở đây thường có kiểu riềm bờ, với cấu trúc hình thái giống rạn kinh điển như lagun riềm bờ (fringing lagoon), mặt bằng rạn (reef flat) trong và ngoài, mào rạn (crest), sườn dốc (slope) và nền chân rạn ( platform reef).
       Hiện nay, đã thống kê được Vịnh Hạ Long có 232 loài san hô. Đây là nhóm động vật thuộc ngành ruột khoang, trong đó chủ yếu thuộc lớp san hô và lớp thủy tức. Tạo rạn san hô trong Vịnh Hạ Long chủ yếu là các loài của bộ san hô cứng (mặc dù không phải loài san hô cứng nào cũng tham gia tạo rạn). Rạn san hô Hạ Long cũng là nơi sinh cư của 81 loài chân bụng; 130 loài hai mảnh vỏ; 55 loài giun nhiều tơ, 57 loài cua.
3)       Dạng sinh thái hang động và tùng, áng: Hệ sinh thái hang động Karst và tùng, áng của Vịnh Hạ Long là hệ đặc biệt có lẽ ít nơi có được. áng là các hồ chứa nước, nằm giữa các đảo; còn tùng là vùng nước có một cửa tương đối kín, ít sóng. Đây là những điều kiện tự nhiên tạo nên các hệ sinh thái đặc biệt, làm tăng giá trị của vịnh. Tiêu biểu như ở Tùng Ngón là nơi cư trú  của 65 loài san hô, 40 loài động vật đáy, 18 loài rong biển. Đặc biệt ở đây có đến 4 loài sinh vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ. Một số hang động đã đưđầu tư các điều kiện về ánh sáng và đường đi để phục vụ cho việc bảo tồn và tham quan Vịnh Hạ Long nhưng vẫn còn một số động giữ được ở dạng tự nhiên, nguyên sơ chưa tổ chức đón khách…}
4)       Dạng sinh thái đáy mềm: Đây là dạng sinh thái của quần xã cỏ biển. Cỏ biển ở Hạ Long có số loài không lớn: 5 loài, nhưng lại là nơi cư trú cho nhiều loài, có tác dụng chắn sóng và tham gia hấp thụ các chất hữu cơ, làm sạch nước biển. Hiện nay, đã thống kê được số lượng các loài sống cùng cỏ biển như sau: 140 loài rong biển; 3 loài giun hiều tơ; 29 loài nhuyễn thể; 9 loài giáp xác. { }
5)        Dạng sinh thái bãi triều không có rừng ngập mặn: Thường phân bố ở đới triều thấp. Sinh vật sống trên vùng triều đặc trưng là động vật nhuyễn thể hai mảnh vỏ và giun biển có giá trị dinh dưỡng cao như sá sùng, hải sâm, sò, ngao v.v... Hầu hết những nguồn hải sản này đang bị khai thác quá mức.
* Hệ sinh thái biển: Hệ sinh thái biển bao gồm: thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy biển và động vật tự du
 1)Thực vật phù du (TVPD): Là động vật nhỏ sống trôi nổi trong nước, có thể tự dưỡng qua quá trình quang hợp góp phần phân giải chất hữu cơ, hạn chế ô nhiễm nước. Theo kết quả điều tra TVPD ở Vịnh Hạ Long có 185 loài. {ảnh minh họa}
2 Động vật phù du (ĐVPD): Là động vật nhỏ sống trôi nổi trong nước, đóng vai trò mắt xích thứ hai sau TVPD. Sự phân bố của ĐVPD phụ thuộc vào tầng nước và thời gian. Vùng Hạ Long – Cát Bà có 140 loài ĐVPD sinh sống.
3) Động vật đáy: Nhóm sinh vật sinh sống ở đáy biển, cho giá trị dinh dưỡng cao. Theo thống kê sơ bộ, vùng Hạ Long có đến 500 loài động vật đáy, trong đó có 300 loài động vật nhuyễn thể; 200 loài giun nhiều tơ; 13 loài da gai.
4) Động vật tự du: Là động vật hoàn toàn có khả năng tự chủ bơi lội trong nước; di cư để tìm mồi, sinh sản hay trú đông. Đến nay người ta đã xác định được 326 loài động vật tự du, phân bố trong vịnh.
Đa dạng loài: Năm 2002, các cơ quan quản lý, nghiên cứu chuyên ngành đã khảo sát nhằm đánh giá, kiểm kê đa dạng sinh học vùng Vịnh Hạ Long. Các nhà khoa học đã khảo sát 7 điểm trong khu vực I của Di sản, đó là:. Khu vực đảo Đầu Bê; đảo Hang Trai; hòn Bù Xám; hòn Mây Đèn, hòn Cóc; hòn Vểu - Đầu Gỗ; hòn Kỳ Đà, Soi Ván - đảo Vạn Gió; đảo Cống Đỏ. Theo kết quả ban đầu nhận định của các nhà khoa học, Vịnh Hạ Long vẫn giữ được sự đa dạng hệ sinh thái và đa dạng loài vốn có, hơn nữa còn phát hiện thêm nhiều loài mới.
       Hiện nay, theo thống kê, tổng số loài trên vịnh có 1847 loài và 30 nhóm loài sinh vật hang động. Hạ Long là nơi tập trung các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như: Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái tùng áng... Thống kê ban đầu, Vịnh Hạ Long có 189 loài cá, 500 loài động vật đáy, 355 loài sinh vật phù du, 34 loài thực vật ngập mặn.(Báo cáo Hội thảo quốc gia về đa dạng sinh học khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tháng12/2003 tại TP. Hạ Long)
3.  Đa dạng nguồn gen: Báo cáo kết quả khảo sát phối hợp Việt Nam – ITALIA trong một số khu vực trọng điểm Vịnh Hạ Long vào tháng 4/2003, tại 3 khu vực trọng điểm: Đầu Bê, Hang Trai, và  Cống Đỏ. Kết qủa, đã tìm thấy một số loài qúy hiếm ở khu vực này như ốc đụn cái (Trochus  niloticus), ốc đụn đực (Tectus pyramis), ốc xoắn vắt (Epitonium Scalarare), bàn mai quạt (Atrina vexillum), tu hài (Lutraria rhynchaena), mực thước (Photololigo chinensis), mực nang vân hổ (Sepia pharaonis). Khoảng 19 loài hải miên (Sponge) lần đầu tiên được xác định ở Vịnh Hạ Long. Các loài này không chỉ có giá trị về đa dạng sinh học mà còn là nguồn dược liệu biển quan trọng. Vịnh Hạ Long đa dạng về hệ sinh thái đồng thời cũng thể hiện sự đa dạng loài, đa dạng nguồn gen, vì khu vực này có điều kiện sinh thái đặc biệt và thuận lợi cho sự phát triển của sinh vật

Tài liệu tham khảo:
1.      Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới,  Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Hạ Long – 2002.
2.      Phát triển du lịch sinh thái với bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long. Báo cáo của PGS. TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch.
3.      Thực vật tự nhiên Vịnh Hạ Long, TS Nguyễn Tiến Hiệp, TS Ruth Kiew. Ban quản lý Vịnh Hạ Long.  Hạ Long – 2000.
4.      Báo cáo Hội thảo quốc gia về đa dạng sinh học khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tháng 12/2003 .
5.      Địa chí Quảng Ninh, (3 tập) tập 3, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xuất bản, chủ biên giáo sư (GS) Vũ Khiêu, cố GS Nguyễn Hồng Phong. Quảng Ninh -  2003.
6.      Di sản thế giới trong tay thế hệ trẻ, bộ tài liệu nguồn dành cho giáo viên, tập 2, ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam xuất bản, Hà Nội – 2002. Phần viết về Vịnh Hạ Long do Nguyễn Học viết.
7.      Almanach, những nền văn minh thế giới, nhiều tác giả, NXB Văn hóa - Thông tin. Hà Nội - 1996.
8.      Những di sản nổi tiếng thế giới, Trần Mạnh Thường, NXB Văn hóa - Thông tin. Hà Nội – 2000.
9.      Hạ Long, Đá và Nước, nhà văn Nguyên Ngọc, Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản.
10. Phim tài liệu nghệ thuật Vịnh Hạ Long, đĩa VCD hình ảnh, có lời bình của nhà văn Nguyên Ngọc, Đạo diễn Lê Đức Tiến.  Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản.
11.   Hạ Long, những lời đánh giá và ngợi ca, Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuất bản. Hạ Long-  2001.
12.  Di tích và danh thắng Quảng Ninh, Ban quản lý di tích thắng cảnh Quảng Ninh. Quảng Ninh - 2002. 
13. Non nước Hạ Long, Thi Sảnh. Hội Khoa học Lịch sử Quảng Ninh. Quảng Ninh – 2003.
14. Gía trị nổi bật về địa chất Vịnh Hạ Long của giáo sư (GS.) Tony Waltham và tiến sĩ (TS.) Trần Đức Thạnh, tài liệu lưu trữ của Ban quản lý Vịnh Hạ Long .
15.  Hạ Long thời tiền sử, Nguyễn Văn Hảo và Hà Hữu Nga,  Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Hạ Long – 2002.
16. . Lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long, Trần Đức Thạnh, Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Hạ Long - 1999
17.  Báo cáo thẩm định của IUCN về địa chất Vịnh Hạ Long của GS. Smith
18.  Karst đá vôi Vịnh Hạ Long, báo cáo nghiên cứu về địa mạo Di sản thế giới Vịnh Hạ Long của GS. Tony Waltham :
19. Soi Nhụ, nền văn hóa cổ nhất hiện biết trên Vịnh Hạ Long Báo cáo của TS. Hà Hữu Nga – Viện Khảo cổ học.
20. Huyện đảo Vân Đồn, Đỗ Văn Ninh, ủy  ban nhân dân  huyện Vân Đồn. Quảng Ninh - 1997