Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

CẢM XÚC KHÔNG ĐỀ



Hà Nội đã bước vào "những năm 2 nghìn", nhưng trẻ em vẫn còn ăn xin, bà già, ông già ngồi trong công viên toàn bàn tán chuyện bức xúc xã hội, cầu Long Biên nhịp mất nhịp còn, nham nhở như khuôn mặt phụ nữ bị vết cào, xé sau một vụ đánh ghen;

Hà Nội "những năm 2 nghìn" nhiều đại gia vừa hôm trước được báo, đài tung hô thì hôm sau vào tù; nhiều quan chức hôm nay nói không ngày mai lại nói có, miệng lưỡi quan không được như trôn trẻ, cũng chẳng phải không xương mà là miệng lưỡi của những con quỷ biết hút máu người;

Hà Nội, năm 2012, người vẫn đông và đường vẫn tắc, mưa to đường vẫn lụt - thành sông, dẫu có bao nhiêu Dự án tỉ đô đổ vào thì vỉa hè, lòng đường vẫn cứ chôn xuống, đào lên thành điệp khúc như trời từ hạ sang thu, hết năm này sang năm khác vậy thôi.

Hà Nội, những năm 2 nghìn, dân khắp nơi đổ ùn ùn vè khiếu kiện, đủ các lí do, nhưng vẫn trên 70% là kiện về đất đai. Thế kỉ 21 rồi mà vẫn cứ đòi Dân cày có ruộng.

Sông Hồng "tiếng hát 4 nghìn năm" chỉ hát với Chế Lan Viên chứ còn hát với ai được nữa. Sông bây giờ đục mà không trong, dữ dằn như công tử nhà giàu hết thuốc (phiện), khi thì đổi màu đỏ như máu, khi thì cạn trơ đáy, trơ lòng... bạc phếch. Chẳng ai nghe được sông hát vì đời sông cũng chuyển sang tật nguyền mà kiếp người cũng ngập chìm trong những cơn lũ của tham nhũng, lạm phát, thất nghiệp, phá sản, cưỡng chế, v.v....

Có phải vì sông - con sông biểu trưng của nền văn minh lúa nước vốn rực rỡ trong lịch sử trở nên dữ dằn mà làm cho tính cách của một số người cũng mang tính dữ dằn?

Sông ơi, đời có tội gì mà làm sông như thế? Sông hãy hát một lần như sông đã hát cho Chế Lan Viên nghe coi?

Hà Nội năm 2012, ai và ai có thể viết lên những vần thơ ca ngợi như Trần Tiến, Chế Lan Viên, hay chỉ có những tấm lòng biết cúi xuống để sẻ chia với những đau thương của kiếp người.
Hà Nội những năm 2000, thơ ít còn đất sống, có phải không?
Nguyen Hoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét