Khi Tổ chức New7worlders tổ chức bình chọn những kỳ quan thế giới mới, các nhà quản lý văn hóa và những chủ nhân của di sản Vịnh Hạ Long cũng ra sức tuyên truyền để tham gia cuộc bình chọn này. Kết quả và ý nghĩa của cuộc tham gia này đến đâu xin không bàn luận, mà ở đây, chúng tôi chỉ xin khẳng định lại, từ lâu, không chỉ tổ tiên, cha ông chúng ta mà cả khách nước ngoài cũng đã khẳng định Hạ Long là một kỳ quan rồi.
Từ những ngày Vịnh Hạ Long còn hoang sơ, cổ tích, tổ tiên của chúng ta cũng như khách nước ngoài, đều đã nhận và cảm Cái Đẹp vô song của một vùng biển đảo, vị trí, ý nghĩa chiến lược của vùng Vịnh với muôn hòn đảo trập trùng trên sóng nước mang tên Hạ Long.
Chúng ta bắt đầu từ Nguyễn Trãi, đỉnh cao của văn học Việt Nam Trung đại cũng như lịch sử văn học Việt Nam các thời kỳ.
Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà thơ lớn, anh hùng cứu quốc, danh nhân văn hóa của thế giới. Chẳng biết cuộc đời của ông bôn ba, chìm nổi thế nào mà ông lại được đến phụ trách ở vùng biển đảo này trong quãng đời phục vụ triều Lê của ông, từ đó, một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp vùng đảo kỳ thú xuất hiện:
“Lộ nhập Vân Đồn san phục san/ Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan/ Nhất bàn lam bích trừng minh kính/ Vạn hộc nha thanh đóa thuý hoàn/ Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc/ Phong ba bất động thiết tâm can/ Vọng trung ngạn thảo thê thê lục/ Đào thị Phiên nhân trú bạc loan.”
Dịch là: “Đường đến Vân Đồn lắm núi sao/ Kì quan đất dựng giữa trời cao/ Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng/ Muôn hộc xanh om tóc mượt màu/ Non biển gạn trong tay vũ trụ/ Tim gan chẳng núng sức ba đào/ Trông bờ cây cỏ rờn rờn lục/ Nghe đấy ngời Phiên vụng đỗ tàu.” (Theo Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB KHXH, H.1976, trang 312, 322).
Xin hãy đọc tiếp nhận định dưới đây: “…Hình như Nguyễn Trãi là nhà thơ đầu tiên viết về phong cảnh nên thơ của Vân Đồn, nhà thơ đầu tiên nói về ‘kỳ quan” Hạ Long, và trước ông cũng chưa có nhà thơ nào viết về 1 hải cảng quốc tế của ta…” (Địa chí Quảng Ninh, tập 3, trang 248).
Có lẽ, giá trị nhất và cái quý nhất ở đây chính là chữ Kỳ quan. Nguyễn Trãi đi nhiều và viết nhiều, nhưng khộng phải danh thắng nào ông cũng gọi là Kỳ quan. Vùng Vân Đồn phải là hấp dẫn lắm, thú vị lắm… hay có gì ấn tượng lắm tới mức để cho thi nhân phải thốt lên như thế… thì quả là trác tuyệt, đẹp lắm rồi. Năm 1914, một người Pháp là Leon Haute Feuille đến Hạ Long cũng viết “Tôi sẽ rất hài lòng nếu như người ta nhận ra từ điều tôi thẩm định đơn giản là: Vịnh Hạ Long xếp vào thứ bậc của những kỳ quan thế giới”. Cho nên, câu thơ trên của thi hào Nguyễn Trãi như có tính dự báo. Chẳng phải thế mà sau đó mấy trăm năm, cũng cái vùng ‘đất dựng giữa trời cao” được công nhận là Di sản thiên nhiên của thế giới? Hạ Long được du khách coi là kỳ quan thứ 8 của nhân loại đó sao?
Năm 1924, trên tạp chí Nam Phong, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến có bài “Chơi Vịnh Hạ Long” đã miêu tả khá tường tận cảnh đẹp của vùng một vùng đá nước kết duyên này. Đặc biệt, lần đầu tiên, chúng ta thấy cảnh đẹp hang Đầu Gỗ đã được tả chi tiết qua cái nhìn của một nhà Nho – thi nhân, nhà nghiên cứu. Bằng lối viết văn rất Tây, rất hiện đại của những năm đầu thế kỷ 20, ngôn ngữ tác giả Nguyễn Hữu Tiến, đã đạt đến mức hoàn hảo, trong sáng và cô đọng.
“Ngày 20 tháng 4 năm 1924, tôi (tức Nguyễn Hữu Tiến) cùng với mấy ông bạn là: ông Ngô Vi Liễn, Ngô Vi Lan, Đỗ Đình Đắc, cùng ra chơi Vịnh Hạ Long. (…) Trong khi đêm khuya, bóng trăng khi mờ khi tỏ, mấy anh em bảo nhau đem rượu ra để thưởng ngoạn cái cảnh đêm ở trên mặt bể, trông ra dưới bóng trăng suông thấy các ngọn núi đá chập chồng vòng quanh, nước thủy trào (triều) khi lên khi xuống, không biết rằng thuyền đã đi được bao nhiêu đường đất, mà ta đã vượt qua được mấy vạn trùng non nước rồi! Chỉ thấy tên lái đò trỏ bảo rằng: Kia là đò Lá, cống Mương, kia là bãi cát Trương Mò, kia là Hòn Một, kia là Bẩy Giếng, về phía trước kia là cặp Bìm Bìm, ông Lã Vọng. Lại quá ra nữa là ông Thầy Tiêu, bà Thanh Lảnh. Đó đều là những tên kênh, tên núi, mà người mình trông thấy cái hình trạng nó như thế nào thì đặt ngay tên nôm nó như thế, kể ra thiên hình vạn trạng sao cho xiết được… (…) Chừng hồi 7h sáng, ngày 21 tàu đến hang Đầu Gỗ. Tới nới mới biết đây chính là Cửa Lục.(…) Đỗng (động) này cũng rộng, khả dung đến nghìn người, tạo tác tự nhiên, trạm trổ như vẽ, nhưng vị tất đã phải là đỗng này. Đỗng này cũng rộng, vào có từng ngăn, đá mọc trông như có cột trụ, chạm trổ nhấp nhoáng, có vô số nhũ đá rủ xuống hình như miếng khánh, lại có từng bậc đá ở trên trông như hình sàn gác, cũng là một cái đỗng thiên tạo tự nhiên tuyệt xảo. Tự dưới chân núi bước lên non một trăm bậc, rồi mới vào cửa hang, rộng hơn đỗng chùa Hương nhiều…”
Đặc biệt, nếu chúng ta đọc lại bài viết của tác giả trứ danh cùng thời với Phạm Quỳnh là Nguyễn Văn Vĩnh trong bài ‘Động Hương Tích” thì thấy cái nhìn của người xưa cũng thật tinh tường, khách quan và thẳng thắn. Bởi, có lẽ, vào cái thời gian những năm đầu thế kỷ 20, có ai dám nói Nam thiên đệ nhất động (động đẹp nhất trời Nam) không phải là Động Hương Tích mà danh hiệu đó dành cho hang động ở Cửa Lục (Hạ Long), thì xin thưa, người đó chính là Nguyễn Văn Vĩnh.
Đây là đoạn ông viết cảm nhận của mình trước nét đẹp của động Hương Tích (Hà Tây): “…Sau cổng có một mảng đá phẳng, đẽo vào sườn hang, trên có khắc năm chữ ‘Nam thiên đệ nhất động” của đức Minh Mệnh đề (…). Ý hẳn khi ấy, Ngài chưa ngự các núi Cửa Lục bao giờ, cho nên Hương Sơn Ngài đã cho làm đệ nhất thắng cảnh” (Việt văn độc bản, lớp 11, Bộ Giáo dục Trung tâm học liệu, Xuân Thiều, Trần Trọng San, 1971. Trang 191).
Trong đoạn này, trước hết, tạm thừa nhận việc tác giả Nguyễn Văn Vĩnh ghi dòng chữ ‘Nam Thiên đệ nhất động” là của đức Minh Mệnh là vì thời đó, người ta chưa chứng minh chính xác được tác giả là ai, nên mới tạm ghi là Minh Mệnh. Bây giờ, các nhà sử học đã chứng minh, đó không phải của Ngài, mà là của Trịnh Sâm, cho khắc năm Canh Dần (1770). Hơn nữa, việc ghi nhận định so sánh của Nguyễn Văn Vĩnh ra đây, không phải để đánh giá, so sánh nơi nào đẹp hơn nơi nào, không phải coi Hạ Long đẹp hơn Hương Sơn hay ngược lại, mà nhấn mạnh rằng, vùng Hạ Long – Cửa Lục với những giá trị cảnh quan, vẻ đẹp của hang động, đã được Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng đây mới là Nam thiên đệ nhất động.
Cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tìm và giới thiệu với độc giả 5 bài thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương [Xem sách Thiên tình sử Hồ Xuân Hương. NXB Văn học. Hà Nội, 2002 (tái bản).]
Tuy nhiên, trước khi đến với thơ của nữ sĩ Xuân Hương, chúng ta cùng đọc những trang văn mềm mại, uyển chuyển của ông: “… Đặc biệt là huyện Hoa Phong, gồm các đảo trên Vịnh Hạ Long ngày nay (…) có vô số núi lèn dựng trên mặt nước, bờ dựng đứng lên cao, chân bị sóng xoi mòn mà sâu hoắm, thành những hành lang kín mái nấp chung quanh núi. Đỉnh núi đá ghồ ghề, nhấp nhô, bày ra đủ mọi hình dáng: nào lâu đài, nào thầy tăng, nào dũng sĩ, nào con cóc, nào con mèo, nào con thuyền, nào chiếc đũa. Nhiều núi mang hang, động đường hầm, vũng nước. Đảo tuy riêng rẽ, nhưng số rất lớn đến đồi trông xa tưởng liền thành rặng núi chắn ngang. Nếu trời mưa phùn, hay hơi mù, thì đảo càng xa, trông càng mờ, khiến các đảo lại trở thành riêng rẽ ra thành nhiều từng lớp. Nếu lại thêm bóng xế mặt trời chiều xuống, thì cảnh tượng lại càng tuyệt mục. Ban ngày, khi trời nắng sắc nước rất xanh, trông xa lẫn với sắc trời. Ban tối, dưới bóng trăng bạc thì sắc trời, ánh nước mờ nhạt sau bóng đá đen. Dới mái chèo vẫy nước, thì lại hiện ra cảnh tượng lân tinh nước tóe ra như sao băng…” (sách Thiên tình sử… Trang 181-182).
Cũng qua tập sách này, tác giả đưa ra một số lời đánh giá, ca ngợi Vịnh Hạ Long của 2 người nước ngoài cũng thật thú vị và như có ma lực lôi cuốn.
Đây là cảm nhận của một người Trung Quốc: “Mùa đông năm Khang Hy thứ 27 (1688) tôi ngẫu nhiên có việc ở Cao Lương thuộc Quảng Đông. Tôi lấy thuyền đi tắt cho chóng. Không dè bị dạt gió vào ở mép nước An Nam gọi là châu Vạn Ninh (…) Hoa Phong là những hòn đảo. Nhìn tứ phía đều là núi, nhỏn nhon chập chồng. Trăm vạn hình dáng từ đáy bể chỗi vọt lên. Tuyệt nhiên không cát đất, lùm cây, đám cỏ. Chỉ có cây tùng lạ, cây bách cỗi, hình dáng li kì mọc xen kẽ đá bày gân lộ cốt mới vợt lên được. Ngắm thấy hình hoặc như trăm thú vật, như dũng sĩ mang áo giáp mũ trụ đang ngồi hoặc như đám mây hè, đỉnh mang lửa, đang vụt chỗi lên. Hoặc khi xa thì thấy vậy mà khi lại gần mà không thấy vậy. Hoặc khi khi nhìn thẳng trước thì như vậy mà khi nhìn bên nghiêng thì khác vậy. Trong chớp mắt, gió mây biến đổi ảo trạng không chừng…” (Trích Tiểu phương Hồ trai Dư địa Tùng sao, tập 3, trang 1159) [sách Thiên tình sử.. Trang 182-183.]
Và đây nữa, cái nhìn của một người phương Tây viết Vịnh Hạ Long vào lúc hoàng hôn, cảnh vật trở nên tĩnh lặng, yên ả, gợi chút lo âu như ngời lính bị lạc trận: “Lúc mặt trời gần lặn thì như có một hỏa hoạn bùng lên và cảnh trí hỗn độn vĩ đại kia trở thành một khung cảnh tuồng khổng lồ giàn ở tiên giới, vào lúc cực thịnh trước khi đóng màn. Những cảnh sắc để ấn tượng sâu hơn là khi ngắm cảnh dưới bóng trăng trong, lúc những chim, sinh vật độc nhất ở đây đã ngủ. Cảnh tượng trở nên ma thần mộng ảo khi con thuyền len lỏi vào giữa những kiến trúc thất thực của các đảo: lâu đài phòng ngự xây trên cồn đá lem nhem (phải chăng là đảo Ngọc Vừng có đồn Tĩnh Hải được xây dựng từ thời Nguyễn Công Trứ, hiện vẫn còn dấu tích trên đảo?- TG chú) đại từ đường khổng lồ, cột bia ngạo nghễ nghiêng thân sắp đổ đè mình”(J. Auvray, theo Guide Madrolle – Indochine du Nord 1939, trang 54. Trích nguyên văn trang 184, sách Thiên tình sử… của Hoàng Xuân Hãn).
Trở lại với 5 bài thơ chữ Hán về Vịnh Hạ Long của nữ sĩ Xuân Hương, riêng bài “Qua vũng Hoa Phong” đã được giới thiệu nhiều, xin không nhắc lại. Chúng tôi xin trích dẫn những dòng thơ viết về phong cảnh Vịnh Hạ Long. Ở bài “Trỗi tiếng ca chèo”, biển trời, non nước Hạ Long như một bức tranh thủy mặc. Đừng tưởng Hồ Xuân Hương chỉ có nổi tiếng bởi thơ Nôm, thơ bà chỉ thiên về tình cảm, tình yêu, phê phán xã hội, chọc ngoáy xã hội vì những sự bất công, tệ bạc đối với phụ nữ của xã hội chuyên chế Phương Đông. Bên cạnh đó, còn có một Hồ Xuân Hương với những vần thơ về non sông đất nước. Điều này thể hiện qua vần thơ chữ Hán sau của Bà:
“Long lanh bốn phía rủ màn mây/ Nước phẳng lô nhô măng mọc dày/ Mới biết nguồn Đào ngăn cửa đá/ Nào ngờ Bến Cá có đồn xây/ Mặc cho họ Tạ xem đâu hết/ Dẫu có chàng Lâm vẽ chẳng tày/ Xa ngóng chân trời non lẫn nước/ Bỗng nghe chèo hát trỗi đâu đây” (Chú thích: Tạ Linh Liên thích đi chơi xem non nước. Ngọc Vân thích vẽ cảnh non nước) (Hoàng Xuân Hãn dịch). Nhìn những ngọn núi nhấp nhô trên mặt biển mà gọi là “măng”, nữ sĩ đã đưa cả cái hình ảnh đồng quê Việt Nam, cái hình ảnh gần gũi thân thuộc, đáng yêu thay cho núi đá rắn rỏi quả thực, hình ảnh đã được “mềm hóa” đi mà vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có…
Bài thơ “Phỏng diễn ra trận văn” lại không tả cảnh, mà là một cái nhìn có tầm quân sự chiến lược đối với vùng biển đảo như lũy giăng để chặn quân thù. “Giữa duềnh thủng thẳng phẩy chèo lan,/ Sát núi càng hay, cảnh lặng nhàn./ Mây cuốn bày ra lèn cứng cỏi,/ Núi cao ngửng ngóng đỉnh toan ngoan./ Bằng Di chống cột e trời đổ,/ Long Nữ thêm nêu sợ bể tràn./ Dấu ngựa Thủy Hoàng chưa đến đó/ Trời dành để giữ đất ngời Nam.” (Hoàng Xuân Hãn dịch).
Trước cảnh núi non, biển trời hùng vĩ, tươi đẹp, không chỉ có thi hứng, cảm nhận về cái đẹp, cái hùng vĩ, mà nữ sĩ lại liên tưởng, nghĩ đến tương lai, vận mệnh đất nước, bảo vệ bờ cõi linh thiêng của dân tộc. Hai câu cuối “Dấu ngựa Thủy Hoàng chưa đến đó/ Trời dành để giữ đất người Nam” học giả Hoàng Xuân Hãn có một phát hiện quý giá, câu thơ có ý gần giống với ý trong bài “Núi Chiếc đũa” của Hoàng đế Lê Thánh Tông: “Trời còn dành để An Nam mượn/ Vạch chước bình Ngô mãi mới vừa.” Những tư tưởng lớn thường gặp nhau ở chỗ đó. Đứng trước núi non, biển trời Hạ Long hùng vĩ này, mà nghĩ rằng, đó là được trời cho để bảo vệ độc lập dân tộc vẹn toàn lãnh thổ, vì sự bình yên cho muôn dân thì Lê Thánh Tông – vị Hoàng đế anh minh thời Lê, thế kỷ 15 khôn ngoan, sắc sảo đã gặp Hồ Xuân Hương – một nữ sĩ tài sắc và cũng ngang ngạnh… sinh sống tận thế kỷ 19. Kỳ diệu thay! Thế kỉ 20, trước những biến động và tình hình đầy phức tạp về biển đảo như hiện nay, đọc lại những câu thơ trên thật xúc động và cũng thấy… “cảm hoài”.
Đến đây, bỗng nhớ lại bài “Cư trần lạc đạo” của Trúc Lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc san (xôn?) hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Tạm được dịch nghĩa là:
Ở đời vui với hãy tuỳ duyên
Đói cứ ăn, mệt cứ nghỉ
Trong nhà có vật báu, không phải đi tìm kiếm
Trước cảnh (mà) vô tâm, thì đừng nói chuyện thiền./.
Hà Nội, ngày đầu năm 2010
© 2010 Nguyễn Học
© 2010 talawas
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét