Với những gì
đã thể hiện khi vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, em “bồ kết”, hâm mộ
bác Đinh La Thăng quá. Em đã đinh ninh rằng, một thế hệ lãnh đạo mới đã xuất
hiện, một mẫu người “anh hùng thời đại” như mình hằng suy niệm đã có. Có lẽ, đất
nước có phúc, dân ta có phần rồi.
Với những
công việc chỉ đạo, thực hiện của các bác Lãnh đạo cao cấp thì dạng tá điền
chiếu cố như em chả dám ý kiến, ý cò gì (vì em sợ lắm), em chỉ dám một lòng một
dạ “học tập và làm theo” thôi.
Hôm nay, sở
dĩ em liều lĩnh nói đến bác Đinh La Thăng chẳng qua cũng vì cái Đề án thu phí
lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ
cao điểm mà bác đang đưa ra mà thôi.
Đơn giản là vì, cái Đề án ấy (nếu được
Thông qua) thì nó tác động trực tiếp đến đồng tiền, bát gạo, miếng cơm manh áo
của em và thằng cu nhà em. Bản thân em mỗi tháng cũng mất 46.000 đồng (nhà em
chỉ có loại xe máy dưới 175 phân khối). Vậy là một năm em sẽ mất 500 nghìn đồng
cho 1 cái thuế có tên là Phí lưu hành phương tiện giao thông.
Trong buổi
trả lời trực tiếp chiều 12/1/2012, bác Đinh
La Thăng kính mến của em nói rằng: “Chúng tôi đã có tính toán rất kỹ, không cào
bằng, tính đến thực tế của giao thông, mức thu nhập của người dân, nhu cầu đi
lại và kinh nghiệm các nước… Mức phí lưu hành xe máy chia làm 2 loại, loại dưới
175 phân khối mức 500.000 đồng một năm, như vậy mỗi tháng khoảng 46 nghìn đồng,
tương đương khoảng 2 lít xăng. Chúng tôi nghĩ mức này là phù hợp. Với loại xe
trên 175 phân khối, mức phí là 1 triệu đồng…”
Vâng, 500
nghìn/1 năm, với những người khác thì em không biết họ có ok và thoải mái
không, chứ với em thì là vấn đề nguy nan đấy. Nó bằng một hộp sữa cho thằng con
zai nhà em. Nó bằng 1/10 lương tháng của em đấy. Hiện tại em đang vã mồ hôi xoay
sở để đảm bảo cơm áo hàng ngày, vốn đã rất “khiêm tốn và ái ngại” rồi, nay lại
thêm một khoản “xe phí” này nữa thì đúng là…
Hôm qua, em
có ngồi nhẩm và xem lại các loại phí, thuế em phải nộp, cũng không ít (nhưng các
loại thuế ở xứ Thiên đường ngày nay thì vẫn không nhiều bằng Thuế thời Pháp
thuộc).
Hiện tại, mỗi
một thằng tá điền chiếu cố như em đã phải lo chi tiêu đóng góp đủ các loại trên
đời mà thu không đủ tiêu mà nay nếu bỗng
dưng… nộp phí lưu hành phương tiện giao thông nữa thì coi như em bị dồn đến ngõ
cụt. Tích tiểu, thành đại. Nhiều món chi tiêu nhỏ sẽ thành một món chi tiêu
lớn.
Những khoản
hiện tại phải chi tiêu, em chả dám trình bày, vì nó rõ mồn một ra đấy rồi.
Nhưng cái phí lưu hành phương tiện giao thông này, theo như cách trình bày của
bác Bộ trưởng em thấy nó …TRỜI ƠI thế nào ấy.
Cái mục tiêu
của việc thu phí này, theo như bác Đinh
La Thăng nói “không chỉ để giảm ùn tắc giao thông, mà còn tạo ra nguồn
thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn.” khiến em càng thấy u buồn và dễ có nguy cơ bị
bệnh trầm cảm.
Muốn giảm ùn
tắc giao thông cần có quy hoạch đô thị
thật khoa học và hiện đại
Muốn giảm ùn
tắc giao thông, cần có Luật và thực hiện luật giao thông thật nghiêm; cần có
chế tài xử phạt vi phạm giao thông thật nặng và cần nâng cao ý thức tham gia
giao thông của người dân, chứ đâu phải là thu phí lưu hành của phương tiện giao
thông?
Nếu phương
tiện giao thông mà biết nói, e rằng nó cũng lên tiếng đấy.
Ý thứ 2 của
bác Đinh La Thăng là “tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ
người dân tốt hơn” làm em lại nhớ đến câu nói đùa của một bác bán nước chè bên
đường.
Bác ấy bảo,
ngày xưa, thời Pháp thuộc, bọn nó đã có Dự án thu phí nói tiếng Việt. Nó bảo,
thu phí nói tiếng Việt để người dân chịu khó học tiếng Pháp và có nguồn kinh
phí để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tiếng Việt cho người Việt.
Cũng may là
mấy bác bên Bộ Văn hóa, Bộ 4T chưa nghe thấy Dự án này, chứ nếu biết mà thực
hiện thì em lại càng lo.
Lo vì lại
phải tham gia đóng góp một khoản tiền để các cơ quan “đầu tư trở lại, phục vụ
người dân”
Tuy nhiên, nghĩ
lại, dân như em giờ cũng sướng, luôn được quan tâm đấy chứ. Dù gì, em vẫn “bồ
kết” bác Đinh La Thăng, chỉ có điều, nếu cái Đề án của bác được Thông qua thì
khổ cho cái thằng nông dân như em quá. Đời đã nát rồi lại nát hơn chứ chả phải
như ông Vũ Hoàng Chương có câu thơ rằng” Đời vắng em rồi say với ai…”
1/2012
Nguyễn Học