Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

THÓI BON CHEN




Bây giờ chúng ta đang sống trong những năm đầu của thế kỉ 21. Những tính xấu của người Việt tích tụ từ hàng nghìn năm nay lại có dịp "bùng phát" tại các đô thị.

Ở đây tôi xin nói đến thói xấu chen lấn, xô đẩy, không biết nhường đường của người Việt khi tham gia giao thông. Đó là thói xấu không biết nhường nhịn, bon chen, chỉ muốn hơn cho mình của người Việt.

Hằng sáng, mỗi khi đi làm, qua các khu vực ngã tư Sở, ngã tư trường Bách Khoa, hay tại một số nút giao thông Phạm Ngọc Thạch, Kim Liên... tình trạng bị tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra. Báo chí của chúng ta nói nhiều đến vai trò, trách nhiệm của những nhà quản lí, quy hoạch, giao thông... Và mỗi một ngành đều có tr ách nhiệm với vấn đề này. Nhưng theo tôi, cái mấu chốt là ở chính ngươì tham gia giao thông.

Khi dòng người đông, bị tắc nghẽn, nếu như, ai nấy đều tuân thủ đi đúng phần đường của mình theo vạch chỉ vôi chia làn đường thì chắc rằng tình trạng tắc nghẽn không đến nỗi lâu và ngột ngạt. Nhưng vì nhiều người Việt của chúng ta vẫn giữ thói xấu phải nhanh hơn, phải vượt lên, vì mục đích, quyền lợi về phần đường, thời gian của mình mà cứ chen lấn, xô đẩy, vượt lên cả phần đường của người đi ngược chiều. Thế là dòng người đi xuôi lấp hết phần đường của người đi ngược. Ngược lại, phía bên kia ngã tư, người ta cũng chen lấn, xô lên như thế. Kết quả là... chẳng ai nhường ai, chỉ khổ máy bác cảnh sát giao thông, thổi còi nghe đến đau đầu mới thông đường.

Tôi đã nhiều lần phải chịu cảnh này. Tôi cũng gặp nhiều người trông rất bảnh bao, trí thức nhưng họ cứ hồn nhiên và phi xe lên phần đường của người khác, cứ mặc nhiên mà không nghĩ rằng, cái nguyên nhân cơ bản của tắc đường là do chính họ gây ra.

Đây không phải là ý thức nữa mà chuyển sang vấn đề bản tính của người Việt. Bởi vì, nói cho cùng, nếu tại ý thức thì... đa số đều có ý thức vậy sao? Hay đó chính là sản phẩm của tư duy người Việt, tư duy từ hàng nghìn năm của một dân tộc phát triển từ nền văn minh lúa nước. Người ta tìm mọi cách bon chen, vươn lên để tìm kiếm phần thắng, phần lợi cho mình mà không nghĩ đến lợi ích chung của xã hội, không vì ai cả.

Nếu ai không tin, xin hãy một lần đi đường Hà Nội vào những thời điểm tắc nghẽn giao thông.

Nguyễn Học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét