Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Giao thừa đì đẹt tiếng pháo và lố nhố bóng cảnh sát cơ động




Giao thừa năm Nhâm Thìn 2012 diễn ra trong bầu không khí ấm áp và thân mật trên đất nước dải hình chữ S thân yêu này, mặc dù đêm 30 Tết (thực ra là đêm 29 vì là tháng thiếu) trời lạnh buốt và có mưa phùn nho nhỏ.

Tết năm ay ở Thái Bình, có lẽ ấn tượng lớn nhất với người dân không phải là đào, quất, mai, không phải là bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối, cây nêu, mà là ở PHÁO.

Ngay từ những ngày mới đặt chân về Thái Bình ăn Tết (từ 27 âm lịch), tôi đã được nghe không ít lần trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh bàn nhiều, nói nhiều, răn đe nhiều đến việc tàng trữ, sử dụng, sản xuất và vận chuyển, buôn báo pháo nổ. (xin gọi tắt là cấm PHÁO).

Về hình thức tuyên truyền, đáng nhớ nhất là hệ thống loa phường, loa xã công cộng phát  thường xuyên và liên tục những chỉ thị, khuyến cáo người dân khi tàng trữ, sử dụng, vận chuyên sản xuất và buôn báo pháo nổ…Rồi những xe cơ động có loa nén, phát những nội dung trên cũng được sử dụng thường xuyên.

Trên kênh Truyền hình Thái Bình, không thể không nhắc đến chương trình Tọa đàm truyền hình có tiêu đề (xin lỗi là rất thừa chữ và một chương trình hay không bao giờ để cái tiêu đề rườm rà thế này) là ĐỂ TẾT KHÔNG CÓ TIẾNG PHÁO (khi thiết kế Backgroud, họa sĩ của Đài để thành 2 dòng: hai chữ ĐỂ TẾT dòng bên trên, chữ KHÔNG CÓ TIẾNG PHÁO dòng bên dưới) có sự tham gia của Lãnh đạo công an tỉnh và cả đồng chí giám đốc Đài truyền hình Thái Bình.

Thực tình, nghe đồng chí Lãnh đạo Đài truyền hình tỉnh ngồi đó Tọa đàm chủ đề đó, tôi đã cảm thấy không hạp, nghe đồng chí nói, thấy… nó làm sao ý….

Phải nói rằng, Tết này toàn bộ hệ thống chính trị ở Thái Bình quê tôi đã làm hết sức và làm nghiêm theo chỉ thị 36CP của Chính phủ về cấm PHÁO. Tại địa phương tôi ở, các đồng chí Bí thư, công an khu vực cũng đi nhắc nhở các hộ gia đình quán triệt thực hiện Nghị định này. Có hộ gia đình được nhắc nhở tới 2 lần.

Đêm giao thừa…

Khí trời của mùa xuân và mùa đông, năm cũ và năm mời giao hoàn, mưa lâm thâm, trời tối đen như mực.

Trời lạnh buốt.

00h, một chiếc xe tải thùng đóng bạt chở khoảng 1 tiểu đoàn chiến sĩ cơ động, 01 chiếc ca con 5 chỗ biển 17B…. có đèn xanh trên nóc kêu eo éo đến kinh tai đậu ngay đầu ngõ nhà tôi.

Xịt… đoàng

Một tiếng nổ lớn vang lên giữa bầu trời tối đen ở ngay sau ngôi nhà đối diện nhà tôi. Mấy anh cảnh sát cơ động chạy lố nhố về khu có tiếng pháo nhưng chẳng thấy ai. Cứ thấy các chiến sĩ hất đầu lên cao nhìn nhìn chán rồi lại bỗng nghe một băng pháo nổ liên hoàn pành, pành , pành… ở sau khu nhà tôi, thế là các chiến sĩ cơ động lại chạy túa lua vào trong ngõ. Nhưng khốn nỗi, ngõ sâu lại không có điện, tối om. Một lát các chiến sĩ lại chạy ra vì chẳng bắt được ai cả. Tận mấy ngày sau Tết, nghe đồn rằng, bánh pháo đó là ở ngõ bên, khu sau nhà chứ không phải trong ngõ tôi.

Rồi bỗng nhiên, đồng loạt tiếng pháo nổ liên hồi ở khu mạn bên phải nhà tôi. Một đồng chí công an quân hàm Trung tá, đội mũ vải, cầm điện thoại gọi liên tục từ nãy tới giờ chỉ đạo các chiến sĩ cơ động: ở bên kia!

Thế là một nhóm các chiến sĩ cơ động chạy thành hàng tút về phía tiếng pháo nổ. Tại khu ngõ tôi chỉ có 1, 2 đồng chí cảnh sát và 2 chiếc xe bật đèn xanh quay nhấp nháy suốt trong đêm tối….

Khoảng gần 1h sau giao thừa, các chiến sĩ cơ động và đoàn xe kia rút, không cò ai ở ngõ tôi. Tình hình các đồng chí cơ quan túc trực và kiểm soát đốt pháo không chỉ ở ngõ nhà tôi, mà nghe mấy anh bạn nói, trên toàn Thành phố Thái Bình đâu đâu cũng như thế. Đúng là pháo không chỉ làm tốn kém tiền bạc, làm tai nạn mà còn làm vất vả cho vô số những chiến sĩ công an trong đêm giao thừa.

Và, sau đó không lâu, tôi nghe tiếng pháo cứ đì đẹt, đì đẹt suốt…

Đến gần sáng thì tiếng pháo càng dồn dập và mật độ dày thêm, người đốt hiều hơn.

Pằng, pằng, pằng, pằng…. tiếng pháo nổ đanh, giòn và mạnh ngay đầu ngõ tôi. Chả biết ai mà liều lĩnh thế. Sáng mồng 1 Tết, tôi ra ngõ, thấy trắng xóa xác pháo, cái chỗ ở ngay với chỗ đậu xe của các chiến sĩ cơ động đêm qua. (xem ảnh dưới)

Phải chăng, nếu các chiến sĩ cơ động chịu khó túc trực đến sáng thảo nào cũng bắt được người đốt pháo. Nhưng cũng trộm nghĩ, nếu các đồng chí ở đó, chắc gì người ta đã đốt pháo?

Vấn đề người dân ở Thái Bình đốt pháo đến đâu, xử lí đến đâu là việc của các đồng chí có liên quan chứ chẳng phải của tôi.

Tôi chỉ ghi lại những điều trông thấy trong đêm giao thừa Nhâm Thìn này. Một giao thừa mà sao tôi tự nhiên lại mất đi cái cảm giác ấm cúng và linh thiêng trong đêm giao thừa, chỉ vì thấy chiếc xe cảnh sát quét đèn loang loáng suốt ở đầu ngõ cũng những bóng cảnh sát cơ động lố nhố trong khu vực nhà tôi. Hay là do cái tâm lý “ra đường sợ nhất công an” mà những người nông dân như tôi luôn canh cánh mang theo???

Nhìn những bóng dáng các chiến sĩ cơ động trong bộ trang phục quần áo, mũ mão và dùi cui… sao tôi cứ nghĩ đến những hình ảnh của một cuộc bạo loạn, một lần công an đi cưỡng chế, một lần nông dân đi biểu tình đông người tại những khu vực có liên quan đến giải tỏa, cưỡng chế đất đai… Và đặc biệt là hình ảnh ở Tiên Lãng, Hải Phòng  vừa xảy ra ngày 5/1/2012 mới đây…

Có cảm giác như cái khu vực tôi ở sắp có bạo loạn hay có cái gì đấy đặc biệt nguy hiểm lắm đến an ninh, kinh tế, văn hóa… chứ không phải chỉ vì đấy là lực lượng phòng-chống đốt pháo trong đêm giao thừa.

Trong tôi, hình ảnh người chiến sĩ cơ động, một nhóm 4 người đi tuần tra hằng đêm tại thành phố luôn cho tôi một cảm giác yên lành và an toàn. Sự xuất hiện thường trực của họ trong đêm đã ngăn ngừa và phòng chống biết bao tệ nạn xã hội, bảo vệ những người dân như chúng tôi. Tôi cảm thấy kính trọng và đánh giá cao những chiến sĩ và cách làm đó.

Song ở đây, khi đi tuần tra đêm giao thừa, đi thành hàng, tiểu đội và lùng sục tận ngõ ngách nhà người ta vào lúc linh thiêng nhất chỉ vì mục đích là cấm đốt pháo, sao tôi thấy hụt hẫng và như có gì đó bị xúc phạm, mặc dù biết rằng, thành tích thực hện chỉ thị 36 CP của các đồng chí công an tỉnh trong Tết vừa qua là rất đáng trân trọng.

Một anh đi ngang đường buột miệng nói (hơi tục) rằng:

- Đi rình thằng đốt pháo Tết khác gì đi rình thằng đánh rắm chỗ đông người.

Đúng là cái nhà anh ấy chả hiểu gì pháp luật. Lực lượng cơ động đó đang thực hiện nhiệm vụ, thực hiện tốt Nghị định 36 CP của Chính phủ đấy.

Nghe đâu, để đảm bảo an ninh trật tự, trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Nghị định 36/CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, Công an tỉnh Thái Bình đã tăng cường gần 300 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố phối hợp làm nhiệm vụ kể từ ngày 10/1/2012.

Rõ thật là tập trung hết sức.

Trộm nghĩ rằng, để thực hiện tốt Nghị định 36 CP, nếu huy động lực lượng đông đảo và tập trung như thế, nếu làm mạnh vào khâu VẬN CHUYỂN, BUÔN BÁN pháo nổ và TRIỆT ĐỂ NGĂN CHẶN CÁC NGUỒN THUỐC PHÁO thì đêm giao thừa, các chiến sĩ công an có thể kê cao gối mà ngủ, những người còn say sưa với truyền thống dân tộc, say sưa với tiếng nổ từ ngàn năm của các cụ là tiếng pháo (tựu trung là những người đốt pháo) lấy đâu, lấy gì ra mà đốt, mà làm? 

Khi đó, chẳng cần huy động nhiều công an, cơ động, chẳng cần tổ chức lực lượng tại khắp thành phố làm gì, vừa tốn kém, vừa làm những người dân như tôi không vui, vừa lãng phí trí tuệ và sức mạnh của các chiến sĩ (Nếu huy động họ và những nhiệm vụ trấn áp tội phạm, phòng chống ma túy, cờ bạc, đua xe, tệ nạn xã hội khác.... thì tốt hơn).

Không biết Tết sang năm, tỉnh Thái Bình còn quyết tâm thực hiện 36 CP như năm nay hay không, chứ cứ như năm nay thì tôi xin đóng chặt cửa và bịt chặt đôi tai, dán mắt vào cái vi tính để khỏi nhìn thấy những đèn xe, cảnh sát đang rầm rập ngoài đường giữa lúc đất trời đang giao hòa, chuyển mùa, giữa lúc mùa xuân tương lai đang tràn về trên khắp đất trời quê hương.

3/2/2012
NGUYỄN HỌC

Ảnh về xác pháo đầu ngõ của tôi - nơi mà đêm giao thừa các chiến sĩ công an đỗ xe và triển khai lực lượng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét