Bài này tương đối cũ, viết năm 2006 và đăng trên Talawas. Nhận thấy nó vẫn còn tý giá trị, đọc lại thấy hâm mộ mình quá, tự sướng nên post nhân khai trương blog!
Trong thời đại nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, để mưu sinh, tồn tại, con người luôn phải vận động, lao động, nhanh nhạy nắm bắt thị trường và giống nhau ở chỗ đều cần có... tốc độ. Dường như, trước vòng xoáy của cơ chế thị trường, cơn lốc của toàn cầu hóa, con người chỉ biết làm và làm. Họ chạy đua với thời gian, chạy đua với xã hội, với đồng nghiệp, với con người, với cơ chế để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn. Vì vậy, tốc độ trở thành yếu tố không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của con người. Vào trong vòng xoáy đó, chúng ta có cảm giác như lúc nào cũng thấy vội vàng, thiếu thời gian, như có người luôn rượt đuổi sau lưng. Từ làm việc, nghỉ ngơi, ăn, uống đến thưởng thức văn hóa văn nghệ... cái gì cũng cần “tốc độ”. Đã qua đi rồi cái thời kỳ vừa làm vừa chơi, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Sự đào thải trong xã hội ghê gớm tới mức, người lao động luôn thường trực một niệm: Mình có thể bị sa thải, tụt hậu bất cứ lúc nào. Xã hội luôn vận động theo quy trình của nó theo một nguyên lý nhất định. Cơn lốc cơ chế thị trường tạo ra một nếp sống theo “tốc độ”’, nghĩa là, để tồn tại, phát triển, chúng ta cần có tốc độ. Tốc độ ở đây không chỉ hiểu là nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian, mà thêm cả yếu tố đảm bảo chất lượng trong đó. Bởi nếu như, sự nhanh mà không có chất lượng thì... đồng nghĩa với phá hoại. Chẳng cần đi đâu xa, chẳng cần nghiên cứu sách này, sách nọ, nếu như chúng ta dành thời gian để quan sát trong một công ty sản xuất, một cơ quan hành chính hay một quán ăn, trong chính cuộc sống của chúng ta, thì sẽ cảm nhận được cái “tốc độ’ đó. Tôi đã từng công tác tại cơ quan quản lý nhà nước và một đơn vị kinh doanh, những gì tôi “mắt thấy tai nghe” đặt ra cho tôi câu hỏi rằng: Liệu bây giờ có phải là thời của “tốc độ” hay không? Vấn đề đáp án cho câu hỏi, có lẽ cần dành thời gian dài để tìm hiểu nó, nhưng chỉ cần quan sát cuộc sống xung quanh ta, chợt thấy nó tốc độ quá, cập rập quá, vội vàng quá trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
1. Tốc độ ăn
Các cụ thường bảo “Dân dĩ thực vi tiên” (Dân lấy miếng ăn làm trọng) hay là “có thực mới vực được đạo”, nên ta bàn chuyện tốc độ ăn trước.
Bây giờ chúng ta, nhất là những người sống trong đô thị ăn rất nhanh. Bữa sáng, các quý ông, quý bà chỉ ăn một chút phở, bún, canh cua, xôi... để đi làm. Thoáng vào quán và thoáng đi. Các quán ăn sáng tại những nơi đô hội này rất hiểu tâm lí của các “thượng đế” nên bao giờ họ cũng có nhiều nhân viên phục vụ, hay phục vụ rất nhanh, kịp thời, khẩn trương. Vì họ thừa hiểu rằng, nếu không đạt được tiêu chí đó (bên cạnh các tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...) thì các thượng đế chỉ tới một lần, không bao giờ trở lại...
Bữa cơm trưa tại công sở, hay còn gọi là cơm công nghiệp, cũng không kém phần long trọng. Đúng giờ nghỉ, người ta xuống ăn cơm. Nhưng, họ chỉ dùng bữa cơm trong 5, 7 phút đã xong. Vội vội, vàng vàng, họ trở lại phòng làm việc với vô số những công việc còn dang dở và không quên vào internet để cập nhật thông tin. Họ ăn như một trách nhiệm, nghĩa vụ. Bữa cơm tối trong gia đình, tình trạng cũng tương tự. Tuy không phải gia đình nào cũng vậy, nhưng có hiện tượng là cả vợ, chồng, con cái, dùng bữa cho nhanh để rồi, vợ, chồng đi học thêm, học bù, không thì cũng ti vi, đọc báo, rạp chiếu bóng... Còn con cái lại có hàng trăm, nghìn bài tập phải làm. Dường như, đời sống kinh tế của một bộ phận lớp người trong xã hội được nâng cao. Họ có đủ điều kiện để mua sắm các thiết bị, đồ dùng cho sinh hoạt gia đình, đủ để chi tiêu mua đồ ăn uống sang và xịn, nhưng chẳng biết cái cách ăn tốc độ như vậy thì họ cảm giác ngon đến đâu, bổ béo đến đâu?
2. Tốc độ mặc
Nói mặc tốc độ, mới nghe tưởng khôi hài, ấu trĩ, nhưng đúng là có tốc độ mặc. Cái tính chất của tốc độ mặc không giống với tốc độ ăn. Không phải là chuyện cởi quần, cởi áo, cởi váy, và cởi... tất tần tật nhanh, hay chậm, mà ở đây là tốc độ thay đổi nhanh đến chóng mặt của sự “ngắn hóa” áo quần, sống váy.
Sự hoà nhập về thời trang nhanh tới mức trên các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, và một số thành phố khác, luôn có những tuýp người ăn mặc hở không ra hở, kín không ra kín. Áo có dây rợ lằng nhằng, ngắn thì đã đành, hở hết rốn đã đành, nhưng lại còn cổ hình trái tim, trần vai, như cố tình khoe đôi “gò bồng đảo” chẳng mấy cao vời vợi gì... Lại còn “yếm đào chốn quê” long lanh sắc thắm, bồng bềnh chuyện cổ ngày xưa, chỉ cần nhìn vào đã thấy mát mẻ lắm rồi. Đó là chưa kể những chiếc áo có mặc mà như không, bởi cái sự “siêu mỏng” của áo. Váy càng hấp dẫn. Một thời kỳ, có người hát rằng “em ơi Hà Nội váy”, “em ơi Sài Gòn váy...”. Váy ngắn, váy dài, váy đầm. Không kể người ngợm thế nào, cứ có nhiều tiền là mặc váy. Nhiều quý bà sồn sồn giàu có, béo ục ịch cũng váy đầm sát đất, nhiều chị vốn là người nông dân đôn hậu, ra thành phố làm ăn có chút kinh tế khá giả cũng váy Hàn Quốc để lộ đôi chân đen như củ súng và đôi bàn chân như chiếc chổi cùn quê tôi... Rồi lại quần đùi ngắn, sát bẹn. Quần trễ rốn, quần tụt, như đang tụt... Ra đường, quan sát tưởng như, có nhiều giá áo quần di động chuyển động hơn là một con người diện thời trang trẻ. Ai đó có nhại câu thơ của Hàn thi sĩ là “Váy em ngắn quá... nhìn không ra...” quả là có chủ ý.
3. Tốc độ đi
Những người làm việc cần đi nhiều như người làm ngoại giao, người kinh doanh, người làm báo, người đưa thư... thì là tất yếu đáng trân trọng. Bởi sự đi nhiều của họ đem lại giá trị tốt đẹp cho đất nước. Nhưng, tốc độ đi tôi định bàn ở đây là tốc độ của những chiếc xe có nhiều phân khối lượn lách trên đường phố. Tệ nạn đua xe đã và tiếp tục sẽ có. Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều trong việc cấm và chống đua xe, nhưng hiện tượng vẫn xảy ra, báo chí vẫn nói nhiều. Tốc độ đi xe của các ‘tay đua’ xếp vào hạng “cậu giời” không biết sợ ai thì khỏi phải bình luận. Ga rồ lên, rú lên, xe đảo điên lao vào chốn đông người. Xe lắc lư hình con rắn trong thành phố, ai nhìn cũng hãi hùng. Kết quả của những cuộc đua xe, rượt đuổi nhau trên đường phố là các “cậu giời” cùng vào bệnh viện “tạm trú”, không thì cũng là các đồn công an. Ngày nay, người ta vội vàng, tốc độ đi nhanh đến mức mà dọc các đường quốc lộ, ô tô, xe máy luôn vi phạm tốc độ giao thông quy định, khiến cho cảnh sát giao thông luôn phải kiểm tra, bắn tốc độ, bấm bằng lái xe khi vi phạm... Đó cũng là hệ quả của một cuộc sống luôn nhanh nhạy và tốc độ đi cũng luôn... cao. Ra đường, nhìn ai cũng hối hả ngược xuôi. Đường phố lúc nào cũng đông người. Đoàn người tấp nâp, dòng người cứ trôi. Cả xã hội vận động. Ai cũng có việc để đi. Đi như con thoi. Đi đến chóng mặt. Và sự đi nhiều, sự thích ứng nhiều, như có một ý kiến nhận xét, tạo ra một hội chứng “chạy”. Chạy, chạy đua trên nhiều lĩnh vực cũng là biểu hiện của đi tốc độ đấy chứ?
4. Tốc độ nói
Nói và làm việc là quyền của mỗi người. Nhưng, có lẽ bây giờ người ta thích nói nhiều, nói nhanh. Trong nhiều cuộc họp, hội thảo, người ta tranh nhau nói, chỉ sợ người khác nói mất phần. Người nói nói nhiều, người nghe ngồi dưới buồn ngủ, ngáp dài. Nhiều người nói không hiểu mình đang nói điều gì. Nếu chúng ta chịu khó xem truyền hình, thấy có một số người dẫn chương trình (ta hay gọi là MC) nói vừa dài, vừa nhanh. Nhiều khi, khán giả đến phát cáu với cách nói này. Nhưng người ta cứ nói, ai làm gì nào? Bây giờ thì cả đài phường cũng đua nói với nhân dân. Khi người ta không muốn nghe, đài phường cứ nói. Mà, đài phường đã bật lên thì nói rất to, chẳng ai ngăn, giảm âm lượng được. Sự tranh nhau nói, nói nhanh, nói dài dẫn đến một bệnh dịch tràn trong xã hội, đến ngay như trẻ em bây giờ, nhiều em còn nhỏ, nhưng do thói hư học từ người lớn, cũng nói nhanh như... đài và cũng dài dòng như mấy chị MC. Không tin, chúng ta hãy thử gặp một vài em trong các trường mẫu giáo, tiểu học mà xem...
5. Tốc độ yêu
Yêu là tình cảm đặc biệt thiêng liêng của con người từ khi con người có mặt trên hành tinh. Thế nhưng bây giờ, trong một bộ phận lớp trẻ, người ta cũng yêu... tốc độ. Họ nhanh yêu nhưng cũng nhanh bỏ. Có một cô thiếu nữ còn nói với tôi rằng, em thấy quý anh, thích anh thì chiều anh, cho anh đi chơi qua đêm với em, nhưng chỉ trong thời gian ngắn thôi. Tháng nữa, thằng bồ em nó về thì ta lại là bạn của nhau.
Chúng ta cũng biết có vô số nam, nữ, chỉ quen nhau trên mạng chat rồi nhanh chóng yêu nhau, vài tháng, thấy không thích nữa, bỏ nhau dễ dàng, không suy nghĩ... Bởi vậy, có bài hát, bị lên án nhiều nhưng một số bạn trẻ vẫn cứ thích “Tình yêu đến em không mong đợi gì/Tình yêu đi em không hề nuối tiếc”. Nhiều mối tình của các em thế hệ 8X, còn gọi là U22 nhanh đến mức chỉ trong một tháng, tình yêu đến và cũng là thời điểm kết thúc.
6. Tốc độ làm việc
Điều này quyết định sự sống còn của cá nhân, tập thể trong xã hội. Để được nhận lương, người công nhân phải hoàn thành công việc được giao ở mức trung bình. Để được thưởng, họ phải hoàn thành xuất sắc công việc. Để làm được điều đó, họ cần có tiêu chí hàng đầu là tốc độ, sau là yếu tố chất lượng, hiệu quả. Trong cơ chế cạnh tranh gay gắt, khốc liệt như hiện nay, tốc độ được coi là một trong những yếu tố hàng đầu. Ngành điện tử viễn thông cạnh tranh nhau tốc độ truyền tin. Ngành báo chí, cạnh tranh tốc độ, thời gian đưa tin. Các ngành khác cũng vậy. Giải quyết khâu tốc độ, tiến độ đem lại cho cơ quan, doanh nghiệp nhiều lợi nhuận. Trong bộ máy đó, chúng ta sẽ rất khó chịu khi gặp một đối tác có cách làm việc trì trệ, chậm chạp và không năng động. Sự cạnh tranh về tốc độ đang có nhiều điều để nói. Các cá nhân cũng cần có tốc độ nhanh, hiệu quả. Người công nhân làm tốt công việc, lại nhanh chóng hoàn thành thì bao giờ họ cũng được động viên khen thưởng so với anh chậm hơn, cho dù nhiều hay ít. Và, để có tốc độ, để cạnh tranh được, mỗi cá nhân, mỗi tập thể đều căng sức mình để lạo động, rèn dũa và tiết kiệm thời gian. Vì thế, theo logic cuộc sống, cái này níu cái kia, dẫn đến cả xã hội sống trong... tốc độ.
Tốc độ là thước đo cho mỗi con người trong thời đại này. Tốc độ cũng có mặt trái của nó. Nếu anh làm nhanh mà không cẩn thận, không chắc chắn thì anh sẽ trở thành người phá hoại. Nếu anh nói nhanh quá làm người nghe không hiểu anh nói gì, sẽ trở thành vô duyên, không tôn trọng người nghe. Nếu anh ăn nhanh quá thì anh là người bất lễ, không biết cái ngon của món ăn, không thưởng thức được giá trị của nó. Nếu anh đi nhanh và ẩu quá, anh sẽ bị tai nạn, vi phạm luật giao thông và bị xử lí. Nếu anh mặc “tốc độ” quá, anh sẽ trở thành cái giá quần áo, anh không có tư cách, bản lĩnh và văn hóa, không đuợc người khác tôn trọng.
Sự phát triển nhanh của xã hội, sự nhanh nhạy trong cơ chế thị trường, sự cạnh tranh về “tốc độ” đem lại nhiều lợi ích, nhưng đằng sau nó là một hệ luỵ, một vấn đề về văn hóa, một nguy cơ tiềm ẩn: Chúng ta đứng trước nguy cơ văn hóa mất bản sắc, nguy cơ con người ít tính nhân văn hơn là tính nhân... tiền.
© 2006 talawas
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét